Từ khởi thủy cho đến nay, Múa bóng rỗi gắn với tục thờ Nữ thần của cư dân Nam Bộ, giống như múa hát Chầu văn gắn với tục thờ Thánh mẫu ở Bắc Bộ và múa Richà tôn thờ Mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar của đồng bào Chăm ở nam Trung Bộ. Đó đồng thời cũng là những nét đồng văn của hầu hết các dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á. Về bản chất, thờ nữ thần là sự nhân hóa tôn thờ tự nhiên, lực lượng sinh sôi, bảo vệ và che chở cho cuộc sống con người trong cộng đồng. Do vậy, tôn thờ nữ thần mang trong mình nó ý nghĩa sâu sắc về vũ trụ quan, về ý niệm thiêng hóa tự nhiên để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống của con người. Sau này, các vị nữ thần: Bà Chúa Xứ, Bà Ngũ Hành, Thiên Hậu, Tứ vị Thánh Nương... được thờ rộng rãi ở thôn ấp Nam Bộ còn mang trong mình ý nghĩa nhân sinh, gắn biểu tượng nữ thần với tư cách là người có công với dân, với nước, phát triển cộng đồng; đặc biệt là công cuộc khẩn hoang lập ấp của người Việt ở Nam Bộ. Hơn thế nữa, trong hình tượng của các Bà còn chứa đựng những khát vọng vươn lên để tự khẳng định và giải phóng của người phụ nữ; mà trong xã hội phong kiến Nho giáo vốn bị coi là thấp kém và không bình đẳng với nam giới. Bởi vậy, việc tôn thờ nữ thần ở các dân tộc nước ta mang ý nghĩa xã hội và nhân sinh sâu sắc Múa bóng rỗi là múa hát nghi lễ, gắn với các di tích đình - miếu ở các thôn ấp Nam Bộ vào các dịp lễ hội hàng năm. Trong lễ hội, sau việc cúng lễ, tế tự, thường diễn ra phong tục múa hát Bóng rỗi. Diễn xướng cúng Bà gồm các nghi thức hát rỗi mời chào, ca tụng Nữ thần, múa dâng mâm vàng và trình diễn các trò tạp kỹ, như múa lu, múa dâng hoa, múa lộc bình, múa đầu bêu, múa dao, múa gậy, diễn trò chặp Địa Nàng...mua vui cho Bà theo lệ hàng năm, nhằm cầu xin Bà phù hộ độ trì cho cuộc sống trần gian của con người. Trong môi trường đời sống tâm linh ấy, các nghệ nhân múa hát bóng từ đời này qua đời khác đã sáng tạo và lưu truyền những lời ca, điệu múa, những trò diễn tạp kỹ tinh xảo, tạo nên một trong những nét độc đáo của diễn xướng dân gian người Việt ở Nam Bộ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân ở thôn ấp xưa kia cũng như hiện nay. Bên cạnh đó, kỹ thuật cắt tranh giấy và dán mâm vàng tinh xảo cũng là một di sản văn hóa phi vật thể, biểu hiện niềm tin, tài năng và sáng tạo nghệ thuật của nhân dân lao động. Tín ngưỡng thờ Bà và nghệ thuật Múa bóng rỗi thể hiện tính đa văn hóa trong quá trình người Việt tiến về phương Nam. Đó còn là quá trình tiếp xúc và tích hợp văn hóa giữa người Việt với văn hóa Chăm, Hoa và Khơme. Nhiều hiện tượng văn hóa nghệ thuật của các dân tộc Khơ me, Chăm, Hoa đã được người Việt tiếp thu trong Bóng rỗi. Do vậy, Bóng rỗi Nam Bộ vừa mang trong mình tính cội nguồn tục thờ Mẫu ở Bắc Bộ vừa tạo nên sự mới mẻ trong môi trường văn hóa phương Nam. Từ nhân lõi là hình thức Múa hát nhập thần để dâng cúng Bà ở cửa đền, cửa miếu, Múa bóng rỗi trong quá trình lịch sử mấy trăm năm đã tích hợp vào nó nhiều hình thức nghi lễ văn hóa nghệ thuật dân gian khác. Đó là các hình thức rỗi (hát mời) theo lối đọc kinh của đạo Cao Đài, của Phật giáo, các điệu hát của sân khấu Cải lương, của sân khấu Hát bội, cùng với các điệu lý, hát thờ, rỗi thờ... Đặc biệt, từ múa hát nghi lễ mang tính linh thiêng, các điệu múa dâng mâm vàng, dâng hoa mang tính kỳ diệu đã phát triển và tích hợp các trò tạp kỹ (phun lửa, tung hứng, đầu bêu, múa dao, mua lưỡi siêu...), vừa tạo nên tính thần bí, vừa gần gũi đời sống thường ngày, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Đó cũng là xu hướng biến đổi của Múa bóng rỗi, tiếp cận được với đời sống xã hội đương đại. Văn hóa nói chung và bóng rỗi nói riêng là thành tựu sáng tạo chung của quần chúng nhân dân, của cả cộng đồng. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, sự nghiệp lưu giữ và phát triển của bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng được giao phó vào tay các nghệ nhân dân gian, mà hơn 60 nghệ nhân Múa bóng rỗi tham gia liên hoan này là một ví dụ điển hình. Các vị nghệ nhân từ đời này truyền đời khác đã lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Múa bóng rỗi Nam Bộ mà trong liên hoan này chúng ta đã được thưởng thức khá đầy đủ sự sáng tạo, khéo léo, tinh xảo của nghệ thuật bóng rỗi Nam Bộ. Việc Ban giám khảo đánh giá cao và tặng giải các tiết mục có chất lượng cao, là sự công nhận và tôn vinh tài năng của các nghệ nhân tham dự liên hoan. Thông qua liên hoan này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và mong rằng các nghệ nhân Múa bóng rỗi tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian độc đáo này. Múa bóng rỗi ra đời và tồn tại trong môi trường tín ngưỡng tôn giáo dân gian cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Do vậy, bên cạnh việc phát huy, kế thừa và phát triển mặt tốt đẹp, lành mạnh của Múa bóng rỗi, thì cũng phải đấu tranh với những mặt hạn chế và tiêu cực của nó. Có như vậy, các giá trị đích thực của nghệ thuật Múa bóng rỗi Nam Bộ mới ngày một tỏa sáng, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng: Xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nguồn : internet