THỂ CÁCH CA TRÙ TRONG GHI NHẬN CỦA NGUỒN TƯ LIỆU HÁN NÔMNGUYỄN XUÂN DIỆN TS. Viện Nghiên cứu Hán NômThể cách là một thuật ngữ trong ca trù và không thấy ở các bộ môn ca nhạc khác. Nghiên cứu ca trù không thể không tìm hiểu thuật ngữ này. Trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu về nội dung khoa học cho thuật ngữ thể cách ca trù trong tương lai, bài viết này là một cố gắng ban đầu, ít nhất là về mặt tư liệu. Hiện nay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 8 cuốn sách mang tên Ca trù thể cách 歌籌體格. Theo đó thì thuật ngữ “thể cách” 體格 chỉ các làn điệu hát, hình thức diễn xướng múa, diễn, nghi lễ, việc thi cử trong ca trù. Các sách cổ đều gọi các tiết mục này là thể cách 體格 . Các tác giả của Việt Nam ca trù biên khảo cũng gọi là thể 體 ca trù. Khi thể cách là làn điệu hát, thì “thể cách” hoàn toàn trùng hợp với “làn điệu” (ví dụ thể cách Hát nói, Bắc phản,…). Thể cách cũng chỉ một tiết mục múa, hoặc diễn xướng thậm chí một nghi lễ trong trình diễn ca trù, một trình diễn kỹ thuật về sử dụng trống hoặc đàn cũng gọi là thể cách. Trong tình hình hiện nay, không có cách nào để biết được ca trù đã từng có bao nhiêu làn điệu hay thể cách nếu không dựa vào thư tịch cổ. Các tư liệu tiếng (băng ghi âm) hiện biết không còn giữ được bao nhiêu thể cách ca trù; việc điều tra hồi cố ở các nghệ nhân ca trù thì càng ngày càng bế tắc, không thể thực hiện được vì số nghệ nhân đều tuổi cao, sức yếu, không nhớ được điều gì đáng kể. May mắn thay, tư liệu Hán Nôm cung cấp được một số lượng lớn các thể cách ca trù, mà khi đối chiếu lại với các công trình nghiên cứu trước đây thì chưa có nhà nghiên cứu nào đạt được.Bài viết này bước đầu giới thiệu nguồn thư tịch Hán Nôm và việc nghiên cứu về thể cách ca trù. I. Khảo sát trong thư tịch cổ Dưới đây là các tài liệu Hán Nôm có ghi nhận về các thể cách ca trù hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (sách cổ có ghi nhận được bao nhiêu thể cách, các thể cách đã được sử dụng trong trường hợp nào: đình đền, tư gia, ca quán, các cuộc thi, lễ tế tiên sư): 1. Bài hát ả đào (AB.652), ghi nhận 8 thể cách: Thét nhạc, Ngâm vọng, Hát mưỡu, Hát nói, Gửi thư, Hát hãm, Dồn Đại thạch, Thổng Thiên Thai. 2. Ca điệu lược ký (AB.463), ghi nhận 24 thể cách ca trù: Giáo hương, Nhạc hương, Thơ hương, Tam Thanh, Thét nhạc, Giáo trống, Nam kệ, Hà Nam, Nói Nam, Ngâm phú, Hà liễu, Bắc phản, Nôm lã, Cung bắc, Chừ khi, Thư cách, Cổ thư, Phú cách, Thơ xướng, Đại thạch, Hãm cách, Phản