Điện thờ Mẫu ở các làng xã ở tỉnh Vĩnh Phúc

Thảo luận trong 'Bài viết nghiên cứu Đạo Mẫu' bắt đầu bởi kuangtuan, 23/8/11.

Lượt xem: 3,356

  1. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    Điện Mẫu ở các làng xã ở tỉnh Vĩnh Phúc
    Theo Văn Hóa Thể thao du lịc Vĩnh Phúc
    Ở nhiều làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay đều có điện thờ Mẫu. Tuy nhiên, nhìn chung có 3 dạng thức thờ tự:
    - Điện Mẫu công đồng ở các làng xã chủ yếu là thờ tượng.
    - Điện Mẫu riêng của tư gia. Chung quy là điện của các ông đồng, bà đồng, chủ yếu thờ tranh (tranh vẽ theo lối tranh thờ, phố Hàng Trống - Hà Nội).
    - Điện Mẫu kí gửi vào chùa, tạo nên một mô hình thờ tự “tiền Phật, hậu Mẫu”, chủ yếu xuất hiện nửa sau thế kỉ XVII. Cùng một số điện Mẫu xâm nhập vào thần điện các ngôi đền thờ Nữ thần, Mẫu thần... của những năm gần đây.
    Dưới đây là các khảo sát điển hình.
    điện Mẫu công đồng ở làng xã Vĩnh Phúc
    Đó là các điện Mẫu do làng bỏ tiền để xây dựng. Các điện Mẫu xưa, xây dựng từ trước năm 1945 phần nhiều đều không còn. Có 2 nguyên nhân cơ bản.
    Một là: Do công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), các điện Mẫu đều bị tiêu huỷ cùng một số các di tích đền miếu khác.
    Hai là: Do những năm sau hoà bình lập lại (1954), những vấn đề thuộc về tín ngưỡng Mẫu Tứ Phủ chưa được hiểu đúng, các di tích thờ Mẫu không được tu sửa, tôn tạo, nên cũng tự huỷ hoại theo thời gian.
    Ngày nay, sau những thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ được hiểu như một tín ngưỡng dân gian, nên nhiều làng xã bắt đầu thực hiện công cuộc phục hưng các điện Mẫu.
    Các điện Mẫu mới được xây dựng, trên cơ sở của nền móng cũ.
    Điện Mẫu làng Phú Hậu
    Toạ lạc bên bờ hữu sông Đáy, ở điểm giao cắt giữa sông Đáy và đường liên huyện Lập Thạch - Vĩnh Tường dọc theo làng Phú Hậu.
    Trước năm 1945, nơi đây có ngôi miếu nhỏ, thờ hai vị hàng Cô, nhân dân vẫn thường gọi là miếu Đôi Cô (miếu Hai Cô). Theo lời kể của già làng thì Hai Cô đều là con gái của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nên còn gọi là miếu thờ nhị vị Vương Cô.
    Trong Đạo Mẫu, đức thánh Trần Hưng Đạo là vị thống soái của phủ triều Trần (sẽ trình bày ở mục sau). Trong phủ Trần có linh tượng Trần Hưng Đạo và hai bên là tượng hai cô con gái. Chính vì vậy, từ một ngôi miếu có liên quan đến Đạo Mẫu, nhân dân làng Phú Hậu đã đóng góp nâng cấp lên thành một điện Mẫu nguy nga tráng lệ vào năm 2002. Cũng có ý kiến lí giải hai cô thờ trong miếu là Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái của vua Hùng Duệ Vương đời thứ 18 triều Hùng.
    Về thiết chế thờ tự, thấy có:
    - Hàng trên cùng: Một pho tượng Phật Bà Quan Thế âm Bồ tát.
    - Hàng thứ hai: Có 3 pho tượng Mẫu.
    Pho ở giữa là Mẫu Thượng Thiên.
    Pho bên trái là Mẫu Thoải.
    Pho bên phải là Mẫu Thượng Ngàn.
    - Hàng thứ ba: Là hai pho tượng nữ, vấn khăn ngang, không có khăn trùm đầu. Mặc áo dài hở cổ, thêm nẹp viền lớn dưới cổ áo, đó là hình tượng Vương cô, con gái của Hưng Đạo Vương (1) (cũng có thể là sự hồi cố về 2 con gái của vua Hùng Duệ Vương).
    - Hàng thứ tư là hàng các quan, gồm có 5 pho tượng Nam, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc triều phục. Mỗi vị có áo mang sắc mầu khác nhau, theo về với phủ Mẫu. Gọi là “Ngũ vị tôn quan” hay “ngũ vị tôn ông”. Theo thứ tự từ trái sang phải, có:
    Quan Đệ Nhị thuộc về Nhạc Phủ.
    Quan Đệ Tứ thuộc về Địa Phủ.
    Quan Đệ Nhất thuộc về Thiên Phủ.
    Quan Đệ Tam thuộc về Thoải Phủ.
    Quan Đệ Ngũ, có tên là Quan lớn Tuần Tranh, mặc áo tím, chức năng là quan khâm sai Tứ Phủ.
    - Hàng thứ năm là 2 vị ông Hoàng, đầu đội khăn xếp.
    ông Hoàng Bẩy, mặc áo xanh, khăn xếp màu xanh, thuộc Nhạc Phủ.
    ông Hoàng Mười, mặc áo vàng, khăn xếp màu vàng thuộc về Địa Phủ.
    Dưới hàng các ông Hoàng (ông Bẩy và ông Mười) là tượng hàng Cậu:
    Cậu Bé mặc áo đỏ, thuộc về Thiên Phủ (Cậu Bé Thiên).
    Cậu Bé mặc áo xanh, thuộc về Nhạc Phủ (Cậu Bé Ngàn).
    Bên phải ban chính điện, còn có một ban tượng thờ. Có một pho tượng nam mặc triều phục mầu đỏ, bên dưới phía trước có 2 pho tượng nữ đứng chầu, có thể là con gái của Trần Hưng Đạo, đó là ban Trần Triều.
    Bên trái ban chính điện, có một toà (động) Sơn Trang, gắn với Nhạc Phủ, tái hiện những cảnh sinh hoạt miền núi, trong đó chủ yếu là của chúa động, và các cô nàng. Có tới 12 cô nàng, khăn xanh có 2 múi trên đầu. Tầng không có bức hoành 4 chữ: Mẫu Nghi Thiên Hạ, và đôi rắn thần, hình tượng của Thanh xà đại tướng, Bạch xà đại quan. Và các nón có 3 loại: Nón Mẫu (hình tròn), nón chúa (hình bầu dục) và nón Tứ phủ (còn gọi là nón Dùm) có nhiều tầng.

