Dân gian xưa có câu: “Thứ nhất ngồi đồng/ Thứ nhì lấy chồng làm quan...”. Lạ! Bởi ở một xã hội lúa nước đóng kín, nơi mà giấc mộng quan trường choán ngập đầu óc mọi trang nam tử, nơi mà giấc mộng làm “bà lớn” - vợ quan hiện hữu một cách xa xỉ trong đầu óc nữ nhi thì hóa ra “lấy chồng làm quan” vẫn phải xếp thứ hai sau chuyện “ngồi đồng”. Nghi lễ hầu đồng. Ảnh | VIỆT THANH Tại sao thế? Tại có lẽ “lấy chồng quan” dù có giàu sang, quyền lực đến mấy thì cũng chỉ có thể hống hách với kẻ tôi đòi bề dưới, còn với chính “ông quan” - chồng mình, và với cái thế lực nam giới cai quản xã hội nói chung thì luôn là một thế yếu vĩnh cửu, không thể khác! Nhưng khi người nữ - phái yếu hóa thân vào những giá đồng, trở thành bà Chúa Đông Cuông, trở thành Quan Đệ Nhất, trở thành ông Bơ, ông Bẩy, ông Mười... thì hoàn toàn khác. Khi đó cái phận nữ nhi mềm yếu kia không còn là mình - một chữ “mình” lặng lẽ, cam chịu, đầy tủi phận, mà lại là trung tâm quyền lực. Khi ấy cái xác phàm nữ nhi là nơi mà tinh thần, hồn cốt của những vị thánh giáng vào, và đối diện với cái thực thể “xác trần gian - hồn tiên thánh” ấy thì tất cả những ai tham dự vấn hầu đều phải chắp tay quỳ lạy, khấn vái đầy thánh kính. Chỗ này thì dân gian cũng nói một cách bông lơn nhưng lại thấp thoáng sự thỏa mãn kín đáo về một sự giải phóng nữ quyền: “Có họa lấy vợ hầu đồng/ Khi thì làm chồng, lúc lại làm... con”. Giáo sư Ngô Đức Thịnh - chuyên gia số 1 trong lĩnh vực nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu kể rằng ông đã chứng kiến một vấn hầu mà ở giữa sập công đồng thì bà đồng bất ngờ cho gọi ông chồng mình lên, và trong vai của một vị thánh giáng trần, bà không ngừng mắng mỏ, thậm chí tát vào mặt ông chồng. Giáo sư hỏi ra mới biết hằng ngày bà luôn bị ông chồng này bạo hành, đánh đập. Phải chăng, chỉ ở trên chiếu hầu bà mới thực hiện được cái khát vọng phản kháng, dù chỉ là chút ít của mình? Nhìn rộng ra sẽ thấy, trong không gian văn hóa - thờ tự xưa, chùa, đình về cơ bản là nơi hiện hữu của quyền lực nam giới. Hiển nhiên, giáo lý nhà Phật từ bi, hỷ xả, hướng đến việc cứu rỗi toàn bộ chúng sinh, nhưng giáo chủ của tôn giáo này - Đức Thích Ca Mâu Ni là đàn ông, và trụ trì ở các ngôi chùa phần lớn cũng là “sư ông”. Đình thì khỏi nói, bởi đình là nơi để các bô lão trong làng thể hiện quyền lực nho giáo, kết hợp với giáo lý bản địa, mà rõ nhất là việc nếu trong làng chẳng may có cô gái nào “ăn cơm trước kẻng” thì cô sẽ bị đưa ra đình bêu riếu, thậm chí gia đình cô sẽ phải mổ lợn, mổ bò, bày cỗ giữa đình để cả làng bắt vạ. Trong cái khí quyển nhức nhối ấy, chỉ có đền, phủ gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng là nơi mà phái yếu giành lại được ít nhiều quyền lực. Thánh chủ của tín ngưỡng là này nữ - bà Chúa Liễu Hạnh; cai quản đền, phủ là những thủ nhang đồng đền mà ở đó số lượng thủ nhang nữ không hề thua kém, nếu không muốn nói là còn trội hơn so với các thủ nhang nam. Và như đã nói, khi thực hành nghi lễ hầu đồng, hóa thân vào các vị tiên thánh, nữ giới ít nhiều có “đất” thể hiện cái tôi của mình - xua đi một cái tôi bé bỏng và đầy cam chịu của cái thế giới bên ngoài sập công đồng, bên ngoài đền phủ. Như thế, nhìn một cách sâu xa, tín ngưỡng thờ Mẫu mang đến một giá trị cực kỳ nhân văn: Sự giải phóng nữ quyền! Nhưng sự giải phóng ấy không xuất hiện qua những hình thức sống sượng và thô thiển. Trái lại, khi hầu đồng, hóa thân vào các vị tiên thánh, các ông/bà đồng thường phải diện những trang phục đầy mầu sắc. Đó là mầu đỏ - hiện thân cho thiên phủ (trời), mầu xanh - hiện thân cho nhạc phủ (rừng núi), mầu trắng - hiện thân cho thoải