Bàn về mối quan hệ giữa Phật Giáo với Đạo Mẫu dân gian

Thảo luận trong 'Bài viết nghiên cứu Đạo Mẫu' bắt đầu bởi kuangtuan, 7/7/11.

Lượt xem: 5,905

  1. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    chùa dâu.jpg

    Tín ngưỡng thờ Mẫu (hay đạo Mẫu) là một hiện tượng văn hoá tín ngưỡng tâm linh độc đáo trong hệ thống tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt Nam. Trong tiến trình hình thành và phát triển của mình, đạo Mẫu dân gian đã có mối quan hệ gắn kết, tương giao với các hiện tượng tín ngưỡng và tôn giáo khác, đặc biệt với Phật giáo dân tộc. Để hiểu rõ vấn đề này, theo chúng tôi cần phải tìm hiểu đôi chút về hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa của người Việt cổ xưa. Bởi lẽ, đó là cơ sở nền tảng, quyết định sự hình thành hoặc tồn tại và phát triển của nền văn hoá dân gian – dân tộc nói chung, của các dòng văn hoá tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo nói riêng, ở nước ta từ xưa đến nay.

    1 – Dựa vào các nguồn tài liệu đã công bố của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước(1)., nghiên cứu chuyên đề về tín ngưỡng, tôn giáo, thì đối với bất cứ một dân tộc nào, tín ngưỡng dân gian hay tín ngưỡng bản địa đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng nguyên thuỷ hay tôn giáo sơ khai và chúng được sản sinh trong lòng xã hội nguyên thuỷ. Nó bao gồm những quan niệm của một dân tộc về thế giới siêu nhiên kì bí xung quanh họ. Các quan niệm này mang tính dân tộc sâu sắc. Vì vậy mà mỗi dân tộc đều có một hệ thống tín ngưỡng riêng biệt, mang những nét đặc trưng bản địa riêng của mình.

    Xưa kia người Việt cổ cũng có một hệ thống tín ngưỡng dân gian hết sức phức tạp và phong phú. Từ nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước; nên họ rất tôn sùng các hiện tượng tự nhiên có liên quan trực tiếp đến nghề nông. Đó là các vị thần linh siêu nhiên được người Việt quan niệm như các hiện tượng tự nhiên đầy sức mạnh huyền bí (mặt trời, mặt trăng, các vì sao, mây – mưa, sấm – chớp, gió – bão,…). Các vật linh thiêng (theo thuyết vạn vật hữu linh); các linh hồn của người đã khuất (tổ tiên, ông bà… ma quỷ…). Bên cạnh đó còn có một hệ thống khá phức tạp là những người có khả năng giao cảm với hệ thống thần linh đó như: thầy cúng, thày địa lí, thày pháp, thày phù thuỷ…, hoặc các ông đồng hay bà cốt… Tất cả các hiện tượng phức tạp này mang đầy tính huyền ảo và kì bí nhưng lại hết sức độc đáo, sinh động. Khi ấy lễ hội dân gian đã trở thành môi trường tâm linh lý tưởng để người Việt có điều kiện tiến hành các nghi lễ thờ cúng trang nghiêm với các đấng siêu phàm mà họ tin tưởng có sức mạnh siêu nhiên tác động lên cuộc sống cực nhọc ở trần gian của mình. Trước khi có sự du nhập của các tôn giáo từ bên ngoài vào thì hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa phát triển bình thường. Khởi nguyên từ các tín ngưỡng nguyên thuỷ, hay tôn giáo sơ khai, ở người Việt cổ đã xuất hiện các hiện tượng tín ngưỡng dân gian rất đa dạng phong phú. Đó là các tín ngưỡng nông nghiệp cổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tôn thờ đa thần (cả nhiên thần và nhân thần). Đặc biệt là các tín ngưỡng có liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: tục thờ Mẹ Trời, Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa,v.v…; tục thờ Nữ thần và thờ Tứ Pháp; Mây – Mưa – Sấm – Chớp… Đó là các hạt nhân tín ngưỡng cơ bản để hình thành lên các lễ hội nông nghiệp cổ truyền. Trong quan niệm về Vũ trụ (Trời – Đất) hay quan niệm Âm – dương, thì người Việt cổ cho rằng Trời là Cha (dương), phần nào đồng nghĩa với người đàn ông – là đấng hoá sinh làm nên mọi sự xoay vần của Vũ trụ như: mưa – gió, sấm – chớp và tạo nên sự chuyển động cho không gian và thời gian. Còn Đất là Mẹ (âm) – phần nào đồng nghĩa với người đàn bà luôn thu nhận mọi nguồn sinh lực từ Vũ trụ (Trời – Cha) làm nảy sinh vạn vật và muôn loài. Từ quan niệm như vậy mà người ta coi Mẹ Đất đã sinh ra tất cả và trở thành bà mẹ Vũ trụ vĩnh hằng trong tâm thức dân gian của người Việt cổ. Ở đây bà mẹ đã được nhân hoá thành Bà Mẹ của đất nước, quê hương xứ sở và dân tộc như Mẹ Âu Cơ. Đấy chính là cơ sở hình thành nên hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền văn hoá dân tộc sau này, khi tiếp xúc, giao lưu với các tín ngưỡng và tôn giáo từ bên ngoài vào.

