Chèo là bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam Qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và được yêu thích bậc nhất của hàng triệu người dân Việt Nam. Đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật chèo, không thể không kể đến vai trò của các NGHỆ SĨ CHÈO Những người đã trực tiếp truyền tải những vẻ đẹp của chèo tới hàng triệu khán giả ***** HXT xin mở topic CHÂN DUNG NGHỆ SĨ CHÈO Tại đây sẽ tập hợp các bài viết và thông tin về các nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật chèo. Rất mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của mọi người. ------------- o 0 o ------------- Mở đầu topic, xin giới thiệu tới các bạn một người nghệ sĩ có cái tên và giọng hát rất đẹp của nghệ thuật chèo. NSUT NHƯ HOA Nghệ sĩ ưu tú Như Hoa sinh năm 1942 tại Từ Sơn Bắc Ninh trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ thuở nhỏ bà đã thuộc nhiều làn điệu dân ca và chèo của quê hương. Lớn lên bà ra Hà Nội tham gia đội chèo Đông Đào, sinh hoạt tại khu Đồng Xuân Hà Nội. Sau này đội chèo Đông Đào có quyết định trở thành nòng cốt của đội chèo của Đài tiếng nói Việt Nam. Từ đó tiếng hát của nghệ sĩ Như Hoa bắt đầu gắn liền với tiếng hát chèo trên làn sóng phát thanh và trở thành một trong những giọng hát được yêu thích nhất. Có thể nói trong suốt những thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ 20, giọng hát chèo của nghệ sĩ Như Hoa được đánh giá rất cao và được coi như mẫu mực của một giọng hát chèo hay. Bên cạnh thể hiện thành công các bài hát chèo trên làn sóng đài tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Như Hoa cũng trực tiếp tham gia biểu diễn phục vụ tại chiến trường và để lại rất nhiều tình cảm trong lòng chiến sĩ và đồng bào. Năm 1984, trên đường biểu diễn từ Hà Bắc trở về, một tai nạn giao thông nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của bà khi tài năng nghệ thuật của bà đang ở độ chin. Ra đi đột ngột, nghệ sĩ Như Hoa để lại niềm thương nhớ khôn nguôi cho người thân, bạn bè đồng nghiệp và thính giá yêu chèo trong cả nước. Với những đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật chèo, Như Hoa đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Nghệ sĩ Như Hoa không còn nữa nhưng giọng hát chèo trong trẻo ngọt ngào của bà qua hàng trăm tiết mục bà đã thu thanh vẫn hàng ngày vang lên trên làn sóng phát thanh và sống mãi trong lòng thính giả yêu chèo.
Nghệ sĩ Như Hoa là một trong nhưng giọng ca chèo hàng đầu. Bà sở hữu một chất giọng trong vắt, lanh lảnh là một trong những thế hệ đầu của đội chèo đài tiếng nói Việt Nam. Nhắc đến nghệ sĩ Như Hoa chúng ta không thể quên được bài hát Em đẹp em Xinh do nhạc sĩ Dân Huyền soạn lời theo điệu Sắp Qua Cầu.
Nhắc đến nghệ thuật Chèo thế kỷ XX chúng ta không thể không nhắc đến một thế hệ vàng- không thể không nhắc đến một lớp nghệ sĩ đã có công đóng góp đặt nền móng cho nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp ngày nay. Đó là những NSND Trùm Thịnh, NSND Cả Tam, NSND Năm Ngũ ... Và có một người nghệ sĩ mà giọng ca và tài sắc vẹn toàn. Bà cùng với NSUT Nguyễn Thị Phúc ( ca trù ) được mệnh danh là hai giai nhân tuyệt sắc của sân khấu Việt Nam đầu thế kỷ XX....... đó chính là NSND Nguyễn Thị Minh Lý ( tức Minh Lý). Xin được post một bài viết về bà. Một bài viết tuy chưa nói hết được những tài năng phẩm hạnh của bà nhưng đã nói lên một phần nào đó cuộc đời sự nghiệp của bà cũng như tấm lòng của giới nghệ sĩ cũng như khán giả đối với bà. GIỌNG CA VÀNG NGÀY XƯA ẤY ………… NSND Lê Huy Quang Từ những năm đầu thế kỷ XX, “ Chiếu chèo xứ Đông” đã sinh ra nhiều nghệ sĩ tài danh làm rạng rỡ cho ngành Chèo Việt Nam, mà nổi bật là nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghị ( 1886-1954)- chủ súy của phong trào “ Chèo cải biên” nổi tiếng trên đất kinh kỳ Thăng Long. Cũng vào thập niên đầu tiên của thế kỷ. Khi cô gái Nguyễn Thị Lý ra đời (1910) trong một gia đình chèo nòi, thì nghệ sĩ Nguyễn Văn Thịnh ( sau nay được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân) và nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Mơ với cái tên Đào Mơ tài sắc vẹn toàn; Cũng không nghĩ là họ sẽ có một cô con gái yêu, mà sau này sẽ trở thành một nghệ sĩ Chèo nổi danh nối nghiệp cha mẹ-một trong số vài ba nghệ nhân bậc thầy còn lại của nghệ thuật Chèo đương đại Việt Nam. Đó là nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Lý ( tức Minh Lý)- Nhà hát Chèo Việt Nam … Những ngày tháng lang thang cùng các gánh hát với cha mẹ, với hai cánh màn sân khấu, với những lời ca, giọng hát, tiếng đàn, tiếng trống và phách nhịp … trong tâm hồn thơ ngây của cô bé Nguyễn Thị Lý đã âm vang những làn điệu Chèo sâu thẳm thiết tha, mê đắm của những vùng quê đồng bằng bắc bộ. Lên 5 tuổi, tài nghệ của cô “ đào bé” Minh Lý đã bộc lộ và phát triển mạnh mẽ trên chiếu Chèo với bao nhiêu nghệ sĩ tài năng lúc đó, bé Lý đã chiếm được cảm tình và lòng yêu quý của mọi người. Một con đường nghệ thuật hấp dẫn, quyết rũ, nhưng cũng đầy nước mắt, cả những thử thách chông gai của hầu hết các nghệ sĩ, các gánh hát lang thang lúc đó, đang mở ra trước mắt Minh Lý. Tuy nhiên, vào những năm hai mươi đầu thế kỷ, các ban Kịch nói tài tử đã chịu ảnh hưởng từ Pháp sang, các gánh hát Chèo mất dần hoạt động ở các làng quê do những biến động lớn lao của xã hội; nên đang bị “ Cải lương hóa” để tự tìm ra những con đường tồn tại và phát triển nghệ thuật cũng như những kế sách sinh nhai. Càng lớn lên “ giọng hát vàng” của Minh Lý càng nổi bật, với khả năng sắm đủ các loại vai nữ trong Chèo. Tiếng hát vàng ấy đã bay ra cả hại ngoại bằng các đĩa hát của hãng “ Lơ Cốc” của người Pháp, và trong đoàn “ ca sĩ Bắc Kỳ” vào biểu diễn tại triều đình Huế, một lần nữa, giọng hát vàng Minh Lý lại làm rung động bao nhiêu trái tim me Chèo của cố đô Huế mộng mơ … Nhưng rồi cách mạng tháng tám 1945 đã mang lại những trang sử mới cho cả dân tộc Việt Nam. Cũng như hầu hết các nghệ sĩ lang thang, các gánh hát Tuồng, Chèo, Cải lương, các ban Kịch tài tử … đều hòa chung vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Từ sau hòa bình lập lại 1954, Đoàn văn công Trung ương ra đời và góp mặt trong chiếu Chèo Trung ương, lúc đó nghệ nhân Chèo trùm Thịnh cùng con gái – nghệ sĩ Minh Lý nổi danh, và nhiều nghệ sĩ Chèo tên tuổi khác của “ xứ Đông, xứ Đoài”. Con đường nghệ thuật mới, một cuộc sống mới trên đất nước Việt Nam độc lập, tự do đã thực sự mở ra những trang nghệ thuật chân chính và đầy mới mẻ. Từ một nghệ sĩ lang thang, Minh Lý trở thành một nghệ sĩ đích thực của Nhà hát Chèo Việt Nam. Vừa vào độ tuổi bốn mươi “ tứ thập nhi bất hoặc” đầy kinh nghiệm, từng trải và vững vàng về nghề nghiệp, nghệ sĩ Minh Lý đã tham gia tích cực vào tất cả mọi công việc thuộc về nghệ thuật với tấm lòng “ sinh ư nghệ, tử ư nghệ” đầy tâm huyết và cả một tình yêu sân khấu đầy mê say, cuốn hút. Vẫn giọng hát vàng ngày xưa nổi tiếng, nhưng hôm nay người nghệ sĩ tài hoa ấy vừa tham gia chỉnh biên, lồng điệu với kỹ thuật điêu luyện, vừa trực tiếp dậy dỗ, truyền nghề cho các thế hệ học trò của mình ở hầu hết các đoàn Chèo địa phương, trường Nghệ thuật Sân Khấu rồi trường Đại học Sân Khấu – Điện Ảnh. Lớp nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cũng như những thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay qua 5 – 7 lứa học trò của nghệ sĩ Minh Lý, đã trưởng thành, đã nổi tiếng, nhưng người thầy của họ - giọng hát vàng, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Lý vẫn giản dị, khiêm nhường, lặng lẽ bên trong cánh gà, hướng dẫn, chỉ bảo, dậy dỗ với tình thương của người thầy, người mẹ, người bà mà không cầu danh lợi … Tất cả chỉ vì lớp nghệ sĩ trẻ, con cháu cảu những “ chiếu Chèo” đã nổi tiếng hàng ngàn năm nay của dân tộc, mà người nghệ sĩ ấy đã gắn bó cả đời mình vào hai cánh gà dân dã của chiếu Chèo Việt Nam. Vào những ngày cuối đời, nghệ sĩ Minh Lý được Bộ Văn hóa Thông tin phân một căn hộ mới, tại khu tập thể nghệ sĩ phố Giang Văn Minh, Hà Nội. Âu cũng “ lộc nước” cuối cùng đến với tuổi già và cuộc đời một nghệ sĩ. Nhưng những chuyện cũ, chuyện mới, tri âm, tri kỷ với bạn hữu tuổi già và các thế hệ học trò chưa được bao nhiêu; thì nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Minh Lý đã qua đời vào ngày 15-6-1997 trút hơi thở cuối cùng, nhẹ nhõm, thanh thản bởi bà đã làm tròn bổn phận, làm tròn đạo lý với đời, với Tổ, với nghề. Cùng với lòng tiếc thương và tình cảm của giới nghệ sĩ sân khấu, tiếng hát Chèo dân tộc Việt Nam suốt nghìn năm qua, đã đưa hương hồn bà yên giấc ngàn thu … Cho đến ngày hôm nay, đã qua 10 năm đầu của thế kỷ XXI và cũng vừa tròn 14 năm ngày NSND Minh Lý đi xa mãi mãi. Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam nói chung- trong đó loại hình Chèo dân gian nổi tiếng- đã rơi vào tình trạng thưa vắng người xem. Hay nói cách khác, những ông hoàng, bà chúa và thánh đường sân khấu đã không còn vẫy gọi, hấp dẫn khán giả nữa – nhất là lớp khán giả trẻ. Và rồi mỗi buổi tối tình cờ đi qua các nhà hát của Thủ đô Hà Nội không mấy địa điểm đỏ đèn- trong đó có rạp hát Kim Mã, chỉ cách căn hộ tập thể của NSND Nguyễn Thị Minh Lý khoảng vài trăm mét – tôi lại chợt nhớ đến giọng hát vàng của bà và ngậm ngùi chợt nghĩ; bao giờ cho đến ngày xưa ấy, ánh đèn sân khấu rạng rỡ, hai cánh màn đỏ thắm, những lời ca tiếng hát bay lên, các nhân vật xuất hiện giữa cuộc đời tốt đẹp… Và hoa, và những nụ cười hân hoan của đông đảo công chúng sẻ chia niềm vui sáng tạo với người nghệ sĩ.