huỳnh cách, Huỳnh kệ cách, Thơ ngồi. 3. Ca điệu lược ký (AB.456), ghi nhận 20 thể cách: Biếm cái tỉnh, Biếm cái say, Thét nhạc, Ngâm vọng, Dồn cung nam, Hát giai (đào nương hát thì gọi là Hà liễu), Bắc phản (cũng gọi là Hát mở), Hát mưỡu (mưỡu đơn, mưỡu kép, mưỡu nối, mưỡu dựng, mưỡu mở), Hát nói (là khúc hát cổ ở cửa đình; thêm 2 câu đằng sau thì gọi hát nối), Dịp ba cung Bắc, Gửi thư, Dồn đại thạch (đào nương vừa ca vừa múa), Hãm, Phản huỳnh (cũng gọi là Mưỡu phản Đạ thạch nói), Độc thi, Hát thổng (nay dùng cả trong Thiên Thai, Tỳ bà diễn âm), Tân truyện (ngâm thơ Nam kỳ ngả sang Bắc kỳ), Thiên Thai, Chừ khi, Tỳ bà. 4. Ca phả (AB.170), ghi nhận các thể cách như sau: - 15 thể cách chuyên dùng để hát ở cửa đình: Nhạc hương, Thét nhạc, Hát giai (đào nương hát gọi là Hà liễu), Ngâm vọng, Dồn cung nam, Bắc phản, Hát mưỡu, Hát nói, Chừ khi, Gửi thư, Độc phú, Dồn đại thạch, Hát hãm, Mưỡu phản, Nói phản; - 7 điệu dùng trong quán ở tỉnh thành: Thét nhạc, Ngâm dồn, Bắc phản, Mưỡu nói, Dịp ba cung bắc, Gửi thư, Hát phản, còn lại phần nhiều không dùng. - 9 thể cách mà nhà hát tế tiên sư (tổ nghề): Giàng trai, Giàng gái, Mưỡu dựng, Thơ Non mai, Phú Hồng hạnh, Kể đọc Thiên Thai sống trảm, Thổng Ngũ cung, Truyện Ba bức, Hát rối. - Hát ở nhà thường dân dùng các điệu: Thét nhạc, Ngâm vọng, Hát giai, Bắc phản, Hát mưỡu, Hát nói, Dịp ba cung bắc, Gửi thư, Mưỡu phản, Nói phản, Chừ khi, Dồn đại thạch, Hát hãm, Hà vị, Huỳnh hãm, Mưỡu huỳnh. 5. Ca trù (VNv.192), ghi nhận 5 thể cách: Ngâm vọng, Bắc phản, Ca bộ, Bắc cung, Xích Bích phú. 6. Ca trù các điệu (VNb.15), ghi nhận các thể cách ca trù gồm: Hát nói, Dịp ba cung bắc, Gửi thư, Chức cẩm hồi văn, Xích Bích phú, Đọc thơ Tương tiến tửu, Đại thạch, Hãm, Cung bắc. Phần giới thiệu các thể cách gồm các điệu: Hà nam, Hát giai câu một, Độc phú, Thét nhạc, Ngâm vọng, Bắc phản, Phản huỳnh, Huỳnh xướng, Thơ ngồi, Thổng ngũ cung, Nhạc hương, Thi hương, Tam thanh, Giáo trống, Nam xướng, Hà nam, Nói Nôm. 7. Ca trù cách thức mục lục (VNv.160), ghi nhận các thể cách hát ở cửa đình ở hai đoạn như sau: 1. Giáo cổ (giáo trống), Hà nam, Hát giai, Nhạc hương, Thét nhạc, Ngâm vọng, Cung bắc, Chừ khi, Bắc phản, Mưỡu đầu, Mưỡu hát, Gửi thư, Phản huỳnh, [...] ba, Nói huỳnh, Thơ thổng, Đại thạch. 