    2 – Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử , tôn giáo, dân tộc học và văn hoá dân gian(3), thì Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào nước ta khoảng những năm đầu công nguyên (cách đây khoảng 2000 năm). Lúc đầu Phật giáo đến bằng đường biển từ Ấn Độ; về sau lại đến ta qua Trung Quốc. Vào thế kỉ VI, Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh – N.Q.L.) là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam được sử sách ghi nhận. Trong sách “Thiền uyển tập anh ngữ lục” có ghi: “Có hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh”. Ngay sau khi du nhập vào nước ta Phật giáo đã tự điều chỉnh và biến đổi cho phù hợp với tín ngưỡng và tâm thức dân gian của người Việt bằng con đường phong tục hoá và dân gian hoá. Phật giáo đã nhanh chóng thu nạp các yếu tố có lợi cho mình trong hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa; đặc biệt là trong các tín ngưỡng nông nghiệp như tục thờ Mẹ hay tục thờ Nữ thần và tục thờ Tứ Pháp để cho ra một hình thức Phật mới là Phật Mẫu và Phật Tứ Pháp. Đó là các vị Nữ thần hoá thân thành Phật Bà Quan Âm hay Phật Bà Tứ Pháp. Theo quan niệm dân gian thì hình tượng Phật Mẫu Man Nương và Tứ Pháp (là 4 người con gái của Bà: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) ứng với hiện tượng: Mây – Mưa – Sấm – Chớp trong tín ngưỡng nông nghiệp cổ, được thờ ở chùa Dâu, nằm gần trung tâm Phật giáo cổ nhất và lớn nhất nước ta – đó là Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Như vậy hiện tượng tôn thờ Tứ Pháp trong Phật điện là kết quả của mối “kết duyên” giữa Phật giáo với tín ngưỡng nông nghiệp bản địa, và nguồn gốc của Tứ Pháp là các Nữ thần: Vân – Vũ – Lôi – Điện, tương ứng với Mây – Mưa – Sấm – Chớp. Trước khi có sự du nhập của Phật giáo vào nước ta thì các vị Nữ thần này được thờ ở các đền miếu dân gian, và được tôn vinh là các vị thần nông nghiệp trông coi về Nước – là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sản xuất nông nghiệp lúa nước. Vì vậy trong dân gian vẫn có câu: “Nhất nước, nhì phân…”. Đến khi Phật giáo vào đã nhanh chóng dân gian hoá, thu nhận tín ngưỡng thờ Tứ Pháp của người Việt cổ, dẫn đến các ngôi đền (miếu) này chuyển hoá thành chùa chiền. Nhưng mỗi vị Tứ Pháp được thờ riêng như cũ dưới hình thức là một vị thần chủ (Phật chủ) thờ ở mỗi chùa, mà không thấy thờ thêm một vị Phật hoặc vị Bồ Tát nào khác. Như vậy, Tứ Pháp đã được người Việt coi là sự phân thân của đức Phật dưới hình thức lực lượng tự nhiên. Chính vì vậy, cụm di tích Tứ Pháp luôn có 4 ngôi chùa riêng biệt ở 4 thôn cạnh nhau trong các làng xã cổ truyền. Làng Dâu (nay là làng Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có 5 ngôi chùa thờ 5 mẹ con Bà Man Nương: – Bà Man Nương (Phật Mẫu) thờ ở chùa Mãn Xá; các con gái của Bà là Bà Dâu (Pháp Vân) thờ ở chùa Dâu (Khương Tự); Bà Đậu (Pháp Vũ) thờ ở chùa Đậu (Thành Đạo); Bà Tướng (Pháp Lôi) thờ ở chùa Phi Tướng (Thanh Tương); Bà Dán (Pháp Điện) thờ ở chùa Phương Quan (Phương Quan). Ngoài ra tượng Phật Tứ Pháp còn được tôn thờ ở nhiều ngôi chùa khác vùng châu thổ sông Hồng như: chùa Thứa thờ Pháp Vân, chùa Thanh Xá thờ Pháp Vũ (Mỹ Hào, Hải Dương); chùa Thứa thờ Phật Tứ Pháp (Thuận Thành, Bắc Ninh); chùa Ôn Xá thờ Phật Tứ Pháp (Văn Lâm, Hải Dương); chùa Nành thờ Bà Nành, tức Pháp Vân (Gia Lâm, Hà Nội); Chùa Đậu thờ Pháp Vũ (Thường Tín, Hà Tây), v.v….

