Khi nói về giới Sát Sanh trong đạo Phật, tôi thấy chúng ta có nhiều thấy biết...rất lạ lùng. Nhiều người phân vân không biết phải làm thế nào khi nhà có nhiều côn trùng, bò sát, ký sinh. Nếu giết chúng thì có phạm vào giới sát sinh không? Chúng ta thường nhận được những câu trả lời sau đây: 1/ Đừng giết chúng, quét chúng ra khỏi nhà mình. 2/ Niệm Phật hay trì chú thì chúng sẽ tự động đi. 3/ Quét dọn sạch sẽ, duy trì nếp sống vệ sinh ngăn nắp thì sẽ không còn các loài đó nữa 4/ Giết hết chúng, vì chúng là những loài có thể gây hại đến sinh mạng con người nếu chúng cắn (rắn, bò cạp, muỗi,..), phá hoại mùa màng (ốc bu vàng, châu chấu, sâu,...), lây lan dịch bệnh (chuột, gián, chó dại,...). Nếu là bạn, bạn sẽ làm theo cách nào? Trong cuộc sống đối đãi này, bạn khó lòng....vô sự, như như bất động mà không phản ứng gì. Trong những tình huống bắt buộc phải giết, chẳng hạn, diệt mối mọt. Chẳng thể nào để yên cho chúng tự đi, hay là quăng mớ ván sàn đầy mối ra đường. Chúng có thể sẽ bay sang nhà bên cạnh và ăn sập lầu nhà họ. Tùy theo từng cấp độ mà bạn có nhiều cách xử lý để hạn chế sự giết hại. Nhưng chúng ta phải có trí tuệ để nhận thấy hành động của mình đem lại hiệu quả vi mô hay vĩ mô, ngắn hạn hay dài hạn, đem lại lợi ích hay bất cập hại cho số đông. Giết. Nhưng giết trong tâm thế nào đó mới quan trọng. - Không cố ý, tham ưa sự giết, không hiếu sát. - Không khởi tâm vui mừng, hứng khởi, khoái trá khi giết. - Không động viên, khích lệ sự giết chóc. - Không sanh tâm ác độc, sân hận thể hiện qua cách tra tấn, gây hoảng sợ đau đớn kéo dài từng cơn cho đối tượng. - Không nuôi dưỡng, lưu giữ hình ảnh của hành động giết chóc trong đầu. Chúng ta biết có những sự giết ân huệ (tiêm thuốc đẩy nhanh sự chết cho một bệnh nhân chịu nhiều đau đớn, phát súng ân huệ cho tử tù, ...) hoặc trong những trường hợp phải giết hàng loạt các loài gia súc bị dịch bệnh lây lan (cúm gà H5N1, heo tai xanh, lở mồm long móng,..., tử hình những phạm nhân không thể cảm hóa để giữ kỉ cương xã hội. Trong giới sát sanh, dành cho cư sĩ Phật tử tại gia, Đức Phật chỉ nêu không được giết người và các loài thú lớn. Trong những trường hợp bắt buộc phải giết để bảo vệ an toàn tính mạng con người thì bạn bắt buộc phải giết (giết thai nhi trong bụng để giữ tính mạng người mẹ trong một số trường hợp sanh khó; giết một em để giữ tính mạng một em trong ca mổ song sinh dính liền nhau, giết các loài gây dịch bệnh,...) Im lặng, thờ ơ hoặc không hành động đôi khi lại là tàn nhẫn hơn cả việc sát sanh. Niệm Phật hay trì chú trong trường hợp này thì oan cho tiếng niệm Phật quá, Mọi người hiểu đây như là bùa chú, hoặc có công dụng thay thế thuốc xịt muỗi. Tôi không phủ nhận một số linh ứng khi bạn tu tập niệm Phật. Nhưng nếu ai cũng hiểu theo cách này thì sẽ là một đạo Phật bị động và nhu nhược, yếm thế, ỷ lại: giao hết trách nhiệm cho Phật A Di Đà hay Thiên Thủ Quan Âm. Tôi nhớ lại phim Thanh xà Bạch xà do diễn viên Phạm văn Phương và Tiêu Ân Tuấn đóng. Tu sĩ (Tiêu Ân Tuấn thủ vai), vì quá nóng lòng "trảm ma diệt yêu" cứu Hứa Tiên khỏi tay Thanh Xà, Bạch Xà mà nuôi lòng hận thù và ác độc. Dù Lý tưởng có đẹp, nhưng nếu ta thái hóa, nhiệt tình quá thì lý tưởng dễ trở thành mục đích tiêu cực. Vòng lẩn quẩn của tâm sinh diệt cứ thế mà không có điểm dừng. Chẳng thể nào an nhiên được. Sự vận hành của tâm là vô cùng vi tế. Có khi bạn giết với tâm thế không hận thù và vì lý tưởng cao cả nào đó, nhưng cũng nên tự hỏi lòng nhiều lần, coi chừng bị Tâm mình đánh lừa mình, tự biện hộ cho hành động Giết bằng lý thuyết Bát Nhã. Nếu cứ tiếp diễn như thế thì bạn dễ là người vô tâm lạnh lùng. Từ Bi song hành cùng Trí Tuệ. Chúc bạn đạt được đủ cả hai, để tâm không bị ràng buộc day dứt.