Tác giả: Đỗ Xuân Trung -Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Những năm đầu Công nguyên, khi nhà Đông Hán áp đặt nước ta vào chế độ phiên thuộc thiên triều, chúng vơ vét, bóc lột tàn bạo, khiến cuộc sống nhân dân ta lầm than, cơ cực. Bà Trưng quê ở Châu Phong vốn thuộc dòng dõi vua Hùng đã dấy cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, thu 65 thành trì về một mối, Trưng Vương xưng vua, ban chức tước cho tướng lĩnh dưới quyền. Phạm vi cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Giao Châu (Bắc Bộ), đã thu hút nhiều nghĩa sĩ tham gia, hưởng ứng, đặc biệt có nhiều nữ tướng. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, nơi đây cũng là vùng xuất hiện những ngôi đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng để tỏ lòng ngưỡng vọng, thành kính với tiền nhân. Một trong những nữ tướng đắc lực của Bà Trưng là Lê Chân. Bà đã tham gia nghĩa quân ngay từ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa. Nhận thấy vai trò to lớn của vùng cửa biển, Lê Chân còn giúp Trưng Vương phát triển lực lượng phòng thủ miền duyên hải, khai hoang lập ấp, huấn luyện quân sĩ phòng thủ biên cương. Khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng suy yếu, Lê Chân vẫn kiên cường chiến đấu bảo vệ thành quả của cuộc khởi nghĩa. Sau khi Bà hi sinh, nhiều nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ lập đền thờ Bà. Hệ thống các di tích thờ nữ tướng Lê Chân tập trung vùng ven biển duyên hải đồng bằng Bắc Bộ gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội. Quảng Ninh là quê hương của bà, nơi cha mẹ bà đã lên núi Yên Tử để cầu tự sinh ra bà. Tại làng Vẻn, xã Thuỷ An, huyện Đông Triều, tỉnh Quang Ninh hiện nay có đền thờ bà. Vùng đất Hải Phòng là nơi bà đã cùng dân khai hoang, lập ấp, lấn biển, cải tạo đất mặn ven biển thành vùng trồng lúa cung cấp cho nhân dân. Khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng giành thắng lợi, bà được phong là Thánh Chân Công chúa, giao trấn giữ miền cửa biển nơi cửa ngõ của đất nước với chức: “Chưởng quản binh quyền”. Khi bà hy sinh, nhân dân Hải Phòng đã lập đền Nghè (An Biên cổ miếu) và Đình An Biên, đình Vẻn để thờ bà. Đây là những công trình kiến trúc tâm linh tiêu biểu đối với nhân dân thành phố Hải Phòng. Một địa điểm tại thủ đô Hà Nội ngày nay, nơi bà cho lập xới vật là làng Hoàng Mai (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) để huấn luyện quân sĩ tham gia chiến trận bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân đã suy tôn bà làm thành hoàng làng, vào ngày hội, mở trò đấu vật để nhớ lại công ơn xưa của bà. Sau trận kịch chiến tại Lãng Bạc (Tiên Sơn, Hà Bắc) thất bại, Hai Bà Trưng tuẫn tiết. Để bảo toàn lực lượng, chiến đấu lâu dài với quân xâm lược, Lê Chân cho rút quân về vùng núi Lạt Sơn thuộc huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), nơi có địa thế hiểm yếu với các thung lũng và núi non trùng điệp có thể xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài. Công cuộc chuẩn bị mới bắt đầu thì nghĩa quân đã phải đương đầu với đội quân nhà Hán thiện chiến. Cuộc chiến đấu kiên cường của nghĩa quân thất bại, Thánh Chân Công chúa đã anh dũng hy sinh tại nơi này. Cảm phục gương người nữ anh hùng, dân làng lập đền thờ bà, hương khói thờ phụng. Trải qua gần 2000 năm (43 Tr CN - 2011), các di tích thờ Hai Bà Trưng và các nữ tướng của Hai bà Trưng được nhân dân ta vẫn đời đời hương khói thờ phụng. Nằm trong hệ thống các di tích thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng, Thánh chân Công chúa là một nữ tướng được nhân dân nhiều vùng thờ phụng, tiêu biểu là: - Đền An Biên, xã Thuỷ An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh: quê hương của nữ tướng. - Đền Nghè (An Biên cổ miếu), đình An Biên thuộc phường An BIên, quận Lê Chân, đình Vẻn ngoài, phường Trại Cau, quận Lê Chân thành phố Hải Phòng là nơi bà khai hoang, lập ấp, xây dụng lực lượng, dấy binh, tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và thắng trận. - Đền Lê Chân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, tương truyền là nơi bà rèn luyện binh sĩ. - Đình làng Hoàng Mai (phường Mai Động, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), nơi bà lập xới vật để huấn luyện quân sĩ tham gia bảo vệ đất nước. - Đền Lê Chân, thôn Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam nơi bà chiến đấu anh dũng và hy sinh. Đa số các di tích trên đã được các tỉnh, thành phố và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá, được nhân dân các địa phương chăm sóc, gìn giữ cẩn thận, được nhà nước cấp vốn trùng tu tôn tạo ngày một khang trang, đẹp đẽ, để tri ân một vị nữ tướng của dân tộc buổi đầu thời kỳ dựng nước. Sau đây tôi xin trình bày nội dung cơ bản của các di tích thờ Nữ tướng Lê Chân: * Đền An Biên, quê hương phát tích: Đền An Biên tọa lạc trên sườn núi Vẻn, thuộc làng Vẻn cổ, thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đền An Biên được khởi dựng từ lâu đời, song trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thực dân Pháp, đền bị hủy hoại. Năm 1993, với tấm lòng biết ơn các anh hùng dân tộc, Ủy ban nhân dân xã Thủy An và nhân dân trong vùng đã dựng lại ngôi đền trên nền xưa. Năm 2002, xây dựng tiếp tượng đài nữ tướng Lê Chân trong khuôn viên di tích. Đền An Biên xưa có tên là đền Suối bởi bên trái đền có dòng suối nhỏ, nước trong vắt chảy quanh năm. Đền tựa lưng vào sườn núi Vẻn. Phía trước mặt, cách đền 500m là dòng sông Đạm Thủy uốn lượn mềm mại, xa xa có hàng núi Công làm án, bên phải và bên trái đều có núi chầu về. Địa thế xây dựng nơi đây thật đắc địa, có tả thanh long, hữu bạch hổ, trước có chẩm, sau có án. Đền quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ đinh, bái đường ba gian, hậu cung một gian. Mái kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Nền đền được tôn rất cao, tạo sự uy nghiêm, bề thế cho công trình. * Đình An Biên, nơi thờ Thành hoàng Thánh Chân Công chúa - tiền tổ khai canh Từ khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng đi theo đường Cầu Đất rồi rẽ vào phố Hai Bà Trưng (Cát Dài) khoảng 200 m là tới di tích đình An Biên - một công trình kiến trúc cổ phản ánh truyền thống văn hóa và tín ngỡng của cộng đồng cư dân làng An Biên xưa. Đình An Biên là nơi thờ nữ tướng Lê Chân, người có công lập ra làng An Biên, đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng sau này, người tham gia và lập nhiều chiến công trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đánh đuổi sự xâm lược của nhà Đông Hán năm 40 sau Công nguyên, được người đời suy tôn là Thành hoàng của thành phố Hải Phòng. Sau khi Bà hy sinh, nhân dân trang An Biên dựng ngôi miếu ở xứ Đồng Mạ của trang (ngày nay là khu vực Đền Nghè) để hương khói cho Bà. Đến đời vua Trần Anh Tông, vì có công âm phù giúp vua Trần đánh thắng giặc Chiêm thành, Bà được vua phong là Thành hoàng trang An Biên, huyện An Dương và được ban thần hiệu "Nam Hải uy linh, Thánh Chân công chúa", các triều đại về sau đều gia phong mỹ tự. Đình An Biên tọa lạc trên khuôn viên đất hình chữ nhật rộng chừng 3000 m2. Mặt bằng kiến trúc bố cục theo lối chữ Công gồm 5 gian đại đình, 3 gian nhà cầu và 3 gian hậu cung. Tòa tiền đường rộng 5 gian, cột đình là những thân gỗ lim cao tới 5 m, đứng trên chân tảng là những phiến đá khối vững chắc. Hệ thống mái được nâng đỡ bởi 6 bộ vì kèo, kiểu "chồng rường giá chiêng". Hậu cung là một ngôi nhà 3 gian song song với đại đình. Đặc biệt gian trung tâm đặt ban thờ Thành hoàng có kiến trúc kiểu lầu điện, cao 3 tầng, 4 mái giống gác chuông, gác trống. * Đền An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng Nằm trong ngõ 2, đường Hồ Sen, một ngõ hẹp của phường Trại Cau, quận Lê Chân, nội thành Hải phòng có một ngôi đền nhỏ mang tên là đền Vẻn ngoài (An Biên). Theo một cụ cao niên cư trú lâu đời ở khu phố này cho biết: làng Vẻn xưa (An Biên) rộng sau tách thành hai làng nhỏ. Dân làng mới tách, lập đền thờ bà nên cũng lấy tên là là đền An Biên. Trong đền còn lưu giữ một số di vật cổ vật có niên đại thời Nguyễn. Căn cứ tấm bia: “An Biên thần tích linh từ bi ký” (bia ghi chép về vị thần thờ đền An Biên), khắc năm Duy Tân cửu niên (năm 1915) thì ngôi đền thờ Lê Thánh công chúa có công giúp bà Trưng đánh giặc (tức nữ tướng Lê Chân) và có công âm phù vua nhà Lý dẹp giặc Chiêm Thành. Căn cứ vào dòng chữ Hán “Ất Mão trùng tu” khắc trên câu đầu gian tiền tế và một tấm bia hiện dựng tại gian trung cung “Trùng tu đình vũ hậu thần bi ký” (Bia ghi việc bầu hậu những người công đức trùng tu nhà đền) thì đền An Biên được trùng tu vào năm 1915. Đền An Biên nhìn về hướng đông, có bố cục mặt bằng hình chữ tam, gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung cung, 3 gian hậu cung. 5 gian tiền tế được nâng đỡ bởi 6 bộ vì, gồm 24 cột gỗ lim, kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng, chồng rường; tòa trung cung được nâng đỡ bởi 2 bộ vì, kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng; tòa hậu cung gồm 4 bộ vì, 4 hàng chân cột, vì nóc kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường. Trong tòa hậu cung thâm nghiêm, còn lưu giữ được một bức đại tự, một khám thờ và một đôi câu đối. Đại tự ghi: Đức đẳng càn khôn (đức lớn sánh ngang cùng trời đất). Khám thờ trang trí hoa văn đề tài tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai xen lẫn trang trí hình ảnh chim phượng. Trong khám có mũ thờ, di ảnh, ảnh khắc hoạ chân dung tượng nữ tướng Lê Chân chụp vào đầu thế kỷ XX. Hiện nay, đền An Biên nằm lọt giữa khu dân cư, nên ít người biết đến đây là di tích thờ bà Lê Chân. Tòa tiền tế nằm trong khuôn viên của bệnh viện Lê Chân, được sử dụng làm kho chứa thuốc, mái bị hư hỏng hoàn toàn, lợp lại bằng ngói phibroxi măng. Tòa trung cung và hậu cung những năm qua đã được người dân tu sửa, song manh mún, chắp vá nên đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Đền An Biên dù nằm giữa trung tâm thành phố, một thời gian dài bị lãng quên nên vắng vẻ, hưu quạnh. Di tích Đền An Biên là một di tích thờ nữ tướng Lê Chân do làng An Biên lập lên và có cùng sinh hoạt lễ hội chung làng An Biên cho thấy nhân dân trong vùng có nhiều nơi lập đền miếu thờ Bà để tưởng nhớ công đức của vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng. * Đền thờ Nữ tướng Lê Chân tại Núi Voi (huyện An Lão, thành phố Hải Phòng): Quần thể di tích - danh thắng núi Voi thuộc huyện An Lão, thành phố Hải Phòng được Nhà nước xếp hạng năm 1962 do nơi đây có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp và hang động kỳ thú. Núi Voi đẹp không chỉ do thiên nhiên sắp đặt mà còn do