Quốc Anh và những bi kịch cuộc đời Khán giả ngạc nhiên thấy cây hề nổi tiếng hóa thân vào vai Nguyễn Trãi trong “Oan khuất một thời” và càng bất ngờ hơn khi biết sau những phút mua vui của Quốc Anh là tâm sự cay đắng: “Giời cho cái mẽ bên ngoài, trời hại những cái sơ sài bên trong”. Quá quen thuộc ở những vai hài và phản diện, khi vào vai chính diện, anh cảm thấy thế nào? - Sau 15 năm tôi mới quay lại sân khấu chính kịch, việc chuyển sang diễn hài trước đây là do phục vụ nhu cầu thị trường. Khán giả đã quá quen thuộc với Quốc Anh ở những vai như Râu quặp, Lý lác, Lang rỗ… Đó cũng chính là khó khăn của tôi khi vào vai Nguyễn Trãi - một nhân cách lớn của dân tộc. Khi tôi hóa trang xong, nhiều người nói tôi đẹp phương phi như Quan Vân Trường chứ không giống một nhà nho. Tôi cười bảo rằng, giống Quan Vân Trường cũng được, cái chính là có tải được cái hồn của Nguyễn Trãi hay không, còn cái hình bóng bên ngoài không quan trọng. Mỗi nghệ sĩ có một phương pháp riêng để hoàn thành vai diễn. Riêng Quốc Anh, phương pháp cốt lõi nhất là tìm ra cách thể hiện thần thái nhân vật, từ lời thoại, đến cách hát phải có sự mới mẻ để lôi kéo khán giả. Trong vở Oan khuất một thời, cảnh cuối Nguyễn Trãi uống 7 vò rượu trước khi bị chu di tam tộc là cảnh ấn tượng không có trong sử sách. Tôi đánh giá đây là cái giỏi nhất, cái thăng hoa nhất của đạo diễn. Tôi tin chúng tôi trúng ở điểm chốt bi kịch Nguyễn Trãi bằng một cao trào như thế. Đây là đoạn diễn rất khó vì bảy vò rượu, uống bảy lần dễ bị nhàm cho khán giả. Nhưng rõ ràng bảy lần uống rượu của Ức Trai là vì mục đích khác nhau, bảy cách uống khác nhau: lần uống cho bố mẹ sinh thành, lần uống cho những người thầy, lần uống cho Thị Lộ… Phải nói khi diễn đến cảnh này, tất cả diễn viên đều thăng hoa và khán giả cảm nhận được điều ấy. - Doãn Hoàng Giang cho biết một trong những nguyên nhân lựa chọn anh vào vai Nguyễn Trãi là vì anh có một bề ngoài đẹp và khuôn mặt thánh thiện. Bản thân anh nghĩ thế nào về nhận xét này? - Tôi cho là Doãn Hoàng Giang quá yêu mến khi nói tôi có khuôn mặt thánh thiện (cười lớn). Được cái là mặt tôi hóa trang phản diện trông rất lưu manh, còn khi hóa trang thành người điềm đạm trí thức thì nhìn cũng được. Bản thân tôi chả tự ti, cũng chẳng tự tin. Tôi thấy mình bình thường như mọi người, không có gì nổi bật nhất là so với những diễn viên trẻ hiện nay Nhiều diễn viên than phận mình như Kép Tư Bền, bên ngoài diễn hài mà bên trong ngậm khóc. Anh thì sao? - Tôi thường xuyên như thế đấy. Hồi tôi đóng vai Lý lác trong Râu quặp, đúng khi khởi quay, tôi có tin buồn: bố bị ung thư. Tôi cố làm hài, sao cho nhân vật trước ống kính thật hay nhưng tối về một mình lên gác thượng, ngồi hút hết ba bao thuốc lá nghĩ về bố, thương bố rơi nước mắt vì cái án tử hình lửng lơ trước mặt. Sau khi quay xong thì bố tôi mất. Oái oăm ở chỗ, khán giả biết đến tôi nhiều ở phim hài ấy. Con đường của tôi trông gai chứ không bằng phẳng, may mắn như nhiều người khác. Thôi thì số trời đã định, sắp mình ngồi chỗ nào thì mình ngồi chỗ đấy, bắt làm cái gì thì làm cái đấy, miễn sao để lại những điều tốt đẹp. Đời tôi nhiều bi kịch, người đàn ông mỗi khi vấp ngã tự bản thân mình phải biết đứng lên thôi. - Những bi kịch anh từng trải qua là gì vậy? - Tính đến nay tôi đã có 31 năm làm nghề. Tôi từng công tác ở Nhà hát Chèo Trung ương 20 năm, sau chuyển về Nhà hát Chèo Hà Nội do mâu thuẫn với ông giám đốc. Thực ra nguyên nhân cũng chẳng có gì to tát, chỉ là việc tôi xin đi nước ngoài biểu diễn cùng Thúy Hường, Thu Hiền theo lời mời của anh Thuật bên Nhà hát Tuổi Trẻ. Ngày đó đi nước ngoài khó khăn lắm, ông giám đốc không cho đi. Tôi chán uống rượu say, cầm cái quạt đạo cụ đập vào đầu mình. Thế là bị quy ngay cho tội gây gổ, phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa trong khi cái quạt tầm mấy nghìn đồng và mới bị vỡ vỏ bọc. Tôi ức liền bỏ đoàn đi. Tôi là người vô cùng trực tính, không bao giờ biết lươn lẹo nịnh ông này, nói xấu ông kia để mình thăng tiến. Tính ông Trãi cũng là như thế. Tôi năm nay 50 tuổi, công danh có, tiền cũng kiếm ra nhưng vẫn chưa có con, dù cháu chắt, con riêng của vợ thì nhiều. Có lẽ đó là bi kịch lớn nhất. Các cụ vẫn nói “Giời cho cái mẽ bên ngoài, trời hại những cái sơ sài bên trong”. Sau một thời gian nghỉ ở Nhà hát Chèo Trung ương, tôi chia tay với bà vợ cả. Tôi nhận nguyên nhân sự đổ vỡ về mình, giữ được hạnh phúc gia đình hay không do bản thân tôi chứ không phải do cô ấy. Có lẽ chúng tôi không có duyên. Số trời đã định không bao giờ tránh được. Với người vợ thứ hai, trước mắt tôi đã tìm được bến đậu của đời mình. Tôi tin và hy vọng cuối đời mình được hạnh phúc. Tôi coi con vợ như con ruột. Tên tuổi của tôi gắn với vai Râu quặp nhưng ngoài đời, chả ai bảo Quốc Anh sợ vợ, chỉ bảo bỏ vợ nhiều thôi. Nghệ sĩ chúng tôi vốn hay mang tiếng. Anh mang tiếng bỏ vợ nhiều, vậy trong tình yêu thì sao? - Trong tình yêu, Quốc Anh là người yêu hết mình, đã yêu thì kể cả hơn 15 tuổi, kém 40 tuổi vẫn yêu. Tôi không phải là người dễ yêu, nhưng khi tôi đã phải lòng thì dù đó là người là người thấp nhất trong xã hội tôi cũng chẳng quan tâm. Mối tình đầu của tôi là cô bé học cùng khoa chèo trong trường Sân khấu Điện ảnh. Chúng tôi yêu nhau 6 năm, hồi bao cấp. Nàng không đủ chuyên môn nên bị chuyển về đoàn văn công quân đội tận Sơn Tây. Ngày ấy, tôi chỉ có nghìn rưỡi trong túi, xin bạn thêm tiền để đủ mua vé đến bến xe rồi đi bộ 15 cây số đến chỗ nàng, gặp chỉ nhìn nhau khóc, rồi lại lủi thủi cuốc bộ về. Hồi đó tôi lãng mạn lắm, hàng tháng đều lên để gặp nàng dù quân đội nghiêm chẳng được nói chuyện với nhau. Thế rồi, do ý trời, chúng tôi cũng chẳng nên duyên. - Sau bao bi kịch, anh cảm thấy thế nào khi sống quá nửa cuộc đời? - Một nghệ sĩ đến 90 tuổi vẫn thấy lòng nổi sóng vì nghệ thuật không bao giờ có đỉnh. Còn ở tư cách một con người, đến giờ tôi khẳng định mình đã rất bình yên. Nguồn vnexpress.net
Thùy Linh: “Cất cánh” từ sân khấu chèo Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Lương Thùy Linh đã giành được những thành công đáng nể ở sân khấu chèo cũng như mảng ca nhạc mang âm hưởng dân ca. Không nhiều kỹ thuật, Thùy Linh chinh phục người nghe bằng giọt hát mượt mà, giàu cảm xúc. Thùy Linh có giọng hát đậm chất dân gian, ngọt ngào và da diết, có lẽ bởi cô được sinh ra ở Thái Bình - cái nôi của nghệ thuật chèo. Gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng từ khi còn nhỏ, cô bé Thùy Linh đã say mê những làn điệu chèo mượt mà và sớm bộc lộ năng khiếu ca hát. Khi phát hiện ra Linh có giọng hát hay, bố mẹ đã tạo điều kiện cho Linh đi học nhạc và tham gia các phong trào văn nghệ của nhà trường, địa phương. Năm 17 tuổi, đang học lớp 11, Linh đã thi đậu vào trường Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Bình. Đến với nghệ thuật một cách bản năng, tới khi đi học, Linh mới hiểu: Hát chèo không hề dễ dàng, đòi hỏi diễn viên phải có nhiều yếu tố như giọng hát, hình thức, khả năng diễn xuất, múa... Linh cũng ý thức được rằng, để trở thành một diễn viên chèo chuyên nghiệp, ngoài năng khiếu bẩm sinh đòi hỏi phải có sự rèn luyện thường xuyên. Bởi thế, cô luôn cố gắng rèn dũa giọng hát của mình. Sự chăm chỉ của Linh đã mang lại cho cô những thành tích đáng nể trong 3 năm học ở trường trường VHNT Thái Bình: HCB Hội diễn các trường VHNT toàn quốc năm 1998, HCV Hội diễn các trường VHNT toàn quốc năm 2000; HCB Cuộc thi Giọng hát trẻ khu vực đồng bằng Bắc bộ năm 2001... Trong buổi thi tốt nghiệp của Linh tại trường VHNT Thái Bình, có nhiều lãnh đạo của các đoàn nghệ thuật về dự. Linh đã lọt vào “tầm ngắm” của ban lãnh đạo Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội) và được nhận về Đoàn ngay sau khi tốt nghiệp. Tại Hội diễn toàn quân năm 2004, Thùy Linh đã đoạt HCB với 1 ca khúc dân ca. Với chất giọng ngọt ngào, luyến láy, ngoại hình khả ái, Thùy Linh rất thích hợp với các vai nữ chính trên sân khấu chèo. Về Nhà hát Chèo Quân đội chưa lâu, Linh đã được phân vai Nguyên phi Ỷ Lan trong vở chèo Bài ca giữ nước của cố NSND Tào Mạt. Đây là vai diễn đầu tiên của Linh, lại là vai mà nhiều diễn viên gạo cội của Nhà hát đã thể hiện thành nên Linh rất lo lắng. Song, được sự động viên, chỉ bảo của những nghệ sĩ đi trước như NSƯT Xuân Theo, Thu Hòa… từ việc tạo dáng của một vị vua bà, đến lời thoại, cách hát nhấn nhá…Linh đã tập luyện hết mình. Sau 3 đêm diễn báo cáo ở rạp Hồng Hà và được truyền hình trực tiếp, Linh đã nhận được nhiều lời chúc mừng, khen ngợi của đồng nghiệp, khán giả. Tiếp đó, Linh đảm nhiệm thêm một số vai diễn chính khác như vai Sơn Nữ trong vở Chuyện tình nàng Sơn Nữ, công chúa Ngọc Lan trong vở Chuyện người xưa... Đánh giá về Thùy Linh, nghệ sĩ Đào Văn Lê, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, đã khen ngợi cô là: “Rất có triển vọng!”