Trên thế giới người ta không còn bàn cãi là phải đối xử như thế nào với các hình thức Shaman (*), những người có khả năng giao tiếp đặc biệt với thần thánh, âm hồn… Nhân liên hoan diễn xướng hầu Thánh - Một thành tố quan trọng của Lễ hội Kiếp Bạc - chúng tôi tập hợp những ý kiến xung quanh vấn đề này, từ một nhà khoa học Mỹ đến các giáo sư - tiến sĩ, nhà văn, người hầu đồng, người theo đạo Mẫu… "Nghi lễ chứa đựng một trạng thái ngây ngất" Frank Proschan, GS. TS Viện Smithsonian, WashingtonDC, Mỹ - Trích ý kiến trong Hội thảo: Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á tổ chức năm 2001 tại Hà Nội Chúng ta có thể coi lên đồng và các nghi lễ nhập thần qua người trung gian tương tự như nghệ thuật biểu diễn vì chúng có nhiều đặc tính của sân khấu truyền thống. Khi kết hợp âm nhạc, lời hát, nhảy múa, điệu bộ, lời nói, kịch câm, y phục và các vật dụng. Thật sự, lên đồng là nghi lễ chứa đựng một trạng thái ngây ngất hay nhập hồn mà trong đó, cơ thể của người lên đồng bị chiếm lĩnh lần lượt bởi các vị thần trong điện. Tuy có một số ông bà đồng chí giả vờ hoặc bắt chước, nhưng cũng có nhiều ông bà đồng thật sự cảm nhận được sự linh thiêng của thần thánh và thể hiện qua bản thân mình sự hiện thân của thần thánh. Đối với một nhà Folklore hoặc một nhà nhân học thì hình thức “biểu diễn văn hoá” của lên đồng chính là những nguồn tư liệu quý giá bộc lộ quan niệm của bản thân người Việt về lịch sử của họ, về di sản văn hoá, về vai trò giới và bản sắc tộc người. Hơn bất kỳ quyển sách khô cứng, một bức tranh, một điều khắc nào, lên đồng là bảo tàng sống động. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý bảo tàng, những nhà bảo vệ văn hoá của Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hoá Việt Nam, mà chúng đang bị nhạt nhoà đi trong đời sống hằng ngày. Họ xứng đáng được đánh giá cao bởi những nỗ lực bảo tồn các giá trị truyền thống và họ cũng nên khuyến khích để duy trì hình thức văn hoá này cho các thế hệ tương lai. "Một giải pháp giải toả những dồn nén, stress" GS. TS Ngô Đức Thịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian Em dâu tôi ở Buôn Mê Thuột, có dạo ngày nào cũng cứ đem tiền ra rải ở đường và cứ nói lảm nhảm rằng người âm đòi. Sau vài lần hầu đồng, cô đã thoát khỏi tình trạng trên và trở lại bình thường. Rõ ràng, lên đồng có khả năng điều chỉnh những lệch chuẩn về tâm lý, những hành vi lệch lạc giúp những người có cấu trúc khác biệt hoà nhập trở lại đời sống cộng đồng. Hiện nay, hiện tượng lên đồng, các vấn đề liên quan đến Shaman giáo càng hồi sinh mạnh mẽ trong xã hội hiện đại khi mà nhịp điệu sống luôn căng thẳng, Lên đồng đang là một trong những giải pháp giải toả dồn nén, stress. Chỉ trong 6 năm - từ 1997 đến 2003 - hội nghị khoa học thường niên tại Mỹ về nhân học đã tăng từ 1 lên 17 tiểu ban liên quan đến vấn đề Shaman trong đó có một tiểu ban riêng về lên đồng ở Việt Nam sau đổi mới. Ở Hàn Quốc, chính phủ có một nghị định bảo vệ các thầy Mansin (giống như Shaman, ông bà đồng Việt Nam hay sư công của Trung Hoa…) như là một báu vật. Người Hàn cho rằng sẽ không hiểu văn hoá Hàn nếu bỏ qua không nghiên cứu về Mansin. "Vấn đề của Nhân loại" GS. TS Đình Quang, Nguyên Thứ trưởng Bộ văn hoá – thông tin Lên đồng là một hoạt động tín ngưỡng có tác dụng giải phóng con người. Khi lên đồng người ta được