    Trong các lễ hội chùa thờ Tứ Pháp vẫn duy trì lễ tục rước nước (cầu nước) của cư dân nông nghiệp: Cầu mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi và nhân khang vật thịnh. Rõ ràng tục thờ Mẫu và Tứ Pháp được đạo Phật dung nạp vào thờ trong chùa từ khá sớm, dưới dạng Phật Mẫu và Phật Tứ Pháp; – Đó là mối quan tâm đầu tiên của đạo Phật khi muốn cắm rễ ăn sâu vào mảnh đất Việt.

    Đến thời nhà Lý, khi Phật giáo trở thành quốc đạo thì tốc độ dân tộc hoá của nó diễn ra rất mạnh. Trong Phật điện lại xuất hiện thêm nhiều vị Phật là nữ như: Phật Bà Ỷ Lan được thờ ở nhiều chùa vùng Gia Lâm (Hà Nội); hoặc Nhị vị Bồ Tát: Lý Từ Thục và Lý Từ Huy (con vua Lý Thánh Tông) tu hành đắc đạo được thờ ở chùa Nhót, chùa Tự Khoát ở Thanh Trì (Hà Nội); và sau này có Quan Âm Thị Kính cũng được thờ ở rất nhiều ngôi chùa làng thuộc vùng châu thổ sông Hồng. Như vậy, Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ khi du nhập vào nước ta, trải qua quá trình dân gian hoá và phong tục hoá, thông qua mối quan hệ tương giao với tín ngưỡng dân gian bản địa để trở thành đạo Phật mang tính dân tộc Việt khá rõ. Đức Phật (Buddha) – Đấng giác ngộ, trong tâm thức dân gian không còn nguyên vẹn, tính chất của đấng giác ngộ trong giáo lí của Phật giáo mà trở thành Bụt – một vị thần thiện cứu nhân độ thế, một vị thần linh có đủ sức mạnh cao siêu để cứu khổ cứu nạn cho những ai tin tưởng vào Ngài. Hơn nữa trong tâm thức dân gian, có khi còn đồng nhất ông Trời với Đức Phật, nên người ta hay tụng niệm câu: “Lạy Trời, lạy Phật”. Do vậy mà dân chúng tụng kinh niệm Phật cầu mong sự cứu giúp của Ngài, để cho tâm hồn họ được thanh thản, chứ không phải để giác ngộ hay siêu thoát tự cứu lấy mình và cứu giúp người khác. Đồng thời đạo Phật khi ấy đã biểu hiện rõ nét tâm lí, lòng mong ước vào thế giới quan của cư dân nông nghiệp. Điều đó chứng tỏ Phật giáo khi du nhập vào nước ta đã chủ động tự điều chỉnh và biến đổi đi ít nhiều so với đạo gốc, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt và trở thành Phật giáo dân tộc.(4)