con người góp phần tạo dựng nên. Từ thời xa xa nơi đây đã ẩn chứa một kho tàng di sản văn hóa phong phú, những công trình kiến trúc tôn giáo cổ kính như đền Hang, đình chùa Chi Lai, chùa Long Hoa, chùa Bụt Mọc… Đền thờ Nữ tướng Lê Chân tọa lạc trong khu vực đền Hang nơi xưa kia thờ Phật, Tam tòa Thánh Mẫu, Đức Ông và Thánh Chân công chúa thuộc địa bàn xã An Tiến, huyện An Lão. Đền toạ lạc trên một khuôn viên rộng hơn 4000 m[SUP]2[/SUP] có các công trình kiến trúc: nghi môn, đền chính, Tả mạc, Hữu mạc. Phía sau bên phải là Đền Hang cổ kính ẩn mình vào vách núi. Đền chính có cấu trúc hình chữ Đinh gồm năm gian tiền đường và một gian hậu cung. Mặt trước của Đền quay về hướng Nam. Tương truyền, núi Voi là khu vực hiểm trở thuận lợi cho việc dùng binh nên Nữ Tướng Lê Chân đã bí mật sử dụng nơi này chiêu mộ, tập hợp, huấn luyện binh sĩ chờ ngày xuất trận. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, Lê Chân đã cùng nghĩa binh An Biên - núi Voi kịp thời hưởng ứng, lập nhiều chiến công vang dội, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Đông Hán đến thắng lợi. * Đình làng Hoàng Mai (phường Mai Động, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) nơi huấn luyện quân sĩ Theo một số tài liệu dân gian, Lê Chân là tướng tiên phong của Bà Trưng, đem quân cự chiến với quân Mã Viện ở sông Bạch Đằng, sau đó rút lui về hồ Tây (Hà Nội). Ở đây, bà đã chiến đấu rất anh dũng với quân Hán, nhưng quân ít, thế địch mạnh, bà đã phải lui về làng Mai Động (Hà Nội). Tại làng Mai Động cũng lập đền thờ bà và tôn bà là Thành Hoàng làng. Hàng năm làng mở hội vào các ngày 4,5,6 tháng 1 âm lịch. Vào ngày hội, dân làng chuẩn bị lễ vật cúng thần và sau những lễ nghi truyền thống, là các cuộc đấu vật diễn ra ở Đồng Vật. Tục truyền đây là nơi nữ tướng Lê Chân từng luyện võ vật cho trai gái làng thuở đó. Hội vật làng Mai Động đến nay vẫn được duy trì và tổ chức trong ngày hội làng. * Đền Lê Chân ở Lạt Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), nơi ghi dấu chiến trận cuối cùng. Năm 42, Hán Quang Vũ sai Mã Viện cùng bọn Lưu Long, Đoàn Chí sang xâm lược nước ta một lần nữa, Lê Chân cùng các tướng sĩ đã chiến đấu dũng cảm dưới lá cờ độc lập của Hai Bà Trưng. Song do lực lượng địch quá mạnh, quân ta tổn thất nặng nề, Hai Bà đã tuẫn tiết trên dòng sông Hát. Trước thế giặc mạnh, nữ tướng Lê Chân đã rút quân về vùng rừng núi Lạt Sơn để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng. Theo truyền thuyết, Đại quân đóng ở Thung Dâu, Thung Hiên, Thung Bể, đội quân tiền phương đóng ở Mộc Bài, tổng chỉ huy đóng ở hang Diêm, thuộc vùng núi Lạt Sơn – Kim Bảng, Nam Hà. Lực lượng của nghĩa quân mới bắt đầu phát triển thì Mã Viện đã kéo đến vây hãm, đánh phá điên cuồng. Nữ tướng Lê Chân cùng các tướng sĩ đã quyết chiến với quân thù, song do lực lượng quá chênh lệch, nữ tướng Lê Chân đã gieo mình xuống Giát Dâu để giữ trọn khí tiết. Nhớ công ơn người liệt nữ, nhân dân vùng Lạt Sơn đã lập đền thờ. Đền nằm ở phía Tây Nam thôn Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Tương truyền đền có từ lâu đời, được dựng tại điểm đầu căn cứ trú quân của nữ tướng Lê Chân. Đền tọa lạc dưới chân đồi ông Tượng, mặt chính diện quay hướng Nam. Đền Lê Chân có quy mô kiến trúc vừa phải, bố cục mặt bằng hình chữ Đinh, tiền đường ba gian hai chái, hậu cung một gian. Thức kiến trúc tòa tiền đường theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, mái lợp ngói mũi hài, diềm mái tạo dải lá đề. Phần cổ diêm giữa hai tầng mái phía ngoài mặt chính