Nho giáo của Khổng Tử, Đạo giáo của Lão Tử vốn từ Trung Hoa cổ đại, cùng với phật giáo do Siddhârtha họ Gotama, thuộc dòng Sâkya từ ấn Độ truyền vào Việt Nam từ rất sớm, tồn tại song song với nhau, trở thành những yếu tố văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Ba tôn giáo này hoà hợp với nhau, chấp nhận nhau, không hề xảy ra bất kỳ cuộc “Thanh chiến” nào. Điều đó được gọi là “Tam giáo đồng nguyên” nghĩa là ba tôn giáo chung một nguồn, hoặc “Tam giáo đồng quy” nghĩa là ba tôn giáo tụ về một điểm, dạy người ta tìm đến chân, thiện, mỹ, từ bỏ tham, sân si, rèn luyện phẩm hạnh nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thời Lý, Trần nhà vua tổ chức thi Tam Giáo để chọn người giỏi trong cả ba đạo vào triều đình, làm công việc ngoại giao, nội trị, khai thác tinh hoa của các tôn giáo thành động lực thúc đẩy xã hội tiến lên. Đạo Mẫu từ đâu đến? Bên cạnh 3 tôn giáo kể trên, lại có thêm đạo Mẫu. Có lẽ xuất phát từ chế độ Mẫu hệ mà hình thành đạo này. Vai trò của người phụ nữ góp phần quyết định sự tồn tại xã hội. ở nước ta, có nhiều địa danh gắn với chữ Bà: Núi Bà Mụ, Núi Bà Đen (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ (Châu Đốc) Bà Điểm, mười hai Bà mụ hoặc những từ trỏ người phụ nữ như Thiên Hậu, Cô Hồng, Cô Hạnh, Nữ Hoa, Cửu Thiên huyền Nữ, Thất tinh Nương Nương, Lăng Cô, Dinh Cô, Quan âm Thị Kính, Bà Chúa Kho, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu, Vương Mẫu, Công Chúa, Bà Mụ... Người phụ nữ khi siêu thoát, hoặc hiện tượng tự nhiên được tưởng tượng ra, có Mẫu theo người Hoa từ phương Bắc sang, có Mẫu tiếp thu từ các cư dân Khmer, Chăm, Sán Dìu, Tày - Nùng hoà nhập vào. Đạo Mẫu là đạo dân gian, không được vua chúa khuyến khích, đỡ đầu. Người dân tìm đến những nơi phong cảnh kỳ tú, có sông, có suối, có núi, có rừng, càng cheo leo càng tăng thêm khát vọng, để lập đền thờ, ký thác tất cả nỗi niềm tâm sự thầm kín vào sự cầu mong và hy vọng. Người đứng ra hưng công, khởi tạo chủ yếu là phụ nữ. Họ dốc tất cả niềm thành kính, sức lực và tiền của vào công việc xây dựng đền Mẫu, phủ Mẫu thật sự vô tư, khẳng khái Nơi nào không đủ sức, đủ tài để lập được đền riêng, thì người dân kết hợp luôn vào chùa làng, đình làng. Đằng trước, ở đại điện hay chính điện thì thờ phật, thờ thánh. Đằng sau, hoặc bên cạnh lập một toà điện nhỏ để thờ Mẫu. Như vậy, việc thờ phật thờ thần, thờ thánh là có trước, mặc dầu có phật, thần, thánh đã là phụ nữ. Nhưng nếu chỉ thờ Mẫu, thì thường thường phủ có sau, hoặc đổi tên đổi danh nghĩa sau này. Gọi đền là gọi chung. Gọi phủ mới là nơi riêng để thờ Mẫu. Mẫu là những ai? ở nước ta, đạo Mẫu thờ Tứ Phủ, tức là bốn mẹ: Mẹ trời, Mẹ đất, Mẹ nước và Mẹ người. - Mẹ trời gọi là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Cửu Trùng, Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ. - Mẹ đất, còn gọi là mẹ rừng, gọi là Mẫu Thượng ngàn, Lâm cung Thánh Mẫu. - Mẹ nước, gọi là Mẫu Thoải (do chữ thuỷ đọc chệch ra), hoặc Thuỷ cung Thánh Mẫu. - Mẹ người, gọi là mẹ trần gian, chúa Liễu Hạnh hoặc Mẫu Sòng (vì thờ ở đền Sòng, Hà Trung, Thanh Hoá). Phụ nữ Vĩnh Phúc dù giàu hay nghèo đều tin tưởng và thành kính với Mẫu. Có người chưa biết định danh Mẫu, nhưng vẫn hết sức sùng bái. Trước hết, Mẫu cũng là người phụ nữ, ngồi yên lặng một cách kiên nhẫn để nghe chúng sinh kể lể, giãi bày tâm sự, van lạy tha thứ hoặc cầu xin cho một nguyện vọng. Được chồng hay người yêu chung thuỷ, được thi đỗ hoặc tìm được việc làm, được sinh con trai hoặc đủ nếp, đủ tẻ, buôn bán phát tài, tai qua nạn khỏi.. Mẫu là hồn của đất. Mẫu cho cơm gạo ta ăn, hoa trái tươi tốt. Mẫu dạy chim hót, dạy công múa quạt, dạy voi kéo gỗ, dạy hùm thiêng canh giữ núi rừng, dạy con người nhân từ bác ái...ở Vĩnh Phúc có Mẫu trần gian là Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hoà, Mẫu Dưỡng Tức Trần Thị Thuận, mẫu đền Chân Suối (mẹ đẻ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu) Mẫu Man Thiện (mẹ Hai Bà Trưng)... Cho nên, Mẫu là bậc siêu phàm, tượng trưng tinh hoa của trời đất. Dưới các chân núi thuộc sơn hệ Tam Đảo, lập đền thờ Mẫu là hợp lý, chấp nhận được. Các chùa lập thêm gian thờ Mẫu, cung thờ Mẫu cho các bà các chị có nơi giải toả tinh thần, cũng là điều cần có. Còn thờ Mẫu ở đình, ở nhà riêng, e các Mẹ không bằng lòng. Đình thờ Thành Hoàng, đàn ông hay lui tới, đâu có tiện cho Mẹ. Lập miếu ở nhà riêng, vừa chật chội, vừa ồn ào, vừa hỗn tạp. Mẹ là bậc “Mẫu nghi thiên hạ”, nêu cao tấm gương đạo đức thanh khiết, ép Mẹ ở lẫn với chúng sinh hôi hám, tanh hôi, vụ lợi, tức là bôi nhọ phẩm hạnh của Mẹ, hồn thiêng sông núi. Nơi thờ Mẫu như thế nào? Giữa điện, trên cao treo bức hoành phi có 4 chữ “Mẫu nghi thiên hạ” tượng trưng cho đức tính, phẩm cách, quyền lực và vai trò gương mẫu của mẹ. Quá giang hai bên điện thờ, có 2 con rắn trắng to bằng cổ tay được làm bằng vải, bò theo quá giang, uốn 3 khúc, đầu có mào đỏ chầu vào cửa điện, vừa là ngựa ngài, vừa là vệ sĩ, tượng trưng lực lượng thuỷ phủ. Dưới quá giang, móc nón chóp mũi đồng, nón thúng quai thao, tua vàng, tua đỏ, lót hoa vân phượng, xâu hạt cườm, dán chân kính, biểu thị một phần trang phục nữ, lộng lẫy uy nghi. Trên khám thờ có rèm buông, phía trong là tượng Mẫu sơn son thếp vàng, phủ khăn đỏ. Có thể có một tượng Mẫu, hoặc cả 4 tượng Mẫu cho một chỗ đều hợp lý. Phía dưới là hương án, trên bày đỉnh, bình hương, giá nến, đài quả, đài hoa... Dưới hương án là một vòm cuốn, trong có phù điêu tạc hình Hắc Hổ (Hùm đen = thiêng) ngồi gần kín hang, nhìn ra ngoài, tượng trưng cho lực lượng núi rừng, bảo vệ Thánh mẫu.Bệ dưới, chầu hai bên khám thờ, có tượng 12 cô nàng đứng hầu. Cô cầm quạt, cô cầm hương, cô gảy đàn, cô bưng nước... Thông thường trước gian thờ Mẫu có một khoảng trống, rải được hai chiếc chiếu cạp điều, làm nơi cho các bà lễ bái, hầu bóng và “con công đệ tử” ngồi. Dưới chân tượng 12 cô nàng, có bệ ngồi thoải mái cho “Cung văn” đàn, hát, kéo nhị, gõ sênh, phách, trống..., khi các bà có nhu cầu lên đồng. Lên đồng là một biểu hiện của đạo Mẫu Đạo Mẫu có khoảng 60 vị thánh, gồm các Mẫu, các chầu Bà, các vị tôn ông, các