nghe hát, được hít ngửi hương thơm của hoa, được nhảy múa cùng những nhịp điệu vui tươi, được làm đẹp… Với nhiều người, nhất là những ông bà đồng ở nông thôn, khi lên đồng, hầu đồng họ như được lột xác thành những nhân vật khác, tạm thoát bỏ cái thực tại còn nghèo đói, thấp kém, nhiều mặc cảm. Người lên đồng tin rằng có thần thánh, có hồn, âu cũng là vấn đề của nhân loại chứ không phải là sản phẩm riêng biệt của những người “mê tín” ở Việt Nam. Trong giới cô đồng, nhiều người trong số họ có khả năng giao tiếp với thế giới thần thánh, với cõi âm (cũng có những người chỉ lợi dụng để biểu diễn đồng). Điều này khoa học chưa đủ sức chứng minh đúng sai, thực hư. Không nên vì những người lợi dụng lên đồng mà cấm một hoạt động văn hoá rất đặc thù của người Việt. Không thể nhầm lẫn giữa hành đạo và tín ngưỡng. Hành đạo có thể sai, còn tín ngưỡng thì không thể ngăn cấm, xoá bỏ. Khi hầu Thánh, người lên đồng rất sướng. Nhà nước hãy làm gì đó cho người dân sướng hơn. "Lên đồng là tài sản hiếm hoi" TS. Bùi Quang Thắng, Trưởng ban nghiên cứu truyền thông, Viện Văn hoá thông tin, tổng đạo diễn Lễ hội Kiếp Bạc 2006 Liên hoan diễn xướng hầu Thánh lần thứ nhất trong khuôn khổ lễ hội Kiếp Bạc 2006 là hoạt động có tính thể nghiệm. Chúng tôi đã cố gắng tạo ra không gian thiêng cho các cơ cánh có thể lên đồng ngay trên sân tiền tế, phía trước ban thờ Trung thiên. Tuy có nhiều người tạm gọi là “lên đồng nghiệp dư” như ca sĩ, diễn viên danh tiếng đăng ký, nhưng ban tổ chức chỉ dừng lại việc cho phép 16 ông bà đồng “chuyên nghiệp” tham gia liên hoan. Dưới góc nhìn của nghiên cứu khoa học, chúng tôi đánh giá đây là những ngưởi bảo tồn các di sản văn hoá đặc trưng của dân tộc. Một số ông bà đồng thực sự có khả năng làm trung gian giữa Thánh và người, họ có uy quyền và kỹ năng để thực hiện khả năng ấy. Đó là những người có năng lực đặc biệt, là tài sản hiếm hoi vô cùng. Những kỹ năng gần như ma thuật không thể đào tạo, chỉ có kỹ năng đặc biệt ở những người có cơ duyên và được truyền dạy theo kiểu thụ môn. Nếu tất các các ông bà đồng đều có khả năng ấy thì đó là điều may mắn cho nền văn hoá dân tộc. Nhiều nước trên thế giới, những người này đảm trách việc quảng bá văn hoá và du lịch rất hiệu quả. Chúng ta chưa tạo điều kiện cho những khả năng đặc biệt được phát lộ, càng chưa có cơ chế khai thác nên xảy ra tình trạng thật giả, vàng thau lẫn lộn. Tại sao chúng ta phân loại, xếp hạng, cấp bằng di tích, di sản cho rất nhiều thứ nhìn thấy, còn những cái không nhìn thấy lại bỏ qua. Đó là một thái độ không công bằng. Nguy cơ thất truyền những khả năng đặc biệt là rất tiềm tàng. Trong những năm tới, hoạt động này cần tiếp diễn với sự đầu tư tốt hơn. Để thực sự có một liên hoan đúng nghĩa, cần phải nâng cấp quy mô, số lượng các cơ cánh lên đồng. Việc hầu đồng có thể kéo dài từ bờ sông Lục đầu dọc theo con đường thần đạo vào trong đền. Có như vậy chúng mới có dịp “tơi tả” vì hội. "Đẹp lòng trần mới cân lòng Thánh" [Đồng Khánh, Tứ Kỳ, Hải Dương Tôi hầu Thánh đã hơn 20 năm, thấy khổ quá. Từ bé chẳng hiểu vì sao cứ thích đền đài, lễ hội. Lớn lên nhiều lúc như người ốm giả vờ. Đi khám không có bệnh. Theo người này người khác mách đi theo hầu Thánh lên đồng vài giá là khoẻ, lại vui. Cả nhà tôi có truyền thống theo cách mạng, có người làm quan to. Vợ con tôi thấy tôi lên đồng