    ---------- Post added at 06:56 PM ---------- Previous post was at 06:55 PM ----------


    Điện Mẫu trong khuôn viên đền Trần Hưng Đạo
    Điện Mẫu trong khuôn viên đền Trần Hưng Đạo, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên
    Hiện nay, trong khuôn viên đền Trần nơi đây, có 3 nội dung thờ tự, gồm 3 toà nhà, ngang theo hình chữ “nhất”.
    - Toà nhà giữa: Đền thờ Trần Hưng Đạo, bài trí 3 pho thần tượng.
    Pho tượng giữa mặc triều phục là tượng Trần Hưng Đạo.
    Hai pho tượng hai bên là tượng hai bà con gái của Đại Vương, gọi là tượng Hai Vương Cô.
    Cô Đệ nhất, tức bà Bảo Thánh Khâm Từ, là hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông, sinh ra vua Trần Anh Tông. Tượng có khoác áo màu đỏ, ảnh hưởng của cung Đệ Nhất Thượng Thiên trong Đạo Mẫu.
    Cô Đệ nhị, tức bà Tuyên Từ, em gái của bà Khâm Từ. Tượng có khoác áo màu xanh, ảnh hưởng của cung Đệ Nhị Thượng Ngàn trong Đạo Mẫu.
    - Toà nhà bên phải đền Trần:
    Đó là một điện Mẫu: Tam toà Thánh Mẫu.
    Trên điện, bài trí 5 hàng tượng thờ.
    + Hàng trên cùng: Gồm 3 pho tượng Mẫu: Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải).
    + Hàng thứ hai: có 5 pho tượng nam: Ngũ vị tôn ông (quan).
    + Hàng thứ 3: Có 5 pho tượng Nữ, thuộc hàng chúa, màu sắc y phục theo màu sắc của Tứ Phủ. Riêng pho tượng giữa, có y phục màu xanh, đầu chít khăn có 02 múi theo lối khăn hàng chầu. Có lẽ là chầu Khâm sai của 4 vị hàng Chúa (Khâm sai Tứ phủ).
    + Hàng thứ 4 là hàng các ông Hoàng. Có tượng của 3 ông Hoàng.
    Giữa là ông Hoàng Mười, thuộc Địa Phủ.
    Một bên là ông Hoàng Ba, thuộc Thoải Phủ.
    Một bên là ông Hoàng Bảy, thuộc Nhạc Phủ.
    + Hàng thứ 5: Dưới cùng là hai pho tượng: Một tượng Cô, một tượng Cậu.
    ở hai bên tả hữu chính điện, còn có 2 ban có biển đề tiếng Việt.
    Ban quan lớn Thủ đền ở bên trái (không có ban Trần Triều theo thông lệ vì đã có đền thờ chính thờ Trần Hưng Đạo). Một pho tượng y mục màu xanh, đầu đội khăn chầu 2 múi. Có thể là chúa Sơn Trang.
    Ban Chúa ở bên phải.
    - Toà nhà bên trái đền Trần:
    Là một ngôi chùa. Trong chùa có một ban riêng bên phải toà chính đường, có đặt pho tượng có biển đề Phật Địa Mẫu Chân Kinh, là một ảnh hưởng của đạo phái Long Hoa Di Lặc.

    ---------- Post added at 06:56 PM ---------- Previous post was at 06:56 PM ----------

    Điện Mẫu làng Hạ xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương
    Vốn xưa điện Mẫu thuộc khuôn viên chùa Hạ. Chỉ có một pho tượng Mẫu và hai cô hàng chầu, bị tàn phá vào thời kì quân Pháp chiếm đóng.
    Căn cứ vào 4 chữ lớn treo trên toà thượng điện: “Quốc Mẫu thánh cung”.
    Nghĩa là: Cung Thánh của Quốc Mẫu thì đây nguyên gốc là thờ Quốc Mẫu Tây Thiên núi Tam Đảo như di tích chùa Hà Tiên, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên.
    Ngày nay làng Hạ xã Hợp Thịnh xây một điện Mẫu mới, thờ tự Tam toà Thánh Mẫu.
    Trên Mẫu điện, bài trí ba hàng thánh tượng.
    Hàng trên cùng là 3 pho thánh tượng: Mẫu Thượng Thiên toạ ở giữa. Mẫu Thượng Ngàn toạ bên trái Mẫu Thượng Thiên. Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ toạ bên phải (theo sắc màu trên áo). Trong ba pho tượng kể trên, chỉ có pho Thượng Thiên là tượng cổ còn lại. Có thể đó là tượng Quốc Mẫu xưa kia.
    Hàng thứ hai là 5 pho tượng hàng quan: Ngũ vị Tôn ông. Pho tượng giữa là quan Đệ nhất thuộc phủ Thượng Thiên (áo đỏ). Về bên phải là pho tượng quan Đệ nhị thuộc phủ Thượng Ngàn (Nhạc Phủ, áo xanh), tiếp đến quan Đệ ngũ Tuần Tranh (áo tím). Về bên trái, là pho tượng quan Đệ tam thuộc Thoải Phủ (áo trắng), tiếp đến là quan Đệ tứ thuộc Địa Phủ (áo vàng).
    Hàng thứ ba là hai pho tượng hàng Cô. Tương truyền của dân địa phương là hai cô con gái vua Hùng. Có thể là công chúa Tiên Dung (lấy Chử Đồng Tử) và công chúa Ngọc Hoa (lấy Sơn Tinh), con gái của Hùng Duệ Vương.
    ở hai bên tả hữu điện chính, có hai ban thờ tượng.
    Bên trái điện chính có ban Trần Triều. Chính giữa có tượng Trần Hưng Đạo mặc triều phục toạ trên ngai rồng. Hai bên có tượng của hai bà con gái. Hàng dưới là hai tượng nhỏ hàng nữ chầu.
    Bên phải là toà động Sơn Trang, to lớn, trang trí các cây hoa lá. Hai bên cửa động có hai “ông lốt” (con rắn lớn) treo mình, đó là hình tượng Thanh xà đại tướng, Bạch xà đại quan. Trong động có tượng chúa Sơn Trang. Hai bên có 12 pho tượng nhỏ thuộc hàng chầu chúa Sơn Trang, còn gọi là 12 cô nàng - vách động có treo các đôi hài của các cô nàng. Phía trong cửa động, có 2 pho tượng, 1 nam, 1 nữ có lẽ là tượng chúa động và tám tướng Sơn Trang. Trong động có các loài vật nơi núi rừng như chim, sư tử, hươu… Phía trước (hạ ban) là ban thờ ngũ Dinh (5 ông hổ).
    ở gian cạnh, nối đốc với điện Mẫu, làng Hạ còn xây riêng một gian thờ ông Hoàng Bẩy. ông Hoàng đầu đội khăn xếp màu xanh lục, áo cùng màu. Ngồi xếp vàng trên sập, hai tay đặt trên gối.
    Hai bên có hai pho tượng thị nữ nhỏ đứng chầu, có một cỗ ngựa để quan Hoàng cưỡi. Nơi quan Hoàng ngự, được trang trí như một cung động.

