Mẫu thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Vĩnh Phúc.

Thảo luận trong 'Bài viết nghiên cứu Đạo Mẫu' bắt đầu bởi kuangtuan, 23/8/11.

Lượt xem: 1,592

  1. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    Mẫu thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Vĩnh Phúc.
    Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa
    Bà là dòng dõi Thục An Dương Vương - Thục Phán, về làm dâu nhà họ Triệu, mang họ Triệu. Khi nhà Triệu mất, Vệ Dương Vương bị bắt về Bắc, bà buộc phải mai danh ẩn tích lánh đến chùa Quảng Hựu huyện Chu Diên nương náu. Nay còn tự danh Quảng Hựu thuộc xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.
    đó, bà sinh ra 5 người con trai. Rồi cả 5 người gia nhập cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 ở cửa sông Hát. Do lập được nhiều công lao ngoài mặt trận, cả 5 vị đều được Hai Bà Trưng ban thưởng, phong chức tước, trở thành 5 vị tướng quân.
    Về sau bà mất tại chùa Quảng Hựu, được mai táng ở khu Minh Lương xã Thanh Lãng. (Theo nhân dân chỉ dẫn thì nay ngôi mộ của Bà hãy còn).
    Bà tuy không trực tiếp đứng dưới cờ của Trưng Nữ Vương, nhưng vì sự hi sinh vì nền độc lập dân tộc năm 42. Bằng sự giáo dưỡng của Bà, 5 người con trai đã trở thành những tướng lĩnh giúp Hai Bà Trưng giành nền độc lập, Bà được nhân dân tôn xưng, lập đền miếu thờ tự, theo thể chế thờ Bách thần. Ngôi đền chính thờ Bà ở thôn Minh Lương xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, đã xếp hạng cấp Quốc gia).
    Ngọc phả tại đền thờ Bà có viết: Đời xưa thôn Cổ Lại, xã Thanh Lãng thuộc về huyện Chu Diên, phủ Bắc Hà thờ cúng.
    [​IMG]
    Năm Hồng Đức thứ 20 (1489) đổi xã Yên Lãng của huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái chia làm các xã Xuân Lãng, Hợp Lễ và thôn Minh Lương, đều thờ cúng vị Quốc Mẫu ở miếu cổ thôn Minh Lương. Vị Quốc Mẫu ấy là:
    Quốc Mẫu, Hoàng hậu, Công chúa, Đại vương.
    Đến đời Nguyễn Tự Đức, vị tiến sĩ Nho học người làng Thụ ích, nay thuộc xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, có đôi câu đối viếng, viết về sự tích của Mẫu:
    Phiên âm:
    Trưng thị đa trung thần Mẫu chi giáo dã.
    Thục Vương hữu hậu duệ thần kì thịnh hồ.
    Giải nghĩa:
    Họ Trưng nhiều bề tôi trung là do công lao dạy dỗ của Mẫu.
    Vua Thục còn có dòng dõi tinh thần còn nhiều lắm thay.
    Danh hiệu Mẫu của bà Triệu Thị Khoan Hoà được suy tôn từ trong số các nữ thần thờ cúng trong một số làng xã tỉnh Vĩnh Phúc, là nhân thần.
    Trải qua các triều đại, Bà được truy phong ở hàng Thánh Mẫu. Bức hoành trước thượng điện hiện nay, có 3 chữ đề “Thánh Mẫu Từ” là sự phản ánh chuẩn mực theo tinh thần đạo sắc phong đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), là đạo sắc cuối cùng được phong ở đền Thánh Mẫu. Lược dịch theo nguyên thư như sau:
    “Sắc, xã Yên Lan, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên theo xưa thờ cúng Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa công chúa tôn thần, đầu tiên được tặng (các chữ): Linh phù, Tĩnh diệu, Dực bảo, Trung hưng tôn thần, giúp nước cứu dân linh ứng tỏ rõ, từng được ban cấp Sắc phong cho được thờ cúng. Nay đang là khi Trẫm mở lễ lớn, mừng thọ “tứ tuần” (40 tuổi) nên ban chiếu báu, mở ơn huệ, cho nâng bậc. Nên tặng thần bậc Thượng đẳng, thêm chữ “Trang huy”. Đặc biệt cho được thờ cúng theo như lệ của ngày quốc khánh ghi trong tự điển.
    Kính theo!” (1)
    Thánh Mẫu Dưỡng

    Tương truyền, Bà có tên là Thuận (chưa rõ họ), quê gốc thuộc tỉnh Hà Tây cũ, chạy loạn thời Thái thú Tô Định nhà Hán đô hộ và cùng mẹ đến sinh sống ở xứ gò Dinh làng Nội Phật, nay thuộc xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên.
    Theo lưu truyền ở Nội Phật thì mẫu thân của Bà đến đây đã lấy một vị động chủ địa phương làm chồng, sinh ra được 2 con trai, là em cùng mẹ khác cha của Bà; một người đặt tên là Bạc, một người tên là Bỉnh, tất cả đều có tài võ nghệ do được rèn luyện của vị chủ động nơi đây.
