Ông Hoàng Mười- từ truyền thuyết đến tín ngưỡng thờ Thánh của người dân Nghệ An

Thảo luận trong 'Bài viết nghiên cứu Đạo Mẫu' bắt đầu bởi mantico, 30/11/17.

Lượt xem: 4,002

  1. mantico

    mantico Quản Trị Website

    TS Bàn Quỳnh Giao ( Viện HLKHXH Việt Nam )
    ( Tham luận tại Hội thảo “Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” do UBND huyện Hưng Nguyên phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa Dân tộc và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức ngày 10/6/2017 tại Hà Nội ).

    quanhoang10.jpg


    Lời mở

    Trong dân gian từ xưa đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về nhân vật ông Hoàng Mười. Thực hư về nhân vật này như thế nào vẫn là câu hỏi lớn đang còn bỏ ngỏ và có rất nhiều các nhà nghiên cứu quan tâm đến nhân vật này với mong muốn sẽ giải mã được về cuộc đời cũng như tín ngưỡng thờ ông Hoàng Mười trong đời sống tâm linh thời kỳ hiện đại. Song có một điều không thể phủ nhận và cũng là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt đó là tín ngưỡng thờ thần, đặc biệt là các vị thần có công giúp dân đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Tín ngưỡng ấy, trải qua hàng ngàn đời vẫn được duy trì trong đời sống văn hóa của mình, tín ngưỡng thờ thần thánh được xuất phát từ lòng tin của con người về có một thế giới vô hình, thế giới ấy luôn tồn tại xung quanh người sống, cùng với thế giới hiện hữu của chúng ta, ở thế giới đó các vị thần linh luôn dõi theo và phù trợ cho thế giới của người sống.

    Xuất phát từ quan niệm đó, nên tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười vẫn được người Nghệ An duy trì trong đời sống của mình. Để lý giải cho nguồn gốc ra đời của vị thánh này đã có rất nhiều truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, đặc biệt người dân nơi đây luôn coi ông như một vị thánh sống biết mọi vui buồn trong cuộc sống của họ. Trong lúc lao động mệt nhọc những câu hò về ông Hoàng Mười như tạo thêm cho họ sức mạnh để họ để lại sau lưng những vất vả cực nhọc. Khi đánh cá trên sông, hay cày cấy ngoài đồng họ vẫn thường hò về ông Hoàng Mười rằng:

    “Ơ … ơ… hò chứ nói rằng trong đất Nghệ An có anh hùng hào kiệt, tiếng ông Mười lẫm liệt ngàn xưa, cũng có khi vung gươm lên ngựa đề cờ, ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam.
    Ơ… hò… ơ…. cũng có khi ông Mười hội nghị luận bàn việc nước. Ông cũng đem tài thao lược để hiến dâng, lĩnh sắc rồng ông Mười hiến tướng, điều quân, gươm thiêng, ba thước ngựa hồng ông Mười xông pha.
    Ơ… ơ…ơ chứ cũng có phen ông Mười lên rừng, xuống biển, khi chở ra về phủ tía lầu son, cũng có khi ông Mười ngồi ngắm bóng trăng tròn, khi xem hoa nở khi ông Mười ngồi chờ trăng lên.
    Ơ… ơ…ơ ông Mười nói rằng các ghế thanh đồng đã đi ngược về xuôi, có biết đền ông Hoàng Mười lập ở nơi đâu, đền thờ ngài lập ở kinh đô, gần cầu Bến Thủy bên bờ sông Lam…”

    Qua bài hò vẫn được lưu truyền trong đời sống người dân xứ nghệ, chúng ta có thể thấy trong tâm thức người dân nơi đây ông Hoàng Mười luôn là một vị thần có công trong “hội nghị luận bàn việc nước”, song ông cũng có cuộc sống như những con người bình thường“cũng có khi ông Mười ngồi ngắm bóng trăng tròn, khi xem hoa nở khi ông Mười ngồi chờ trăng lên”. Đến khi ông mất đi, ông trở thành ông thánh sống mãi trong lòng người dân, được người dân lập đền thờ và họ luôn nhắc nhở nhau, đi đâu, làm gì thì cứ vào ngày 10.10 âm lịch thì về dự lễ giỗ ông Hoàng Mười.