2. Giới thiệu các thể cách trong 3 vòng thi như sau: Vòng 1: Giáo cổ (giáo trống), Thư cách, Hát nam, Thư phòng, Hát giai, Tiến chức, Thăng quan, Nhạc hương, Thét nhạc, Hà nam, Độc phú, Ngâm vọng, Bắc phản, Hát mưỡu, Hát nói, Cung bắc, Dồn đại thạch, Hãm, Dựng, Huỳnh, Bỏ bộ, Dồn dựng. Vòng 2: Rung trống, Chạy đuổi, Hát giai, Hát tầng, Ngâm hát gái, Hát nam, Hát truyện, Hát [...], Hát nói, Dựng, Huỳnh. Vòng 3: Giáo cổ, Thư cách, hát giai, Thư phòng, Tiến chức, Thăng quan, Nhạc hương, Thét nhạc, Ngâm vọng, Bắc phản, Hát mưỡu, Hát nói, Dồn cung nam, Gửi thư, Đại thạch, Hãm, Dựng, Huỳnh, Nói dồn, Gióng chinh phu, Biếm gái. Các bài ca trù theo nhiều thể cách khác nhau, gồm cả lời ca: Giáo cổ, Nhạc hương, Giáo hương, Thét nhạc, Dồn Thét nhạc, Ngâm vong, Gửi thư, Cổ thư, Hát mưỡu, Dựng cung huỳnh, Cung bắc, Chừ khi, Bắc phản, Hát ru, Thơ cách, Đại thạch, Hát sử, Hà nam, Nam xướng, Hát giai, Xướng huỳnh, Hát nói, Ngâm phú, Ngâm vọng cung nam, Hà liễu, Nôm lả, Phú, Thơ, Ngũ canh thi, Hãm, Phản huỳnh, Huỳnh xướng, Thơ ngồi, Thổng ngũ cung, Hà vị, Tiền Xích Bích, Tỳ bà hành, Bỏ bộ. 8. Ca trù tạp lục (VHv.2940), có mục lục ghi nhận các thể cách ca trù: Giáo nhạc, Hà nam, Hát giai, Nhạc hương, Thét nhạc, Ngâm vọng, Dịp ba cung bắc, Chừ khi, Bắc phản, Mưỡu đầu, Hát nói, Độc thi, Gửi thư, Phản huỳnh, Nói huỳnh, Đại thạch. Các thể cách: Giáo nhạc, Hát giai, Hà nam, Nhạc hương, Thét nhạc, Ngâm vọng, Dịp ba cung bắc, Chừ khi, Bắc phản, Mưỡu, Độc thi, Gửi thư, Phản huỳnh, Huỳnh hãm, Luồn vói, Nói huỳnh, Ngâm đại thạch, Hát nói đại thạch, Hà liễu, Nói thổng, Đọc thơ Nam kỳ ngả Truyện Bắc kỳ, Phú, Tương tiến tửu, Tỳ bà hành. Hướng dẫn điểm trống các điệu: Thét nhạc, Dồn ngũ cung, Ngâm vọng, Bắc phản, Mưỡu đầu, Dịp ba cung bắc, Chừ khi, Gửi thư, Đại thạch, Hãm. Đặc biệt ở các trang 9a và 9b có chép bài Non mai, dùng trong lễ tế tổ. 9. Ca trù tạp lục (AB.426), ghi nhận có các thể cách và phép tắc sau: Dạo trống, Giáo trống, Giáo hương, Tiến hương, Tam thanh, Thét nhạc, Thi cách, Ngâm vọng, Dồn cung bắc, Dồn cung nam, Hát mưỡu, Hà nam, Cửu khúc hồi loan, Ngâm thơ, Thổng thơ phòng, Sơ thi, Dịp ba cung bắc, Độc thi, Ngâm thổng, Hát giai, Hát gái, Biếm gái cửa quyền, Hát bùa, Thổng chinh phu, Thổng ngũ canh, Thổng tam cương, Hát hãm, Chiêu linh, Gửi thư, Độc phú, Dồn đại thạch, Huỳnh, Sắc bùa, Nô nhạc, Bát bài hoa, Hát tầng bái hạ, Hát giàng trai áng phủ. Ca từ của nhiều thể cách: Nam kệ, Cung bắc, Chừ khi, Thư cách, Cổ thi, Phú, Phản huỳnh, Huỳnh kệ, Thổng ngũ cung, Hát nói, Tiền Xích Bích phú - Hậu Xích Bích phú, Thổng Thiên Thai. 10. Ca trù thể cách (AB.160), ghi nhận các thể cách sau: - Hát trong các dịp vui mừng, tiếp khách: Hát giai, Hà Nam, Thét