    Cả 3 chị em Bà đều tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 ở cửa sông Hát.
    Khi thành lập vương triều Trưng (40-42), kinh đô đặt ở xã Hạ Lôi, (nay thuộc thôn Nội làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội), Hai Bà Trưng đã thiết lập một hệ thống phòng thủ.
    - Xây thành ống ở phía sau đô trị, bảo vệ kinh đô.
    - Lập thành Dền ở thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, làm phòng tuyến phía Bắc, bên bờ sông Cà Lồ.
    - Dựng kho quân lương, đặt ở khu gò Dinh làng Nội Phật.
    Bà Thuận (cùng 2 em) được đặc trách cai quản toàn bộ kho quân lương đặc biệt này.
    Năm 42, khi Mã Viện sang đánh Giao Chỉ, tấn công kho quân lương ở Nội Phật, ba chị em Bà chiến đấu anh dũng và đã hi sinh.
    Bởi vậy, khi được truy phong, bà Thuận đã được nhân dân suy tôn vào hàng Mẫu. Triều đình phong tặng là Thánh Mẫu Dưỡng. Dòng thánh tâm bài vị thờ Bà có dòng chữ: “Thánh Mẫu Dưỡng thuần đức đoan trang công cao đại vương”.
    Chữ “Dưỡng” nguyên nghĩa là nuôi nấng.
    “Nuôi nấng” với ý nghĩa là cung cấp lương thực, quân nhu cho toàn bộ quân đội của Vương triều, như cách hiểu ngày nay, là kho quân lương Trung ương của quân đội vậy.
    Đây là trường hợp thứ hai được phong danh hiệu hàng Mẫu, ở Vĩnh Phúc là một vị tướng quân nhu. Đình làng Nội Phật là nơi tổ chức lễ hội tưởng niệm về Bà trong các ngày mùng 3 tháng Giêng - có lễ rước kiệu từ miếu về đình, thi vẽ vòng kéo chữ, cướp bánh dầy (lương thực dùng trong khi ra trận). Đại tiệc Thánh Mẫu vào ngày 12 tháng 8, mở hội Mẫu - có trò thi đọc địa mạch, cướp cầu luyện quân.
    Di tích thờ bà nay là Miếu Tam Thánh ở xứ gò Dinh làng Nội Phật. Câu đối trong đền ca tụng công đức của ba chị em Bà có câu:
    Trâm thoa trực cộng đồng bào, bình Tô tặc, phù Trưng Vương nhất môn tiết liệt.
    Sơn nhạc trường tiêu chính khí, thừa hoàng ân, hiển vương hiệu vạn cổ thanh linh.
    Nghĩa là:
    Phận nữ cùng hai em, trừ giặc Tô, giúp Trưng Vuơng, một nhà hiển hách.
    Núi cao nên dài khí chính, hưởng ơn vua, nên Vương hiệu, vạn cổ tiếng vang.
    Thánh Mẫu Phùng Lữ Nương
    Bà họ Phùng tên gọi Lữ Nương, người làng (hương) Đăng Nha, huyện Yên Lạc Phủ Tam Đái, đạo Sơn Tây, nay thuộc xã Bình Định huyện Yên Lạc.
    Từ xưa, Bà đã được thừa hưởng ơn trạch để lại của cha ông truyền đời nối dõi. Khi trưởng thành, lại trở nên người con gái dáng hình yểu điệu, môi thắm má hồng, mắt huyền, tóc mây đang độ tuổi xuân phơi phới, nhưng mối duyên lành thì còn chưa định.
    Vào một buổi trưa, khi mặt trời gần đứng bóng Bà ra bờ sông nhỏ ngoài làng rồi xuống tắm. Lúc ngẩng mặt nhìn lên trời, Bà bỗng thấy một đám mây đen từ trên không trung buông xuống. Khi ấy, mặt sông nổi sóng, nước cuộn sóng dâng, có một con Giao long cuốn chặt lấy người. Bất giác, Bà sợ hãi chạy thẳng lên bờ, cùng lúc ấy thì cũng trời quang mây tạnh.
    Sau đấy trở về nhà, Bà thấy chuyển động trong mình và có thai. Vào ngày 3 tháng Giêng năm Nhâm Thìn sinh được 3 người con trai, thiên tư dĩnh ngộ, vóc dáng to lớn lạ thường, mới biết là Thuỷ Thần Giáng Sinh xuất thế. Bà rất yêu quý nên mới đặt tên các con gắn với sông nước:
    Con trai đầu có tên là Đông Long
    Con trai thứ có tên là Ngũ Điềm
    Con trai út có tên là Thanh Khê
    Khi lớn lên, cả 3 người học hành đều đã tinh thông, thuộc các sách Binh thư, giỏi võ lược.
    Cùng khi ấy, giặc Hán là Tô Định đang giữ chức quan Thái Thú ở quận Giao Chỉ. Tô Định là người gian hiểm, dạ sói lòng lang, tàn sát dân lành, tội ác chất cao như núi. Có cháu gái Vua Hùng tên là Trắc, là bậc hào kiệt trong giới nữ nhi, bậc thánh thần ở nơi trần thế, đã tập hợp người dân trong các châu quận, lập đàn thề trời đất ở cửa Sông Hát, tiến quân tiêu trừ giặc Hán Tô Định.