    1. Ông Hoàng Mười trong truyền thuyết dân gian

    Trong thực tế có rất nhiều truyền thuyết về ông Hoàng Mười, nhưng trong bài viết này chúng tôi quan tâm đến ba truyền thuyết sau:
    Sự tích Vua cha Bát Hải
    Vào thời Vua Hùng, có hai vợ chồng họ Phạm và họ Trần ở Thụy Anh, Thái Bình có bắt gặp một cô gái nhỏ bên sông. Họ đã nhận cô bé về làm con và đặt tên cô là Quý Nương. Năm Quý Nương 18 tuổi, cô ra sông tắm có con Hoàng Long quấn chặt lất người cô. Quý Nương có thai và sinh ra 1 cái bọc. Từ cái bọc đó sinh ra 3 con rắn. Một con chui vào giếng nước đó là giếng thiêng của đền Đồng Bằng ngày nay.

    Khi giặc Thục sang xâm chiếm nước ta. Vua Hùng lập đàn cầu trời được thần linh mách bảo về nơi đền Đồng Bằng mà triệu thì sẽ có dị nhân đứng lên giúp đánh tan quân thù. Vua Hùng làm theo, đúng như lời mách bảo, tại giếng thiêng đền Đồng Bằng ngày nay, Hoàng Xà liền hiện ra và biến thành một tràng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người. Ngài nhận chỉ dụ của Vua Hùng, sau đó triệu hai em (hai Hoàng Long trong cái bọc nàng Quý Nương đã sinh ra), cùng 10 tướng (Quan Lớn thượng, Quan Đệ Tam, Quan Đệ Tứ…Quan Điều Thất (Hoàng Mười ) và các binh sĩ ra trận. Sau mười ngày tập hợp quân sĩ, Hoàng Xà cùng quân sĩ đã đánh tan quân Thục trên cả 8 cửa biển chỉ trong vòng có 3 ngày. Ngài có tên là Vĩnh Công, và sau này được Vua Lý Thánh Tông phong là Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình. Vì thế, dân gian gọi ngài là: Vua Cha Bát Hải Động Đình.

    Truyền thuyết về Uy Linh Vương Lý Nhật Quang

    Tương truyền Lý Hoảng, hiệu Nhật Quang con trai thứ tám của Thái Tông, vua thứ mười hai của triều Lý là người độ lượng, tận tâm trong công việc. Khi được vua cha giao cho việc thu thuế ở châu Nghệ An, Lý Hoảng tận tụy làm việc, thu đủ số thuế theo quy định song không hà lạm thêm thuế của dân như những vị quan khác nên ông được tiếng là người thanh liêm chính trực. Hai năm sau vua cha Lý Thái Tổ giao cho Lý Hoảng làm tri châu Nghệ An với với tước hiệu Uy minh hầu Lý Nhật Quang. Ba năm sau khi Lý Thái Tổ cất quân đi đánh Chiêm thành, nhờ có kho lương của Uy minh hầu Lý Nhật Quang mà quân sĩ yên tâm chiến đấu, trong ngày Lý Thái Tổ ca khúc ca khải hoàn trở về đi qua và nghỉ lại chỗ Uy minh hầu Lý Nhật Quang ông đã đón tiếp vua cha và quân sĩ chu đáo, được vua cha khen ngợi và phong cho Lý Nhật Quang từ tước hầu lên tước Vương.

    Trong suốt quãng đời làm quan và đến khi trở về làm thường dân ông luôn làm tròn nhiệm vụ của vua cha giao phó và hết lòng yêu dân. Khi ông chết đám tang của ông gần kín một cánh đồng, ai cũng xót thương cho ông. Nhân dân lập đền thờ ông ở nhiều nơi trên đất Nghệ An và người ta ngẫm thấy nếu họ gặp khó khăn gì cầu xin ngài bao giờ lời khẩn cầu cũng linh ứng. Đặc biệt các đời vua sau này, nếu mang quân đi dẹp giặc ở đâu họ đến đền thờ xin ngài và rước kiệu ngài đi trước, trận đánh ấy sẽ thắng lớn.