    ---------- Post added at 06:57 PM ---------- Previous post was at 06:56 PM ----------

    Điện Mẫu làng Đại Đề, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch
    Trong khuôn viên chùa làng Đại Đề, gọi là chùa Khánh Thiên, có điện thờ Mẫu theo phương thức cổ truyền “tiền Phật hậu Mẫu” (đứng trước là chùa thờ Phật, đằng sau lập cung thờ Mẫu).
    Ngày nay, do nhu cầu phát triển tâm linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu, làng lập ngôi điện Mẫu mới.
    Ban chính điện thờ 3 hàng tượng thánh.
    - Hàng trên cùng có ba pho tượng Mẫu là Mẫu Thượng Thiên (áo đỏ), Mẫu Thượng Ngàn (áo xanh) và Mẫu Thoải (áo trắng).
    - Hàng thứ hai là 5 pho tượng hàng quan: Ngũ vị tôn ông. Gồm: Quan Đệ nhất Thượng Thiên (áo đỏ), Quan Đệ nhị Thượng Ngàn (áo xanh), Quan Đệ tam Thoải Phủ (áo trắng), Quan Đệ tứ Địa Phủ (áo vàng) và Quan lớn Tuần Tranh (áo xanh lục).
    - Hàng thứ ba là hàng dưới cùng, thờ tượng ba vị ông Hoàng. Đó là:
    ông Hoàng Ba (Hoàng Bơ), áo trắng thuộc Thoải Phủ.
    ông Hoàng Bẩy, áo xanh thuộc Nhạc Phủ.
    ông Hoàng Mười, áo vàng thuộc Địa Phủ.
    Các ông Hoàng đều đội khăn xếp, ngồi xếp bằng tròn trên điện.
    - Tầng không có linh tượng đôi Rắn thần, một xanh, một trắng là biến thể của Thanh xà đại tướng, Bạch xà đại quan. Cùng 3 loại nón của điện Mẫu.
    - Tầng dưới (hạ ban) ở giữa là ban thờ Ngũ Dinh (5 ông hổ) cùng 2 pho tượng nhỏ đặt trong hộp kính.
    Một bên là cậu bé Hoàng, cung Đệ nhất mặc áo đỏ.
    Một bên là cậu bé Hoàng, cung Đệ nhị mặc áo xanh.
    ở 2 gian bên, còn dựng tiếp hai ban thờ:
    Một ban Trần Triều, có tượng Trần Hưng Đạo, mặc triều phục toạ trong ngai rồng. Đấy là pho tượng mới nhưng đẹp cả về dung nhan và tạo hình.
    Một toà Sơn Trang, bên trong có pho tượng chúa Sơn Trang và 12 pho tượng y phục màu xanh, đội khăn có 2 múi, cùng 12 nữ thị tì. Trong động còn có một số động vật hoang dã của nơi rừng núi thâm u.
    Đặc biệt ngoài sân điện, còn dựng hai toà nhà vuông nhỏ, xây theo thể thức các “cây hương” bên trong đặt tượng:
    Một bên là tượng “Cô thủ điện”, mặc áo trắng.
    Một bên là tượng “Cậu thủ điện”, mặc áo xanh, mà các điện Mẫu khác không xây dựng.