nhạc, Hát vọng (Ngâm vọng), Dồn vọng, Hà Liễu, Hát mưỡu, Hát nói, Cung bắc, Gửi thư, Đọc phú, Đọc thơ, Hát thổng, Mưỡu dựng, Biếm cái say, Hà vị. Ngoài ra nếu yêu cầu thì còn có các điệu: Giáo trống, Giáo hương, Tam thanh, Vọng cổ, Nói Đại thạch, Thổng Chinh phu, Thổng Ngũ thường, Ngũ canh cần học, Vãn sử, Văn vũ hý, Biếm cái say, Đàn lễ, Chạy đảo, Ngâm phú, Hát truyện, Vãn Trường An, Dẫn lối, Tiên vũ, Đàn khổ, Xuy địch, Ngâm ngũ vận, Bát đoạn, Giàng gái, Giàng tam lũy, Hát lối, Hát hãm, Phú Hồng hạnh, Hồi loan, Hát trống, Hát kể, Hát lý, Hát Bộ, Sắc bùa. Trong các điệu này có một số điệu không phải ca trù, như: Hát lý, Hát bội, Hát sắc bùa. - Phần cuối sách chép về lề lối của một số thể cách có ca từ kèm theo: Gửi thư, Độc phú, Ngũ canh cần học, Dồn đại thạch, Huỳnh hãm, Mưỡu huỳnh, Nói luồn, Hát nói Đại thạch, Hà vị, Đàn [...], Biếm cái say, Độc thi ngũ canh, Hát nói. 11. Ca trù thể cách (VNv.99), ghi nhận các thể cách ca trù: Thét nhạc, Ngâm vọng, Dồn cung bắc, Bắc phản, Dịp ba cung bắc, Gửi thư, Dồn đại thạch, Dựng cung tinh, Thiên Thai, Chức cẩm hồi văn, Mưỡu nói, Nói. 12. Ca trù thể cách (AB.499), ghi nhận 26 thể cách ca trù: Hát giai, Hà nam, Dâng hương, Thét nhạc, Hát vọng, Dồn cung nam, Hà liễu, Hát mưỡu, Hát nói, Cung bắc, Vọng cổ (tục còn gọi là Chừ khi), Gửi thư, Độc phú, Dồn đại thạch, Huỳnh hãm, Mưỡu huỳnh, Nói dở, Nói luồn, Độc thi hát thổng, Mưỡu dựng, Hát mưỡu Đại thạch, Hát nói Đại thạch, Hà vị, Đàn [...], Biếm gái tỉnh, Biếm gái say. 13. Ca trù thể cách (AB.20), ghi nhận các thể cách: Nhạc hương, Thi hương, Tam thanh, Thét nhạc, Nam xướng, Hà nam, Nói Nôm, Ngâm phú, Ngâm vọng, Cung nam, Hà liễu, Bắc phản, Nôm xướng, Nói Nôm Gửi thư, Phú, Thi xướng, Cung bắc, Chừ khi, Đại thạch, Hãm, Huỳnh hãm, Nói đại thạch, Thơ ngồi, Thổng ngũ cung, Hà vị. 14. Ca trù thể cách (AB.621), ghi nhận các thể cách ca trù: Nhạc hương, Thi hương, Tam thanh, Thét nhạc, Giáo trống, Nam xướng, Hà nam, Nói Nôm, Ngâm phú, Ngâm vọng, Cung nam, Hà liễu, Bắc phản, Ru xướng, Nói nam, gửi thư, Phú, Thơ xướng, Cung bắc, Chừ khi, Đại thạch, Hãm, Huỳnh, Nói đại thạch, Thơ ngồi, Thổng ngũ cung, Hà vị. 15. Ca trù thể cách (AB.564), ghi nhận các thể cách ca trù như: Ngâm vọng, Mưỡu. Mục lục 27 thể cách và phép tắc ca trù: Nhạc hương, Thi hương, Tam thanh, Thét nhạc, Giáo trống, Nam xướng, Hà Nam, Nói nam, Ngâm phú, Ngâm vọng, Cung nam, Hà liễu, Bắc phản, Hát xướng, Hát nam, Gửi thư, Phú, Thi xướng, Cung bắc, Chừ khi, Đại thạch, Hãm, Huỳnh, Nói