Tác Giả: Xuân Diệu Không gì đẹp cho bằng đẹp trai! Người con gái đẹp như hoa, người con trai đẹp như lá. Hoa thì yếu, lá thì mạnh. Người con gái đẹp như bướm lườn, có uyển chuyển mà không có reo ca; người con trai đẹp như chim kêu, có mặt trời xúc tích ở trong cửa sổ. Con trai đẹp mà mạnh, như núi xanh đẳng chân trời! Con gái đẹp uốn éo thuớt tha, như dòng sông Xuân. Con gái đẹp mềm, con trai đẹp giòn; núi khẳng khái, không lả lướt cho bằng sông, nhưng hùng dũng dường bao ! Người con gái đẹp là đẹp, người con trai đẹp là sống. Này hãy xem một người con trai mười chín tuổi. Đó là tuổi rất con trai. Các bộ phận của thân hình đều có một vẻ lạ lùng; vừa mởn mơ, vừa mạnh mẽ. Đó là tuổi diệu huyền, kỳ bí; người trai qua thời măng nụ, trải qua tuổi mười sáu, mười bảy, mười tám, bấy giờ người con trai đẹp như bình minh, lúc mặt trời đã lên được một sào. Đêm còn phảng phất nơi rặng núi tây; áng sáng chưa chói chang, cái gì cũng tươi sáng, mạnh mẽ mà vẫn mầm non, không gì đẹp cho bằng ! Kìa xem đôi mày to mạnh, chưa cứng rắn như mày đàn ông, còn sót lại chút óng tơ của mi tuổi nhỏ. Kìa xem cái mũi thẳng, hai cánh thường phồng; kìa xem cái miệng đẹp đẽ tươi cười, dưới cằm đã lộ chiều quả quyết. Trên môi loáng thoáng như bóng hình râu mép nhưng không, đó chỉ là lông tơ. Trán phẳng như thạch bàn, tóc ngắn, chải vừa phải, cái gáy xanh mạnh như bật chồi. Còn ngực thì bắt đầu nở nang, tay còn nở nang vừa; bụng thóp, đùi tuy chắc chắn nhưng vẫn tơ măng; ống chân cao, vút lên một cái như sắp nhảy. Khi người con trai đi, có phải gót giầy kêu hay lắm không? Gót sang sảng, rực rỡ dường nào! Chân chắc mạnh, đi vững vàng; ngực kiêu hãnh, cổ thẳng đứng, mặt quang đãng, như mặt trời đã mọc ở nơi trán, như chim chóc đã kêu ở trên vai. Nhưng không cần phải phân tích như thế; ta cứ tự nhiên mà lĩnh hội cái đẹp trai. Cái đẹp trai quí hóa vô cùng! Vì nó càng dễ tắt hơn cái đẹp gái. Người con gái có phấn son, áo quần màu mẽ; cho đến lúc thành đàn bà, thành mẹ thì cũng " gái một con trông mòn con mắt" ; chứ người con trai; cái đẹp mau biến hóa lắm thay! Đã thành đàn ông mà còn đẹp, thì cái đẹp cũng không còn phải là đẹp trai nữa. Nó khó khăn như vậy, nên người đời mới định cho một chữ " đẹp trai ". Hãy nghiệm chữ đẹp trai mà xem. Chữ ấy phải để cho bọn con trai; có vợ rồi, chữ dùng sẽ kém đẹp. Mà người đời vô tâm mà tinh xảo lắm nhỉ! Đã nói đẹp trai, lại còn nói " trai tơ" ; trai tơ nghe lại còn hiếm hoi hơn gái tơ nữa. Mười bốn tuổi, chỉ là một thằng con nít; mười sáu tuổi, còn rụt rè như con gái; mười bảy rồi mười tám, lúc ấy hơi dương mới ấm áp như xuân ướm về. Bước sang mười chín: đêm tan rõ ràng là một buổi rạng ngày. Tuổi mười tám đã dương tráng, nhưng chưa được dòn dã; đến mười chín tuổi; thì thực dòn dã mà đang còn nụ hoa; cái tuổi đó là tuổi đẹp nhất. Rồi sang hai mươi, cũng còn như thế; hăm hai, rực rỡ hoàn toàn; hăm bốn: cái đẹp hóa thành cái mạnh; hăm sáu: đó là tuổi một người đàn ông. Ngắm lại tuổi xuân thật chẳng dài, tuổi đẹp trai chẳng lâu gì lắm; nên sắc đẹp trai thật là một hạt ngọc trong đời! Cứ mỗi mùa xuân, gái tơ đến lứa, thì trai tơ cũng lồ lộ một vừng. Mặt trời trai trẻ mọc ở đôi khuôn mặt hùng anh. Đó là cái đẹp của khí dương, nhưng lại một vài năm, trước khi hòan tòan thành sức mạnh. Trước khi thành cái sức tranh đấu, cái sức chinh phục, khí dương còn ngừng lại làm duyên, tự ngắm nghía mình, say mộng hoa hương. Ngày mai, vào giữa đời, không biết một cái nhíu mày của Chúa Xuân sẽ làm rụng rời bao nhiêu lòng thiếu nữ?
Đọc văn cụ Xuân Diệu ( nói nhỏ nhé nếu bây giờ mà Thi nhân còn sống mà gọi bằng "cụ" trước mặt dù ở tuổi bách niên chắc cũng bị mắng, bởi người thơ chẳng thích sự già) câu nào cũng thấy hay, thấy ngọt ngào. Không thấy thừa, thấy dư một chữ nào. "Gọi là nuột từ đầu đến chân", có một cảm giác tươi mát khắp cơ thể dù ngoài kia trời có bốn mươi lăm độ.
Cụ nhà thơ này rất là lạ mà hay. Nói chuyện ở đâu thì hàng ghế đầu bao giờ cũng phải là các cô gái và hoa nhưng thực tế thì cụ lại thích giai!
Kể ra đọc cái chuyện này mình thấy cũng "rơ lắm", mình biết thừa là cụ Xuân Diệu cụ ấy đẹp trai rồi, cụ ấy có quyền tự hào lắm chứ? Nhưng mình thì... Văn của cụ đọc mới thấy cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ, của văn phong rộng mở bởi một tâm hồn đẹp và biết thưởng thức cái đẹp, cái tinh túy của cuộc sống con người. Hơn đời cũng là vì sự thế!
Bởi vì cụ chót một lòng tham thôi, mà thực lòng mà nói không sống hết mình, khong cuồng nhiệt và bồng cháy như con thiêu thân năn vào cuộc đời này sao cụ viết được những trang văn, những câu thơ tuyệt vời như thế? Một sự hiến mình vì nghệ thuật- nhìn thế chắc mới thấy hết ý nghĩa của cuộc đời người nghệ sỹ.
Văn chương nhiều khi không thể nhìn theo tư duy biện chứng. Nhìn như thế thì đôi lúc cuộc sống này nó trần trụi quá khác gì hỏi: Anh yêu chị ấy vì lý do gì? Nếu người con trai trả lời được tức là họ hết yêu, hoặc không hiểu yêu là gì?