. Không chỉ hát chèo, Thùy Linh còn hát rất hay những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Linh là cây đơn ca trong các chương trình ca nhạc của Nhà hát và thường xuyên đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ bộ đội khắp cả nước như quần đảo Trường Sa, quân và dân các tỉnh miền núi Tây Bắc… Mới đây, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thùy Linh đã mạnh dạn phát hành CD đầu tay có tên gọi Trăng thương gồm 10 ca khúc mang âm hưởng dân gian ngọt ngào như: “Người ơi hãy về”, “Thơ tình của núi”, “Tình đất”, “Sóng đàn Thăng Long”, “Trăng Thương”, “Gửi người thương câu hát”, “Bài ca thống nhất”. “Lội dòng sông quê”, “Ngược dòng Hương Giang”, “Xem hội trăng rằm”… Linh không có kỹ thuật chuẩn về thanh nhạc, bởi vậy, những bài hát cô chọn đưa vào album là những bài dân ca nhẹ nhàng. Bù lại cho “điểm trừ” về kỹ thuật, “điểm cộng” của Linh là giọng hát có hồn, giàu cảm xúc, mượt mà và sâu lắng. Thuỳ Linh cho biết: Để ra được album này, ngoài nỗ lực của bản thân còn là sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo Nhà hát chèo Quân đội, bè bạn, đồng nghiệp như nghệ sỹ hài Vũ Tự Long, nhạc sỹ Nguyễn Duy Hùng, biên tập viên – ca sỹ Trần Thị Phương Thảo - chủ nhiệm phòng thu âm Hồ Gươm, ca sĩ Đăng Thuật. Album “Trăng thương” vừa mới ra mắt đã được nhiều khán thính giả đón nhận nồng nhiệt, đó cũng chính là động lực để Thùy Linh bắt tay vào thực hiện cùng một lúc 2 sản phẩm và sẽ ra mắt trong năm 2011 này đó là DVD Trăng thương và 1 CD với những làn điệu Chèo mà cô đã thể hiện thành công trên sân khấu. Nguồn: nhacvietplus.com
Tào Mạt và vở chèo bộ ba Bài ca giữ nước Giỏi về thư pháp, hay làm thơ chữ Hán, nhưng sự nghiệp mà Tào Mạt để lại cho đời là những vở chèo. Trong đó, bộ ba tác phẩm "Bài ca giữ nước" của ông đã trở thành kiệt tác của lịch sử chèo Việt Nam. Và với tác phẩm này, tên tuổi của ông cũng được lưu danh muôn thuở. Tạp chí VNQĐ thời ấy, vốn cũng là một lò cờ tướng, các danh thủ ở nơi khác cũng hay đến đọ sức hơn thua. Lúc ấy, Tào Mạt hay đến phòng Văn nghệ quân đội, mà phòng VNQĐ thì ở chung nhà số 4 Lý Nam Đế với Tạp chí. Hồi ấy Trọng Oanh và Đăng Thục (tên thật của Tào Mạt), cũng là những tay đánh cờ có hạng. Nguyễn Trọng Oanh đi chiến trường B rồi, nên ai đánh với Đăng Thục cũng chờn. Bữa ấy, Tào Mạt đang ở thế thượng phong, nhưng đi lạc một nước, nên chịu hòa với tôi... Đánh cờ cũng hay ham. Nhưng Tào Mạt chỉ đánh một ván rồi thôi không đánh nữa. Chúng tôi ngồi uống trà, nói chuyện. Chuyện rong ruổi từ đông sang tây, từ Nho sang Phật, từ thơ sang chèo... Tào Mạt vừa nói vừa hỏi, hỏi rồi lại bàn, lại giải thích, lại hỏi... Dạo ấy, Tào Mạt thường hay sinh hoạt với Hội Sân khấu. Tôi được biết, ông rất mê chèo, mê kịch và cũng thường giao du với các tác gia sân khấu hơn là cánh nhà văn, nhà thơ. Ở phòng Văn nghệ quân đội người ta cũng thấy Tào Mạt thường đi chơi với Hoài Giao, Đồng Văn Thuyết... Tào Mạt quảng giao, thấy những ai có tài năng, học vấn, đều tự đến kết thân. Thực ra, là ông tìm đến để học họ... Tự học vốn đã thành nếp của Tào Mạt... Ông âm thầm tự học lấy nghệ thuật viết chèo, viết kịch, tự học chữ Hán. Ông rất ham đọc sách, và cũng mê lý luận. Có nhiều buổi Tào Mạt ngồi trao đổi hỏi han, tranh luận về những điều mình đang muốn học, muốn biết, không chán. Tào Mạt tuyệt không bao giờ nói về mình. Với ông dường như lúc nào cũng suy nghĩ và cố gắng học thêm những điều cần học... Và sau đó là lặng lẽ viết. Khi đã để tâm học điều gì Tào Mạt quyết học cho đến nơi đến chốn chứ không học để khoe kiến thức để lòe đời. Chẳng hạn như học về chèo, không những ông truy tìm những lý luận cơ bản về các làn điệu, mà còn có thể hát được những làn điệu ấy... Không những ông học đến mối liên quan khăng khít của các yếu tố trong một vở chèo khi dàn dựng, mà ông còn tìm hiểu kỹ lưỡng lịch sử chèo, những bước cách tân của chèo... Đặc biệt, cái món sở trường "hề chèo" thì Tào Mạt đắm mình tìm hiểu và nghiên cứu. Thời của ông, các "đại gia" sân khấu khá đông đảo: Nào Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, Lộng Chương, Trần Hoạt, Lưu Quang Thuận... Các nhà nghiên cứu thì có Trần Việt Ngữ, Đình Quang, Hà Văn Cầu... Đến cả cái môn thư pháp, theo người ta kể lại, thuở bé, Tào Mạt theo ông bố vốn làm gia nhân của nhà quan, giúp bố lau sập gụ, tủ chè, nhờ đó mà làm quen với những hoành phi câu đối, để tự học chữ Hán, rồi từ đó tạo ra được một thư pháp của Tào Mạt. Những năm chống Mỹ, cứu nước, có hai nhà thư pháp, đi cho chữ khắp bạn bè, có lúc viết ngay bên bàn rượu, bàn cà phê, bàn trà, đó là Hoàng Trung Thông và Tào Mạt. Và, cả hai viết đều đẹp đều có cá tính. Tất cả đều là tự học. Tào Mạt tự học suốt đời, không lúc nào ngưng nghỉ. Vốn chữ Hán của Tào Mạt, tuy tự học, nhưng cũng khá dày dặn. Tào Mạt viết kịch, viết chèo, không làm thơ trữ tình, nhưng lại rất hay làm thơ chữ Hán tặng những người ông mến mộ hoặc bè bạn. Ông làm thơ tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, bà Quách Thị Hồ, nhà văn Nam Cao và nhiều người khác nữa. Làm rất nhanh, sau đó, tự viết chữ Hán rồi đem tặng. Giá bây giờ đem sưu tập lại tất cả những bức thư pháp của Tào Mạt, sẽ được một tập thơ Vịnh những người nổi tiếng, những văn nghệ sĩ quen biết. Nhiều bài viết ứng chiếu ngay tại chỗ mà ý, mà lời đều khá chỉnh... Tôi có lưu giữ được mấy bài như bài thơ viết nhân đám tang giáo sư Đặng Thai Mai. Điếu Đặng Thai Mai lão sư Danh chấn văn đàn đại lão sư Khai lưu dẫn lộ hữu di thư Băng tâm ngọc phách ưng trường tại Thụ giáo nhân năng ngộ lục như Xin dịch là: Viếng giáo sư Đặng Thai Mai Giáo sư danh chấn văn đàn Di thư mở lối dẫn đường còn đây Lòng băng, phách ngọc sáng ngời, Lời hay lẽ phải truyền đời dài lâu... Bài tặng Nam Cao, nguyên văn viết nhân dịp kỷ niệm 70 năm nhà văn như sau: Nam Cao sinh nhật Tiên sinh thất thập thượng niên thanh, Nhất thế vi văn vô hạn tình Nhược kiến kim thiên tân cảnh tượng Anh hồn tất cổ sắt, xuy sinh... Xin dịch là: Nhân ngày sinh Nam Cao Bảy mươi tuổi vẫn trẻ trung Một đời văn ấy mênh mông là tình Quê hương mới, ví được nhìn Anh hồn hẳn cũng rung ngân nhạc đời. Năm nghệ sĩ nhân dân ca trù Quách Thị Hồ 78 tuổi, Tào Mạt làm thơ tặng: Trang tặng Quách Thị Hồ nghệ sĩ Bắc cách, Nam phong, cung dữ thương, Hà Mô lục tuế trại Thu Nương, Ca trường lạc hội mai tiêu phẩm Thất bát hồ cầm hựu nhất chương Xin dịch là: Trân trọng tặng nghệ sĩ Quách Thị Hồ Bắc cách, Nam phong, cung dữ thương(1) Hà Mô(2) sáu tuổi sánh Thu Nương(3) Ca tàn, hội vãn hương mai ngát, Bảy tám hồ cầm lại một chương... Nhưng sự nghiệp của Tào Mạt để lại cho đời thì lại là những vở chèo... Tào Mạt viết cả chèo, lẫn kịch, nhưng những vở chèo được nhiều người biết hơn cả. Ngay những năm đầu cuộc chiến giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, tôi về làm biên tập báo Văn nghệ, nhận được bản thảo Đường về trận địa của Tào Mạt. Đó là một hoạt cảnh chèo rất sinh động, lời rất nhuyễn. Nhân vật rất ít tiện cho các đội văn công xung kích diễn phục vụ các chiến sĩ ở ngay trên trận địa. Vở chèo ngắn này Tào Mạt viết chung với Hoài Giao, sau khi được đăng trên báo Văn nghệ, thì được biến thành tiết mục diễn ở nhiều trận địa trên tuyến lửa và ở hậu phương. Một tác phẩm ca ngợi bộ đội và dân chúng kịp thời, với những lời ca trữ tình, chân tình, đằm thắm, rất được hoan nghênh... Tào Mạt cũng là người xông xáo say đi, say viết. Sau Đường về trận địa, ông thâm nhập tuyến đường Trường Sơn bom đạn khá dữ dội, và khi về viết ngay được một vở ca kịch ngắn Anh lái xe và cô chống lầy. Bởi sống ở ngay thực địa với công binh, với thanh niên xung phong, nên vở diễn đầy cảnh sôi nổi, hừng hừng khí thế chiến đấu mùi bom đạn, cảnh đất đá, khói lửa được viết với những hình ảnh khá sinh động, hấp dẫn. Tính cách trẻ trung của lớp trẻ, lực lượng chủ chốt của bảo đảm giao thông tuyến lửa, giữa những giây phút ác liệt vẫn vô cùng lạc quan. Tào Mạt đã nắm bắt được từ nghệ thuật ca kịch, để dựng được những phân cảnh, những ngôn ngữ đối thoại trong ca kịch khá sống động. Đây là đoạn cô gái thanh niên xung phong ra xưng danh: - Chị em ơi kể từ ngày tôi đây xuất giá... Tiếng đế: Xuất giá là lấy chồng. Lấy chồng sớm thế? Cô chống lầy: (Tỉnh bơ) Thử đọc ngược lại xem nào? Tiếng đế: Lấy chồng - Đọc ngược là chống lầy. Đi thanh niên xung phong chống lầy rồi. Cô chống lầy: (hát) Cho nên tôi chửa lấy chồng Đi chống lầy, cho nên tôi chửa lấy chồng Hẹn ngày thống nhất cũng không muộn nào. Hát rằng xương trắng, máu đào, Tấm lòng yêu nước gửi vào lối xe Bao giờ giặc Mỹ cút về Chống lầy lấy ngược sẽ đi lấy chồng Có ai thương tôi thì hãy để trong lòng... Những "miếng" chèo như trên diễn viên thể hiện khá dễ, bởi chất chèo, chất lạc quan, nghịch ngợm của chèo cổ đã được vận dụng rất ngọt ngào vào đề tài mới, dễ hát, diễn viên tha hồ trổ ngón. Vở ca kịch này cũng được công diễn phục vụ nhiều lần ở tuyến lửa và ở hậu phương và rất được hoan nghênh... Những vở trên, dẫu gây được tiếng vang, nhưng vẫn là những tiết mục phục vụ kịp thời, với đề tài nóng hổi. Phải đến Bộ ba chèo Bài ca giữ nước, gồm các vở Lý Thánh Tông chọn người tài; Ỷ Lan coi việc nước; Lý Nhân Tông học làm vua , thì tài năng sáng tạo, viết chèo của Tào Mạt mới thật sự tập trung. Đó là một tác phẩm chèo xuất sắc, ghi lại được dấu ấn với thời gian. Về đề tài vở chèo đã lấy từ trong lịch sử dễ thích hợp với thể loại mà tác giả lựa chọn. Chủ đề của vở chèo bộ ba liên hoàn này, phản ánh một thời kỳ lịch sử sống động ở thời Lý, giữa những năm Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông trị vì đất nước, nhất là những năm tháng Ỷ Lan thay Thánh Tông nhiếp chính khi chồng đi đánh giặc Chiêm Thành và giúp con trai là Lý Nhân Tông, lúc còn nhỏ để trị nước. Chiến công, chiến tích, thì lịch sử đã ghi lại rõ ràng, nhưng, diễn biến của lịch sử thì đâu có phải xuôi chèo mát mái... Bên trong còn có nhiều những mâu thuẫn nội bộ, giữa bên trung, bên nịnh, giữa quan tốt và quan tham, giữa những tấm lòng hết lòng vì dân vì nước và những kẻ chỉ quẩn quanh với quyền lợi cá nhân, với danh lợi, quyền lực... Khai thác đề tài lịch sử, đồng thời cũng để bộc lộ tâm can trung thực, những quan niệm của mình với đời nay, đó là ý đồ chân tình của Tào Mạt. Ông đã dồn tâm huyết cho tác phẩm này, đã huy động tất cả những điều sở nguyện, sở đắc vào nhân vật, vào lời hát. Những nhân vật trong vở chèo bộ ba này đều được tính toán kỹ lưỡng. Nhân vật chính diện bao gồm: Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lý Thánh Tông... Còn các nhân vật phản diện là: Hoàng hậu Thượng Dương, Lê Văn Thịnh... Các nhân vật hư cấu thường ở trong đám thường dân như: Cô Trích, hề Hoạn, hề Nhỡ, hề Con, trưởng lão; phản diện gồm có Tri Châu, Thị Lộc, tên gian Tống, tên Đại Lý... Ưng, Khuyển v.v... Bộ ba Bài ca giữ nước ngoài việc ca ngợi những thành quả dựng nước, giữ nước của hai triều vua Lý, còn nhằm mượn những xung đột nội bộ của triều đình đương thời, những mâu thuẫn quyền lợi giữa triều đình và dân chúng, giữa quyền hành và trách nhiệm, giữa âm mưu và tài trí, v.v... cũng nhằm đi sâu vào những vấn đề thường lặp đi lặp lại ở mọi thời đại này. Mà, ý nghĩa giữa lịch sử và hiện đại đã được đề cập và cũng chính là điều hấp dẫn người xem... Về mặt lịch sử, tác giả đã tôn trọng những sự kiện đã ghi trong sử sách, nhưng cũng có những chỗ tồn nghi của lịch sử, thì Tào Mạt, đã có những dụng ý riêng của mình, nhất là đối với hai nhân vật lịch sử có thật là hoàng hậu Thượng Dương và Lê Văn Thịnh, và chính chỗ có thể tranh luận ở tác phẩm, cũng từ hai nhân vật này. Nhìn chung kịch bản đã được viết công phu, tâm huyết. Có những đoạn thoại, chính là những điều tác giả gửi gắm với đời. Ngôn từ, bài học đạo đức, tính triết lý, được Tào Mạt trau chuốt thành lời ca, qua lời của Ỷ Lan khi thổ lộ với thái sư Lý Đạo Thành: Muôn sông về biển Đông là đua chảy vạn dòng Các sao chầu về hướng Bắc là nghìn xưa đồng lòng Gốc ở đạo Phật là ở chữ giác Là người hữu hình nên ai đều muốn biết Muốn biết vì sao mà có núi có sông Muốn biết vì sao mà có giống có dòng Muốn biết vì sao có hoa có lá Muốn biết vì sao trồng cây có quả Bởi thế Phật là nghìn mắt nghìn tay, Cháu chưa biết có phải Quan Âm nghìn mắt nghìn tay nhưng cháu thấy mọi việc ở đời đều nhờ bàn tay, con mắt. Con mắt bàn tay làm cho vải vóc đầy nhà, lúa ngô đầy đất Còn như chữ giác phải nhờ ở muôn người: (đọc kệ) Núi lớn do tích từng hạt bụi Biển sâu nhờ hợp mọi dòng con Bàn tay biến cải nước non Làm nên mọi vẻ vuông tròn gần xa... Vở diễn với lối văn kịch bản đầy hàm súc trí tuệ; tác phẩm khi lên sàn diễn lại được các diễn viên nhấn nha, truyền đạt bằng nghệ thuật, nên đã có nhiều hiệu quả. Bên cạnh những kiến thức, văn hóa mà Tào Mạt tự học, tự tích lũy được, ông còn soạn vở theo lối dân gian, qua ca dao, dân ca, dân giao, đồng dao... Chất trí tuệ và chất dân gian được sử dụng hài hòa và đắc vị, nên giá trị của kịch bản càng cao. Thành công lớn ở tác phẩm này của Tào Mạt chính là ở vai Hề Hoạn. Trong các vở chèo cổ, các nhân vật hề với đủ các loại, chỉ là những pha, những vai phụ, làm rôm rả tích trò một lúc rồi lui vào hội trường. Nhưng ở Bài ca giữ nước, Hề Hoạn đã trở thành một nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm. Hề Hoạn là một nhân vật nhân danh chính nghĩa, nhân danh chính phái, là người đại biểu cho dân chúng, suốt đời đấu tranh cho lẽ phải, cho lẽ công bằng, hết lòng vì dân vì nước... Hề Hoạn, thường là cái gai cho tà phái, và có khi là gai cả với người chính phái, bởi hề dám nói thẳng tuột ra những điều sai, những lỗi lầm của họ... Cũng vì thế mà Lê Văn Thịnh đã chôn sống Hề Hoạn. Và màn chôn sống Hề Hoạn của Tào Mạt được đạo diễn dàn dựng công phu, đã rất ấn tượng và cũng là những hào quang cuối cùng tỏa rạng trên sân khấu chèo... Đó là công của Tào Mạt với chèo. Bộ ba chèo Bài ca giữ nước, nghiễm nhiên trở thành một tác phẩm xuất sắc trong lịch sử chèo Việt Nam. Tào Mạt sau này bị bệnh hiểm nghèo. Nằm trên giường bệnh, ốm o, gầy rạc, vẫn còn đọc sách Phật, đọc tác phẩm bằng Hán văn, và vẫn nổi sung lên khi bạn bè vô tình nói đến những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng ở ngoài đời... Với bộ ba chèo Bài ca giữ nước, Tào Mạt được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh... Ông thật xứng đáng hưởng vinh dự với thành quả của mình.