thì đều chối bỏ, hắt hủi. Có những năm bỏ đi buôn bán biền biệt chẳng dám về nhà. Nhiều lúc tính bỏ đồng cho gia cảnh yên ấm. Nhưng cứ bỏ lại lăn ra oặt ẹo, chẳng an, không muốn làm. Phát lộc có khi quả chuối xanh, cái kẹo dồi, vậy mà vui đáo để. Hầu Thánh xong về làm ăn lại thấy mát mẻ. Trước một năm lên đồng vài lần cho bản thân. Bây giờ lên hầu Thánh giúp mọi người từ đi lại, làm ăn, chữa bệnh đều mua vui… Bởi thế phải hiểu việc Thánh. Giá Trần triều thì phải nghiêm nghị oai linh. Giá bà Chúa thì thong thả, đủng đỉnh. Giá các cô lại phải tươi nhộn. Hầu đồng không được lợi dụng con nhang bởi có đẹp lòng trần mới cân lòng Thánh. Mình tự trọng thì đuợc con nhang tin dùng. Có như vậy thì họ mới nhất nhất trên theo Thánh, dưới theo đồng. Chứ mới mở phủ được vài ngày đã lừa con nhang kiếm lợi thì chỉ được đôi lần là “hết phim”. "Đồng sang, bóng lịch sự" Trần Minh Chính, người dân theo đạo Mẫu ở 82 Điện Biên Phủ, Q.1, Thành phố Hồ Chí Minh Qua xem mấy giá đồng, tôi thấy người được, kẻ chưa. Chúng tôi cần trao gửi niềm tin của mình với những “đồng sàng, bóng lịch sự”, những người thực sự am hiểu việc Thánh. Chúng tôi rất cần có một tổ chức thống nhất của người thờ đạo Mẫu. Nhưng từ một hoạt động tín ngưỡng có tính dân gian để chuyển thành một tôn giáo là một chặng đường không ngắn, không dễ. Chúng tôi thấy những đồng thật, những người có năng lực đặc biệt thì ít mà đồng giả nhiều quá. Thật rất khó tìm ra một thủ lĩnh. "Nên nhìn từ góc nông dân" Nhà văn Nguyễn Văn Khánh Tôi thấy trong nhà mình nhiều người có căn đồng. Khi nhỏ tôi hay theo mẹ đi đền phủ. Mẹ tôi thường đi hầu đồng mỗi năm hai lần. Đôikhi lén đi xem lên đồng một mình tôi thường chui lủi trong đền, điện. Tôi gọi kiểu xem đồng ấy là đồng…thầm. Tôi rất nhớ cảnh hầu đồng của các bà nông dân ở quê, nó cảm động lắm. Bên gốc đa già cạnh suối Giải Oan ở Yên Tử, chỉ treo ba cái nón lên cây, một cụ già không cung văn, nguyệt sáo, không lộc lá mà cũng thăng đồng như ai. Trên đền Sòng, trước mấy bức phù điêu ông Hộ Pháp, mấy bà nông dân váy ngắn ngang gối, chân đất vẫn nhảy múa say sưa, quên cả trời đất. Dường như khi nhập vào ông Hoàng, bà Chúa những người nông dân đã tạm thoát khỏi cảnh nghèo nàn, tạm quên đi thế phận con sâu, cái kiến và được giải toả bao nhiêu mặc cảm… Lớn lên cơm nắm cơm đùm, tôi theo bạn bè đi hết đền ông Bảy, cô Bơ, cô Chín…khổ sở vô cùng. Nhưng đấy cũng là cơ duyên để tôi có nguồn và sức viết Mẫu thượng ngàn. Đó cũng là một công trình nghiên cứu văn hoá Việt Nam cuối thế kỷ 19 khi Pháp xâm lược, đạo Phật suy tàn, đạo Khổng bị gạt bỏ, đạo Thiên chúa đang lan rộng, người dân trở về với đạo Mẫu - một tôn giáo có từ ngàn đời. Có nhiều người thích đoạn cuối tôi viết về lên đồng. Có lẽ mình đã rất yêu quý đạo Mẫu, một tín ngưỡng rất riêng của người Việt. (*)Shaman: Những người do bẩm sinh hoặc có những biến đổi cơ bản về cơ thể hoặc tâm lý; tinh thần mà có khả năng giao tiếp với thần linh, vong hồn bằng cách hồn thoát khỏi xác hoặc quỷ nhập vào mình. Shaman phải tự đưa mình từ trạng thái bình thường chuyển sang cuồng loạn, hôn mê bằng tiếng đàn, hát, nhảy múa, hương khói…để cầu xin thánh thần. Các ông đồng, bà đồng, thầy tào, then, pựt, chí nềnh ở Việt Nam …chính là những dạng Shaman. Các hình thức Shaman như lên đồng, gọi hồn, thả thơ, đoán mộng… Theo: Xuân Bình