Bảo vệ Văn hóa thờ Mẫu và Lên Đồng như một di sản của Việt Nam

Thảo luận trong 'Tin tức Đạo Mẫu' bắt đầu bởi kuangtuan, 5/7/11.

Lượt xem: 1,289

  1. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    TS. Lê Thị Minh Lý Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia - GĐ TT Nghiên cứu và phát huy giá trị DSVH, Hội DSVH Việt Nam

    Ở Việt Nam, các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể khởi đầu muộn hơn rất nhiều so với việc bảo vệ di sản vật thể. Sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ đã ban hành ngay văn bản pháp lý về bảo vệ di sản vật thể (Sắc lệnh 65 ngày 23/11/1945). Nhưng một thời gian dài khoảng trên 60 năm, Việt Nam hầu như không có cơ sở pháp lý để bảo vệ các di sản phi vật thể - là linh hồn, là sự sống làm nên giá trị của các di sản vật thể đó. Quá trình muộn nhận thức về bảo vệ di sản phi vật thể đã để lại một hệ quả không tốt và là sự thiệt thòi đối với di sản mà không còn cơ hội bù đắp. Do không nhận được đầy đủ giá trị của truyền thống, người dân đã không thực hành và không trao truyền và dẫn đến việc không có người thừa kế. Nhiều di sản truyền khẩu, đã bị mai một không còn tồn tại dù chỉ là ký ức. Sự thay đổi hình thái kinh tế xã hội đã làm biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Lúc đó, một số loại hình di sản bị coi là lạc hậu, mê tín, là văn hóa của giai cấp phong kiến. Vì vậy, chủ thể tự chối bỏ hoặc là buộc phải chia tay với truyền thống. Có những phong tục tập quán, tri thức dân gian, kỹ năng kỹ thuật đã vĩnh viễn chìm quá khứ mà không có cách gì phục hồi và sống lại. Có những di sản đã từng chịu số phận đó và ngày nay đã được hồi sinh – Tín ngưỡng thờ Mẫu và Lên đồng là một ví dụ điển hình.
    [​IMG]
    Thờ Mẫu và Lên Đồng là một trong những hình thức Shaman nổi tiếng ở Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian thờ Thánh Mẫu/ là một tín ngưỡng bản địa và phổ biến rộng rãi từ xưa đến nay ở Việt Nam; Tín ngưỡng này mang đậm bản sắc văn hóa và tâm linh của dân tộc Việt. Tuy nhiên, vào những năm 60-80 tín ngưỡng thờ Mẫu và Lên đồng bị cấm vì bị coi là mê tín dị đoan. Nhiều di sản vật thể của Mẫu như đền, phủ đã bị lãng quên nhất là vào những năm 50 -60, khi mà ở Việt Nam nhiều người cho rằng cần xóa bỏ tất cả những gì là văn hóa thuộc chế độ cũ – chế độ phong kiến vì nó là lạc hậu, vì nó đi ngược lại và ảnh hưởng không tốt đến nền văn hóa đương đại mà chế độ mới mong muốn thiết lập. Mặc dầu vậy, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và Lên đồng vẫn diễn ra một cách bí mật, các không gian văn hóa thờ Mẫu và thực hành Lên Đồng vẫn sinh sôi mặc dù phải che dấu dưới các hình thức khác.
    Sau khi tiếp cận với những quan điểm của quốc tế, của UNESCO và đặc biệt từ khi có Công ước 2003, quá trình nhận thức và hành động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam diễn ra rất nhanh, mạnh mẽ và đem lại những kết quả tích cực. Điều đó có cơ sở từ sự đổi mới tư duy ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1986. Chiến lược này đã làm thay đổi nhận thức và hoạt động thực tiễn của nhiều lĩnh vực trong đó có văn hóa. Nhanh chóng học hỏi và kế thừa tri thức, kinh nghiệm bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại, hoạt động bảo vệ di sản phi vật thể ở Việt Nam đã và đang ngày một phát triển. Chúng tôi rất vui mừng khi được chia sẻ với các đồng nghiệp những kết quả dưới đây.
    Thứ nhất, một hệ thống công cụ pháp lý bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đã được xây dựng từng bước, ngày càng hoàn thiện và hội nhập với quan điểm chung của nhân loại. Luật di sản văn hóa được ban hành 2001 và thực hiện từ năm 2002, gần đây được sửa đổi và bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và Công ước 2003. Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật DSVH sửa đổi được ban hành năm 2010, Thông tư Hướng dẫn Kiểm kê DSVHPVT mới ban hành năm 2010, đang được thực hiện trong cả nước, Thông tư Hướng dẫn trình tự xét và phong tặng Danh nhiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; Thông tư về Chính sách chế độ đãi ngộ bảo vệ DSVHPVT đối với Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú đã hoàn thành và sẽ được phê duyệt trong thời gian tới.
    UNESCO đã đánh giá rằng các điều khoản của Luật DSVH và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về cơ bản tương thích với Công ước. Chúng tôi đã đưa vào đó những nhận thức, quan điểm mới, cơ bản về di sản phi vật thể và biện pháp bảo vệ, xác định rõ trách nhiệm của các đối tượng, đối tác trong quá trình bảo vệ di sản. Theo đó, di sản phi vật thể là những đối tượng sống, chứa đựng sinh lực và tồn tại trong các mối quan hệ xã hội phát triển liên tục. Bảo vệ di sản phi vật thể là bảo vệ con người – chủ thể văn hóa.