đại thạch, Thơ ngồi, Thổng ngũ cung, Hà vị, Thơ thổng, Tỳ bà, Non mai, Hồng hạnh. Bài Non mai chép ở trang 67b đến 69a và Thơ phòng Hồng hạnh chép ở trang 67a và 67b. Đây là hai điệu chỉ dùng trong lễ tế tổ. 16. Ca xướng các điệu (AB.414), ghi nhận các thể cách: Hà nam, Hát giai, Dâng hương, Thét nhạc, Hà liễu, Cung bắc, Ngâm vọng, Dồn cung nam, Hát mưỡu, Hát nói (Hát nối), Độc phú, Dồn Đại thạch, Mưỡu huỳnh, Nói dở, Nói luồn, Độc thi, Hát thổng, Mưỡu dựng, Hà vị, Biếm gái say, Biếm gái tỉnh. 17. Các điệu ca trù và một số bài ca trù cổ (VNv.100), ghi nhận 15 thể cách trong tế thần: Nhạc hương, Thơ hương, Tam thanh, Thét nhạc, Giáo trống, Hát giai, Hát nói, Gửi thư, Độc phú, Cung bắc, Chừ khi, Đại thạch, Huỳnh hãm, Mưỡu huỳnh, Nói huỳnh, Thơ thổng, Hà vị, Biếm gái, Hát nói, Ngâm phú, Ngâm vọng, Dồn cung nam, Hà liễu, Bỏ bộ, Gái tỉnh, Đồng thiếp, Tỳ bà hành. 18. Các điệu hát cổ và một số bài thơ (VNv.232), ghi nhận 15 thể cách: Giáo hương, Nhạc hương, Độc thi hương, Tam thanh, Hà nam, Nói nam, Ngâm phú, Hà liễu, Mưỡu xướng, Thư cách, Cổ thư, Hãm, Phản huỳnh, Huỳnh xướng, Tỳ bà. Sách ghi nhận các thể cách, phép tắc hát ở cửa đình như sau: Đào nương có: Giáo trống, Nhạc hương, Thét nhạc, Dồn cung pha, Ngâm vọng, Dồn cung nam, Bắc phản, Mưỡu đầu, Hát nói, Dịp ba cung bắc, Chừ khi, Gửi thư, Phản huỳnh, Nói huỳnh, Đại thạch, Thơ thổng; Quản giáp có: Hát giai, Nói nam, Màn đầu, Hát giai câu một, Thi chầu, Cầm chầu, Lạc thành chầu. 19. Đại Nam Quốc âm ca khúc (AB.146), ghi nhận các thể cách ca trù: Bắc phản, Trở chèo, Trở chèo dịp ba cung bắc, Hát dựng, Phản, Thiên Thai, Tỳ bà, Chức cẩm hồi văn, Gửi thư, Hát nói, Phú, Đại thạch, Hãm. 20. Đào nương ca trù xướng loại (VNv.129), ghi nhận các thể cách ca trù: Nam có các điệu: Hát giai, Dâng hương, Thét nhạc; Đào có các điệu: Hát nói, Cung bắc, Vọng cổ (Chừ khi), Độc phú, Dồn đại thạch, Hát mưỡu đại thạch, Hát nói đại thạch, Mưỡu huỳnh, Nói dở, Nói luồn, Độc thi, Hát thổng, Hát dựng, Hà vị, Đàn lẩy, Biếm cái tỉnh, Biếm cái say. Ngoài ra về tiêu khiển còn có: Độc thư, Hát thổng, Hát truyện, Bỏ bộ. 21. Điểm ca cổ pháp (VHb.315), ghi nhận các thể cách: Nhạc hương, Thét nhạc, Dịp ba cung bắc, Chừ khi, Gửi thư, Phản huỳnh, Ngâm đại thạch, Hát nói, Thiên Thai thi, Nói huỳnh, Hà nam, Thiên Thai thổng. 22. Liên hoa động giáo cách (VNv.198), ghi nhận các thể cách ca trù: Giáo cách, Vãn cách, Thét nhạc, Ngâm vọng, Hà Nam, Cổ ngũ âm (nay là Dịp ba cung bắc), Ngâm đại thạch, Huỳnh hãm, Hát nói, Thơ thổng xướng, Ghi nhận các thể cách hát ở cửa đình khi có tiệc gồm: Giáo hương, Nhạc hương, Thi hương, Tam thanh, Thét nhạc, Dồn, Nam xướng, Hà Nam cách, Nói Nam, Ngâm phú, Ngâm vọng cung nam, Hà liễu, Cung bắc, Gửi thư, Chức cẩm hồi văn. 23. Thẩm âm yếu quyết phụ Thi văn tạp lục (A.1747), ghi nhận các thể cách ca trù: Các khúc hát ở đền phủ để tế tiên sư: Giàng trai, Giàng gái, Sống chiếm, Thơ Non mai, Phú Hồng hạnh, Kể đọc Thiên Thai, Hát rối, Mưỡu dựng. Các khúc hát ở cửa đình: Tam thanh chúc thánh, Nhạc hương, Thét nhạc, Ngâm vọng, Dồn cung nam, Hà liễu, Hát giai, Bắc phản (Hát mở), Hát mưỡu, Hát nói, Dịp ba cung bắc, Chừ khi, Gửi thư, Độc phú, Dồn đại thạch, Hát Hãm, Hát dở, Nói dở, Độc thi, Hát thổng, Hát truyện. Phần sau chép ca từ các điệu: Thét nhạc, Ngâm vọng, Dồn cung Nam, Hà liễu, Bắc phản, Hát mưỡu, Hát nói, Dịp ba cung Bắc, Gửi thư, Hát giai. 24. Thính ca pháp (VHv.2478), ghi nhận các thể cách ca trù: Giáo cổ, Thư cách, Hát giai, Hát sử, Hà Nam, Bắc phản, Mưỡu đầu, Mưỡu đuôi, Hát nam, Thét nhạc, Ngâm vọng, Cung Bắc, Chừ khi, Gửi thư. Liệt kê 25 điệu: Giáo cổ, Hà nam, Thư cách, Thơ phòng, Nhạc hương, Thét nhạc, Ngâm vọng, Bắc phản, Cung bắc, Chừ khi, Mưỡu đầu, Hát nói, Gửi thư, Độc phú, Phản huỳnh, Nói huỳnh, Dựng huỳnh, Thơ Thổng, Đại thạch, Nói hãm, Nói dồn, Hát bộ, Biếm gái, Đồng thiếp. 25. Trường hận ca diễn âm tân truyện (AB.461), ghi nhận các thể cách ca trù: Thiên Thai, Hát nói, Nói nam, Cung Bắc, Chừ khi, Thư cách, Hãm cách, Phản huỳnh. Chúng tôi đã thống kê được 167 tên gọi thể cách ghi nhận được từ tài liệu Hán Nôm với cả tần số xuất hiện của chúng trong tất cả các tài liệu trên. Từ đó chúng tôi đã loại trừ các thể cách không phải là ca trù, các thể cách bị trùng nhau về tên gọi hoặc các thể cách bị viết sai dẫn đến việc thống kê 2 lần. Ví dụ: Đàn lẩy và Đàn lễ là một thể, Cung bắc và Bắc cung là một thể, Dồn Thét nhạc thuộc Thét nhạc, Hát giai và Hà liễu là một thể (nếu là nữ hát thì gọi là Hà liễu), Hát rối/Hát nối là tên gọi khác của Hát nói, Cổ thư và Gửi thư là một, Thiên Thai thổng và Thổng Thiên Thai là một, Thiên Thai thi thuộc Đọc thi, v.v. Tổng số các tên gọi thể cách bị loại trừ là 68 trường hợp. Sau khi loại trừ chúng ta có một bảng thống kê gồm 66 điệu thuần tuý hát/nói/ngâm và 33 điệu có kèm diễn xuất tổng hợp trong nghi lễ hát múa diễn. Thống kê cũng cho biết các thể cách này đã được sử dụng trong các không gian khác nhau (đình, nhà dân, ca quán, các cuộc thi, lễ tế tổ nghề), và đánh dấu các thể cách đã được các nhà nghiên cứu đã ghi nhận trước đây. Ký hiệu dấu + xác nhận có, ô để trống xác nhận không, riêng dấu - chỉ có ở cột dọc cuối cùng xác nhận có nhưng chỉ ghi nhận chung chung là Dồn (số 4,5,6,7) hoặc Thổng (64, 65, 66). Xem bảng thống kê ở cuối bài.