    Truyền thuyết về ông Nguyễn Xí


    Nguyễn Xí xuất thân tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay. Ông là bậc đại công thần, là võ tướng, chính trị gia lỗi lạc giúp Lê Lợi chiến đấu chống giặc Minh xâm lược. Nguyễn Xí làm quan trải qua ba triều: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông.

    Sinh thời, Nguyễn Xí không chỉ là một bậc quan khai quốc công thần, tài hoa lỗi lạc mà ông còn giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo. Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, ông được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, ông đã dạy dân trồng lúa nước, đắp đê ngăn lũ, thủy lợi nội đồng... Tương truyền, trong một lần gió lớn, mưa to, nhà cửa, cây cối của người dân bị bẻ sập, Nguyễn Xí đốc thúc quân lính và đích thân lên rừng đốn gỗ về dựng lại nhà cửa cho dân, sai người mở kho lương thực cứu tế kịp thời. Nhờ đó mà nhiều người đã thoát khỏi đói rét, chết chóc vì bão lũ... Vì vậy được dân chúng khắp nơi tôn sùng, coi như hiền thánh. Sự hưng thịnh của các đời vua Lê có dấu ấn quan trọng của Nguyễn Xí và bộ máy quan đại thần hạ triều.
    Sự hóa thân từ bậc khai Quốc công thần đến Thánh Hoàng Mười cũng thật ly kỳ. Chuyện kể rằng: Một lần Nguyễn Xí dạo thuyền trên sông Lam, đoạn qua núi Hồng Lĩnh thì bỗng có đợt sóng to, gió lớn nổi lên, thuyền của ông bị thủy triều, phong ba cuốn đi mất. Dân chúng biết tin liền đến bên đôi bờ Lam giang mà tỏ lòng thương tiếc, người người khóc thương vị quan hết lòng vì dân. Đúng lúc đó, bầu trời đang cuồng phong bão táp bỗng tan biến, bầu trời nổi áng mây vàng, thi thể của ông nổi lên mặt nước, sắc mặt hồng hào như người nằm ngủ. Khi dạt vào bờ, đất xung quanh bỗng bao bọc lấy di quan. Cùng lúc, trên nền trời bỗng xuất hiện mây ngũ sắc, kết thành xích mã và thiên binh đưa ông về trời.

    Sau khi ông mất, người dân Nghệ An lập đền thờ ông. Bách tính suy tôn ông là Thánh ông Hoàng Mười. Việc suy tôn này mang ý nghĩa ông là con của Đức vua cha Long Hải Đại Đình đầu thai vào Nguyễn Xí mà giúp dân dẹp giặc, xây dựng cuộc sống phồn vinh...

    Khảo sát ba truyền thuyết về nguồn gốc xuất thân của ông Hoàng Mười chúng tôi tạm rút ra mấy điểm như sau:

    Thứ nhất:
    Dựa vào truyền thuyết Sự tích về đức Vua Cha Bát Hải chúng ta có giả thuyết thứ nhất về nguồn gốc ra đời của thánh ông Hoàng Mười. Ông là một trong mười tướng của Đức vua cha Bát Hải Động Đình, không phải như một số giả thuyết cho rằng ông Hoàng Mười là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình. Khi giặc Thục sang xâm lược ông đã cùng với chín vị tướng khác đã ra trận cùng với Đức vua cha Bát Hải Động Đình dẹp tan giặc xâm lăng. Khi đất nước thái bình, ông đã hóa thân về trời. Điều này hoàn toàn phù hợp với motip của một số câu truyện truyền thuyết về các vị thần giúp dân đánh giặc. Họ được ra đời từ đất nước những lúc đánh tan giặc ngoại xâm thì trở về trời, giống như truyền thuyết Thánh Gióng, Truyền thuyết Thạch Linh thần tướng… Từ đó, người dân vùng Nghệ An coi ông là Thánh và gọi với tên trìu mến “Đức thánh minh”, đồng thời để tưởng nhớ công lao của ông họ đã cho lập đền thờ ở nhiều nơi nhưng có lẽ lớn hơn cả là đền ở Chợ Củi, Nghi Xuân, Hà Tĩnh .

