Để ngư dân giữ biển, cần bật lên văn hóa biển

Thảo luận trong 'Tin tức Đạo Mẫu' bắt đầu bởi o0oatmo0o, 6/7/11.

Lượt xem: 1,206

  1. o0oatmo0o

    o0oatmo0o Công thần

    SGTT.VN - Phải chăng, văn hoá làng biển không được quan tâm đúng mức và xứng tầm trong học thuật của nhiều trí thức?

    Một trong những cái nôi về văn hoá làng biển đang thuộc về làng Sa Động, xã Bảo Ninh, Đồng Hới (Quảng Bình). Làng nhỏ nép mình bên triền cát, nhưng có một sinh hoạt văn hoá biển thịnh vượng từ hơn 400 năm nay. Và nét sinh hoạt văn hoá đó đã trở thành một trong những lễ hội quy mô bề thế nhất được ghi vào sử sách.

    Ấy là hội múa bông chèo cạn và hát hò khoan vào ngày 14 đến 16 tháng tư âm lịch mỗi năm. Dưới thời phong kiến, nhà Nguyễn từng cho chép lễ hội này vào sách của quốc sử quán. Những bô lão của làng kể rằng, lễ hội này sôi động, thu kéo một dải ngư dân từ Thừa Thiên Huế ra đến Thanh Hoá vào cầu khấn mưa thuận, gió hoà để trời yên, biển lặng nhằm đánh bắt tôm cá đầy ghe. Những năm gần đây, hội hè của làng biển vẫn còn, nhưng không bề thế thâu đêm như xưa, bởi người biết hò khoan chèo cạn cứ cạn dần, lớp con trẻ mải mê tân nhạc đã bỏ qua bao vốn liếng văn hoá người miền biển từng gầy dựng. Bóng dáng của nó hiện vẫn in thường niên vào các cuốn lịch treo tường ở mỗi gia đình Việt Nam.


    [​IMG]
    Hội cầu mùa, múa bông chèo cạn tại các làng biển Quảng Bình mỗi năm. Một trong những nét sinh hoạt văn hoá biển phong phú. Ảnh: Q.Nam



    Chúng ta biết rằng, đường bờ biển Việt Nam không chỉ dài về mặt cơ học hơn 3000km, mà còn có giá trị chiều sâu trong đó một không gian văn hoá biển sâu sắc, mặn mòi. Văn hoá biển là một bộ phận không thể tách rời của văn hoá dân tộc.

    Nhưng lật tìm qua các tài liệu, sách vở lưu cữu trong các thư viện, các đầu sách nghiên cứu văn hoá các làng biển không nhiều, không dày như sách vở viết về văn hoá dân cư lúa nước. Phải chăng, văn hoá làng biển không được quan tâm đúng mức và xứng tầm trong quá trình tìm kiếm học vấn của nhiều trí thức?

    Bước chân bên triền sóng, lướt qua những trùng điệp của cát trắng li ti là trầm tích bền chặt của vùng văn hoá biển rộng lớn và thâm sâu. Nếu cố công tìm đãi từ cát làng biển, vẫn còn đó bao dấu ngọc của thơ ca, hò vè mà người làng biển sáng tác một cách hào sảng. Những cuộc điền dã nhỏ bé của tôi đến các làng biển bên bờ biển Đông từ Hạ Cờ đến Đèo Ngang (Quảng Bình) đã lộ ra phần nào tinh hoa văn hoá của bao đời ngư dân gầy dựng. Thơ phú các thể loại, văn tế biển, văn cầu đảo, cầu mùa… được nhiều lão ngư đọc lên nghe da diết và thấm đẫm mùi biển lạ kỳ. Rồi những bài đồng dao, những truyền thuyết về cá voi cứu người như bất tận qua vòm ngực của các ngư dân già tuổi.