NSUT Minh Phương Những nghệ sĩ chèo nổi tiếng và uy tín rất coi trọng Minh Phương, một nghệ sĩ chèo không được đào tạo cơ bản, chỉ nhờ mẹ luyện, tự học mà thành tài. Với giọng hát đằm thắm, có cái chất riêng, mộc mạc, giản dị như bờ tre, ruộng lúa, cánh cò những miền quê xa ngái, Minh Phương sinh ra như thể cho chèo. Là con gái của NSƯT Thúy Mơ, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương, Minh Phương thừa hưởng tố chất của mẹ, nên có chất giọng đằm thắm, được đánh giá là một trong số ít ỏi những giọng chèo trẻ hay nhất nước. Hơn 30 năm tuổi đời, gần 20 năm tuổi nghề, Minh Phương đã sở hữu một “kho” giải thưởng, là kết quả cho những đóng góp, những cố gắng và tài năng của chị. Ít người biết rằng, Minh Phương đã không qua một trường lớp nào, chỉ nhờ vào sự khổ luyện của bản thân và sự rèn cặp của một người mẹ tâm huyết với chèo mà thành tài. NSƯT Thúy Mơ nói rằng, nếu con bà được học hành tử tế, hoặc có điều kiện rèn cặp sớm hơn, Minh Phương sẽ còn phát huy khả năng thêm nữa. “Học hết lớp 4 ở trường làng, lên lớp 5 tôi đưa em ra Hải Dương học, rồi để em sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi thành phố. Ban đầu không có ý định cho con theo nghề của mẹ đâu, nhưng nhiều người khen nó có chất giọng. Thế là tôi rèn cặp, rồi đưa vào Đoàn chèo Hải Dương” - NSƯT Thúy Mơ tâm sự. Ngày nhỏ, khi được nghe giọng chèo của các nghệ sĩ Như Hoa, Kim Đức, cô bé Minh Phương đã lấy đó là những tấm gương để phấn đấu. Sau này, nghe nghệ sĩ Hồng Ngát hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, chị đã mơ ước một ngày nào đó trở thành diễn viên của Đoàn Ca nhạc của Đài. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Chị đã chọn chèo hay chèo chọn chị? Minh Phương bảo, khi sinh ra thì chèo đã có ở trong máu chị, hay chính cái gen chèo của mẹ đã truyền sang. Chị sẽ chung thủy với chèo suốt đời. Điều đó như là một định mệnh không thể nào khác. Năm 2007, Minh Phương được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, và đến cuối năm đó chị chuyển ra Hà Nội, làm việc ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Điều đó khiến nhiều cán bộ ở Đoàn chèo Hải Dương tiếc nuối. Ra Hà Nội, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hơn, công việc an nhàn hơn, Minh Phương càng có cơ hội làm nghề và tỏa sáng. Một người phụ nữ không ít truân truyên đường tình duyên, giờ có điều kiện chăm sóc gia đình và làm chèo. Tuy nhiên, trong đầu chị lúc nào cũng có sự ưu ái cho chèo. Chị hát say sưa, như người lên đồng và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Với chất giọng dày, ấm, nền nã, những làn điệu chèo qua sự thể hiện của chị trở nên nồng nàn, sang trọng. Nhắc đến Minh Phương là người ta nhớ đến một thị Phương đoan trang, nết na, thảo hiền trong Trương Viên; một Ngọc Liên đằm thắm đôn hậu trong Nam dược thánh nhân; một Dịu Hiền nồng nàn trong tình yêu của vở Hai giọt nước. Tài năng của Minh Phương trên sân khấu là khả năng không chỉ làm khán giả rơi nước mắt, mà những đồng nghiệp của chị cũng thấy rưng rưng. Một đời diễn viên, không phải vai diễn nào cũng thành công và sự hóa thân nào cũng xuất sắc. Xem Minh Phương diễn, những nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp như Doãn Hoàng Giang, Văn Báu đánh giá cao sự nhuần nhuyễn rất nghề, rất đạt. Minh Phương nói rằng, nghệ thuật chèo đang được khôi phục và dần lấy lại được chỗ đứng trong lòng khán giả. Chị cũng mong điều đó diễn ra càng nhanh càng tốt. Các nhà nghiên cứu chèo vẫn tranh cãi rằng có nên cách tân chèo hay không. Những nghệ sĩ chèo say nghề như Minh Phương vẫn đang cùng lúc vừa làm chèo truyền thống vừa làm chèo hiện đại. Minh Phương đã ra 2 allbum “Khúc hát sông quê” vol 1 và vol 2 và đều được đón nhận. Giọng hát của chị được đánh giá là thể hiện rất tốt ở dòng dân ca Bắc bộ. Trong allbum vol 2, Minh Phương mạnh dạn tìm tòi thể hiện một số ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung như Em yêu anh như yêu câu ví dặm, Giận mà thương, Hà Tĩnh mình thương. “Trong album vol 2 tôi lại chọn ca khúc Khúc hát sông quê của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo như một bài hát chủ đạo. Vì tôi thực sự có duyên với bài hát này”. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã rất bất ngờ khi biết rằng ngoài Anh Thơ, còn một ca sĩ thể hiện cũng rất thành công ca khúc này của ông. Cũng như mẹ mình, Minh Phương nhận thấy chèo là loại hình nghệ thuật cao cấp, được đệm bởi 8 loại đàn, cùng lúc quyện vào nhau. Chèo lại hội tụ đủ bốn yếu tố: ca, vũ, nhạc, kịch mà lớp diễn viên chèo trẻ bây giờ mấy ai hiểu được. Chèo là phải xem, phải nghe mới mê, nhất là nghe những bài thảm sầu. Ca từ tác động vào sâu thẳm tâm hồn người, khiến người nghe có thể khóc, lại có thể cười ngặt nghẽo. Ở đất nước ta, không thiếu những em nhỏ cũng đang thắp những ước mơ để đến với nghệ thuật chèo. Tin rằng, sẽ có những nghệ sĩ thành công như Minh Phương, nhưng chắc chắn đó không phải là con đường của hoa thơm và trái ngọt. [TABLE="class: c12, align: center"] <TBODY>[TR="class: c8"] [TD="class: c11"] - Năm 1992-1993: Huy chương vàng (HCV) Cuộc thi giọng hát chèo, tuồng hay tổ chức tại Hải Dương cho diễn viên trẻ tuổi nhất; HCV trong vai Cúc Hoa vở Tống Chân - Cúc Hoa tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay tổ chức tại Ninh Bình; giải nhì, không có giải nhất cuộc thi giọng hát hay (dòng dân gian) do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. - Năm 1994: HCV và giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn Dịu Hiền trong vở Hai giọt nước tại Hội diễn Sân khấu miền duyên hải tổ chức tại Thái Bình. - Năm 2001, HCV và giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất trong vai thị Phương trong vở Trương Viên tại Hội diễn các vở chèo cổ tại Quảng Ninh. - Năm 2005, HCV và giải diễn viên tài năng trẻ cho vai Ngọc Liên trong vở Nam dược thánh nhân tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp tổ chức tại Quảng Ninh. [/TD] [/TR] </TBODY>[/TABLE] Mời mọi người cùng nghe lại một điệu chèo cổ do NSUT Minh Phương trình bày: [YOUTUBE]http://www.youtube.com/watch?v=zTEREMbt0tM [/YOUTUBE]