    Thứ hai:
    Trong những truyền thuyết về Thánh ông Hoàng Mười mà ngày nay vẫn đang được lưu truyền trong dân gian, chúng tôi nhận thấy có nhiều người nghiêng về giả thuyết, ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí, sống ở thời Hậu Lê hơn là giả thuyết ông là Uy Linh Vương Lý Nhật Quang con vua Thái Tông. Chúng tôi cũng đồng quan điểm với các tác giả dân gian nghiêng về giả thuyết ông Hoàng Mười chính là tướng Nguyễn Xí.

    Thứ ba:
    Cho dù xuất thân của ông Hoàng Mười có là tướng của Hoàng Xà, con vua Thái Tông hay ông là tướng Nguyễn Xí thì chúng ta cũng không thể phủ nhận, ông là nhân vật được dân gian ghi nhận có công rất lớn trong việc dẹp giặc ngoại dân với nhân dân vùng Nghệ An nói riêng và với nhân dân cả nước nói chung. Như đã nói ở trên nhân dân ta từ xưa đến nay vẫn lấy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” để khuyên nhủ con người sống phải có đạo đức nhân nghĩa, thủy chung, với thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, thánh ông Hoàng Mười được người dân Nghệ An và người dân khắp miền ngược cũng như miền xuôi, tôn sùng và khẩn nguyện, nhờ ông giúp đỡ trong những lúc gặp khó khăn là đúng với đạo lý của dân tộc ta.

    2. Tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười của người dân Nghệ An

    Hàng năm cứ vào dịp tháng 3 âm lịch và tháng 10 âm lịch, không chỉ có nhân dân Nghệ an mà nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về lễ đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An). Sau đó du khách di chuyển đến đền thờ ông ở Chợ Củi (Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để dâng hương tưởng nhớ ông cũng như cầu xin ông cho mưa thuận gió hòa, xã tắc bình an, nhân dân có cuộc sống ấm no. Đền thờ thánh ông Hoàng Mười ở Chợ Củi, chính là nơi năm xưa di quan ông trôi về và hóa tại nơi đây. Song có điều đền ông Hoàng Mười tại Hưng Nguyên là ngôi đền có lưu giữ đến 21 đạo sắc phong về Quan Hoàng Mười. Chính vì vậy, câu hỏi được đặt ra ngôi đền nào mới là ngôi đền chính, trong tâm thức dân gian đền Chợ Củi mới là đền chính, song theo chúng tôi ngôi đền ở Hưng Nguyên mới là ngôi đền chính bởi các sắc phong nơi đây của các triều đại phong kiến đã ghi chép điều này. Các sắc phong là bằng chứng xác thực nhất và chúng tôi cũng mong muốn tỉnh Nghệ An và các nhà khoa học có những nghiên cứu sâu và đánh giá đúng nội dung của những sắc phong ấy để các nhà quản lý văn hóa có những đầu tư, công nhận xứng tầm về ngôi đền thiêng ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên, Nghệ An.

    Ngày 14/3 âm lịch hàng năm tại đền thờ thánh ông Hoàng Mười tại xã Hưng Nguyên lại diễn ra lễ hội khai điểm và vào ngày 10/10 âm lịch diễn ra lễ hội giỗ ông Hoàng Mười. Trong vài năm trở lại đây, du khách đến lễ ông Hoàng Mười không chỉ vào tháng 3 và tháng 10 mà nhân dân tới dâng hương thánh ông vào tất cả các tháng trong năm. Song có một điểm vô cùng đặc biệt là trong những ngày diễn ra lễ hội chính vào tháng 3 và tháng 10, những con dân Nghệ An dù làm ăn, buôn bán ở đâu họ cũng trở về quê vào ngày này để “giỗ cha”. Người Nghệ An bên cạnh xem ông Hoàng Mười như một ông thánh, thì trong tâm thức của họ, ông Hoàng Mười còn như một người cha nhân từ, thấu hiểu tâm can của con dân mình. Vào ngày này, du khách thập phương cũng nô nức đến chiêm bái cửa đền ông tấp nập, dòng người trong và ngoài tỉnh đổ về lễ ông trải dải đến tận đôi bờ sông Lam. Trong nghi lễ dâng lễ vật lên thánh ông, ngoài những lễ vật là sản vật của địa phương, người ta còn dâng lên ông cờ quạt, bút sách… với mong muốn cầu cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.

    Từ xưa đến nay, mặc dù có rất nhiều quan niệm khác nhau về tín ngưỡng thì cốt lõi của nó vẫn là một hình thức thể hiện niềm tin vào cái thiêng liêng của con người, của một cộng đồng người nào đó ở trình độ phát triển xã hội cụ thể[4] Tín ngưỡng được hình thành trên cơ sở đại đa số người trong hoàn cảnh phức tạp, nan giải hoặc lo sợ, hoặc hoài nghi, hoặc hưng phấn, thông qua cảm thụ sức mạnh của thần thánh mà dần dần ý thức được thần thánh phản ứng hay phản tác dụng... họ tin tưởng chắc chắn loại sức mạnh này có thể đổi mới cuộc sống của chính mình[5]. Vì vậy, trước thực tế ảnh hưởng của thánh ông Hoàng Mười đối với đời sống tâm linh của người Việt, người ta không ngạc nhiên khi việc sùng bái thánh ông Hoàng Mười trở thành một niềm tin tín ngưỡng phổ biến vào bậc nhất của người Việt từ xưa đến nay. Thậm chí, tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười đã tạo nên một diện mạo riêng cho văn hóa của tộc người.

    Tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười là một trong những tín ngưỡng bản địa của tộc người Việt nói chung và người dân Nghệ An nói riêng. Tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười của người Việt thể hiện ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, giáo dục con người ý thức cội nguồn dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười thể hiện thông qua tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành nét đẹp trong văn hóa tinh thần của tộc người. Việc người dân Nghệ An tôn sùng ông Hoàng Mười ngoài việc thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thì tín ngưỡng đó còn thể hiện sự tôn sùng một anh hùng văn – võ – trí – dũng song toàn, coi dân như con, lo lắng cho cuộc sống bình an của nhân dân, luôn đặt nhân dân lên trên mọi quyết định. Chính vì thế, mà người dân Nghệ An nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung thường nhắc nhở nhau dù làm đâu, ăn đâu ngày đó cũng phải về quỳ lễ cha để thể hiện sự kính trọng vị thánh đã có công lao lớn đối với nhân dân này.

    Khi xã hội phát triển toàn diện thì đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của người dân Nghệ An cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Trong đó, tín ngưỡng thờ cúng thánh ông Hoàng Mười cũng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của họ, phần lễ và phần hội vẫn được người dân Nghệ An lưu giữ và duy trì cho đến tận hôm nay. Cụ thể:

    Phần lễ:

    - Sáng ngày 14/3 âm lịch: lễ yết cáo
    - Tối ngày 14/3 âm lịch: lễ đại tế
    - Sáng ngày 15/3 âm lịch: lễ dâng hương
    - Tối ngày 15/3 âm lịch: lễ yết cáo
    - Tối ngày 09/10 âm lịch: lễ đại tế
    - Sáng ngày 10/10/âm lịch: lễ tưởng niệm,dâng hương
    - Tối 10/10 âm lịch: Lễ tạ.

    Phần hội:

    - Chiều ngày 14 tháng ba và chiều ngày 09 tháng mười âm lịch: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền.
    - Chiều ngày 15 tháng ba và chiều ngày 10 tháng 10 âm lịch: Hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người.
    - Sáng ngày 16 tháng ba và chiều ngày 11 tháng mười âm lịch: Rước sắc bằng thuyền từ đền về nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am.
    Chính vì phần lễ và phần hội vẫn được nhân dân Nghệ An duy trì hàng năm, nên có thể khẳng định tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười là một nhu cầu thuộc đời sống tâm linh không thể thiếu của họ bởi đó là nơi gửi gắm niềm tin, hi vọng, là chỗ dựa tâm linh cho họ, khiến họ tin và duy trì tín ngưỡng này trong đời sống tâm linh của mình.