    [​IMG]



    Văn hoá biển chẳng là gì to tát, với người vùng biển, họ nói đấy như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Vẫn có thơ yêu của người miệt biển, vẫn có ca dao “chàng, thiếp” kiểu làng biển xoay vần trên cát.

    Nếu người kẻ ruộng có những thơ văn về đi đường thì người kẻ biển lại làm ra hải trình đi lại trên biển Đông rộng lớn bằng hàng trăm câu thơ đặt theo lối cổ hết sức thông minh và lịch lãm. Về với làng biển, tôi may mắn được nghe đọc dõng dạc hải trình bằng thơ, xin trích ra đây hải trình đi vào hầu bạn đọc, một sự bất ngờ về đức mẫn tiệp của ngư phu:


    “…Qua khỏi Hòn Chông phải chăng tay lái

    Vượt Mà Rằng mới tới Phan Rang

    Bãi Tròn lai láng mênh mang

    Ngó ra thăm thẳm là ngàn Mụi Đinh

    Qua Mụi Đinh biển liền chín giải

    Mụi chỉ mặt trời vác lái đi ra

    Nhắm chừng chốn nớ đã qua

    Tây phiên gác mũi lai đà gác đông

    Thẳng vời ba cạnh thong dong

    Mụi Đinh đã cách, Cù Ông đã gần

    Cù Ông, Cà Ná, Bãi Trầm

    Hòn Lau Cau đó, thẳng gần Là Giang

    Ngó vô thuyền đậu ngênh ngang

    Làng sông, kẻ lái, xênh xang mến nghề

    Ngó vô đã thật cận kề

    Hòn Rơm đứng đó, Hòn Nghề đứng đây

    Thiên nhiên khéo tạc xui bầy

    Hòn Hồng, hòn Né đủ đầy cả hai

    Hỡi ai thuỷ thủ anh tài

    Bán buôn hôm sớm một hai dặm trường

    Sài Gòn thẳng hướng cùng phương

    Đi vô tới đó con đường còn xa

    Nước non phong cảnh bao la

    Ngài buôn kẻ bán thuận hoà bui chung.​



    Một trích đoạn thôi cũng đủ thấy tâm hồn người vùng biển bao la khoáng đạt. Trong khuôn khổ bài báo nhỏ này không thể trích hết những thơ ca hò vè họ sáng tác qua từng lớp đời trước ngọn sóng biển Đông. Trích thuật như thế để biết, làng biển bất luận ở đâu cũng phong phú gia tài văn hoá và kho tàng dân gian ở đó như dòng chảy vô biên rót vào tâm hồn mỗi ngư phu có mặt trên cõi trần.

    Việc hỗ trợ ngư dân bám biển bằng các chương trình tài chính là thiết thực, nhưng để ngư dân giữ biển một cách yên tâm thì văn hoá làng biển cần được “phục hưng” một cách nền nếp, chiến lược, lâu dài. Bởi mai một về văn hoá là con đường dẫn đến mai một về ý chí.

    Các hội đoàn, mặt trận, phụ nữ… đã có cơ sở tại từng thôn xóm làng biển, vấn đề tuyên truyền lời ca điệu hát nếu áp dụng thì các tổ chức đó là nơi gánh vác trọng trách kiêu hãnh này. Một lần có thể không như mong muốn, nhưng hát giữa biển Đông ngàn lần, vạn lần thì văn hoá làng biển cũng bật lên tự nhiên, tươi thắm. Cốt cách làng biển cần phát huy để giữ biển bằng gia tài văn hoá bền chặt, dẻo dai, truyền đời.



    Quốc Nam

    Nguồn: SGTT​
     
    Bài viết mới

    Bình Luận Bằng Facebook

  2. Triều Viên

    Triều Viên New Member

    Một bài viết đáng quan tâm!
     
  3. hoidongcacchua

    hoidongcacchua New Member

    sao họ tế lễ ở đâu vậy?sao kg tế trong đình đền?
     

Chia sẻ trang này