Thăm đền Mẫu Tam Cờ (Tuyên Quang)

Thảo luận trong 'Di tích và Danh thắng' bắt đầu bởi mantico, 15/3/19.

Lượt xem: 2,496

  1. mantico

    mantico Quản Trị Website

    Đền Mẫu Tam Cờ còn có tên khác là đền Hạ, thuộc tổ dân phố 3, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, nằm cách bến xe trung tâm chừng 0,5 km. Cửa đền quay mặt ra hướng Đông, nhìn ra dòng Lô Giang thơ mộng, hiền hòa.

    IMG_2251[1].JPG
    Do cổng quay ra bờ sông nên chỉ tiện cho việc ghé thăm của người hành hương bằng phương tiện thủy, còn người đi bằng phương tiện bộ thì thường đi theo lối cổng thuộc đường phố “chiến thắng sông Lô”.

    Theo một số tư liệu, đền được xây dựng vào năm 1738, đời vua Lê Ý Tông (Lê Duy Thận), và được trùng tu lần đầu tiên vào tháng 6 năm Mậu Ngọ (1873). Nhìn tổng thể, đền Mẫu Tam Cờ thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng nghệ thuật tâm linh cổ. Đền được nhân dân lập nên, gìn giữ, bảo tồn để thờ Mẫu Thần, mà theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa (hay còn gọi là Phương Dung) – con gái vua Hùng. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì Ngọc Lân và Phương Dung là hai công chúa yêu của vua Hùng. Một hôm, hai nàng theo xa giá đến bên bờ sông Lô, thuộc thôn Hiệp Thuận đỗ thuyền. Nửa đêm, trời mưa to gió lớn, hai nàng đều hóa, nhân dân trong làng lấy làm vinh dự, bèn lập đền thờ. Ban đầu, Đền Mẫu Tam Cờ thờ cả hai chị em, nhưng sau này cô em (Ngọc Lân) được tách ra để thờ ở đền Dùm. Vì vậy, đền Tam Cờ được gọi là đền Hạ, còn đền Dùm được gọi là đền Thượng, nay thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang.

    Vào thời nhà Lý, đền còn nằm ở thôn Hiệp Thuận, xã Ỷ La (nay là phường Ỷ La) với tên gọi là Tam Kỳ. Sang đời Trần, đền lại có tên là Hiệp Thuận, và thời Hậu Lê mới có tên là đền Hạ như ngày nay, nên đền có tên chữ khác là: “Hiệp Thuận linh từ”.

    1379497081523974794d73f.jpg

    60970187.jpg

    Đền có kiến trúc theo lối nội công ngoại quốc, trước sân chầu là hệ thống cổng phụ gồm 4 trụ, trên mỗi đỉnh trụ là một con phượng đắp nổi, cạnh sân chầu là hai miếu, còn gọi là lầu cô, tiếp đến là lầu tế thờ Đệ nhị thượng ngàn, sau là Tam phủ thờ đệ nhất. Gian chính bố trí hình chữ tam, gồm 3 cung, trong cung trên bệ thờ đặt một bộ đỉnh, cạnh bệ thờ treo chuông, khánh, một số hiện vật khác. Nghệ thuật kiến trúc cổ nổi bật của đền là các bức chạm khắc gỗ công phu, tinh xảo. Các cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xiếp, câu đầu đều được chạm khắc khéo léo, công phu với các đề tài về linh vật quý, cây hoa quý như: tứ linh, tứ quý. Trên bề mặt cột chạm hình “Long giáng thủy cung”, đặc biệt, những hình cây, hoa trên cửa võng mềm mại như tranh vẽ. Một số pho tượng được đặt để thờ phụng trong đền cũng toát lên vẻ thanh tao, uy nghiêm từ các nếp khăn, áo, tư thế… đều thể hiện bàn tay và sự lao động tỉ mỉ, khéo léo của các nghệ nhân. Trong đền hiện còn lưu giữ được một số bảo vật quý như: chuông khánh cỡ lớn được đúc vào thời Lê, 3 pho tượng cổ bằng gỗ mít, 20 đạo sắc phong.
    Trong đó có sắc phong tiêu biểu được vua Đồng Khánh phong ngày 1/7 năm thứ hai (1877). Trước khi phong thần đã có mỹ tự là: Hiệp Thuận, minh khiết, tinh uyên, nhân uyển phu nhân (chi thần). Điều đó có nghĩa là đã có các triều vua phong tặng hai mỹ tự là: Dực Bảo và Trung Hưng.
    Nội dung các sắc phong vừa mang dấu ấn lịch sử, vừa mang tính chất văn chương, ca ngợi phẩm chất cao quý và sự linh thiêng của các nương thần, luôn phù trợ và ủng hộ cho dân, cho nước.

    Lễ hội ở đền diễn ra từ ngày 11 đến 16/2 âm lịch, thu hút hàng vạn người dân địa phương và các vùng lân cận tham gia. Ngày 11, 12/2 là chính lễ, 13, 14, 15 là phần hội, với các trò chơi văn hóa dân gian truyền thống, ngày 16: nhân dân làm lễ hoàn cung đưa Mẫu về đền thờ riêng của mình. Lễ hội ở đền Mẫu Tam Cờ thường gắn liền với lễ hội đền Ỷ La và tế ở đền Thượng đều thuộc thành phố Tuyên Quang. Ngoài việc tổ chức vào tháng 2 âm lịch, 3 lễ hội ở đền còn được tổ chức vào tháng 7. Trong dịp lễ hội, ngoài các phần lễ linh thiêng, tôn kính, hay các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, du khách còn được chiêm ngưỡng các màn múa, hát chầu văn đặc sắc.

    Ba đền là ba di tích tiêu biểu của thành phố đã được Nhà nước xếp hạng. Lễ hội ở ba đền cũng được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017.

    Những năm qua, đền Mẫu Tam Cờ luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân ở trong và ngoài địa phương. Các hạng mục di tích được đầu tư, tôn tạo, thiết kế gọn gàng, mang dáng dấp cổ kính, các khu dịch vụ bán hàng được sắp xếp khoa học, không gian rộng rãi, sạch sẽ, không có hiện tượng mê tín dị đoan, chèo kéo, hủ tục, bãi trông giữ xe cho khách thực hiện miễn phí. Trong khuôn viên của đền còn có đền thờ Kiếp Bạc và tượng Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn (di tích cũng được xếp hạng cấp tỉnh). Nằm ở vị trí thuận lợi, đền Mẫu Tam Cờ đang là điểm du lịch tâm linh, linh thiêng thu hút đông đảo du khách xa gần khi về với mảnh đất Tuyên Quang lịch sử, giàu truyền thống cách mạng.

    Nguyễn Trọng An
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này