đắp bốn chữ “Lê Anh nữ tướng”. * Đền Nghè, phường Lê Chân, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng - một công trình kiến trúc tiêu biểu Di tích lịch sử văn hoá Đền Nghè hiện nay tọa lạc ở trung tâm thành phố Hải Phòng. Vị trí ngôi đền nằm giáp hai mặt phố Mê Linh và phố Lê Chân, thuộc phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Đền Nghè xa xưa là ngôi miếu nhỏ nằm trên địa phận làng An Biên cổ (tên nôm là làng Vẻn) thuộc huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Công trình kiến trúc Đền Nghè hiện nay được trùng tu quy mô lớn trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1927. Năm 2007 - 2009, đền Nghè đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đầu tưcấp kinh phí tu bổ, tôn tạo. Trong văn bia hiện được lưu giữ tại Đền Nghè ghi rõ vào mùa xuân năm Giáp Tý niên hiệu vua Khải Định năm thứ 9 (năm 1924), dân làng An Biên hội họp để khởi công trùng tu, tôn tạo di tích miếu An Biên. Sau bốn năm, đền mới hoàn thành. Riêng nhà tứ phủ Đền Nghè có lẽ công trình này được trùng tu, tôn tạo thời gian sau. Theo các cụ cao niên cho biết, Tứ phủ được làm vào khoảng cuối thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Đền Nghè là một công trình tín ngưỡng bao gồm các kiến trúc: nghi môn, toà tiền tế, thiêu hương, giải vũ, Hậu cung, tứ phủ, nhà bia… Toà tiền tế gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 24 cột gỗ lim hình trụ vuông kê trên 24 viên đá tảng được chạm khắc công phu, tỷ mỉ. Hậu cung 3 gian được xây cao hơn nhà tiền tế, với thiết kế 2 tầng mái làm tăng thêm sự bề thế, uy nghi của công trình. Hiện nay, đền Nghè còn bảo tồn được nhiều tác phẩm điêu khắc đá rất có giá trị như: bia đá được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử, sự nghiệp Nữ tướng Lê Chân; khánh đá chạm nổi rất tinh xảo với đề tài “Vũ hội long vân”, Sập đá chân quỳ dạ cá được chạm khắc công phu, tinh tế với các đồ án tứ linh, tứ quý, cỏ cây hoa lá thiêng… Cách đây gần 2000 năm, từ An Biên trang, huyện Đông Triều, Lê Chân với ý chí đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, đã đến vùng đất ven biển phía đông khai hoang lấn biển, tích trữ lương thảo, rèn luyện quân sĩ và trở thành một nữ tướng tiên phong, kiệt xuất của Hai Bà Trưng. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, Bà được phong là Thánh chân công chúa, giao giữ chức “Chưởng quản binh quyền nội bộ”. Công tích của Nữ tướng Lê Chân không chỉ được các triều đại phong kiến Việt Nam ghi nhận ban tặng, sắc phong là “Nam hải uy linh Thánh Chân Công chúa” mà còn được nhân dân suy tôn, tưởng nhớ, dựng đền, đình thờ phụng muôn đời. Hệ thống thờ tự Nữ tướng Lê Chân được hình thành trong một không gian rộng lớn từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đến Nam Hà và trường tồn mãi với thời gian, đến nay đã gần 20 thế kỷ. Nữ tướng Lê Chân trong tâm thức dân gian là Tiền tổ khai canh, là Thánh mẫu, người bảo trợ tinh thần của muôn dân. Hệ thống các di tích thờ phụng Bà, dù có quy mô, kiến trúc khác nhau, song đều là những đài tưởng niệm suy tôn công đức lớn lao của một Nữ tướng đã góp phần quan trọng vào việc giành nền độc lập cho dân tộc trong buổi đầu dựng nước và là người khai hoang, mở đất, đặt nền móng cho việc tạo lập thành phố Hải Phòng ngày nay./. Nguồn : http://haiphong.gov.vn
Ở trên đất nhà bà mà cái tôi vẫn còn hờ hững với bà quá đây... Nghĩ mới thấy mình bất hiếu......... lại phải nhờ em Phúc Yên soạn cho bản văn chầu mà bắc ghế hầu ngài cho phải đạo cơ cầu thôi. Lậy bà ............