    3 – Tương tự như vậy, Đạo giáo khi du nhập vào nước ta cũng phải tự điều chỉnh và biến đổi để dung hoà với tín ngưỡng dân gian bản địa. Theo các nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã công bố,(5) thì đạo Mẫu là kết quả của mối “giao duyên” giữa Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa, mà Đạo giáo lại có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào đất Việt cũng khoảng những năm đầu công nguyên. Đạo giáo vốn dĩ có tôn chỉ cao diệu ít người hiểu thấu, lại kết hợp nhuần nhuyễn với những tính chất huyền bí, thần kì của hệ tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, hết sức gần gũi với đời sống tâm linh của người Việt cổ xưa về sự kì vĩ và bí ẩn của vũ trụ. Vì thế mà Đạo giáo đã hoà đồng dễ dàng với hệ tín ngưỡng dân gian bản địa của người Việt. Người Việt đã tiếp nhận đạo Giáo như tiếp nhận thêm một niềm tin vào các vị thần linh mới, có uy lực siêu phàm đối với cuộc sống và vận mệnh của họ, cũng như tiếp nhận thêm một phương thức giao cảm mới với các đấng siêu nhiên đó. Do vậy mà Đạo giáo khi du nhập vào nước ta cũng đã tự điều chỉnh và biến đổi thông qua việc phong tục hoá và dân gian hoá trở thành 2 dòng tín ngưỡng mới của Đạo giáo trên mảnh đất Việt: – Đạo Thần tiên và đạo Phù thuỷ.(6)

    Đạo Thần tiên (hay đạo Tu tiên) được đặc trưng bởi việc luyện linh đan, tu luyện phép trường sinh bất lão và bất tử để trở thành tiên. Người theo đạo này mang nặng tư tưởng xa lánh cuộc sống trần gian, phớt đời và giữ cho tâm hồn phiêu diêu tự tại… Còn đạo Phù thuỷ có sử dụng ma thuật, bùa phép để thờ cúng thần linh hoặc để xuất hồn và nhập hồn, hay chữa bệnh trừ tà bằng tàn hương nước thải… Để tồn tại và phát triển sâu rộng trong dân chúng, đạo Phù thuỷ tiếp tục dân gian hoá và phong tục hoá theo cách kết hợp các tục thờ Mẹ/ Mẫu và tục thờ Nữ thần vốn có trong hệ tín ngưỡng nông nghiệp cổ của cư dân nông nghiệp nước ta, đồng thời kết hợp với quan niệm dân gian “đất có thổ công, sông có hà bá” để hình thành nên tín ngưỡng Tam phủ và Tứ phủ (mang tính thuần Việt). Đó là việc các thầy phủ thuỷ và thầy pháp đã tạo nên 3 vị nữ thần chính trông coi 3 cõi của tự nhiên, gọi là 3 vị Mẫu/ Mẹ như: Cõi Trời – Mẫu Thượng Thiên (hay Mẫu Cửu Thiên); Cõi Đất hay Núi rừng – Mẫu Địa hay Mẫu Thượng Ngàn; Cõi sông bể (Nước) – Mẫu Thuỷ hay Mẫu Thoải. Tương ứng với các cõi ấy được gọi là phủ như: – Thiên phủ (Trời); – Nhạc phủ (Núi rừng) hay Địa phủ (Đất đai – ruộng đồng); Thuỷ phủ (Nước – sông bể).

    Đến thế kỉ 16, xã hội phong kiến Đại Việt khi mà Nho giáo chiếm vị trí độc tôn càng đè nặng lên thân phận người phụ nữ thì trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt lại xuất hiện thêm một linh hồn bất tử nữa, đó là vị Nữ thần quê ở làng Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định) – Mẫu Liễu Hạnh công chúa. Sự linh thiêng cao đạo của Bà, cùng với việc ảnh hưởng của tín ngưỡng Tam phủ đã được dân gian bổ sung vào thần điện để tôn thờ thành tín ngưỡng Tứ phủ. Bà Liễu Hạnh được dân gian tôn vinh là Thánh Mẫu (Mẫu Liễu) làm vị thần chủ trông coi cõi Nhân gian (hay Trần gian) và tương ứng với cõi này là Nhân phủ. Có lẽ từ đây đạo Tứ phủ được dân chúng gọi là đạo Mẫu dân gian và nhanh chóng ăn sâu vào tâm thức dân gian của người dân đất Việt. Tuy nhiên không phải ở đâu người ta cũng thờ Mẫu Liễu, mà phổ biến nhất vẫn là thờ “Tứ phủ công đồng” gồm có Tứ Mẫu trông coi 4 miền của Vũ trụ: Trời, rừng, nước, đất; với trung tâm là “Tam Toà Thánh Mẫu“. Trong đó, Mẫu đệ nhất là Mẫu Thiên; Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu đệ tam là Mẫu Thoải (Thuỷ); Mẫu đệ tứ là Mẫu Địa. Riêng ở những ngôi đền (hay phủ) thờ Mẫu Liễu thì dân gian đồng nhất với Mẫu Thiên. Và Tam toà Thánh Mẫu khi ấy là: Mẫu đệ nhất là Mẫu Liễu (mặc áo đỏ, đồng nhất với Mẫu Thiên); Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn (mặc áo xanh lá cây); Mẫu đệ Tam là Mẫu Thoải (mặc áo trắng), như ở Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội) và Phủ Sòng (Thanh Hoá), v.v…
     