    ---------- Post added at 06:58 PM ---------- Previous post was at 06:57 PM ----------

    Điện Mẫu làng Gốm, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch
    Làng Gốm, gồm có làng Trong (Quan Tử) và làng Ngoài (Phú Thị), trước năm 1945 đều có đền thờ Mẫu khá nguy nga, mỗi làng một đền. Song do tiêu thổ kháng chiến, nên đến nay không còn.
    Ngày nay, do nhu cầu tâm linh, một ngôi đền Mẫu mới được xây dựng trong khuôn viên đất của đình làng Phú Thị cũ. Đền gồm có toà thượng cung và 3 gian tiền tế, cấu trúc theo lối chữ Đinh (J) truyền thống.
    Trong toà thượng cung, có 3 pho tượng Mẫu là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải được đặt trang trọng trong khám thờ.
    Trước điện, ở tầng không có hai ông lốt (Rắn xanh và trắng), biểu tượng của hàng quan: Thanh xà đại tướng, Bạch xà đại quan. Tầng trệt (Hạ ban), thờ 05 ông hổ (quan Ngũ Dinh).
    Nội thất nhà tiền tế, có bày biện hoành phi, câu đối. Đáng chú ý nhất bức hoành phi trước điện:
    Thuỷ đức tường quang.
    Nghĩa là Đức sao Thuỷ, phúc sáng.
    Chũ Thuỷ có nghĩa là Nước. Chỉ về nước, là để thờ vị quan Đệ Tam thuộc Thoải Phủ. ý nghĩa ấy được dẫn bằng câu đối trước điện:
    Cảm nhi toại thông thiên giang hữu thuỷ thiên giang nguyệt
    Cầu chi tất ứng vạn lí vô vân vạn lí thiên.
    Nghĩa:
    Nghĩ đến được thông đến trời, sông có nước, nghìn sông trăng sáng.
    Cầu thì được ứng, vạn dặm không mây, vạn dặm trời.
    Có lẽ đây là xuất phát điểm của nguyên nhân lập đền là vì thờ ông Hoàng Ba. Tuy nhiên trên điện lại có Tam Toà Thánh Mẫu.
    ở nhà tiền tế, trên hết có tượng vua cha Ngọc Hoàng. Lại có 3 ban thờ nữa:
    - Bên trái điện là các ông Hoàng của Tứ Phủ. Biển đề là Cung Hoàng Ba, tức ông Hoàng ở phủ Thoải. Song ở đây lại có cả tượng của 4 ông Hoàng.
    ông Hoàng Mười (ngoài cùng từ trái sang).
    ông Hoàng Đệ nhất (thứ hai).
    ông Hoàng Ba (Bơ) (thứ ba, sau bát hương).
    ông Hoàng Bẩy (trong cùng).
    - Bên phải điện là ban Trần Triều có tượng Trần Hưng Đạo. Tầng trệt trước điện có tượng Cô, tượng Cậu.
    Trong điện Mẫu ở đây, chưa thấy có toà động Sơn Trang và chúa Sơn Trang.

    ---------- Post added at 06:59 PM ---------- Previous post was at 06:58 PM ----------

    Điện Mẫu trong khuôn viên chùa Dầu (chùa Nguyên Hoà), xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường
    Toàn bộ khuôn viên đất chùa ngày nay là khu đất nhà Mẫu trước năm 1945.
    Thời quân Pháp tạm chiếm (1948-1954), ngôi chùa không ai coi sóc, nên đổ nát, đất chùa chuyển sang đất canh tác, đất thổ cư. Khi xây dựng lại chùa (sau năm 1954), chuyển chùa vào khu đất nhà Mẫu. Nghiễm nhiên điện Mẫu nằm trong khuôn viên đất chùa, theo quy cách kiến trúc. Chùa ở giữa, điện Mẫu và nhà thờ Tổ ở hai bên.
    Điện Mẫu được bài trí thờ tự có 3 ban.
    - Ban chính điện: Có 3 pho tượng ở tầng thượng.
    ở ngôi cao nhất là Phật Bà Quan âm.
    Hai pho tượng hai bên là Mẫu - bên Chúa.
    Hàng dưới có vị áo xanh, hai bên có hai pho tượng nữ đứng chầu, thuộc về hàng chầu bà.
    Vậy là, chỉ với 4 pho tượng trên điện thần, đã sắp xếp đủ thứ tự 4 hàng bậc: Phật, Mẫu, Chúa và Chầu.
    Tầng không trên điện có bức hoành 4 chữ: “Cung thất linh điện”.
    - Ban bên trái có Sơn Trang, có tượng chúa Sơn Trang và 12 cô nàng.
    Tầng không treo bức hoành có 3 chữ “Điện Tiên linh”. nghĩa là: Nhà lớn của Tiên linh thiêng.
    - Bên phải là ban Trần Triều, bài trí cùng 5 vị hàng Quan, dưới bức hoành 3 chữ “Vọng như sơn”. Nghĩa là: Ngửa trông như thấy núi.
    Tầng trệt có tượng Cô, tượng Cậu và tượng Ngũ hổ.
    Như vậy, đây cũng là một thiết chế đầy đủ các hình tượng chủ yếu của một điện Mẫu Tứ Phủ.

    ---------- Post added at 06:59 PM ---------- Previous post was at 06:59 PM ----------

    Điện Mẫu trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc
    Chùa Vĩnh Phúc thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch mới lập lại ngôi điện Mẫu theo kiểu “tiền Phật hậu Mẫu”.
    Trong điện thần ngoài các loại nón thuộc về điện Mẫu, trên tầng thượng chỉ trưng bày 3 hàng thánh tượng:
    - Hàng trên có 3 pho tượng Mẫu (trắng - đỏ - xanh).
    - Hàng giữa có 4 pho tượng Nữ, theo phả hệ điện Mẫu thì đó là các bà Chúa: Chúa Thượng Thiên (ñoû), Chúa Thượng Ngàn (xanh), Chúa Thoải (trắng) và Chúa Đệ Tứ (vàng).
    Hàng dưới là 5 pho tượng hàng Quan: Ngũ vị tôn Quan.
    Cách bài trí thần tượng kiểu này, tuy theo đúng phả hệ Mẫu, theo đúng thứ tự hầu đồng, song lại hiếm gặp ở các điện Mẫu khác.
    Trên đây là điểm qua một số điện Mẫu của công đồng làng xã, nghĩa là một mô hình thờ tự về Mẫu Tứ Phủ của một cộng đồng làng.