    Tính nhân văn trong đời sống thể hiện ở tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười là điều chúng ta dễ nhận thấy, đặc biệt trong cuộc sống hiện đại với những bon chen, tính toán, xô bồ khi được cúi mình vái thánh ông Hoàng Mười tâm hồn con người cảm thấy thanh thản. Tính nhân văn còn được thể hiện thông qua tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười đó là: một người cha vĩ đại đưa những linh hồn về đầu thai thành kiếp người mới; giáo dục cho người sống phải biết đặt chữ Hiếu, Lễ lên đầu thì mới trở thành một người có đạo đức khi đó mới gặt hái được thành công trong cuộc sống; giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ tới công lao của những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc…

    Mỗi nghi lễ tế thánh ông Hoàng Mười đều có những bài ca thực hành nghi lễ riêng (những bài hát văn)… xét về văn hóa thì các bài ca đó là di sản phi vật thể cần được bảo tồn và tôn vinh. Bởi ở những bài ca đó ta tìm thấy trong tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười nhiều giá trị truyền thống của tộc người về giá trị đạo đức, giá trị nhân văn sâu sắc, đó là: Minh – Tâm – Thiện – Tài (trong bài hát Cờn Huế), Khang – Ninh – Thọ – Trường (trong bài Hát sai), luôn làm những điều có lợi cho dân nước (trong bài (Hò ông Mười).
    Tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười trong đời sống tâm linh của người dân Nghệ An nói riêng cũng như đời sống tâm linh của người Việt nói chung còn góp phần tạo nên tính phong phú trong đời sống tinh thần của tộc người. Những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười góp phần xây dựng nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười có lịch sử ra đời và phát triển lâu dài cùng với những biến động, những đổi thay của lịch sử dân tộc. Ở mỗi thời kỳ tồn tại của nó thì đều phát huy những giá trị to lớn của mình trong đời sống tâm linh của người Việt.

    Lời kết


    Có thể thấy tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười được duy trì và phản ánh đậm nét trong các bài ca nghi lễ Hầu đồng và trong đời sống tâm linh của người Nghệ an nói riêng và người Việt nói chung, điều này được bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc giữ nước của nhân dân ta. Vì vậy, người dân Nghệ An và người Việt nói chung tìm đến tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười với mong muốn tìm được sự che chở, cầu an, cầu lành cho cuộc sống của mình. Mặc dù tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười đã thu nhận không ít những giá trị tinh hoa từ những tín ngưỡng thờ thánh khác của tộc người song nó vẫn có những nét riêng đó là cùng với ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười cũng là một trong hai ông Hoàng luôn về ngự đồng trong nghi thức hầu của tín ngưỡng thờ Mẫu. Bởi ông còn được coi là người Vua Mẫu giao cho đi chấm lính nhận đồng (khác với ông Bảy, những người nào mà sát căn ông Mười thì thường hay hào hoa phong nhã, giỏi thi phú văn chương). Khi ngự về đồng thánh ông Hoàng Mười thường mặc áo vàng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang, có khi ông múa cờ xông pha chinh chiến, có khi lại lấy quạt làm quyển thư, lấy bút gài đầu để đi bách bộ vịnh phú ngâm thơ, có khi ông lại cầm dải lụa vàng như đang cùng người dân lao động kéo lưới trên sông Lam (quan niệm cho rằng đó cũng là ông kéo tài kéo lộc về cho bản đền) và ông cũng cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng như ông Bảy, người ta cũng thường lá cờ xanh đỏ, cài lên đầu ông.

    Tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười còn thể hiện sự phong phú về văn hóa truyền thống của người Việt cư trú theo chiều dài dải đất hình chữ S. Thông qua các sinh hoạt của tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười ta còn thấy ở đó mối quan hệ mật thiết giữa con người với con người, con người với thế giới tâm linh được người Việt tin thờ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Bản thân tín ngưỡng thờ thánh ông Hoàng Mười chứa đựng trong đó giá trị cố kết cộng đồng, giá trị nhân văn sâu sắc, vì vậy tín ngưỡng này được người Nghệ An duy trì trong sinh hoạt nghi lễ cho đến ngày nay.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này