    Last edited by a moderator: 28/10/17

    Bình Luận Bằng Facebook

  2. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    tiếp theo ...


    4 – Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, đạo Phật và đạo Mẫu dân gian luôn luôn gắn bó và có mối quan hệ tương giao với nhau; cùng nương tựa, dung hoà, bổ sung cho nhau. Do đạo Phật và đạo Mẫu đều được hình thành và phát triển trên mảnh đất Việt, cùng dựa trên nền tảng của hệ tín ngưỡng nông nghiệp (hay hệ tín ngưỡng dân gian) bản địa nên trong chúng chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá tương đồng. Một dẫn chứng tiêu biểu cho mối giao duyên giữa đạo Phật với đạo Mẫu là trong lễ hội Phủ Giầy được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 3 âm lịch, ngoài phần nghi lễ trọng thể dâng hương tưởng niệm Mẫu Liễu Hạnh, còn có những cuộc rước “Thỉnh kinh” diễn ra như sau: mồng 4 từ Phủ Giáp Ba (đền Bảo Ngũ) sang chùa Thông, mồng 5 từ Phủ Vân Cát sang chùa Dần, mồng 6 là cuộc rước lớn từ Phủ Tiên Hương đến chùa Gôi và ngược trở lại.(7) Theo quan niệm dân gian thì đó là sự biểu hiện việc quy theo đạo Phật của Mẫu Liễu Hạnh.