ông Hoàng, các cô, các cậu. Có nhiều giá đồng khác nhau, song cốt của lên đồng vẫn là bản thể Mẫu. Hầu đồng phần lớn là các bà trung niên, mức độ kinh tế khá giả, hoặc các bà đồng chuyên nghiệp, các cô đồng là đàn ông nhưng có nhiều nữ tính, lông mày nhỏ, nói ỏn ẻn, không bao giờ phải cạo râu vì râu không mọc, sống nương nhờ ở đền phủ. Muốn hầu đồng, phải mua sắm đầy đủ khăn chầu áo ngự tới vài chục chiếc đủ màu. Khăn áo của Mẫu thượng ngàn đều màu xanh lam, thêu kim tuyến lóng lánh, bằng lụa Hà Đông, đoạn và gấm rất đắt tiền. Mỗi giá đồng, người lên đồng thay xiêm y ngay trước bàn thờ, rồi mặc một bộ thích hợp với giá đồng đó. Thường thường hầu 3 giá đồng là đã mất mấy tiếng đồng hồ rồi. Trình tự mỗi giá phải trải qua 3 công đoạn. - Cầu thánh nhập đồng (chừng 20 phút). - Thánh múa, thánh hét, hú, thánh phán, thánh ban lộc, thánh chữa bệnh (chừng 50 phút). - Thánh thăng và chuyển giá (chừng 20 phút). Ba giá đồng gồm có: Giá Mẫu, giá quan lớn Tuần Chanh, giá Bà chúa. Người nhiều tài lộc, có thể hầu 4,5 giá. Tiền ban lộc thường là tiền lẻ (cho đỡ tốn), lịch sự thì dùng từ 5.000đ, bình dân thì dùng tiền 500 hay 1.000đ còn mới cứng, để ban phát cho cung văn và các con công đệ tử ngồi chung quanh cùng với kẹo bánh đã chuẩn bị sẵn. Đối với bệnh nhân, giá đồng cho bùa chú, tàn hương nước thải, hoặc bấm huyệt, xoa bóp ngay tại chỗ đau. Người ốm có ảo tưởng bệnh nhẹ hẳn đi, tin tưởng rồi sẽ khỏi. Tiền và lộc được phát nhiều lần, như thế cũng để giữ chân người hầu cận Người lên đồng do khói hương, tập trung tâm trí vào việc tưởng tượng, lại được cung văn hát dẫn chương trình, được mọi người chung quanh tấu hót, tự thấy bay bổng lửng lơ trong không khí êm ái huyễn hoặc, hành động như cái máy, như mộng du, nhẩy nhót, múa máy thoát trần, biến thành đấng siêu phàm, thần thông quảng đại, uy phong lầm lẫm trong bộ y phục cực kỳ xinh đẹp, say trầu, say rượu, say hương khói và âm nhạc dìu dặt, ve vuốt. Những phút thăng hoa, được ca ngợi, được nũng nịu, được ra uy như vậy, người lên đồng thực sự được hưởng hạnh phúc. Người chung quanh cũng có những phút giây thư giãn, vợi bớt nỗi cay đắng, vất vả thường ngày. Nếu lên đồng đúng mức độ, đừng lãng phí, không quá mê tín, không để ảnh hưởng đến chồng con và đạo đức phẩm chất người phụ nữ, biết theo gương hiền đức của Mẫu, tư cách uy phong của ông hoàng bà chúa, thì có thể coi như một hoạt động Câu lạc bộ văn nghệ hoặc tâm linh, chống stress có hiệu quả. Phần lớn, người lên đồng đều có hoàn cảnh riêng, tâm sự riêng, đáng thương xót, chỉ có Mẫu là thấu hiểu, ta đừng vội phê phán. Nếu lên đồng không hại đến ai, dành cho một số người được sống những giây phút thiêng liêng, gắn bó với nhau, tin nhau và yêu thương nhau, giảm nhẹ mọi phiền muộn thì lên đồng được coi là một hiện tượng văn hoá, cần được hướng dẫn uốn nắn vào mục đích muốn làm điều thiện, dùng thời giờ nhàn hạ để di dưỡng tinh thần, phát huy khả năng âm nhạc, vũ điệu và đoàn kết thân ái với mọi người. Ngọc Giang Nam Nguồn: Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc