Ông Hoàng Mười nhìn từ góc độ văn hóa dân gian

Thảo luận trong 'Bài viết nghiên cứu Đạo Mẫu' bắt đầu bởi kuangtuan, 10/6/11.

Lượt xem: 5,140

  1. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    Ninh Viết Giao

    Hoàng Mười là ai? Nhân vật lịch sử có thật, hay chỉ là một nhân vật huyền thoại. Đó là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và đối với nhiều người, nhất là những người có quân tâm đến “Đạo Mẫu” ở Việt Nam.

    [​IMG]

    I. Muốn biết Hoàng Mười là ai, trước hết phải biết Đạo Mẫu

    Đạo Mẫu ở Việt Nam có nguồn gốc từ “Đạo giáo” bên Trung Quốc. Các vị thánh đứng đầu trong đạo thờ Mẫu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gồm: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thuỷ), Mẫu Địa. Đó là các vị Thánh Mẫu mà người ta thường gọi là Tam Toà (hoặc Tam phủ) Tứ phủ. Trong đó, Mẫu Thượng Thiên sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng đối với mây, mưa, sấm, chớp. Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên Phủ. Mẫu Địa thường gọi là Địa Tiên Thánh Mẫu, cai quản miền Địa Phủ. Mẫu Thoải cai quản Thoại Phủ (thuỷ cung). Đó là vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương. Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ tức vùng rừng núi.

    Hiện nay trong điện thần thờ Mẫu đều tồn tại quan niệm Tam phủ và Tứ phủ. Tứ phủ gồm ba phủ trong Tam phủ (Thiên, Địa, Thoải) và có thêm phủ Thượng Ngàn (Nhạc phủ). Chưa ai có thể trả lời chắc chắn là Tam phủ và Tứ phủ có từ bao giờ. Nhiều người cho rằng Tam phủ có trước Tứ phủ và việc tồn tại phủ thứ tư (Nhạc phủ) là một nét đặc thù của Đạo giáo Việt Nam.

    Quan niệm Tam phủ và Tứ phủ đều bắt nguồn từ quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ là Âm và Dương, dần dần yếu tố âm trong lưỡng cực Âm Dương phân hoá thành Địa phủ, Thoải phủ và Nhạc phủ.

    Tứ phủ ứng với 4 phương, 4 miền của vũ trụ. Trong Đạo Mẫu, nó biểu hiện thành 4 màu cơ bản: Thiên phủ ứng với màu đỏ, Thoải phủ ứng với màu trắng, Địa phủ ứng với màu vàng và Nhạc phủ ứng với màu xanh.
    Trong điện thần Tứ phủ, Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh xuất hiện khá muộn vào thế kỷ XVI, thời Hậu Lê) nhưng nhanh chóng trở thành vị thần chủ của Đạo Mẫu và được tôn vinh hơn tất cả các Thánh Mẫu khác.

    Thánh Mẫu Liễu Hạnh vừa là thiên thần (Tiên) vừa là Nhân thần, với đời sống trần gian, với cha mẹ, chồng con, có chữ nghĩa, có võ thuật, thông minh, thần thông, chu du khắp nơi trừ ác, ban lộc, khiến người đời vừa sợ vừa trọng, vừa xa vừa gần gũi. Đó là biểu tượng của sự kết hợp giữa thần linh và đời thường, giữa nhu cầu hướng về tâm linh, hướng về cái cao cả với việc âm phù chữa bệnh, trừ tà ma, cứu giúp con người trong những lúc khó khăn của đời sống hàng ngày.

    [​IMG]

    Vào các phủ, các đền thời Mẫu, chúng ta thấy trong hệ thống điện thần, bà con sắp đặt như sau:

    - Ngọc Hoàng.
    - Tam Toà thánh Mẫu (Tứ phủ với 4 mẫu đã nói trên).
    - Ngũ vị vương quan (từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ)
    - Tứ vị Chầu Bà (hay Tứ Vị Thánh Bà là hoá thân trực tiếp của Tam Toà Thánh Mẫu).
    - Ngũ Vị Hoàng Tử (từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ).
    - Thập nhị Vương Cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12).
    - Thập nhị Vương Cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12).