    Lễ rước “Thỉnh kinh” trong ngày mồng 6 còn nói lên sự giao kết của đạo Mẫu với đạo Phật, vì ở chùa Gôi là nơi thờ ông Đề Sát (hay Tướng Lữ Gia thời Triệu) tu hành đắc đạo. Ngài vốn là nhân vật có nhiều công lao cứu nước, giúp dân và cứu giúp Mẫu Liễu trong nhiều phen hoạn nạn. Theo sự tích “Sùng Sơn đại chiến”, khi Liễu Hạnh tung hoành ở núi Sòng (Thanh Hoá), sau những ngày “đại chiến kinh hoàng”, tiền quân Thánh đã bắt được Liễu Hạnh, nhưng cả vua và Tam Thánh cũng không xử phạt được Bà. Chỉ khi đức Phật hiện ra, giải cứu cho công chúa con gái của Ngọc Hoàng(8), thì Liễu Hạnh mới qui phục. Đây là một bằng chứng sinh động nói lên mối quan hệ gắn bó của đạo Phật với đạo Mẫu dân gian mà Mẫu Liễu làm đại diện trong việc quy y cửa Phật, như Bà đã chính thức tuyên bố: “Ta là Công chúa Quỳnh Hoa ở cung Tiên thấy đạo Phật từ bi, nên muốn quy y tụng niệm” (9). Cho đến vài trăm năm trở lại đây, tục thờ Mẫu đã lan nhanh ra khắp vùng châu thổ Bắc Bộ và tiếp tục phát triển ở một phần Trung Bộ và Nam Bộ sau này. Bên cạnh những đền (Phủ hay điện) thờ các Thánh Mẫu, các chầu Bà, các đức Ông, cùng các thánh Cô, thánh Cậu, vẫn song song tồn tại trong các khuôn viên chùa, với Toà Tam Bảo của điện thờ Phật. Như vậy các ngôi chùa ở khắp làng quê Việt Nam do sự chi phối mạnh mẽ của đạo Mẫu dân gian, thông qua mối quan hệ mật thiết với đạo Phật mà có cấu trúc theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Đó là một đặc trưng quan trọng của ngôi chùa Việt(10). Như vậy có thể coi việc thờ Mẫu là một đảm bảo chắc chắn cho sự tồn tại của ngôi chùa. Đây là cách lựa chọn đúng đắn nhất của đạo Phật khi lấy đạo Mẫu dân gian làm bạn đồng hành. Vì thế mà đạo Phật có chỗ dựa vững chắc trong đời sống tâm linh ở cộng đồng người Việt. Bởi lẽ, tục thờ Mẫu từ ngàn xưa là một tín ngưỡng có hình thức và nội dung gần gũi với tư tưởng và tâm linh rộng rãi trong tâm thức dân gian Việt Nam. Đạo Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt và có một sức sống mãnh liệt dẻo dai, uyển chuyển phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử. Theo quan niệm dân gian thì một Mẫu đầy sức mạnh siêu nhiên, quyền năng vô lượng đã hoá thân và phân thân thành các vị thần linh tối thượng như Phật Quan Âm Bồ Tát với khuôn mặt của Nữ thần (hay Thánh Mẫu). Đó là đức Phật Bà Quan Âm “Thiên thủ, Thiên nhãn” (“Nghìn tay, nghìn mắt”) và một số vị thần Nữ khác cũng tham gia vào việc cai quản vũ trụ. Một trong những nét tương hợp khác nữa của đạo Phật và đạo Mẫu là cả hai đều cùng kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa như tục thờ Mẹ và thờ Nữ thần với tục thờ Tứ Pháp để tạo ra Phật Mẫu, Phật Tứ Pháp hay Phật Bà Quan Âm. Theo sách nhà Phật thì Quan Âm là một vị Bồ Tát nam giới nhưng khi Phật giáo du nhập vào nước ta, qua mối quan hệ với tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp, luôn đề cao bà Mẹ Đất – Nước với các yếu tố âm nên Quan Âm trong đạo Phật Việt Nam đã ứng hiện ra dưới bộ mặt nữ thành Phật Bà Quan Âm. Quan Âm Nam Hải trong nhận thức của người Việt vốn là Diệu Thiện (nghĩa là “điều thiện tốt đẹp nhiệm màu”), con thứ ba của Diệu Trang (Cubhavyuha). Công chúa là một hiện thân của đức Quan Âm, bỏ sự sang quí vượt mọi ngăn trở để tu hành đắc đạo(11). Người Việt cho rằng Diệu Thiện đã chính quả tại chùa Hương Tích (Hà Tây). Như vậy, Quan Âm Nam Hải cũng là một dạng của Phật Bà Quan Âm “Nghìn tay, nghìn mắt” mà thôi. Con số này chỉ là ước lệ (nhiều tay) có thể từ 8, 10, 12, 14, 18,…. hoặc 36 hoặc 40 – 48 tay lớn và nhiều tay nhỏ khác mọc cân xứng ra ở 2 bên sườn. Phật Bà Quan Âm còn có tên gọi là Phật Mẫu Chuẩn Đề. Theo Phật pháp thì pháp “Chuẩn Đề” là một pháp đứng đầu trong vạn pháp nên người ta lấy Phật Mẫu Chuẩn Đề làm đại diện thay Phật Bà Quan Âm với lí do như thế.

    Khảo sát mối quan hệ giữa đạo Phật với đạo Mẫu còn có thể tiếp cận từ góc độ xem xét việc bài trí trong điện thờ Phật và điện thờ Mẫu ở nhiều ngôi chùa khắp làng quê Việt Nam. Như đã nêu trên, trong khuôn viên của các ngôi chùa ngoài có điện chính thờ Phật còn có điện thờ Mẫu và bàn thờ Tổ (các sư trụ trì ở chùa), v.v… Ở trong điện Phật có Toà Tam Bảo, có Tam Thế Phật và Tam Tôn Di Lặc, v.v… thì ở điện thờ Mẫu có Tam Toà Thánh Mẫu, có Tam phủ, Tứ phủ và Tam vị Đức vua Cha, v.v… Theo quan niệm dân gian con số 3 là con số vừa để biến đổi vừa để cân bằng thường được viện vào trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống tâm linh như: Vũ trụ có 3 tầng, tam ngôi thánh thiện, tam giáo đồng nguyên hay tam vị nhất thể, v.v… Số 3 là số lẻ, vì lẻ thì động chuyển nhờ đó mà biến đổi và phát triển không ngừng. Vì vậy, con số 3 được sử dụng nhiều trong cách bài trí sắp đặt tượng thờ ở điện Phật và điện Mẫu. Không những thế trong điện thờ Phật có nơi còn thờ cả Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng với Nam Tào và Bắc Đẩu như ở điện thờ Mẫu và nhiều nét tương hợp khác nữa. Vì thế chúng tôi cố gắng sắp xếp lại để đối chiếu như sau:

    [TABLE]
    <tbody> [TR]
    [TD="width: 44"]

    STT
    [/TD]
    [TD="width: 265"]

    ĐIỆN THỜ PHẬT – TOÀ TAM BẢO
    [/TD]
    [TD="width: 275"]

    ĐIỆN THỜ MẪU – “TỨ PHỦ CÔNG ĐỒNG”
    [/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD="width: 44"]
    1.(*)​
    [/TD]
    [TD="width: 265"]
    + Tam thế Phật​
    ( Bộ tượng Tam Thế hay Tam Thế Tam Thiên Phật)
    [/TD]
    [TD="width: 275"]
    Tam Toà Thánh Mẫu​
    [/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD="width: 44"]

    [/TD]
    [TD="width: 265"]
    Bao gồm:​
    - “Quá Khứ Thế” (hay còn gọi là Trang Nghiêm Kiếp) có 1000 vị Phật khác nhau đứng chủ;

    - “Hiện Tại Thế” (hay Hiền Kiếp) – có 1000 vị Phật khác;

    - “Vị Lai Thế” (hay Tinh Tú Kiếp) cũng có 1000 vị Phật khác.

    Ở đây 3 pho tượng Tam Thế tượng trưng cho 3000 vị Phật của 3 đại Kiếp, mà không chỉ đích danh một vị Phật nào. Bộ tượng Tam Thế được xếp ngồi ngang nhau (hoặc pho ở giữa đặt cao hơn) ở vị trí cao và sâu nhất. Các pho tượng Phật này đều phảng phất chân dung nữ tính, thuần hậu, đầu tượng sơn màu gụ sẫm với các cụm tóc xoắn ốc nhỏ ken nhau. Màu nâu của tóc tượng trưng cho bầu trời chứa đầy nước; tóc xoắn của Phật là biểu tượng của chữ Vạn, của lửa, của sấm chớp. Mặt tượng sơn màu tử kim (vàng ròng) – màu vàng có ý là giải thoát và sự sùng kính.
    [/TD]
    [TD="width: 275"]
    Bao gồm các vị tối thượng thần linh sáng tạo ra thế giới vạn hữu có tác động trực tiếp đến kiếp sống của người trần gian:​
    - Mẫu đệ nhất là Mẫu Thượng Thiên (trùm khăn đỏ) ngồi ở giữa. Mẫu là lực lượng sáng tạo ra miền trời (Thiên Phủ) và các quy luật vận hành gắn với bầu trời, chủ của vòng quay thời gian thời tiết và khí hậu (theo mùa).

    - Mẫu đệ tam là Mẫu Thoải (trùm khăn trắng) ngồi bên trái: Mẫu là lực lượng sáng tạo ra mọi dòng sông suối, biển hồ; mà trước tiên là nguồn nước của nghề nông trồng lúa (nước) của cư dân đất Việt.

    - Mẫu đệ tứ là Mẫu Địa (trùm khăn vàng hay khăn lam tím) ngồi bên phải Mẫu là người sáng tạo nên mọi đồng ruộng, đất đai phì nhiêu, có nơi Tam toà Thánh Mẫu gồm các Mẫu sau: Mẫu Thiên; Mẫu Thượng Ngàn (trùm khăn xanh lá cây) và Mẫu Thoải. Đó là một tổ hợp thần linh hỗ trợ cho cuộc sống của con người chốn trần gian.

