Tháng Ba trẩy hội Phủ Dầy

Thảo luận trong 'Tin tức Đạo Mẫu' bắt đầu bởi sói, 27/4/15.

Lượt xem: 1,194

  1. sói

    sói New Member

    Phủ Dầy là quê hương của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy có 18 di tích, trong đó ba di tích tôn giáo, 15 di tích tín ngưỡng tâm linh liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Ba di tích là phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu đã được cấp Bằng Di tích LSVH quốc gia.​

    [​IMG]
    Du khách thập phương trẩy hội Phủ Dầy.

    Phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một tín ngưỡng dân gian mà Phủ Dầy là trung tâm của tín ngưỡng. Tương truyền, Thánh Mẫu Liễu Hạnh phát tích ở làng Kẻ Dầy (nay thuộc xã Kim Thái huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định) nên đền thờ gọi là Phủ Dầy. Theo lịch sử: Thánh Mẫu Liễu Hạnh được các vua chúa phong kiến Việt Nam phong thánh thần như: Chế thắng hoà diệu đại vương, Thượng thượng đẳng tối linh thần, Mã Vàng công chúa. Vua Lê Huyền Tông phong và nhân dân phong là: Mẫu nghi thiên hạ. Từ đó trở thành vị Thánh trong dân gian.​
    Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong "Tứ bất tử'' của tín ngưỡng dân gian, đồng thời là một trong sáu điều kỳ lạ nổi bật của đất "Thiên bản lục kỳ'' xưa. Mẫu Liễu Hạnh được coi là biểu tượng bất tử của tâm linh, tâm hồn, tình cảm, ý chí cao cả của con người Việt Nam, về khao khát giải phóng phụ nữ, ca ngợi phụ nữ Việt Nam, người mẹ Việt Nam.​

    Lễ khai hội Phủ Dầy được huyện Vụ Bản tổ chức hàng năm vào ngày mồng Ba tháng Ba âm lịch.

    Gắn liền với quần thể di tích là Lễ hội Phủ Dầy. Hàng năm cứ đến tháng 3 âm lịch, Lễ hội Phủ Dầy được tiến hành từ mồng ba đến ngày mồng tám. Lễ hội có phần lễ, phần hội và phần nghi lễ. Trong đó, phần nghi lễ có khai hội và bế mạc lễ hội. Phần lễ có tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc... Nổi bật là nghi lễ rước Thánh Mẫu từ Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát lên chùa được tổ chức trang trọng. Trong lễ rước, hàng ngìn người cùng tham gia rước bát nhang Thánh Mẫu với kiệu vàng, võng điều, cờ quạt, tán, lọng, phướn đủ màu rực rỡ tung bay trước gió lồng lộng vào tiết cuối xuân, đầu hè. Nghi thức rước Thánh Mẫu giữa phủ thờ và chùa đã phản ánh sự giao kết giữa tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian và Phật giáo. Phần hội của Lễ hội Phủ Dầy có liên hoan nghệ thuật Chầu văn, Hoa trượng hội (kéo chữ) và các hoạt động văn hoá thể thao dân gian cổ truyền. Đây thực sự là những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy hữu tình đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa mầu sắc về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam.​

    Lễ hội Phủ Dầy có lịch sử lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu do cộng đồng sáng tạo. Trải qua nhiều thế hệ, các giá trị truyền thống đó được bồi đắp, kết tinh, hội tụ và lan tỏa ra mọi miền quê trong cả nước. Hàng năm, khách thập phương về Phủ Dầy rất đông, mong được “ Quốc thái, dân an” , “ Thiên hạ thái bình”, hướng tâm hồn đến cái chân, thiện, mĩ. Không chỉ vậy, về với Lễ hội Phủ Dầy, khách thập phương còn được tận mắt tham quan và chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc độc đáo do bàn tay và khối óc tài hoa của cha ông ta để lại trên mảnh đất văn hiến - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý - lịch sử - văn hoá để phát tích, tồn tại và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu. Kiến trúc ở Phủ Dầy hội tụ những nét đặc sắc, độc đáo của kiến trúc dân tộc cùng nhiều cổ vật quý như đồ thờ tự, văn bia, sắc phong,... Các di tích ở Phủ Dầy được xây dựng ở xã Kim Thái trong một cảnh quan thiên nhiên rất hữu tình, có núi, có sông lại nằm giữa một vùng đồng bằng trù phú, hòa lẫn với cỏ cây, đồng ruộng. Về với lễ hội Phủ Dầy, du khách còn được hoà mình trong cảnh sắc thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình mà không phải nơi nào cũng có. Vì thế, từ lâu, Phủ Dầy đã trở thành một trong những danh lam thắng cảnh bậc nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các di tích, danh thắng của tỉnh Nam Định.​

    [​IMG]
    Lễ rước Thánh Mẫu tại Lễ hội Phủ Dầy.​

    Những năm qua, chương trình Lễ hội Phủ Dầy đã được xây dựng ngày càng hoàn thiện phong phú và hài hòa giữa phần lễ với phần hội. Lễ hội Phủ Dầy là một trong năm lễ hội truyền thống lớn trong cả nước, thu hút đông đảo du khách về du xuân, tham quan và lễ Mẫu. Việc tổ chức và quản lý Lễ hội Phủ Dầy đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của đất nước và quê hương; đáp ứng nhu cầu về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, tham quan du lịch của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ðồng thời khẳng định hướng đi đúng trong việc thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" tại địa phương. Lễ hội Phủ Dầy diễn ra theo đúng quy định của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nội dung chương trình lễ hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho nhân dân và du khách thập phương tham gia lễ hội; tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, chống mê tín dị đoan; giữ gìn nét đẹp văn hóa trong lễ hội.

    [​IMG]
    Lễ rước đuốc tại Lễ hội Phủ Dầy.​

    Năm 2013, Nghi lễ Chầu văn của người Việt và Lễ hội Phủ Dầy đã được công nhận là hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự khẳng định những giá trị văn hoá – lịch sử độc đáo của lễ hội Phủ Dầy, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ Đảng, Chính quyền và nhân dân huyện Vụ Bản trong việc tổ chức Lễ hội cũng như bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hoá, tín ngưỡng của Lễ hội Phủ Dầy trong những năm qua.​

    Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội, Tháng 01 năm 2015, UBND huyện Vụ Bản đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy.. nhằm cụ thể hóa các quy định của Nhà nước đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị Quần thể Phủ Dầy đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tăng cường quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích; Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích Phủ Dầy; bảo tồn các yếu tố nguyên gốc của di tích, quản lý tốt việc tu bổ di tích theo Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật; Duy trì và phát huy giá trị văn hóa của chợ Viềng Xuân và Lễ hội Phủ Dầy; Thực hiện đúng Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ VH, TT và DL và các quy định của UBND tỉnh về quản lý di tích và lễ hội.​

    Ðể Lễ hội Phủ Dầy xứng tầm di sản văn hóa quốc gia, tỉnh Nam Ðịnh, huyện Vụ Bản đang tiếp tục đầu tư xây dựng; quy hoạch không gian tổ chức lễ hội, tạo cảnh quan môi trường "sáng - xanh - sạch - đẹp" cho quần thể di tích; đồng thời phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá truyền thống của lễ hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương theo quy chế mở hội của Bộ VH, TT và DL và Quyết định của UBND tỉnh.​

    Qua 21 năm UBND huyện Vụ Bản xin phép mở hội trở lại, Lễ hội Phủ Dầy đã được tổ chức thành công với năm sau tổ chức tốt hơn năm trước. Việc tổ chức và quản lý Lễ hội Phủ Dầy trong những năm qua đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của đất nước và quê hương; đồng thời đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng, tham quan, du lịch của nhân dân, thu hút ngày càng đông du khách thập phương về dự hội.​
    Huyện Vụ Bản quyết tâm và nỗ lực để tổ chức Lễ hội Phủ Dầy năm Ất Mùi 2015 thành công, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, là cơ sở để đề nghị Nhà nước công nhận Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy là di tích quốc gia đặc biệt và đề nghị Unesco công nhận “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để mỗi dịp tháng ba hàng năm, Lễ hội Phủ Dầy tiếp tục được bảo tồn và phát triển, thực sự gây được ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp cho du khách tham gia trẩy hội. ./.​

    Bài và ảnh: Vũ Quốc Huy

    ( Đài phát thanh Vụ Bản)​
     
    Bài viết mới
    Chỉnh sửa cuối: 27/4/15

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này