    Cần thấy rằng, con số các vị Thánh trong từng hàng Quan, hàng Chầu, hàng Ông Hoàng,... không hoàn toàn cố định mà thường có sự thay đổi. Thí dụ: Ngũ vị vương quan là quan niệm khá thống nhất trong Đạo Mẫu, nhưng không phải không có quan niệm 10 vị quan (bội số 2 của 5 vị kể trên) với trách nhiệm khác nhau. Hàng ông Hoàng cũng không dừng lại ở 5 vị mà cố thể tăng lên đến 10 vị, trong đó có ông Hoàn Mười.

    II. Vậy ông Hoàng Mười là ai?

    Hàng ông Hoàng có 5 vị, 10 là bội số 2 của 5, Hoàng Mười là ông Hoàng thứ 10, được kể theo thứ tự từ ông Hoàng Đệ Nhất đến ông Hoàng Mười. Nguồn gốc các ông Hoàng này ra sao? Theo một bài hát chầu văn thì 10 vị Hoàng tử này đều có gốc tích là con trai Long Thần Bát Hải đại vương ở hồ Động Đình:

    Vua cha Bát Hải Động Đình,​
    Sinh ông Hoàng Cả anh linh ra đầu.​
    Hoàng Đôi, vua sinh ra sau,​
    Thiên hạ đảo cầu, ông ngự đền vương.​
    Hoàng Ba giữ việc đến vương,​
    Tiếng ông lừng lẫy bốn phương đùng đùng.​
    Hoàng Tư làm chúa Thuỷ cung,​
    Hoàng Năm giữ sổ đền Rồng vua cha.​
    Hoàng sáu hoá phép càng gia,​
    Vua sai ông trấn hải hà Nam minh.​
    Quan Hoàng Đệ Nhất đào tiên,​
    Vua sai ông trấn ở miền phía Tây.​
    Hoàng Tám chính thực lòng ngay,​
    Lính vua một đấu, để ràng cứu dân.​
    Hoàng Chín yểu điệu thanh tân,​
    Vua sai ông trấn ở trong đền Cờn.​
    Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An,​
    Ở huyện Thiên Bản, làm quan Phủ Giầy.​
    (Thập vị Hoàng tử văn)​

    Tuy nhiên theo khuynh hướng dân tộc hoá, địa phương hoá thì các ông Hoàng đều gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, những danh tướng ở các triều đại có công dẹp giặc cứu nước; những người khai sáng, mở mang cho non sông, hoặc làm trấn thủ một vùng, dân yên nước thịnh.

    Tương truyền ông Hoàng cả (hoàng Đệ Nhất) là danh tướng của Lê Lợi, ông Hoàng Đôi (Hoàng Hai) với hai nơi thờ mang những gốc tích khác nhau: ông Hoàng Đôi ở Cầm Phả là người Mán, có công chống giặc, bảo vệ dân lành; còn Hoàng Đôi ở xứ Thanh thì lại đồng nhất với Quan Triệu Tường, người có công khai phá đất đai giúp dân làm ăn sinh sống. Ông Hoàng Bơ (Hoàng Ba) thì ở đền Lảnh (Nam Hà) phù hộ an dân và cũng có công phò vua đánh giặc. Ông Hoàng Lục có nơi cho đó là Trần Nhật Duật, lại có nơi cho đó là Trần Lựu, anh hùng có công chống giặc Minh. Ông Hoàng Bảy có đền thờ ở Bảo Hà (Yên Bái) thường gọi là ông Bảy Bảo Hà, là viên quan triều đình trấn giữ cả vùng Lào Cai, Yên Bái:

    Bao phen chiến lước tung hoành,​
    Định an xã tắc, đề binh cõi ngoài.​
    Đất Lào Cai là nơi dụng võ,​
    Quyết ra tài đội ngũ tấn công.​
    Biên cương súng nổ đùng đùng,​
    Sa trường xương núi, máu sông chẳng nề.​
    (Văn ông Hoàng Bảy Bảo Hà)​
    Ông Hoàng Bát là người Nùng, cũng là người đã từng:
    Ra uy chí chính, chí nhân,​
    Soi gương khúc trực, cầm cân công bình.​
    Tấm lòng thành tuỳ tâm sở nguyện,​
    Giáng phúc lành ứng hiện hà sa.​
    (Đệ bát Hoàng tử Văn)​