II. Thể cách ca trù theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu Ca trù có bao nhiêu thể cách là vấn đề từng được các nhà nghiên cứu ca trù quan tâm nhưng kết quả nghiên cứu và số liệu chưa thống nhất. Sách Việt Nam ca trù biên khảo cho rằng ca trù có 46 thể cách (46 thể ca trù) [1, tr.59-61]. Tuyển tập thơ ca trù cho biết các “bài hát cửa đình” có 13 điệu [3, tr.18], ở ca quán và nhà riêng có 15 điệu hát. Trong phần Những điệu hát thông dụng, tác giả cho biết: “Đến nay, các thư tịch nói về ca trù chỉ còn ghi lại được khoảng 50 điệu hát. Các nghệ nhân cao tuổi ở Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình còn nhớ được trên 80 điệu, nhưng đoạn nhớ, đoạn quên và cũng “tam sao thất bản” nhiều. Các điệu cổ như Dóng Chinh phu,Mã thượng kiều, Trở tay ba, Xướng tầng, Nói huỳnh, Dựng huỳnh v.v... không ai nhớ nữa” [3, tr.216]. Các điệu hát thông dụng được kể gồm 20 điệu. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng các tác giả của Việt Nam ca trù biên khảo và Tuyển tập thơ ca trù do chưa có điều kiện thâm nhập kho sách Hán Nôm nên chưa kể được nhiều thể cách rất phong phú của ca trù. Nay nhờ nghiên cứu nguồn tư liệu Hán Nôm chúng ta biết đầy đủ hơn về tên gọi của các thể cách ca trù cũng như việc sử dụng các thể cách này trong các không gian và hoàn cảnh khác nhau. III. Các thể cách ca trù còn giữ được và có thể phục hồi Như đã thống kê trên, thư tịch cổ ghi nhận ca trù nhiều có thể cách, nhưng ngày nay chúng ta chỉ có thể khôi phục được một số thể cách. Chúng tôi đã tra cứu kho băng tư liệu của Viện Âm nhạc Việt Nam, các băng đĩa đã xuất bản của Nhà xuất bản Âm nhạc và Đĩa hát, và Hồ Gươm Audio, các băng đĩa, phim video của các cá nhân, cơ quan để thống kê các thể cách còn giữ được. Dưới đây là 26 điệu ca trù còn giữ được bằng băng ghi âm trong các kho lưu trữ và băng đĩa nêu trên. Giáo trống, Giáo hương (Thơ dâng nhang), Thét nhạc, Hát truyện (Phan Trần), Hát nói, Thổng Thiên Thai, Đọc phú, Bỏ bộ, Bắc phản (Hát mở), Gửi thư, Tỳ bà hành, Hãm, Hát giai, Hát ru, Nhịp ba cung bắc, Ngâm thơ, Non mai, Hát mưỡu, Hát dở, Ngâm vọng, Chừ khi, Đại thạch, Hồng hạnh, Cung Bắc, Hồi loan, Thanh quan. Ngoài 