Đầu xuân lan man chuyện mê hát chèo của NSƯT Thanh Ngoan Tôi tình cờ gặp NSƯT Thanh Ngoan (phó giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam) trên chuyến xe khách khởi hành 6h sáng từ Hà Nội về Ninh Bình. Chị bảo vì quá bận công việc nên chỉ cuối tuần mới sắp xếp được thời gian về Ninh Bình để làm đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm”.“Ngoan “chèo” đã có từ lâu nhưng Ngoan xẩm thì... mới”Chị có thể "bật mí" về đề án mà chị đang thực hiện ở Ninh Bình được không?Thực ra khôi phục lại hát xẩm thì tôi đã từng làm cho Bắc Giang, nhưng dự án này không lớn mà chủ yếu mang tính truyền dạy. Còn ở Nhà hát chèo Việt Nam, thì tôi cũng đã tham gia hướng dẫn cho các nghệ sỹ về hát xẩm để bồi bổ thêm cho nghề. Đối với loại hình nghệ thuật này tôi đã được nghe, được học từ lâu với thầy Đỗ Tùng, nghệ nhân Hà Thị Cầu. NSƯT Thanh Ngoan Đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm do UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Sở VH - TT & DL và Nhà hát chèo Ninh Bình thực hiện là đề án có quy mô lớn, đầu tư rất công phu. Với đề án này, Thanh Ngoan đóng vai trò là Tổng đạo diễn. ở giai đoạn đầu, chúng tôi phải làm thế nào để giữ nguyên bản nghệ thuật xẩm chính thống từ trang phục, âm nhạc đến lời hát...để sau đó báo cáo với Tỉnh. Mình dựng cái gốc, còn sau đó phát huy và phát triển thì do Nhà hát chèo Ninh Bình thực hiện. Công chúng vốn quen với Thanh Ngoan "chèo", gần đây lại thấy chị thường xuyên lấn sân sang hát văn, ca trù, xẩm. Có phải chị quá tham lam không khi cùng một lúc "ôm" vào mình quá nhiều bộ môn nghệ thuật như thế?Nhiều người cũng từng hỏi tôi câu đó. Tôi xuất phát điểm là từ chèo (vào nghề từ năm 13 tuổi) và chèo đã ngấm, ăn sâu vào con người tôi. Nghệ thuật chèo là nghệ thuật thuần Việt nhưng bên cạnh đó nó cũng thu nạp rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như hát văn, hát ca trù, xẩm để làm giàu cho nó, cũng là để thể hiện tính cách đa dạng của người Việt. Bản thân tôi học các loại hình nghệ thuật đó hoàn toàn là để phục vụ cho chèo.Ví dụ vai thầy bói đi chợ (trong vở chèo) hát những câu bồng mạc, câu xẩm chợ. Vì vậy, diễn viên chèo cũng phải biết xẩm, dĩ nhiên là khi vào chèo thì nó cũng được chèo hóa. Nói là chèo có phải là số 1 đối với tôi không, thực sự là rất khó trả lời. Nhưng phải nói rằng tôi xuất phát điểm là chèo còn khi hát chèo, hát xẩm hay hát văn thì tôi đều có niềm đam mê như nhau.Nếu nhìn bề nổi có người tưởng tôi gần đây đã lãng quên chèo, chỉ chú tâm đến xẩm, ca trù nhưng không phải thế. Ngoan "chèo" thì đã có từ lâu nhưng Ngoan xẩm thì gần đây mọi người mới biết đến. Mọi người thường chỉ để ý đến cái mình mới làm được nên có cảm giác như mình không còn chú tâm đến chèo nữa. Gần đây, với vai trò là đạo diễn, Thanh Ngoan dành khá nhiều thời gian để tham gia dàn dựng các vở chèo và giảng dạy ở các trường nghệ thuật.Thích mẫu nhân vật đàn bà đẹp nhưng...thâm độcNgười ta nhớ đến chị là nhớ đến những vai đào lệch có tính cách chanh chua, đanh đá như Hoạn Thư, vợ cả Dọc... Có thể nói, có khá nhiều nghệ sỹ từng đóng những nhân vật này nhưng với chị, ở những vai này, đâu là cái để người ta “biết” đến Thanh Ngoan?Trong cuộc đời mình, tôi đã đóng rất nhiều vai như Hoạn Thư, Đào Huế, bà Sùng, mụ Kim, chủ quán Hồng Châu trong vở Hồ Xuân Hương. Mỗi một nhân vật này đều có một đời sống riêng nhưng thường nghiêng về vai đào lệch. Khi được phân vai nào, tôi đều nghiên cứu rất kỹ, tìm mẫu điển hình của từng nhân vật để thể hiện tốt nhất vai diễn, tạo được dấu ấn cá nhân. Khi tôi vào vai bà bói thì trong con người tôi đã tiềm ẩn sẵn chất hài để có thể diễn tốt vai đó.Hoặc như nhân vật Hoạn Thư, là một nhân vật đã rất nổi tiếng trong các loại hình nghệ thuật và văn chương. Khi tôi diễn vai này (được huy chương vàng trong Hội diễn toàn quốc năm 1990) thì mọi người cũng phải công nhận rằng vai này rất hợp với Thanh Ngoan. Một vai diễn mà tôi nhớ nhất đó là vai chủ quán Hồng Châu, một nhân vật có tính cách ghê gớm, độc ác. NSƯT Thanh Ngoan trong một lần biểu diễn Trước đây, mọi người thường định hình nhân vật này giống như mẫu Tú bà. Nhưng khi được phân vai, Thanh Ngoan nói với đạo diễn rằng không cần phải xây dựng một mẫu nhân vật cồng kềnh, xù xì, nói chung là xấu xí, già, dữ dằn, ngoa ngoắt mà nên đi theo mẫu hình một bà chủ quán xinh đẹp, đài các nhưng cũng rất ghê gớm. Chủ quán có xinh đẹp, có khéo léo thì mới thu hút được khách. Chúng ta thường xem phim nước ngoài thì thấy, nhiều khi đàn bà đẹp còn chứa đựng sự thâm độc kinh khủng hơn gấp nhiều lần những gì người ta có thể nhận thấy bên ngoài. Và quả thật khi nhân vật chủ quán Hồng Châu lên sân khấu thì đã để lại được ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đối với khán giả.Trong nghề, các nghệ sỹ thường không thích so sánh với nhau nhưng phải nói rằng khi mình đã phát huy hết tính cách đối với một nhân vật nào đó thì người đi sau diễn vai đó cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là những nhân vật đã thành điển hình như Hoạn Thư, Đào Huế... Còn người nghệ sỹ, không gì hạnh phúc hơn khi khán giả nhớ đến nhân vật của mình. Tôi đã làm chung "Chồng rượu, vợ đề" với nghệ sỹ Xuân Hinh, sau đó đi đâu mọi người cũng trêu: "Thanh Ngoan cho con đề?"...Các nhân vật chị vào vai thường rất có tích cách, cá tính. Ngoài đời, chị có chút gì giống với các nhân vật?Ngoài đời Thanh Ngoan vẫn là người có cá tính, thẳng thắn và mạnh mẽ. Nhưng thực ra tôi cũng là mẫu người tình cảm, thích chia sẻ, sống chan hòa với những người xung quanh. Ở tuổi này, chỉ mong còn chút sức lực nào thì còn cống hiến cho nghề là vui.Vừa rồi, báo chí có lùm xùm về chuyện các nghệ sỹ nhà hát chèo phản ứng về việc 4 nghệ sỹ trong đó có Thanh Ngoan, Minh Thu, Mạnh Phóng, Minh Chí... bị loại khỏi đề cử NSND đợt này? Chị có buồn về việc mình bị trượt xét tặng NSND?Có buồn chứ. Vì lần này, Nhà hát Chèo Việt Nam được mệnh danh là con chim đầu đàn của ngành chèo lại không có nghệ sỹ nào được phong tặng. Còn tôi, Nhà nước có thể chưa phong tặng cho tôi danh hiệu NSND nhưng khán giả yêu mến và công nhận tôi là được rồi.Các dịp Tết hàng năm, chị thường xuyên tham gia các chương trình hài với nghệ sỹ Xuân Hinh. Năm nay chị có dự định tham gia chương trình nào không?Năm nay, Công ty Hồ Gươm Audio có mời tôi đóng một vai hài nhưng chắc tôi không có thời gian để tham gia. Hiện nay, tôi cũng đang có dự định làm đạo diễn cho chương trình Tết xưa cho VTC, quay ở phủ Thành Chương. Mọi nét văn hóa về Tết Việt sẽ được thể hiện một cách trọn vẹn nhất trong chương trình này, bên này thì nấu bánh chưng, bên kia thì có trẻ con chơi ô ăn quan, chỗ khác thì có liền anh liền chị hát quan họ...Cảm ơn chị, chúc chị và gia đình có một năm mới tốt lành!