    Các điện Mẫu xưa, chưa bao giờ được chính quyền nhà nước để tâm tới. Các sinh hoạt thờ tự và nghi lễ nằm gọn trong hoạt động tự phát một số con nhang đệ tử, những người có “căn số” với cửa Mẫu, hoặc của các ông đồng, bà đồng, nên đa số quần chúng nhân dân còn thờ ơ tín ngưỡng này. Các ngày có khóa lễ ở cửa Mẫu, chỉ một số dân chúng (đa số là tầng lớp trẻ, thanh thiếu niên) đến “xem lên đồng”, “tranh cướp lộc” nhiều hơn là ý thức dự lễ hội. Các khoá lễ ở cửa Mẫu chỉ mang tính chất gia đình cá thể, chưa bao giờ là một hội làng. Vì vậy các tư liệu văn bản của làng xã xưa còn lại, không thấy có một ghi chép nào về các điện Mẫu.
    Tuy vậy, qua lưu trữ của Viện Viễn Đông Bác Cổ nay còn được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội và Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Hà Nội. Cụ thể như làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch có một ngôi đền Mẫu rất hoành tráng, toạ lạc trên vài sào đất ở ngay đầu làng, một số di vật tuy đã tản mát, nhưng nay vẫn còn tìm lại được, tuy trong các văn bản cổ của làng Quan Tử không thấy có ghi chép. Làng Quan Tử hiện nay, chỉ còn nhớ một địa danh Đền Mẫu và một khu đất vẫn nhận ra được - Trên bản đồ Sở Địa chính Bắc Kì, tỉ lệ 1/1000 về làng Quan Tử, tổng Đông Mật, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên, ở tờ số 6, còn nhận ra được một toà nhà gạch hình chữ Đinh (J) trong thửa số 1375 là dấu ấn duy nhất.
    Sau khi có lệnh tiêu thổ kháng chiến năm 1946-1947, ngôi đền Mẫu không còn. Ngày nay, được dựng lại riêng trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc (chùa Am) trở thành một bối cảnh “tiền Phật hậu Mẫu” (đằng trước thờ Phật, đằng sau thờ Mẫu. Đây cũng là một dạng thức bố cục mặt bằng kiến trúc khá phổ biến của nhiều ngôi chùa làng vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ từ thế kỷ XVIII.
    Sự bài trí của điện Mẫu hiện nay tuy còn đơn giản, sơ sài, song lại định hình một dạng thức mới ở sự bài trí thờ tự:
    - Tầng không là tầng nón: nón Mẫu, nón chúa của ba phủ Thiên, Nhạc, Thoải cùng nón Công đồng tứ phủ (nón dùm).
    - Tầng ban có 3 hệ tượng:
    ở trên cùng là 3 tượng Mẫu có sắc phục đỏ (Thượng Thiên), xanh (Thượng Ngàn) và trắng (Mẫu Thoải).
    Hàng thứ hai, có 4 pho tượng nữ mang sắc phục của Tứ phủ: đỏ, xanh, trắng và vàng.
    Đã có ý kiến lý giải là thuộc “Tứ Phủ Chầu Bà”. Song, theo như hệ phả của đạo Mẫu thì đó là các chúa Bà như 4 vị nữ chúa đã trình bày ở phần trên, nên được xếp trên hàng Ngũ vị Tôn quan (hàng thứ ba).
    Trình bày như thế này là một dạng thức khá khác lạ so với điện Mẫu khác, thường chỉ có các hàng tượng là: Mẫu - Quan rồi đến hàng các ông Hoàng (số 3 là Hoàng Ba, Hoàng Bảy, Hoàng Mười - số 4 là thêm ông Hoàng Cả của phủ Thiên). Một trường hợp hiếm gặp ở điện Mẫu Vĩnh Phúc.
    Điện Mẫu làng Phượng Lâu, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, nay toạ lạc trong khuôn viên chùa Dầu, trở thành một hệ phụ.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

  2. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    Các điện Mẫu tư gia (nhà riêng)
    Điện Mẫu tư gia là những điện thần thờ Mẫu Tứ Phủ của các ông Đồng, bà Đồng tức là những “tín đồ” của Đạo Mẫu. Có hai loại điện cho giới “tông đồ” này.
    “Tông đồ” thờ theo dòng Cha, tức là lập điện thờ vua Cha Bát Hải và Phủ Trần Triều. Đặc điểm của điện thờ này là không tổ chức được các khoá lễ hầu đồng về dòng Mẫu.
    Nếu có một tín đồ hay con nhang đệ tử phải lập khoá lễ hầu đồng Mẫu thì phải tổ chức nhờ ở điện Mẫu dòng Mẹ (mượn cửa Mẫu).
    Điện Mẫu của các “tông đồ” theo dòng Mẹ, tức là thờ điện Mẫu Tứ Phủ, đều do các ông Đồng, Bà Đồng đứng lập, và cũng không mở được theo dòng Cha.
    Ngày nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều điện thờ loại này của các ông đồng, bà đồng, nhiều ông đồng, bà đồng khác “nổi tiếng” “Mở Phủ” đang là hoạt động diễn ra hết sức nhộn nhịp .
    Sở dĩ có hiện tượng như vậy vì có các lí do sau đây:
    Một là:
    Trước hết là vai trò của Bà Mẹ trong nền nông nghiệp lúa nước, thuộc về văn hoá lúa nước trong đời sống thực đã hoà vào vai trò của Bà Mẹ trong cuộc sống tâm linh đầy ước vọng. Cũng tức là các vị thần trong đạo Mẫu phản ảnh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, mà quan tâm đến cuộc sống hiện tại, và làm thế nào để con người có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần.
    Hai là:
    Đạo Mẫu (nhất là ở các giá đồng) đã giải quyết các yếu tố tâm lí của con người bằng sức mạnh của “ma thuật” (một thuật ngữ chỉ hình thái tôn giáo nguyên thuỷ tin rằng con người có thể làm ra những phép lạ bằng sức mạnh thần bí của mình). Xoa dịu những trăn trở, lo sợ trong đời sống thực như ốm đau, bệnh hoạn, tai ương… tạo động lực tâm lí cho con người yên tâm trong cuộc sống, để con người gánh chịu và vượt lên hiện thực.
    Có hai dạng thức thờ tự ở điện Mẫu tư gia:
    Thờ tượng.
    Chủ yếu của các ông Đồng, bà Đồng lâu năm, có uy tín và có khả năng tài chính khá, có thể tự bỏ tiền xây dựng hẳn một điện thờ trong khuôn viên nhà mình.
    Thờ tranh.
    Một số các điện Mẫu tư gia khác, khi mở phủ, đã không thờ tượng mà thay bằng các tranh vẽ về Mẫu Tứ Phủ trên điện thờ.
    Các tranh thờ này gồm có:
    Tranh về Mẫu (chủ yếu là Mẫu Tứ Phủ).
    Tranh về Phủ Triều Trần.
    Tranh Ngũ hổ.
    Tuy nhiên, sự bài trí vẫn theo nội dung cửa Mẫu:
    - Tầng không: Treo các loại nón, một biểu trưng về Đạo Mẫu: Nón ba tầm, nón Mẫu, nón chúa, nón chóp hàng quan. Nón dùm công đồng Tứ Phủ. Đủ các màu sắc theo ngũ hành của Đạo Mẫu.
    - Tầng chính điện: Trên hết có tranh tượng của Phật Bà Quan âm.
    ở giữa có tranh tượng có đủ các vị thần thánh của Đạo Mẫu như: Phật, Ngọc Hoàng, các Mẫu: Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Hàng Chúa, hàng Quan…các chức danh trong Đạo Mẫu.
    Bức tranh bên trái điện là vẽ động Sơn Trang, có chúa Thượng Ngàn.
    Bức tranh bên phải điện là tranh về phủ Trần Triều. Vẽ một vị đại quan đầu đội mũ cánh chuồn, mặc triều phục màu đỏ, có cân đai bối tử, toạ trên cỗ ghế rồng (long ngai). Đó là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Hai bên có hai bộ tướng, một vị cầm quạt (biểu thị hàng văn), một vị cầm kiếm
    ở ban dưới thờ tranh ngũ hổ.
    Thông thường, với các điện Mẫu có thờ tranh của những cô đồng mới mở phủ, điện Mẫu thường đặt riêng trong một gian trái nhà.
    Các tranh này thường được vẽ theo kiểu tranh thờ phố Hàng Trống Hà Nội, là loại tranh dân gian, thịnh hành từ đầu thế kỉ trước.
    Tuy nhiên, hiện nay ở Vĩnh Phúc, chưa phát hiện được bức tranh cổ nào. Các tranh đang được sử dụng phổ biến là tranh sao chép từ nguồn gốc tranh Hàng Trống. Song qua nhiều thế hệ sao chép, trở thành hàng hoá thị trường, nên giá trị nghệ thuật rất thấp.
    Có 2 nguyên nhân để điện Mẫu tư gia dùng tranh là:
    - Do điều kiện kinh tế, tài chính mới mở phủ còn hạn hẹp.
    - Vấn đề chủ chốt vẫn là văn hoá tâm linh. Các ông Đồng, bà Đông cũng không tin vào thế hệ kế tiếp, con cháu có thể tiếp tục gìn giữ được điện Mẫu lâu dài. Nên thờ tranh, đến thời điểm nào đó phải hạ giải ngôi điện, sẽ dễ dàng xử lí hơn thờ tượng mang tính chất lâu dài.
    (1). Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có 3 con trai là: Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn; Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng; Hưng Trí Vương Quốc Hiệu. Hai bà con gái và một bà con nuôi là quận chúa Chiêu Thánh, gả cho tướng quân Phạm Ngũ Lão.
     

Chia sẻ trang này