    Ông Hoàng Chính trấn giữ không xa, có đền thờ ở Cửa Cờn (Quỳnh Lưu). Ông đã từng làm quan coi 12 cửa biển:

    Gặp cơn sóng giá ba đào,​
    Mười hai cửa biển sớm chiều xông pha.​
    Cửa Cơn Môn dựng cờ soái lĩnh,​
    Lệnh quan truyền nghiêm chỉnh ba quân.​
    Quyết lòng vì nước vì dân,​
    Trấn an cửa biển, dẹp yên bạo cường.​
    (Văn ông Hoàng Chín Cơn Môn)​

    Như vậy là chúng ta đã lượt quan 7 ông Hoàng (trừ 2 ông ở Thuỷ cung). Gốc là Nhiên thần, nhưng các ông đã được nhân hoá, thế sự hoá, mang một lý lịch nhân quần và có công với nước, với dân biết đến và tôn vinh.


    III. Về ông Hoàng Mười.

    Nghệ Tĩnh, nhiều làng có đền, điện hoặc phủ hay miếu thờ Tam Toà Tứ phủ mà chủ yếu là Liễu Hạnh công chúa. Tại huyện, Hưng Nguyên có đền Nhà Bà ở làng Ước Lệ thuộc xã Hưng Đạo, đền Bà Chúa ở làng Hạ Khê thuộc xã Hưng Tây, đền giáp Mỹ Trung ở xã Hưng Lam, điện đức Thánh Mẫu ở làng Phú Điền thuộc xã Hưng Phú và đền Xuân Am ở xã Hưng Thịnh. Tại huyện Nghi Lộc có đền đức Thánh Mẹ ở làng Cổ Bãi thuộc xã Phúc Thọ, đền Bồi Sơn ở Hải Thanh, này là xã Nghi Tiến phủ thờ chúa Liễu ở thôn La Vân thuộc xã Nghi Yến miếu Thánh Mẫu ở làng Xuân Đình thuộc xã Nghi Thạch miếu Cô ở làng Kim Ngọc thuộc xã Nghi Long, đền Hà Thanh ở xã Nghi Phương,... tại thành phố Vinh có đền Nhà Bà (phường Hồng Sơn), tĩnh Bảo An (phường Cửa Nam), v.v...

    Nhưng nổi tiếng hơn cả là đền Xuân Am ở xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) và đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân). Hai nơi đó trong đền có đầy đủ hệ thống điện thần song bà con ở hai tỉnh Nghệ An và nhân dân các nơi đều gọi là đền thờ ông Hoàng Mười. Hình như không ai nói đó là đền thờ Liễu Hạnh công chúa. Đến ngày giỗ ông Hoàng Mười (10/11/âm lịch), đệ tử khắp nơi đến cúng ông Hoàng Mười. Và hành hương, họ thắp hương ở điện thờ ông Hoàng Mười nhiều hơn, lên giá đồng, họ cũng lên giá đồng ông Hoàng Mười là chủ yếu. Trong khi đó Đền Cờn thờ ông Hoàng Chín và các nơi khác (nơi có đền thờ Mẫu) cũng có điện thờ thần thờ ông Hoàng Mười, thì không mấy ai nhắc tới. Cái tên Hoàng Mười đã trùm lên hai ngôi đền này.

    Vậy Hoàng Mười, ngoài nhân vật huyền thoại, ông còn được nhân dân thể hoá, gán cho một lý lịch cụ thể với công tích như thế nào?

    Tiêu dao di dưỡng, tang tình,​
    Thơ tiên một túi, phật kinh trăm tờ.​
    Khi phong nguyệt, lúc bi từ,​
    Khi xem hoa nở, khi chờ trăng trong.​
    Khi Thiếu Lĩnh, lúc non Bồng,​
    Cành cây mắc võng, lòng sông thả thuyền.​
    Ngoài ra, ông còn là người phóng khoáng, khá đa tình:​
    Xiết bao bể ái nguồn ân,​
    Ban tài, phát lộc, thi nhân thi từ.​
    Gác dằng mượn gió xuân đưa,​
    Xui lòng quân tử đề thơ hảo cầu.​
    Năm ba tiên nữ theo hầu,​
    Trăm hoa cài tóc, nhiều tàu vắt vai.​
    Phong hoa tuyết nguyệt đượm mùi,​
    Dâng câu thiên bảo, chúc lời tăng long.​
    Biết bao cô đã say đắm, nhớ nhung, ngóng trông ông Hoàng Mười:
    Trúc xinh, cô quế cũng giòn,​
    Phù dung yểu điệu, mẫu đơn não nùng.​
    Ngày ngày lên núi ngóng trông,​
    Đỏ hai khoé hạnh, chờ mong Hoàng Mười.​

