Đền Vân Mẫu và sự tích về Thánh Tam Giang

Thảo luận trong 'Bài viết nghiên cứu Đạo Mẫu' bắt đầu bởi THIÊNTRƯỜNG_91, 7/6/11.

Lượt xem: 1,862

  1. THIÊNTRƯỜNG_91

    THIÊNTRƯỜNG_91 New Member

    nguồn tham khảo:http://vietnamgateway.org


    Đã từ lâu trong dân gian xứ Bắc, dọc đôi bờ sông Cầu có khoảng 372 làng thờ “Thánh Tam Giang”, tương truyền là những danh tướng của Triệu Quang Phục có công đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Song duy chỉ có xã Vân Dương (Quế Võ) có ngôi đền thờ “Thánh Mẫu” là thân mẫu của Thánh Tam Giang. Liên quan đến ngôi đền này còn có đình, nghè, nhà cố trạch đã phản ánh sâu sắc về sự tích quê hương Thánh Tam Giang.


    Xã Vân Dương trước năm 1945 là tổng Vân Mẫu, huyện Võ Giàng. Tổng Vân Mẫu khi ấy gồm các làng: Chu Mẫu, Vân Mẫu, Vân Hợp và Lãm Dương (làng và trại). Theo như thư tịch, sử sách và dân gian truyền tụng thì đây là quê hương Thánh Tam Giang. Chính vì vậy, tại xã Vân Dương còn cụm di tích về quê hương Thánh Tam Giang như: nghè Chu Mẫu tương truyền nơi thờ Thánh Tam Giang, nhà cố trạch tương truyền là nhà ở thuở nhỏ của các Thánh và đặc biệt là đền thờ cùng lăng mộ Thánh Mẫu (được dân gian gọi là Đền Vân Mẫu).

    Đền Vân Mẫu được xây dựng gồm: chính đền, tả vu, hữu vu và cả phần lăng mộ. Trong đền có tượng Thánh Mẫu, thần phả, sắc phong, bia đá và nhiều đồ thờ tự quý. Năm 1953, giặc Pháp phá hết chỉ còn phần lăng mộ. Năm 1975, nhân dân địa phương xây lại với quy mô nhỏ. Đến năm 2005, đền được chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại với quy mô to lớn gồm: chính điện, hậu cung, nhà bia, lăng mộ và sân vườn. Song điều quý giá là làng xã nơi đây còn gìn giữ được tượng thờ cổ, thần phả, sắc phong và nhiều đồ thờ tự cổ quý phản ánh rõ nét, sâu sắc về quê hương Thánh Tam Giang.
    Căn cứ vào thần phả, sắc phong của đền có thể tóm tắt về lai lịch, công trạng của Thánh Tam Giang như sau:

    “Anh em Thánh Tam Giang họ Trương tên húy là Hống, Hát, Lừng, Lẫy và Đạm Nương. Thân mẫu là người làng Vân Mẫu, xã Vân Mẫu, là con gái họ Phùng, tên hiệu là Từ Nhan, sắc đẹp hơn người, nết na thuần phục. Một đêm bà nằm mộng tắm ở sông Lục Đầu thấy rồng quấn quanh mình mà có thai, rồi tại bãi Cửa Cữu sinh ra một bọc 5 con (4 trai, 1 gái). Người mẹ hết lòng chăm lo các con ăn học và đều là những người tinh thông văn võ. Khi anh em 17 tuổi thì mẹ mất và 5 anh em đã táng mẹ tại xứ đồng Bãi Cả, hiếu thảo thờ mẹ 3 năm.

