Dựa lưng vào chân núi Ngũ Mã, trước mặt là dòng sông Lam, nằm vào địa danh của “Nghi Xuân bát cảnh” vùng đất có đủ yếu tố “Sơn thuỷ”, cảnh trí đầy trữ tình, thơ mộng, Đền Củi là một di tích nổi tiếng không chỉ là cảnh đẹp của tự nhiên mà còn được biết đến bởi là nơi thờ bà Chúa Liễu - một trong tín ngưỡng thờ mẫu của nền văn hoá dân gian. Từ xưa đến nay, Đền Củi luôn gần gũi trong đời sống tâm linh của người Việt, mặc dầu đã qua nhiều lần tu sửa nhưng Đền Củi vẫn không bị xáo trộn về kiến trúc, không sai lệch bố cục, không mất đi sự linh thiêng mà luôn giữ được nét chung của buổi ban đầu Huyền thoại cho rằng Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi làm vỡ chén ngọc nên bị vua cha đày xuống trần gian, thác sinh vào nhà họ Lê ở Vụ Bản- Nam Định, đựợc bố mẹ đặt tên là Giáng Tiên và gả chồng lúc tròn 18 tuổi. Sau ba năm hết hạn nàng từ biệt chồng con trở về trời, nhưng với nỗi nhớ chồng con nàng xin phép vua cha xuống hạ giới lần hai, lần này nàng có thời gian ngao du, vui thú. Với phép màu biến hoá, nàng vân du khắp mọi nơi, nay trêu ghẹo người này, mai gia ơn cho kể khác. Khi thì nàng hoá thành người thanh niên tuấn tú, khi hoá thành người thiếu nữ ngồi thổi tiêu và có khi trở thành bà cụ chống gậy trúc bên vệ đường. Ai đùa bỡn thì bị tai hoạ, ai cầu đảo thì được phước lành. Liễu Hạnh đã trừng trị một hoàng tử ve vãn nàng ở quán nước bên Đèo Ngang (Kỳ Anh), tặng nhà vua một đôi giày khi nhà vua ghé thăm quê nàng ở Vụ Bản. Nàng đã hai lần hoá phép đàm đạo văn chương với danh sỹ Phùng Khắc Khoan ở Lạng Sơn và Tây Hồ (Hà Nội). Vào Nghệ An kết duyên với một thư sinh, hậu thân của chồng cũ Đào Lang ngày trước. Nhiều lần nàng hoá phép đánh nhau với quân lính triều đình, vua sai đạo sỹ bắt được nhưng được Đức Phật trả tự do. Triều đình phong là Mã hoàng công chúa, từ đó Liễu Hạnh công chúa trở thành một đứng siêu nhân luôn ban đức ân, trừng phạt kẻ nghịch tặc, giúp vua đánh giặc ngoại xâm, được người dân tôn thờ là Thánh Mẫu. Tại những nơi có đền đài, miếu thờ, những nơi có lễ hội về Thánh Mẫu thường lưu truyền những câu chuyện đầy sự linh diệu về công chúa Liễu Hạnh; chuyện về một nữ thần có quyền uy, phép lạ; chuyện về âm phù, ám trợ cho nam nữ khẩn cầu. Như vậy bà Chúa Liễu đã có mặt mọi nơi, luôn giúp đỡ dân lành. Vì vậy đền thờ bà không chỉ được lập ở Đền Củi (Nghi Xuân), Đèo Ngang (Kỳ Anh) mà còn có ở Phủ Giày (Nam định), Thạch thành, phố Cát (Thanh Hoá), Phủ Tây Hồ (Hà Nội).v.v...Thực tế, quá khứ của người Việt là cư dân của vùng nông nghiệp, vì vậy trong ý thức của ngưòi dân hướng về điều thiện, sự tốt lành và luôn cầu trời cho mưa thuận gió hoà để có mùa màng tươi tốt. Nhằm vượt qua thiên tai, bệnh tật, trong tư duy dân giã của người dân dần hình thành ra nhiều vị thần mà theo họ đó là những vị thần đầy quyền uy, khoan dung, độ lượng, luôn bảo hộ, tạo giúp cư dân gây dựng cuộc sống ấm no, an bình. Được hình thành từ thực tế phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, nuôi dưỡng bởi những ước vọng của người dân và qua dòng lịch sử nó đựợc kết tụ, nhân cách hoá tạo nên các vị thần mang dạng nữ và được đặt vào vị trí của những vị thần sáng tạo. Đó là Mẫu đệ nhất - Thượng Thiên (trời), sáng tạo ra mây, mưa, sấm chớp, đặt ra quy luật vận hành của bầu trời, đại diện cho nguồn sinh lực vô biên, cốt lõi của sự sống, của mọi nguồn hạnh phúc; Mẫu đệ nhị - Thượng ngàn (rừng), sáng tạo ra rừng, nguồn của cải, nơi nuôi sống con người; Mẫu đệ tam - Thoải (thuỷ), sáng tạo ra nguồn nước, một yếu tố không thể thiếu cho cuộc sống của con ngưòi và cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp; Mẫu đệ tứ - Địa (đất) nơi con người hội tụ, sinh sống, sản xuất và chăn nuôi. Về mặt lịch sử, khi Công chúa Liễu Hạnh xuống trần hiển thánh và được phong làm Thánh Mẫu thì trên đất nước Việt Nam việc