    Khi vắng mặt ông Hoàng Mười, người ta thấy một cái gì trống rỗng, hờ hững với cảnh vật tươi đẹp của thiên nhiên:

    Vắng người vắng cả mùa xuân,​
    Nhớ người vì nước, vì dân, vì đời.​
    Thế gian nhớ miệng Hoàng cười,​
    Nhớ khăn Hoàng chít, nhớ lời Hoàng ban.​

    Đó là hình ảnh ông Hoàng Mười được miêu tả trong bài văn chầu ông Hoàng Mười.

    Rõ ràng về tài năng, về đức độ, về công tích, về tính cách của ông Hoàng Mười, bài văn đã nói khá đầy đủ. Nhưng để có một lý lịch nhân thế thì bài văn nói chưa đầy đủ. “Thập vị Hoàng tử văn” ghi:

    Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An,​
    Ở huyện Thiên Bản, làm quan Phủ Giầy.​


    Đó là nói ông được vua cha là Long thần Bát Hải đại vương cho về trấn giữ về mặt tâm linh ở Nghệ An, chứ không phải làm một chức quan đầu tỉnh Nghệ An. Thiên Bản tức huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nơi có làng An Thái, xã Vân Cát. Đệ Nhất Tiên chúa Quỳnh Nương giáng sinh tại nhà ông Lê Thái Công, lên 18 tuổi là Liễu Hạnh công chúa mà thần tích nhiều người đã biết. Phủ Giầy cũng ở huyện Vụ Bản, nơi có quần thể di tích thờ Mẫu năm trong ba thôn: Tiên Hương, Vân Cát, Báng Già (tức Xuân Bảng). Phủ Giầy ở đây không phải là một đơn vị hành chính mà là một kiến trúc tôn giáo, thường để thờ Thánh Mẫu. Phủ Giầy được xây dựng vào đời Cảnh Trì (1663 - 1671) và được trùng tu nhiều lần qua các triều đại. Có lẽ Hoàng Mười trước khi được vua cha cho vào trấn giữ (về mặt tâm linh) ở Nghệ An đã làm một chức quan ở Phủ Giầy. Quan đây, không phải là Tri phủ, Tri huyện mà là quan coi giữ, phụ trách một số việc gì đó trong đền, dưới quyền của Tam Tào Thánh Mẫu, Tứ Phủ Công đồng.

    Như vậy, Hoàng Mười là một nhân vật huyền thoại, gốc của nó là Nhiên thần, con Thần Nước ở mãi Động Đình hồ bên Trung Quốc, nằm trong Bách Việt trước kia.

    Như đã nói trên, theo khuynh hướng nhân thế hoá, nhân dân ta với tín ngưỡng tâm linh mang màu sắc dân gian của mình, đã gắn Hoàng Mười với một nhân vật có tiếng tăm nào đó ở cõi nhân gian để có một lý lịch thế tục. ở Nghệ An, ông Hoàng Mười được thờ tại hai nơi: đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân và đền Xuân Am ở xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên. Theo đường chim bay, hai đền cách nhau không xa và đều ngoảnh ra sông Lam. Đền Chợ Củi ở gần làng Sóc, nơi Liễu Hạnh kết hôn với một thư sinh (hậu sinh của chồng cũ) có một đứa con trai, nhưng chỉ ít lâu, nàng trở về trời.

    Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhân dân Nghệ An cũng theo xu hướng địa phương hoá, gắn ông Hoàng Mười với các nhân vật sau:

    1) Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí.
    2) Chiêu Trưng vương Lê Khôi.
    3) Thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc.

    Gắn với Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí thì khôg mấy người và cũng không lâu. Nhân dân gắn với Nguyễn Xí, vì Nguyễn Xí là một nhân vật lịch sử, người Nghệ An, đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, là bậc khai quốc công thần của nhà Lê, lại có công bảo vệ nhà Lê, đưa Lê Tư Thành lên ngôi vua.

    Khuynh hướng gắn với Chiêu Trưng Vương Lê Khôi nhiều hơn, vì Lê Khôi không những là cháu Lê Lợi, gọi Lê Lợi bằng chú, cũng là một trong những anh hùng của nghĩa quân Lam Sơn, hơn nữa năm Quí Hợi, Lê Lợi Khôi được triều đình nhà Lê cho vào làm trấn thủ Nghệ An. Thư tích cũ chép: “Thấy người đến, sĩ thứ đứng hai bên đường chào đón niềm nở, nói với nhau: dân ta chờ đón đã lâu, phúc lành này đã đến. Vài năm sau, chính sự Nghệ An tốt hẳn. Nhân dân làm ăn yên ổn. Tiếng khen lan khắp đó đây”. Sau đó ông đi đánh giặc Chiêm. Chiến thắng trở về, ông mất ở núi Long Ngân (Cửa Sót). Đền thờ ông ở Cửa Sót, sau đưa lên Triều Khẩu, dưới chân núi Lam Thành hiện tại. Nhân dân gắn Hoàng Mười với Lê Khôi có cơ sở hơn, vì ông đã từng làn trấn thủ Nghệ An. Đền thờ ông được liệt là một trong 4 đền thiêng nhất của xứ Nghệ, sau đền Cờn, đền Quả và Bạch Mã. Ấy là chưa kể chức tước của ông, qua các sắc phong có nhiều điểm tương tự với các sắc phong ở đền nói là thờ ông Hoàng Mười.

    Còn Nguyễn Duy Nhân, chúng tôi chỉ thấy một số nhân dân xã Hưng Thịnh nói đến, chúng ta sẽ xét sau.

    Khảo sát hai đền: đền Chợ Củi và đền Xuân Am.

    Đi vào đền Chợ Củi, chúng ta thấy ngay 4 chữ: “Thánh Mẫu chi từ”, nghĩa là đền thờ đức Thánh Mẫu, tức Liễu Hạnh công chúa. Ông Hoàng Mười được thờ ở cung Ngũ Vị Hoàng tử. Nhưng ông được vua cha là Long Thần Bát Hải Đại Vương và Đệ Nhất Thánh Mẫu Thiên Tiên công chúa giao cho trấn giữ Nghệ An về mặt tâm linh, nên theo quan niệm của những người theo Đạo giáo, ông là người được đặc trách gần như toàn quyền kiểu khâm sai ở Nghệ An.

    Còn tại đền Xuân Am, chúng tôi cũng thấy có các cung thờ như cung thờ Ngọc Hoàng, cung thờ Tam Toà Thánh Mẫu, cung thờ ngũ Vị vương quan, cung thờ Tứ vị chầu Bà, cung thờ Ngũ Vị Hoàng Tử,... Nhưng đền này:

    - Thờ đức thánh Cả tức ông Hoàng Mười, mà những người coi đền nói là ông Nguyễn Duy Nhân.
    - Thờ đức Thánh Ba (chưa rõ tên)
    - Thờ Đức thánh Tư tức ông Nguyễn Duy Lạc
    - Thờ bà chúa bản đền là Song đồng Ngọc Nữ.

    Những người coi đền chỉ cho chúng tôi xem cả mộ ông Hoàng Mười và nói rằng tại đền này còn hơn hai chục đạo sắc, trong đó có 7 đạo sắc nói về ông Hoàng Mười.

    Vậy đền Xuâm Am chính thức thờ ai? Trong tay chúng tôi có bản thần tích do hương chức làng Xuân Am khai vào đời Minh Mệnh. Bản thần tích này hiện lưu giữ tại Thư viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) mang ký hiệu AE . Qua bản thần tích, chúng ta biết đền Xuâm Am thờ “Tuấn Sảng siêu loại hiển đức đại vương”. Toàn văn bản thần tích như sau:

    “Đại vương họ Nguyễn, tự là Duy Lạc. Ngài thích lược thao, giỏi võ nghệ, giúp vua Lê chúa Trịnh, giữ chức Đô chỉ huy sứ, được lệnh đi dẹp loạn ở vùng Thuận Quảng, ngài lập được chiến công, được thăng Đô chỉ huy sứ Phiêu kỵ tướng quân.

