Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp 20/ 8 âm lịch là xã An Lễ (Quỳnh Phụ) lại tổ chức trọng thể Lễ khai hội đền Đồng Bằng. Năm nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Đây là dịp để hàng chục ngàn du khách thập phương đến dâng hương hành lễ, chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình của quần thể kiến trúc độc đáo và hoà mình vào các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Đền Đồng Bằng còn được gọi là đền Đức Vua hay Bát Hải Động Đình nằm ven bờ sông Diêm thơ mộng, trước thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ. Công trình có giá trị nghệ thuật độc đáo và đặc sắc như một bảo tàng gỗ mỹ nghệ đồ sộ, được Bộ Văn hoá cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia từ năm 1986. Đền là nơi thờ đức Vua cha Bát Hải Động Đình- người có công lớn trong việc bình Thúc giữ nước và chiêu dân, lập ấp vào thời Vua Hùng thứ 18. Từ cuối thể kỷ XIII, đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng nhà Trần đã có công lớn trong 3 lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên tám trang Đào Động xưa. Ban đầu, đền chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm trong cảnh quan sông nước hữu tình của đất Đa Dực xưa, tới thời Tiền Lê, đền mới được xây dựng, mở rộng thành năm cung và bốn ban thờ Công Đồng khang trang, hoành tráng được liệt vào "tứ cố cảnh" tức một trong bốn nơi đẹp nhất trời Nam. Đến thời nhà Nguyễn, đời vua Khải Định, đền tiếp tục được đầu tư trùng tu, xây dựng mới, toàn bộ khu di tích rộng gần 21.000m², chỉ riêng khu nội tự đã rộng 6.000m². Đền chính được thiết kế theo kiểu "tiền nhị- hậu đinh" nghĩa là khu trước xây theo kiểu chữ Nhị, phía sau xây theo kiểu chữ Đinh (chữ nho). Nhìn tổng thể, công trình như một toà lâu đài cổ gồm 13 toà với 66 gian liên hợp, chưa kể các công trình phụ trợ tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo khép kín. Trải qua thời gian, lại bị giặc dã phá hoại nên công trình đã bị thu hẹp đáng kể song nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị, điển hình là các bài vị từ thời nhà Lê tiến cúng. Đặc biệt là toàn bộ các cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự…từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Trực thuộc đền chính còn có cả một hệ thống các di tích gồm cả chục ngôi đền, miếu… Ông Phạm Văn Vịnh- Chủ tịch UBND xã An Lễ cho biết, từ khi được Bộ văn hoá chính thức cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, đền Đồng Bằng đã được Đảng, chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ đầu tư, kết hợp với du khách thập phương phát tâm công đức tôn tạo khu di tích ngày càng uy nghi, bề thế. Ước tính, tổng kinh phí từ nguồn ngân sách cấp trên đầu tư cho khu di tích đã lên tới hơn 7 tỷ đồng giúp xây dựng bãi đỗ xe, kè đá bờ sông Diêm, rải nhựa tuyến đường chính dẫn vào đền, lát mới toàn bộ sân đền chính… Từ nguồn ngân sách địa phương đã đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng khu nhà khách, sửa chữa khuân viên sau cung cấm, nâng cấp tôn tạo cung Quan và cung Mẫu…Ngoài ra, hàng vạn du khách thập phương đã thiện tâm công đức hàng tỷ đồng giúp xây mới, nâng cấp các đền lẻ như: Đền Công Đồng thờ quan lớn Điều Thất được phục dựng trên nền cũ; đình Dất hay còn gọi là đình Sinh được tái tạo theo mẫu kiến trúc cổ; đền Bến thờ quan lớn Đệ Bát được xây dựng ven sông Diêm…chưa kể sự đóng góp công đức các đồ thờ tự như hoành phi, câu đối, bát hương…Nhờ vậy, đến nay khu di tích đền Đồng Bằng đã hình thành được cả một quần thể kiến trúc gồm khu đền chính thờ đức Vua cha và 6 đền lẻ thờ các vị công thân. Cùng với việc tập trung tôn tạo các di tích đáp ứng nhu cầu dâng hương hành lễ của du khách, thời gian qua chính quyền địa phương đã cho khôi phục nhiều trò chơi dân gian kết hợp tổ chức thi đấu các môn thể thao nhằm tạo sự phong phú, hấp dẫn cho phần hội. Điển hình là môn đấu vật, tương truyền khu vực cầu Vật nằm sát đền ngày nay trước kia vốn là bãi vật của tướng quân Phạm Ngũ Lão để luyện quân. Dựa theo tích đó, chính quyền xã An Lễ đã tuyển chọn gần 50 đô vật thuộc các lứa tuổi và mời Trung tâm huấn luyện TDTT tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật ngay tại xã. Năm nay là năm thứ 3, An Lễ cho khôi phục môn đấu vật trong lễ hội. Hàng năm, trước ngày chính hội khoảng nửa tháng, các đô vật đã phải tập trung để luyện tập vừa để nâng cao sức khoẻ, vừa để học thêm các miếng tấn công mới. Vào ngày hội sẽ có khoảng 15- 18 cặp đô vật tham gia thi đấu ở các lứa tuổi khác nhau. Để tạo thâm phần gay cấn, hập dẫn cho giải đấu, ngoài các đô vật của địa phương, ban tổ chức đã mời thêm các đô vật ở tỉnh khác và một số đo vật có thứ hạng cấp quốc gia về thi đấu. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, xã An Lễ đã khôi phục và đưa môn bơi trải vào lễ hội. Toàn xã có 4 thôn, mỗi thôn hình thành 1 đội thuyền gồm 20 người là các nam thanh niên khoẻ mạnh, giỏi về sông nước, sau khi luyện tập sẽ chọn ra 15 người phù hợp nhất để tham gia thi tài. Cũng như môn đấu vật, các thành viên đội bơi trải cũng phải tập trung luyện tập ngay từ đầu tháng 8 âm lịch. Mặc dù chỉ có 4 đội nhưng phần thi bơi trải luân thu hút được đông đảo nhân dân địa phương và hàng ngàn du khách tham gia cổ vũ, tính ganh đua rất quyết liệt. Sở dĩ như vậy vì ban tổ chức đưa ra phần thưởng cho giải đấu rất cao, riêng đội về nhất đoạt giải 3 triệu đồng, chưa kể phần treo thưởng của các nhà tài trợ cho từng đội. Ngoài ra, trong các ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, các môn thi đấu thể thao và văn nghệ hấp dẫn khác như: Chọi gà, cờ tướng, thi đấu bóng chuyền, kéo co, hát chầu văn…Riêng môn bóng chuyền, ngoài đội của xã, ban tổ chức đã mời thêm các đội của xã bạn và hai đội đến từ huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và Ninh Giang (Hải Dương). Vẫn theo lời ông Phạm Văn Vịnh, do lượng khách về dâng hương hành lễ hàng năm khá lớn, lên tới hàng chục vạn người nên để đảm bảo công tác an ninh trật tự, thì ngoài lực lượng công an xã gồm 10 người, ban tổ chức đã tăng cường thêm 10 trật tự viên từ các thôn và kiến nghị Công an huyện tăng cường thêm 10 chiến sĩ trong các ngày chính hội. Nguồn: Báo Thái Bình ST: o0oatmo0o