NSƯT Thúy Mùi , đằm thắm duyên chèo Gặp NSƯT Thúy Mùi không khó, nhưng để có thể trò chuyện với chị lâu lâu một chút thì không hề đơn giản. Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị cắt ngang bởi điện thoại với vô số những việc cần chị giải quyết ngay trên cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhìn người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, nụ cười tươi, giọng nói truyền cảm và nét duyên dáng đằm thắm riêng có của chèo thoăn thoắt xử lý cả núi công việc bằng cái thông minh tinh tế thiên bẩm của phụ nữ mới hiểu vì sao Nhà hát Chèo Hà Nội là một trong số ít những đơn vị nghệ thuật luôn đỏ đèn và giữ được đời sống ổn định cho các nghệ sĩ trong thời buổi khó khăn như hiện nay. 1. Gặp NSƯT Thúy Mùi là nghe chị nói về chèo. Hỏi chuyện chung, chuyện riêng, loanh quanh rồi cứ vẫn là chuyện chèo. Nhưng chị ít kể về những vai diễn ghi dấu ấn trong lòng khán giả, những khoảnh khắc hào quang trên sân khấu vì với chị "kể về mình khó lắm". Chị nói nhiều về dự án mà chị đang đeo đuổi và thực hiện, đó là đưa nghệ thuật chèo đến với thế hệ trẻ. Lâu nay, khi quan sát khán giả, chị thấy khán giả đi xem chèo chủ yếu là lứa tuổi trung niên và chạnh lòng nghĩ, nếu không gây dựng thì khi lứa khán giả này già đi, sân khấu chèo lấy đâu ra khán giả nữa. Càng lo hơn, khi tiến hành một cuộc khảo sát với các em học sinh thì có tới 90% các em cho biết chưa từng xem chèo. NSƯT Thúy Mùi chia sẻ, việc lo chương trình biểu diễn để đảm bảo đời sống cho các nghệ sĩ trong đoàn là nhiệm vụ phải hoàn thành. Quan trọng hơn bây giờ là đóng góp lâu dài cho sân khấu chèo. Vì thế, chị xắn tay vào thực hiện Đề án xây dựng lớp khán giả kế thừa với từng đối tượng cụ thể. Với các em mẫu giáo, tiểu học là những vở chèo ngắn dựng từ những câu chuyện cổ tích. Với học sinh phổ thông, ngoài những trích đoạn hài chèo kinh điển như "Thị Mầu", "Xã trưởng", "Mẹ Đốp" còn giới thiệu sơ lược cho các em về lịch sử bộ môn chèo... Những chương trình như thế này không có sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước. Nhà hát tự phối hợp với Sở Giáo dục, với các trường để thực hiện. Riêng với các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, ngoài việc biểu diễn miễn phí, đơn vị còn tổ chức tặng quà cho các em. Một ngày biểu diễn cho các em có khi lên tới 7 suất, thời gian giải lao rất ít nhưng các nghệ sĩ đều hào hứng. Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống đang sống dở, chết dở trước sự áp đảo của các loại hình giải trí hiện đại thì Nhà hát Chèo Hà Nội là một trong số hiếm hoi những đơn vị đang "sống khỏe". Gần đây, tại Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất, Nhà hát Chèo Hà Nội là một trong 3 đơn vị tự phát hành vé buổi diễn của mình. NSƯT Thúy Mùi xác định, xã hội hóa là điều cần thiết, là vấn đề sống còn với sân khấu kịch nên Nhà hát chèo Hà Nội đã thực hiện từ lâu rồi. May mắn là Nhà hát tập trung nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Xuân Hanh, NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Quốc Anh... Chị bảo, nói gì thì nói, với sân khấu phải có "ngôi sao" mới hy vọng bán được vé. Nhưng ngược lại, để các "ngôi sao" với cái "tôi" rất lớn tâm phục khẩu phục, lăn lộn cùng đơn vị lại là một câu chuyện khác. Chị suy nghĩ, thường thì các nghệ sĩ ai cũng cá tính mạnh, nhưng đều là người trọng tình cảm nên phải dùng tình cảm để ứng xử với nhau. Quan trọng nhất là hãy đơn giản mọi chuyện thì điều gì cũng giải quyết được. Nói về chuyện kéo khán giả tới rạp xem chèo thì "bà bầu" Thúy Mùi nổi tiếng là người có nhiều "chiêu". Sẵn sàng đầu tư tiền tỉ để phục dựng những vở chèo cổ từng ăn khách như "Nàng Sita", "Oan khuất một thời"... ; hay làm mới sân khấu chèo bằng cách mời các ngôi sao của các môn nghệ thuật khác như nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Hiền, NSƯT Minh Vượng, ca sĩ Tấn Minh sang biểu diễn cùng để chương trình thêm cuốn hút. Nhiều lần chị còn mạnh dạn “trống dong cờ mở” cùng anh em nghệ sĩ chinh phục thị trường phía Nam... Mục tiêu của Nhà hát là xây dựng lớp khán giả thường xuyên đến xem chèo nên phải đổi "thực đơn" cho khán giả liên tục vì món có ngon đến mấy nhưng ăn mãi cũng chán. 2. Nghe NSƯT Thúy Mùi nói nhẹ tênh vậy nhưng để có được thành công như ngày hôm nay, chị đã trải qua không ít chông gai. Nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi, ước ao giá mình chỉ là nghệ sĩ biểu diễn đơn thuần, chăm chút cho từng nhân vật. Nhưng nhìn cả đoàn hăng say tập luyện, háo hức với lịch diễn mới, chị lại thấy trách nhiệm của mình. Thấy chị em nghệ sĩ nhận vai, chị cũng thèm được diễn nhưng nếu vào vai, chắc chị phải tắt điện thoại nửa tháng trời. Đó là điều không thể khi mình ở cương vị lãnh đạo. Nhưng quan trọng hơn, chị nghĩ, lớp nghệ sĩ trước phải biết nhường sân cho các nghệ sĩ trẻ. Mình là lãnh đạo, mình phải đi tiên phong thì mới có thể nói người khác được. Chị cười rằng: "Mọi người cứ trêu: Làm lãnh đạo ở đơn vị nghệ thuật sướng là sướng giả, còn khổ là khổ thật. Ai cũng nghĩ là mình sướng nhưng khi phải lao tâm, khổ tứ, gặp thất bại thì không phải ai cũng hiểu cho". Đến nay, Thúy Mùi vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên làm công tác quản lý. Mặc dù trước đó đã từng có thời gian phụ việc cho NSƯT Quốc Chiêm khi anh là Giám đốc Nhà hát nhưng khi chị trực tiếp cầm quân mới thấm cái khó, cái khổ. Đó là lần đưa đoàn đi diễn ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Trước khi đi, chị đã liên hệ, đặt lịch được 15 đêm diễn. Cả đoàn gần trăm người cùng cả xe tải phụ kiện rồng rắn lên tới nơi thì Sở Văn hóa địa phương không đồng ý vì cho rằng, cần phải ưu tiên văn nghệ địa phương. Vượt cả trăm cây số đến nơi, chẳng lẽ lại quay về, chị quyết tâm ở lại. Chị bèn nghĩ cách cùng nghệ sĩ Thu Huyền đi gõ cửa các doanh nghiệp trong tỉnh. Lần đầu tiên đi makettinh, hai chị em ngại ngần, đùn đẩy nhau, không ai dám vào trước. May quá, vị giám đốc doanh nghiệp lại là người mê chèo, hâm mộ các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội, trong đó có Thúy Mùi, Thu Huyền nên đồng ý ngay. Không chỉ có vậy, vị giám đốc nọ còn giúp đỡ giới thiệu cho đoàn sang biểu diễn ở doanh nghiệp bạn. Có hôm, chiều rồi, anh em phụ trách sân khấu hỏi tối nay diễn ở đâu để chuẩn bị, chị bảo, vẫn chạy đôn chạy đáo chưa biết sẽ diễn ở đâu. Thế rồi, đến tối, lại lo được điểm diễn cho anh em. Chạy đôn chạy đáo, cuối cùng, đoàn vẫn hoàn thành được đủ 15 đêm diễn như kế hoạch. Hay cái lần chị cùng anh em trong đoàn hăm hở làm VCD hài tết với hy vọng lo được cho mọi người cái Tết tươm tất. Kinh phí làm VCD một phần của các nhà tài trợ, một phần nghệ sĩ trong đoàn đóng góp. Làm xong, cả đoàn hí hửng chắc sẽ có một khoản kha khá. Không ngờ, ngày hôm trước ra đĩa, ngày hôm sau đĩa lậu tràn ngập thị trường chỉ với giá 5.000 đồng/ chiếc. Thế là tết năm ấy, NSƯT Thúy Mùi phải vét hết tiền nhà cùng vay mượn họ hàng thân thích để bù đắp phần nào cho anh em nghệ sĩ. 3. Giờ đây, ngoài 2 rạp là Đại Nam trên phố Huế và rạp trên đường Nguyễn Đình Chiểu thường xuyên đỏ đèn, các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hà Nội rất chịu khó đi tỉnh. Có lẽ chưa nơi nào trên cả nước không có bước chân của các nghệ sĩ Nhà hát. Đặc biệt, các nghệ sĩ đã đến biểu diễn phục vụ hầu hết các trại giam từ miền núi Tây Bắc tới mũi Cà Mau. Ấn tượng nhất là lần diễn tại trại giam Cái Tàu, tỉnh Cà Mau. Chương trình bắt đầu sớm, từ 7h tối. Trước giờ diễn, các nghệ sĩ cứ băn khoăn không biết chèo có được khán giả ở quê hương cải lương yêu thích không. Ít ai ngờâ, diễn xong một vở, cán bộ chiến sĩ vỗ tay rần rần, yêu cầu diễn tiếp. Đêm diễn đó dài tới 4 tiếng liền. Nhiều chiến sĩ chia sẻ: Không biết chèo lại hay đến thế. NSƯT Thúy Mùi còn nhớ, có lần diễn xong, một phạm nhân nói rất cảm động: "Nhân vật trong vở diễn giống em ngoài đời quá. Em sẽ cố gắng để làm lại cuộc đời như nhân vật". Thế là trong 3 ngày đoàn lưu diễn tại đơn vị, phạm nhân đó vẽ xong một bức tranh sơn dầu để tặng đoàn. Cho đến thời điểm này, NSƯT Thúy Mùi đã gắn bó với Nhà hát Chèo Hà Nội gần 30 năm. Sinh ra và lớn lên ở Yên Khánh, Ninh Bình - một trong những cái nôi của chèo Bắc Bộ; gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng có lẽ chị hưởng gien của người cha yêu văn nghệ làm Trưởng ban Văn hóa xã. Ngày ấy, Thúy Mùi chỉ biết yêu chèo và tập hát theo chứ mơ ước làm diễn viên là một điều quá xa vời. Mười lăm tuổi, khi đang học phổ thông, nghe tin có đợt tuyển diễn viên chèo, Thúy Mùi mạnh dạn đi thi. Giọng hát khỏe, vang, cách nói chuyện bạo dạn, hóm hỉnh của Thúy Mùi đã thuyết phục ban giám khảo. Thúy Mùi khăn gói lên Hà Nội vừa học văn hóa vừa học chuyên ngành. Ra trường, chị gắn bó với Nhà hát Chèo Hà Nội đến nay. Những ai yêu chèo đều biết tới giọng chèo "vang, rền, nền, nẩy" của Thúy Mùi. Chị cũng ghi dấu trên sân khấu chèo với khả năng đảm nhiệm cả vai chính diện và phản diện như Thị Kính trong "Quan Âm Thị Kính", Nguyên phi Ỷ Lan trong "Lý Thường Kiệt", vai phản diện trong "Đồng tiền Vạn lịch"... Đặc biệt, cái duyên đóng hài của chị luôn khiến mọi người cười nghiêng ngả bởi lối diễn tưng tửng, "diễn mà như không diễn". Nhìn chị thoăn thoắt đi lại giữa hai rạp, chỉ đạo công việc đâu vào đấy, tôi thắc mắc: "Không hình dung được một nghệ sĩ Thúy Mùi trên sân khấu sẽ thế nào?" Chị cười: "Thúy Mùi biểu diễn rất khác một Thúy Mùi quản lý, nhưng ở vai trò nào cũng phải hết mình, phát huy hết khả năng sáng tạo". Và chị cũng tâm niệm, một mình thì chẳng thể làm gì được, phải có sự ủng hộ của anh chị em nghệ sĩ và nhất là người bạn đời luôn thấu hiểu, cảm thông, những đứa con ngoan, tự lập luôn đi bên cạnh sẻ chia để chị an tâm tung tẩy với nghề
http://www.mediafire.com/?ul228205q3e9195 http://www.mediafire.com/?jx7o4q9zqzp8cby http://www.mediafire.com/?w1b39w6vwg341eb http://www.mediafire.com/?6lld6va7np2qgg6 http://www.mediafire.com/?ycf7ujpf7cd0r6a http://www.mediafire.com/?kk8l35ab972e545 http://www.mediafire.com/?b6orvxzjmdd1suz http://www.mediafire.com/?78ey9qnqpb9ly27 http://www.mediafire.com/?p5dqbx0sea2hyla
Ở đây có chút nhầm lẫn. NSUT Thuý Mùi là giám đốc nhà hát chèo hà nội. Do tác giả bài viết có chút nhầm lẫn trong lúc gõ bài. Chứ đây không phải là là nhầm lẫn do không hiểu biết
NỐT CAO ĐẶC SẮC CỦA LÀNG CHÈO Hàng chục năm qua, tiếng hát của NSND Thanh Hoài đã trở nên quen thuộc với khán giả qua nhiều loại hình dân ca, đặc biệt là những làn điệu hát chèo và chầu văn. Mời mọi người cùng nghe những chia sẻ của nghệ sĩ về những kỷ niệm trong cuộc đời hoạt đọng nghệ thuật của mình. Đặc biệt là kỷ niệm về những lần thu thanh tại đài tiếng nói Việt Nam [MP3]http://vov.vn/Uploaded_VOV/Media/Items/20120220/V2%2021.2%20NSND%20Thanh%20Hoai.mp3[/MP3]
[/QUOTE] Trong vở chèo Cổ điển Trương Viên, sau Bà thì chả còn diễn viên nào đạt được hình tượng Nàng Thị Phương như Bà thể hiện. Dù hồi này có đổi tên thành Đôi ngọc lưu ly, diễn viên có ăn học đàng hoàng hơn, nhưng không phải là tằm rút ruột nữa rồi. Than ôi! Như năm 1990, Ông Mạnh Tường nói : Chèo phải là chèo, chứ không thể là chéo chẹo được!