    Thứ hai, vượt qua quan niệm chủ quan, thuần túy về học thuật và quá chú trọng vai trò của nhà nghiên cứu, ngày nay chúng tôi đã nhận ra rằng vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, bản sắc văn hóa và đa dạng văn hóa trước hết phải xuất phát từ chủ thể văn hóa, từ nhu cầu, lợi ích của chủ thể và do chủ thể tự quyết định. Hãy trao quyền và hỗ trợ để người dân tự xác định bản sắc của họ, nhận ra cái họ có, họ cần. Nhà quản lý, nhà nghiên cứu phải giúp họ tìm ra những tiềm năng có thể phát huy được, giúp người dân biến tiềm năng văn hóa thành động lực phát triển.
    Thứ ba, nhận thức của xã hội là cơ sở quan trọng để di sản được sống trong xã hội đương đại. Có nhận thức đúng, nhất trí, đồng lòng sẽ làm được tất cả dù khó khăn và thách thức đến mấy. Bởi vậy giáo dục di sản là nhiệm vụ của các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các bảo tàng. Việc sẽ hình thành Bảo tàng Văn hóa dân gian về Thánh Mẫu chính là nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và tâm linh của dân tộc; giúp người thực hành và công chúng hiểu đúng hơn, sâu sắc hơn về một nét văn hóa độc đáo này.
    Thứ tư, DSVHPVT ở Việt Nam sẽ được phân loại, như là một phần của công việc kiểm kê, theo mức độ về hiện trạng sức sống và sự cần thiết phải bảo vệ hay cần thiết phải bảo vệ khẩn cấp. Điều này phù hợp với mục đích của kiểm kê mà Công ước đã nêu ra là “nhằm đảm bảo sự nhận diện với mục đích bảo vệ” (Điều 12.1). Theo đó, Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ được thiết lập nhằm đánh giá về sức sống của di sản và chỉ ra những cách bảo vệ khác nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng những biện pháp và phân bổ nguồn lực bảo vệ thích hợp.
    Shaman là một hình thức tín ngưỡng dân gian có ở nhiều nước trên thế giới, điển hình nhất là ở Châu Á và Sibêri. Trong số các quốc gia Đông Bắc Á, Hàn Quốc là nơi còn tồn tại khá phổ biến các hình thức Shaman giáo. Kut (Gut) của Hàn Quốc và Lên Đồng của Việt Nam là hình thức nghi lễ quan trọng và điển hình của Shaman giáo, có mục đích chữa bệnh, cầu may và trừ tà. Một số nhóm/ cộng đồng chủ thể thực hành Gut ở Hàn Quốc đã được Chính phủ công nhận như là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia Seoul Saenamgut (tài sản số 104); Hwanghaedo pyongsan sonoreumgut (90); Geoynggido dodanggut (98), Yangju sonorigut (70); Jeju chllmeoridangut tài sản số (71), Jindo ssltgimgut (72).
    Hơn 10 năm sau chiến tranh, từ năm 1986 với quan điểm đổi mới tư duy trên nhiều lĩnh vực để phát triển đất nước, các nhà nghiên cứu Việt Nam và nhiều học giả quốc tế đã góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn hóa của Lên Đồng, đồng thời nhận ra những khía cạnh tiêu cực, lạc hậu của nó trong điều kiện xã hội hiện nay nhằm mục đích hướng nó tới cái thiện, cái đẹp, cao cả: Chân – Thiện – Mỹ. “Lên đồng là Bảo tàng sống của văn hóa dân gian Việt Nam”. Một nhà dân tộc học Mỹ, người đã có hơn 20 năm nghiên cứu tại Việt Nam hiện làm việc tại Ban Di sản văn hóa Phi vật thể UNESCO, Tiến sĩ Frank Proschan đã đánh giá như vậy.
    Để thực hiện Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Luật di sản văn hóa 2001 (sửa đổi năm 2009), Việt Nam cần trả lời câu hỏi “Liệu rằng Lên đồng của Việt Nam có được xác định và ghi nhận như là một di sản phi vật thể? Giá trị văn hóa của Lên đồng là gì? Biện pháp nào để bảo vệ? Phổ biến các giá trị này như thế nào là hợp lý/ phù hợp như một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia mà không phải là khuyến khích một tín ngưỡng lạc hậu?”.
    Trong những năm qua, chúng tôi - các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cùng với cộng đồng đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả trong việc xây dựng các chính sách, triển khai các kế hoạch để bảo vệ việc duy trì, trao truyền và phát huy giá trị của văn hóa thờ Mẫu và thực hành Lên đồng. Với Pháp lệnh tự do tôn giáo, tín ngưỡng, với Luật Di sản văn hóa và các bộ Luật có liên quan Tín ngưỡng thờ Mẫu và Lên đồng đã và đang được bảo vệ. Tuy nhiên những mặt không tích cực làm ảnh hưởng đến xã hội, đến chính văn hóa đó sẽ được xử lý và điều chỉnh bởi các bộ Luật có liên quan.
    Sở VHTT và Du lịch Hải Dương đã hoàn thành chương trình kiểm kê thực hành Lên đồng và các chủ thể của truyền thống này ở Hải Dương. Sắp tới, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học lớn về tín ngưỡng thờ Mẫu. Dự án Trung tâm thông tin, Bảo tàng về Văn hóa dân gian thờ Mẫu đang được xây dựng. Câu lạc bộ Tín ngưỡng thờ Mẫu được thành lập năm 2010 và đại diện Câu lạc bộ hiện diện tại đây. Những hoạt động đó đã minh chứng cho ứng xử đã thay đổi, chính sách đã rõ ràng và tương lai sáng sủa đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng này.
    Xin cảm ơn ICHCAP đặc biệt là TS. Seong–Yong Park, Giám đốc điều hành TT, một nhà khoa học vô cùng uyên thâm, một nhà quản lý tài giỏi hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong đó có Lên đồng và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu ở Việt Nam. Xin Mẫu phù hộ cho công việc của chúng ta.
    (theo daomauvietnam.com)
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này