    “Ngài còn đánh dẹp ở xã Tuần Lễ, huyện Hương sơn, phá vỡ thế trận của địch, được thăng Đô chỉ huy sứ kiêm Minh nghị tướng quân. Với các trận đánh thắng ở Nghi Xuân, Thiên Lộc, Hoa Viên, Khải Mông, Phù Lưu, ngài được ban khen: Võ huân tướng quân.

    “Trong suốt thời gian dài, công chinh phạt rất là to lớn. Triều đình thăng chức Vệ thư phụ quốc thượng tướng quân. Nhờ đức trung kiên và cần mẫn, ngài được phong chức: Phụ quốc thần võ tứ vệ quân vụ. Lại được phong tiếp: Tuấn Sảng siêu loại hiển đức đại vương. (Có lẽ chức này ông được phong khi ông đã trở thành thành hoàng của làng - NVG).

    “Ngài sinh năm Mậu Ngọ, mất ngày 12 tháng 2 năm Kỷ Mão. Trước khi mất, ngài cúng thôn làng 100 quan tiền và hai mẫu ruộng. Nhân dân mến đức, sợ uy ngài, tôn làm hậu thần và thờ phụng hương khói hàng năm. Thần chủ ngài trong đền ghi: “Tiền tả thắng quân dinh chính tiền hiệu đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ thần vũ, gia phong dực bảo trung hưng linh phù tôn thần”.

    Như vậy, đền Xuân Am (Hưng Thịnh) thờ nhân thần. Thần là người bản thôn có tên là Nguyễn Duy Lạc. Lý lịch của ngài khá rõ sinh năm Mậu Ngọ có lẽ là năm 1618, Kỷ Mão có lẽ là năm 1699 vì ngài có công pò vua Lê chúa Trịnh, đánh nhau với quân Nguyễn, trong những năm quân của chúa Nguyễn tràn qua sông Gianh đánh chiếm 7 huyện Nam Hà tức toàn bộ phần phía nam sông Lam, bao gồm toàn Hà Tĩnh hiện tại và một phần Thanh Chương, Nam Đàn.

    Từ một nhân vật cụ thể ấy ao lại gắn với Nguyễn Duy Nhân là anh ruột của ngài thì chúng tôi chưa tìm hiểu kỹ. Phải chăng là để cho nó mơ hồ, mang tính huyền thoại với những âm phù, để dễ gây sự trắc ẩn về mặt tâm linh trong lòng những người tôn thờ đạo giáo, tôn thờ các vị Tam Toà Thánh Mẫu.

    Tóm lại Hoàng Mười là một nhân vật huyền thoại, con Long vương, Thần Nước, tức là Nhiên thần. Hoàng Mười được nằm trong hệ thống điện thần thờ Mẫu ở Việt Nam và theo sự phân công của Tam Toà Thánh Mâũ, Hoàng Mười được vào trấn giữ Nghệ An. Theo xu hướng nhân thế hoá, dân tộc hoá, địa phương hoá, người ta đã gắn Hoàng Mười với một nhân vật nào đó trong lịch sử, hoặc có công đánh giặc cứu nước, hoặc có công giúp vào sự thịnh trị, yên vững của một triều đại, đã từng làm trấn thủ một vùng, có công khai sáng, mở mang kinh dinh cho cả một vùng. Chính vì thế mà chúng ta được biết, Hoàng Mười khi là Nguyễn Xí, khi là Lê Khôi, khi là Nguyễn Duy Nhân.

    Khuynh hướng này, chúng ta thấy không phải chỉ đối với Hoàng Mười mà còn đối với Tứ Vị Thánh Nương, Cao Sơn Cao Các,... và ngay cả với Mẫu Thượng Thiên là Liễu Hạnh công chúa

    (Sưu tầm daomauvietnam.com)
     
    Last edited by a moderator: 10/6/11

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này