[TABLE] <tbody>[TR] [TD="class: textHeaderChitiet"]NSUT Thanh Trầm - 50 năm còn đó một Thị Mầu [/TD] [/TR] [TR] [TD="align: justify"] Nhắc đến NSƯT Thanh Trầm, khán giả thủ đô chẳng những nhớ ngay hình tượng Thị Mầu độc đáo ngày nào, mà còn hằn sâu trong tiềm thức rằng, Thị Mầu đã làm nên tên tuổi của chị ngay từ những giây phút xuất hiện đầu tiên. Nhiều bạn đồng nghiệp có nhận xét, sau nghệ sĩ Bạch Tuyết, ở đoàn chèo Trung ương lúc đó, vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, thì chỉ có Thanh Trầm, chèo Hà Nội là người thể hiện vai Thị Mầu hay nhất và đẹp nhất trong suốt hai thập kỷ liền từ 1960 đến 1980. [/TD] [/TR] [TR] [TD="align: justify"] NSƯT Thanh Trầm - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội Khi ấy vào độ tuổi mười tám, Thanh Trầm chịu khó học vai diễn qua các thày cô giáo như Dịu Hương, Hoa Tâm, Năm Ngũ. Với giọng hát trời phú và nghệ thuật diễn xuất hồn nhiên, Thanh Trầm chẳng bao lâu nổi tiếng với các vai đào lẳng, vai độc trong làng chèo. Sau này chị còn đóng nhiều vai chính trong các vở lớn như Sợi tơ vàng, Những cô thợ dệt, Ni cô Đàm Vân, Mối tình Điện Biên... và đã từng đoạt 3 HCV, 5 HCB; thậm chí chị còn đóng cả phim, thể hiện sự đa tài của mình, nhưng người xem vẫn mê Thị Mầu của người nghệ sĩ tài sắc này. Thanh Trầm bồi hồi nhớ lại lời dạy của cố NSND Dịu Hương đã hàng chục năm qua, đó là việc diễn được cái thần của nhân vật, cái hồn của Thị Mầu, chứ không chỉ là những động tác nhuần nhuyễn của kỹ thuật diễn tấu. Thị Mầu của Thanh Trầm đã vượt qua ấn tượng bấy lâu nay, khán giả nhìn nhận đó là đào lẳng thuần nhất, có sự gửi gắm ý tưởng qua vai diễn, đó là thể hiện khát vọng của tình yêu vượt qua những ràng buộc của xã hội phong kiến; hướng tới một tương lai. Qua bao ngày đêm tìm tòi sáng tạo, kết hợp từng chi tiết thể hiện qua nụ cười, ánh mắt cùng các động tác múa quạt, vấn khăn, sửa áo, nghệ sĩ trẻ Thanh Trầm đã tạo nên một không khí mới lạ trên sân khấu, làm rạo rực lòng người. Dường như nhân vật đã cất tiếng nói thay cho cả một lớp người trong xã hội, đó là sự đòi hỏi dân chủ và bình đẳng trong cuộc sống. Tính tư tưởng ẩn sâu trong Thị Mầu của Thanh Trầm là vậy, mở đầu cho một nghệ thuật diễn xuất biểu cảm qua tư duy hình tượng. Ấy là ngọn lửa của khát vọng tình yêu. Đây là một cái mốc của một Thị Mầu, đã vượt qua từ cái ngưỡng một chiếu chèo dân gian của ông cha một thuở. Thậm chí, có nhà chuyên môn khẳng định, vai diễn Thị Mầu của chị đã tạo nên một bản diễn mới và trở thành mẫu mực cho nhiều thế hệ học sinh sau này. Quả nhiên, nghệ sĩ Thanh Trầm đã diễn vai Thị Mầu liên tục 25 năm liền cho đến khi rời xa ánh đèn sân khấu năm 1989. Trong thời gian này chị đã đi khắp mọi miền tổ quốc và nhiều nước trên thế giới, vào nhiều thời điểm lịch sử quan trọng để biểu diễn, cùng nhiều vở khác, trong đó không thể thiếu vai Thị Mầu. Nhờ tài năng và sức cống hiến hết lòng vì nghệ thuật, Thanh Trầm được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT, đợt đầu tiên, năm 1984. Mặc dù, nói là nghỉ diễn từ năm 1989, nhưng NSƯT Thanh Trầm vẫn tiếp tục học tập và tốt nghiệp đại học về Lý luận Sân khấu và hăng say tham gia công tác của Hội Sân khấu thủ đô. Đặc biệt chị thường xuyên đi dạy học tại khoa Chèo của trường Đại học SKĐA Việt Nam. Trong đó vai diễn mẫu Thị Mầu của chị đã được truyền cho nhiều nghệ sĩ trẻ của các đoàn chèo trên toàn quốc. Chị thường xuyên nhắc nhở các học trò cần cởi mở trong sáng tạo qua vai này, phải truyền cho nó một sự nồng nàn của tình yêu, cùng những ước vọng lớn trong cuộc sống. Đáng chú ý, nhiều học sinh của chị giờ đây cũng đã trưởng thành và cũng nổi tiếng qua vai mẫu thị Mầu, mà chị đã từng dạy họ. Trong số đó phải kể đến NSƯT Thu Huyền, NSƯT Thuý Mùi, ở Nhà hát Chèo Hà Nội; hay như nghệ sĩ trẻ ở các Nhà hát khác như Thuý Hạnh, Lâm Thanh, Thuý Lành, Hương Dịu... Họ đều đã trưởng thành và có nhiều cống hiến đáng kể trong nghệ thuật chèo. Trong lần Hội diễn Sân khấu gần đây nhất, nghệ sĩ trẻ Thuý Hạnh, người Thái Bình, thuộc Nhà hát chèo Việt Nam, cũng đã làm khán giả ngạc nhiên khi đoạt HCV qua vai Thị Mầu. Đây là một gương mặt chèo mới có tài thể hiện một hình ảnh Thị Mầu giầu sức sống và có phong cách riêng. Khi được một phóng viên hỏi, làm thế nào để Thuý Hạnh có được vai Thị Mầu cho riêng mình, không lẫn với Thị Mầu của những diễn viên khác, thì Hạnh đã trả lời ngay rằng, chính em đã học vai này từ cô Thanh Trầm khi còn là sinh viên. Sau nhiều tháng năm khám phá, sáng tạo theo đúng hướng của cô Thanh Trầm chỉ dẫn; đồng thời kết hợp với những sáng tạo của những nghệ sĩ tài năng khác, Thuý Hạnh nổi bật, trở thành hiện tượng xuất sắc trong làng chèo Việt Nam. Và, thật bất ngờ, gần đây xem vở mới về Cao Bá Quát của nhà hát chèo Hà Nội, khán giả thấy danh hài Xuân Hinh xuất hiện trong vai Thị Mầu. Đây là nhân vật phụ nhưng lại có giá trị góp thêm phần nâng cao chủ đề của tác phẩm. Người xem ngạc nhiên về chuyện vì sao nam nghệ sĩ lại vào một vai đảo lẳng giỏi đến thế. Hỏi ra mới hay, Xuân Hinh đã từng học vai này qua nghệ sĩ ưu tú Thanh Trầm, cách đây đã 30 năm. NSƯT Thanh Trầm cho biết, trước kia lão nghệ sĩ chèo lừng danh Năm Ngũ cũng đã từng đóng vai mẫu này rất hay, và chị cũng được theo học những động tác múa rất đẹp từ ông. Sau đó chị lại truyền lại cho các học sinh của mình những miếng trò hay và lạ qua vai diễn Thị Mầu, trong đó có cả cậu trò nhỏ Xuân Hinh ngày nào. Vậy là đã nửa thế kỷ qua, kể từ khi diễn vai Thị Mầu, đến nay mặc dù đã qua tuổi lục tuần và hiện ở cương vị Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSƯT Thanh Trầm vẫn không hề nghỉ diễn theo đúng nghĩa của nó. Bởi lẽ vẫn còn đó một Thị Mầu, bản diễn mang tên Thanh Trầm. Mỗi lần múa, hát với học sinh, Thị Mầu của chị lại thêm một tươi mới, thu hút khán giả, với nhiều ý tưởng bất ngờ. Vương Tâm[/TD] [/TR] </tbody>[/TABLE]