phủ (nước), và mầu vàng - hiện thân cho địa phủ (đất). Trong những bộ khăn áo sặc sỡ, luân chuyển qua bốn sắc mầu cơ bản này, những ông/bà đồng khi thì đi hèo, khi thì múa mồi, khi oai phong lẫm liệt trong các giá ngũ vị tôn ông, khi hào hoa phong nhã trong các giá tam vị ông Hoàng, khi yêu kiều, cổ kính trong các giá Chầu Đôi, Chầu Lục, lúc lại đành hanh, nhí nhảnh trong giá Cậu, giá Cô... Những phong thái ấy, vũ điệu ấy được “tiền hô hậu ủng” trên cái nền của âm nhạc chầu văn với nốt bổng nốt trầm, điệu cờn, điều xá, và hiển nhiên còn thấp thoáng mùi hương - cả hương vòng trên điện thờ lẫn những nén tâm hương của tất thảy người dự lễ. Như thế có nghĩa, trong hầu đồng có âm nhạc, có vũ điệu, có màu sắc, có sự cổ vũ, tung hô của mọi người cho một người. Đấy thật sự là thế giới của cái đẹp, thế giới của sự tôn vinh cá thể. Trong xã hội nông nghiệp cổ xưa, khi người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, và khi cái cá thể luôn phải chìm lấp trong cái tập thể thì những giá trị này đem tới một ý nghĩa đặc biệt. Nói không quá lời, nó chính là sự giải phóng mĩ cảm, giải phóng cái tôi. Còn trong đời sống hiện đại xô bồ hôm nay, nơi bản ngã nhiều lúc biến dạng thành loạn ngã, nơi con người chấp chới trong dòng chảy bộn bề của công nghệ và tư tưởng bên ngoài tín ngưỡng thờ Mẫu với một trong những đặc trưng là nghi lễ hầu đồng lại là sự nhắc nhở cần thiết về những giá trị mĩ cảm truyền thống của cha ông. Chúng ta nên thấy và cần phải thấy cha ông mình “đẹp” như thế nào để biết mình cần định vị một cái đẹp theo cách nào, từ đó có một chỗ đứng riêng trên cái sân khấu văn hóa gắn liền với một thế giới đang phẳng hóa, mềm hóa, toàn cầu hóa. Không chỉ đem tới sự giải phóng nữ quyền hay giải phóng mĩ cảm, tín ngưỡng thờ mẫu còn là sự nhắc nhở về những giá trị lịch sử với những người anh hùng đã đổ máu xương để góp phần tạo nên một hình hài Việt Nam như bây giờ. Đó có thể là những con người nổi tiếng, lẫy lừng thiên cổ như Đức Đại Vương Trần Hưng Đạo, nhưng có thể chỉ là những số phận đánh giặc lặng thầm như chầu Bát - một nữ tướng trong đội quân anh hùng của Hai Bà Trưng, người mà ngôn ngữ chầu văn mô tả bằng những nét vẽ lúc đầy khí phách “Ầm ầm trống trận Mê Linh/ Phất cờ khởi nghĩa ghi danh hàng đầu”, lúc suy tư, trăn trở: “Nước ta, ta giữ, ta có tranh giành của ai?”. Đó có thể là những người anh hùng mà sau cuộc chiến được ghi nhớ, như chầu Bé Bắc Lệ - người dân tộc Nùng, có công giúp vua Lê đánh giặc Minh, và sau chiến thắng được vua phong là Lê Mại Đại Vương, nhưng có thể cũng là những người hùng bị lãng quên, như câu chuyện về cô Bơ thoải cung, người đã có lúc giúp vua Lê trốn vào ruộng ngô, thoát khỏi sự truy đuổi của quân Minh, và vì thế nhà vua hẹn ngày ca khúc khải hoàn sẽ đón cô về làm phi tử. Nhưng ngày chiến thắng, khi vua kịp nhớ ra và cho người đến vùng Hà Trung (Thanh Hóa) quê cô tìm kiếm thì cô đã thác tự bao giờ. Người làng kể lại, cho đến khi thác xuống, cô nhất định không lấy chồng, mà vẫn một lòng kiên trung chờ đợi. Thế nên trong chầu văn Cô Bơ, ta nghe thấy những câu thảng thốt: “Cô gọi chú lái đò mà chẳng thấy chú lái đò thưa?”, hoặc một lời tự than - một trách móc, xa xôi thầm kín, như một ẩn dụ cho cái giấc mơ hạnh phúc không thành: “Lấy đâu quân tử mà trao má hồng?”. Trong mỗi vấn hầu đồng, chúng ta sẽ thấy những vị anh hùng này, bằng những số phận, những nỗi niềm, những phong thái, những cách thức khác nhau lần lượt giáng đồng, và đấy chính là một cái kênh hữu hiệu để nuôi dưỡng chủ nghĩa yêu nước trong lòng dân gian. Cái kênh ấy, đến tận lúc này vẫn còn nguyên giá trị! PHAN ĐĂNG