    Năm 545 nhà Lương cử tướng Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang xâm lược nước ta. Lý Nam Đế đem quân chặn đánh nhưng vì quân ít không cản được giặc phải rút về miền núi động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú) trao quyền cho tướng Triệu Quang Phục, rồi mất tại đó. Triệu Quang Phục đưa quân về đầm Dạ Trạch (Hưng Yên) đánh phục kích, đồng thời truyền hịch trong dân gian tìm người tài giỏi đánh giặc giúp nước. Khi ấy, các ông (Hống, Hát, Lừng, Lẫy) đã mộ được hơn 300 dân binh đóng đồn ở phủ Đa Phúc. Triệu Quang Phục biết tin đã cho mời các ông ra làm tướng tiên phong cầm quân đánh giặc.

    Các cánh quân của Triệu Quang Phục đã hợp lực đánh bại quân Lương. Nước nhà độc lập, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, phong thưởng cho các tướng có công đánh giặc được tin Triệu Quang Phục lên ngôi vua, Lý Phật Tử (người họ Lý Nam Đế) đã đem quân đánh lại nhưng không thắng, bèn dùng kế cầu hôn gả con và đem quân đánh úp. Lý Phật Tử lên ngôi vua tự xưng là Hậu Lý Nam Đế và biết các ông là tướng tài giỏi bèn cho người vời ra làm quan. Song các ông nhất lòng trung quân không theo Lý Phật Tử. Biết không thể khuất phục được, Lý Phật Tử lệnh truy bắt các ông khắp nơi. Các ông bàn nhau cùng đem gia quyến xuôi dòng sông Cầu, đục thuyền tự vẫn để giữ trọn tấm lòng trung với vua. Nhân dân dọc theo sông Cầu và các nơi các ông từng đóng quân đánh giặc đã vô cùng khâm phục, thương tiếc, lập đền thờ làm Thần. Các triều vua về sau: Lý, Trần, Lê đem quân đánh giặc phương Bắc tại dòng sông Cầu đều được Thần âm phù đánh thắng và đều có sắc phong cao nhất cho Thần là “Tam Giang thượng đẳng thần”.

    Bên cạnh thần tích, sắc phong của cụm di tích đình, đền, nghè ở xã Vân Dương cho biết về người được thờ, còn là phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội đã phản ánh sâu sắc, sinh động về sự tích Thánh Tam Giang. Tục truyền, trước đây hàng năm cứ đến ngày 15 tháng 4 (âm lịch) là ngày hóa của Thánh Mẫu thì không những dân các làng của tổng Vân Mẫu tổ chức hội hè để tế lễ Thánh Mẫu, mà nhiều làng thờ Thánh Tam Giang cũng quy tụ về đây hương khói phụng thờ Thánh Mẫu. Riêng các thôn của tổng Vân Mẫu long trọng tổ chức rước kiệu Thánh Tam Giang từ đình (hoặc nghè) về tập trung tại đền Vân Mẫu để tế lễ Thánh Mẫu. Sau đó diễn ra tục “Vật vía”: Kiệu Thánh các làng được rước ra bãi Cửa Cữu (tương truyền là nơi Thánh Mẫu sinh ra các Thánh) để vật vía. Tại đây các đô vật của các làng sẽ thi vật và đây chính là “hèm” độc đáo về Thánh Tam Giang. Sau đó kiệu Thánh của làng nào rước về làng ấy để tế lễ, mở hội. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như: tuồng, chèo, đu cây, cờ tướng... thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương.

    Như vậy, các di tích thờ Thánh Tam Giang nói chung, đền Vân Mẫu thờ Thánh Mẫu nói riêng là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian lớn vì có bề dầy lịch sử hơn ngàn năm và không gian văn hóa lớn trên 300 làng thờ. Điều này đã góp phần soi sáng những trang lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

  2. Theo mình góp ý với bạn là đăng thần tích thì bạn nên chụp ảnh đền thờ, tượng hay ngai thờ Thánh và thần tích sắc phong up lên diễn đàn thì sẽ có nhiều điều hay và người đọc sẽ không chán nản khi phải đọc 1 bài rõ là dài thế này :):) Mạo muội góp thiển ý này, có gì không phải mong quý thầy và các bạn đọc bỏ qua ạ :):)
     

Chia sẻ trang này