thờ phụng Đức Mẫu đã xuất hiện khá lâu với các tước, hiệu Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu; Vương mẫu ở Hà Bắc, Quốc Mẫu ở đền Quốc Mẫu Vĩnh Phú, Cung từ Quốc Thái Mẫu.v.v...Việc tôn phong Mẫu đó là sự phản ảnh của một cảm quan huyền thoại, một nhu cầu của đời sống văn hoá tâm linh, một sự ngưỡng mộ chân thành về tâm linh tao khiết của con ngưòi. Thế kỷ XVI, dòng tín ngưỡng thờ Mẫu phong phú thêm bởi công chúa Liễu Hạnh được tôn là Thánh Mẫu. Cũng như các vị đức mẫu khác trước khi được phong mẫu đều có nguồn gốc của nó - Liễu Hạnh có tên là Giáng Tiên, theo quan niệm thông thường thì các bậc tiên đều cực kỳ xinh đẹp và sung sướng nơi cõi tiên đình, họ xuống hạ giới trong thời gian ngắn. Nhưng đối với Liễu Hạnh lại khác, khác đến lạ lùng, nàng say mê cõi trần, hết kỳ hạn không muốn về và tha thiết xin vua cha tiếp tục ở lại trần gian. Trần gian giai đoạn Liễu Hạnh xuống là giai đoạn Thế kỷ XVI, thời điểm xã hội phong kiến Việt Nam đang vô cùng rồi ren, đầy chuyện bất công, sự phân chia quyền lực trong triều đang ngày càng lộ rõ, người dân vô cùng cực khổ, người phụ nữ càng bị trói chặt trong lễ giáo, cuộc sống mất hết quyền tự do. Qua những thần tích, huyền thoại, qua nhân vật Mẫu Liễu thờ tại đền Củi chúng ta cảm nhận rằng: Bà là hiện thân về một tình yêu, về tính cách của người vợ, sự nhân từ của người mẹ, bà cũng là hiện thân về tình quê hương, làng xóm, luôn làm tròn trách nhiệm với gia đình và trọn đạo thuỷ chung. Nổi hơn ở nhân vật Mẫu Liễu là Mẫu và Pháp cộng hưởng lại thành sức mạnh; Mẫu cầm quân xung trận giúp vua đánh giặc; Mẫu có tâm hồn nghệ sỹ; Mẫu là ngưòi phụ nữ luôn tự do, tự do ngay cả trong tình yêu, trong sự bình quyền nam nữ . Như vậy Mẫu Liễu là biểu tượng rất sinh động của đời thường, một nhân vật bình thường nhưng rất đỗi phi thường bởi trong bà có Đức - Hiếu – Nghĩa của Nho, có Pháp thuật của Đạo, có quy y theo Phật. Theo sự phát triển tín ngưõng thờ Mẫu Liễu thì có thể thấy rằng trong bối cảnh lịch sử khi mà chế độ phong kiến Việt Nam đang đè nặng lên quyền sống, quyền tự do và người dân luôn khát khao vươn lên tới đỉnh cao về cuộc sống thì chỗ dựa tinh thần, nơi gửi và giữ vững niềm tin là một điều rất cần thiết. Sự xuất hiện của bà chúa Liễu đã giải toả được phần nào sự bế tắc trong yếu tố tinh thần, thông qua hình tượng bà chúa Liễu để người dân bày tỏ tâm nguyện, nói lên sự khát vọng, quyền sống và nhất là người phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc cuả xã hội, sự chèn ép của lễ giáo phong kiến để vươn tới mục đích, ước vọng hạnh phúc gia đình. Đó cũng là một trong những tiền đề hình thành, phát triển nên ý thức hệ của người dân Việt Nam vào biểu tượng cao quý - biểu tượng về người mẹ. Yếu tố thờ Mẫu Liễu ở Đền Củi rất đậm nét, là một trong những nơi thờ Mẫu Liễu đảm bảo theo nguyên tắc chung của nơi thờ Thánh Mẫu. Đó là, ngoài điện chính thờ Mẫu Liễu còn có ngũ vị tôn ông, tứ phủ chầu bà, tứ phủ ông hoàng, hệ tứ phủ thánh cô thánh cậu và các quân gia thị thần của Mẫu, tất cả được bài trí sắp xếp nhất quán qui định theo các cung thờ cụ thể. Những hình thức, lễ nghi sinh hoạt văn hoá đậm tính nghệ thuật dân gian như hát chầu văn, hầu bóng được bảo tồn, phát huy và đang thu hút nhiều nhà nghiên cứu Nghệ thuật văn hoá dân gian quan tâm. Trong đời sống văn hoá, việc tôn vinh thánh mẫu là yếu tố tinh thần cuả mọi thời đại nhằm thoả mãn nhu cầu của con người đang phấn đấu vươn lên, đang thành khẩn tự tu dưỡng để đạt tới điều nhân, điều thiện và chúng ta cần gạt bỏ đi những gì đang phảng phất suy nghĩ của mê tín, dị đoan, của tà thuyết để việc tôn thờ Mẫu Liễu không bị biến hoá, lợi dụng mà tôn thờ Mẫu Liễu là nét đẹp truyền thống văn hoá tín ngưỡng của của người dân Hà Tĩnh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Nguồn: sưu tầm internet