    Ba anh em nhà Đông Long nghe theo chiếu thư của Trưng Vương kêu gọi, liền tuyển mộ ngay hương binh và dẫn thẳng quân sĩ tới doanh trại của Trưng Nữ Vương ứng tuyển.
    Thấy ba chàng trai có tài văn võ, mà môn nào cũng giỏi nên Trưng Trắc đã tiếp nhận và phong quan tước cho 3 anh em, điều động:
    Đông Long làm chỉ huy sứ Thượng tướng quân.
    Ngũ Điềm làm Tả tướng quân.
    Thanh Khê làm Hữu tướng quân.
    Cùng đều xuất quân lên đường ở mặt trận Tây Bắc.
    Khi tiến quân đến đầu trang Đồng Hồn (1) thấy nơi đây là nơi có địa thế hiểm trở bốn bề sông nước bao bọc thì lập ở Đồng Hồn một đồn giã, cùng 2 đồn quân nữa một đồn lấy tên là Kính Thiên trại, một đồn là Đại Nội trại, rồi cùng quân Hán quyết chiến.
    Sau chiến thắng vẻ vang đó, Trưng Nữ lên ngôi Vương, mở hội chúc mừng chiến thắng và gia phong tướng sỹ mỗi người theo một cấp bậc khác nhau. Ba vị tướng quân con Bà Lữ Nương đều được phong thực ấp ở huyện Yên Lạc, về ở trang Đồng Hồn.
    Khi Mã Viện sang xâm lược, sau nhiều trận giao tranh, quân sỹ của Trưng Nữ Vương thất lợi, Ba tướng quân rút về trang Đồng Hồn. Cuối cùng bị quân Hán truy sát, Ba vị tướng quân rút ra đến bến sông Nhị Hà, ôm mặt ngửa lên trời than: "Làm tôi thờ Vua chỉ còn biết chết là hơn”, rồi cả 3 cùng nhảy xuống sông tự vẫn, kết thúc một cuộc đời anh dũng, vẻ vang.
    Nhân dân địa phương xứ Đồng Hồn vô cùng thương tiếc 3 vị, đã lập miếu để thờ. Nay là Đình thôn Cung Thượng, Đình thôn Cốc Lâm và đình thôn Yên Quán xã Bình Định.
    Bà Lữ Nương thân sinh mẫu của 3 vị, trải qua các triều được thờ riêng ở miếu đều có sắc phong. Nay còn lưu giữ được sắc phong của Bà.
    Đạo sắc phong cuối cùng vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924). Nội dung như sau:
    "Sắc xã Cung Thượng huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên, thờ cúng vị tôn thần là Thánh Mẫu Phùng Thị Lữ Nương, giúp nước cứu dân linh ứng tỏ rõmới phong cho là vị tôn thần: Trinh uyển, Dực bảo, Trung hưng. Cho được thờ cúng. Thần hãy che chở, gìn giữ dân lành của Ta.
    Kính theo!
    Đó là lời phó thác của nhà vua, để Bà có chức năng giúp đỡ, phù hộ nhân dân: nhân khang, vật thịnh, trong tín ngưỡng tâm linh Việt cổ.
    Kể trên là 3 con người cụ thể, 3 nhân vật lịch sử của thời thuộc kỷ Trưng Nữ Vương (40-42 CN). Những nhân vật này được kính trọng tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hoá để trở thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu: Thánh Mẫu là các nhân thần.
    Như vây, danh hiệu Mẫu thực chất là danh hiệu cao cấp triều đình truy phong cho một số Nữ thần có công trạng đặc biệt. Cũng như triều đình phong cho các vị thần có công trạng chia làm 3 cấp bậc.
    Thượng đẳng thần: Thần bậc cao nhất.
    Trung đẳng thần: Thần bậc cao thứ hai.
    Hạ đẳng thần: Thần bậc cao thứ ba (dưới cùng).
    Trong đó gồm cả Nam thần và Nữ thần.
    Đó là điểm cơ bản khác biệt giữa hàng Mẫu thần ở Vĩnh Phúc: Mẫu đều là Nhân thần, hoặc được quy về nhân thần như bà Mẫu Lăng Thị Tiêu núi Tam Đảo.
    Tóm lại, các vị nữ thần được tôn xưng là Mẫu ở Vĩnh Phúc có 4 vị, đó là:
    - Hàng Quốc Mẫu có bà Lăng Thị Tiêu.
    - Hàng Thánh Mẫu có 3 bà: Triệu Thị Khoan Hoà, Thánh Mẫu Dưỡng và Thánh Mẫu Phùng Lữ Nương.
    (1). Chữ “Kính theo” là từ chữ “Khâm tai” trong nguyên thư, có nghĩa là “Kính vậy thay” là mệnh vua ban xuống, kẻ hạ thần phải vâng mà theo. Hạ thần gồm có giới “Bách thần” và dân chúng là “Thần dân”. Thần vâng theo mà hưởng lộc; dân vâng theo mà thờ cúng.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này