26 thể cách nói trên, các băng đĩa tư liệu còn có 3 thể cách là: Xẩm huê tình (Xẩm nhà trò), Giọng thán, Ba mươi sáu giọng thường được các đào nương hát nhưng không có tên nêu trong các tài liệu Hán Nôm. Sau khi đã đối chiếu các thể cách ca trù được các tài liệu Hán Nôm ghi nhận với các ghi nhận của các nhà nghiên cứu trước đây, trong hai cuốn sách Việt Nam ca trù biên khảo và Tuyển tập thơ ca trù, chúng tôi thấy có những thể cách mà các nhà nghiên cứu ghi nhận nhưng tài liệu ở Viện nghiên cứu Hán Nôm lại không ghi nhận. Đó là các thể cách sau đây: -Việt Nam ca trù biên khảo có: Xẩm cô đầu, Ả phiền, Bài bông, Chúc hỗ, Múa tứ linh, Ca đàn, Trở tay ba, Ngâm sang hát giai, Mã thượng kiều, Màn đầu hát gái, Màn đầu hát truyện. Tổng cộng 11 thể cách. -Tuyển tập thơ ca trù có: Xẩm nhà trò, 36 giọng, Bài bông, Tấu nhạc, Tứ linh. Tổng cộng 5 thể cách. KẾT LUẬN Tư liệu Hán Nôm đã ghi nhận được 99 thể cách ca trù; có thể chia thành 3 nhóm: 1/ Nhóm hát thuần túy gồm 66 làn điệu, bao gồm 5 nhóm nhỏ là hát, đọc, nói, ngâm, thổng; 2/ Nhóm kết hợp hát - múa - diễn gồm 19 thể cách; 3/ Nhóm nghi lễ và trình diễn nghề trong thi cử gồm 14 thể cách. Hai công trình Việt Nam ca trù biên khảo và Tuyển tập thơ ca trù ghi nhận thêm 16 thể cách nữa so với số thể cách mà tư liệu Hán Nôm cung cấp. Điều này cho thấy trong nghệ thuật biểu diễn ca trù, số thể cách có sự thêm bớt thành các biến cách, làm phong phú thêm cho thể cách ca trù. Đối chiếu giữa các thể cách ca trù được tài liệu Hán Nôm với tư liệu tiếng còn được lưu giữ, chúng ta thấy có 26 thể cách đã được lưu giữ và có thể phục hồi và 3 thể cách không được tài liệu Hán Nôm ghi nhận nhưng đã được tư liệu tiếng ghi lại được. TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH1.Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề: Việt Nam ca trù biên khảo, Sài Gòn, 1962, 681 tr. 2.Hát cửa đình Lỗ Khê, Sở VHTT và Hội Văn nghệ Hà Nội, H. 1980, 150 tr. 3.Ngô Linh Ngọc và Ngô Văn Phú: Tuyển tập thơ ca trù, Nxb. Văn học, H. 1987, 263 tr. 4.Nguyễn Xuân Diện: Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù. Nxb. KHXH, H. 2000, 210 tr../. 5.Nguyễn Đức Mậu: Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nxb. VHTT, H. 2003, 619 tr. 6.Kho băng tư liệu của Viện Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam, và các băng đĩa về ca trù đã phát hành. 7.Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Trần Nghĩa - François Gros (đồng chủ biên), 3 tập, Nxb. KHXH, H. 1993.