    Ở những đền (phủ) thờ Mẫu Liễu thì Tam toà Thánh Mẫu là: Tượng Mẫu Liễu đồng nhất với Mẫu Thiên (mặc áo đỏ) ở giữa; 2 bên là Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải.
    [/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD="width: 44"]
    .​
    [/TD]
    [TD="width: 265"]
    + Bộ tượng Phật A Di Đà Tam Tôn gồm: Đức Phật A Di Đà ở giữa, bên trái là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên phải là Đại Thế Chí Tôn (cả 3 pho tượng này đều ở tư thế đứng).​
    Có chùa hàng này đặt bộ tượng Ngọc Hoàng Thượng đế ở giữa; 2 bên là Nam Tào và Bắc Đẩu.
    [/TD]
    [TD="width: 275"]
    + Thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế (giữa); 2 bên là Nam Tào và Bắc Đẩu.​
    Có nơi Ngọc Hoàng được phân thân thành Tam vị Đức vua Cha, tương ứng với Tam phủ là: Đức vua Cha Ngọc Hoàng (Trời); Đức vua Cha Bát Hải (Nước); Đức vua Cha Đất (Diêm Vương)
    [/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD="width: 44"]
    3.​
    [/TD]
    [TD="width: 265"]
    + Bộ tượng Phật Thích Ca ở giữa, 2 bên là Văn Thù và Phổ Hiền. Có chùa thờ Phật Thích Ca ngồi thiền (giữa); Và 2 bên là Phạm Thiên và Đế Thích; Hoặc là tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh.​
    [/TD]
    [TD="width: 275"]
    + Bộ tượng Ngũ Vị Tôn Ông ở chính giữa hoặc có nơi đặt tượng Ngũ Vị Tôn Ông (bên trái) và Tứ vị Chầu Bà (bên phải) gồm 11 vị chầu. Đó là các Thiên tướng có mặt trong 4 phủ của Vũ trụ và các danh tướng có nguồn gốc nhân sinh được tôn vinh thờ phụng. Họ trực tiếp nhận việc thực hiện ý đồ của các Thánh Mẫu trong cai quản và sáng tạo Vũ trụ.​
    [/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD="width: 44"]
    4.​
    [/TD]
    [TD="width: 265"]
    + Bộ tượng Di Lặc Tam Tôn: Tượng Di Lặc ở giữa mang tư cách một vị Phật kế cận đức Phật Thích Ca; ở 2 bên có Bồ Tát Pháp Hoa Lâm (râu rậm) và Đại Diệu Tường đứng phù trợ.​
    [/TD]
    [TD="width: 275"]
    + Tứ phủ Quan Hoàng: thường là Hoàng Hai, Hoàng Ba, Hoàng Bẩy và Hoàng Mười.​
    (Đây là các vị Hoàng Tử con của Nữ Hoàng (Mẫu)).

    Có nơi đặt tượng Ngũ vị Tôn Ông chung với hàng này.

    Tứ phủ Quan Hoàng gồm 10 vị chủ yếu là các danh tướng có công đánh giặc phò vua cứu dân giúp nước; hoặc khai phá đất đai, ruộng đồng,…
    [/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD="width: 44"]
    5(*).​
    [/TD]
    [TD="width: 265"]
    + Tượng Phật Bà Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn (Nghìn tay, nghìn mắt); hoặc đặt tượng Di Lặc Tam Tôn.​
    [/TD]
    [TD="width: 275"]
    + Ban thờ Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn với cảnh núi rừng cây cỏ, hoa lá lung linh huyền ảo.​
    Hạ ban của Mẫu Thượng Ngàn thường thờ Ngũ dinh (tức Ngũ Hổ) tượng trưng cho 5 phương, hay Ông Lốt (Rắn).
    [/TD]
    [/TR]
    [TR]
    [TD="width: 44"]
    6​
    [/TD]
    [TD="width: 265"]
    + Bên phải Toà Tam Bảo đặt tượng Quan Âm Tống Tử (dưới hình thức một bà mẹ bế con) ở chùa Việt hoá thân thành Quan Âm Thị Kính. Ở 2 bên có tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ đứng hầu. Liền đó là tượng Thổ Địa (râu trắng, mặt trắng).​
    Bên Trái toà Tam Bảo có đặt tượng Quan Âm Toạ sơn, bên cạnh là tượng Pháp Tang để trừ tà và ban thờ Thập điện Diêm Vương (để khuyến thiện trừ ác).

    + Phía ngoài Tam Bảo có đắp 2 động:

    Động bên phải với trung tâm là tượng Quan Âm Chuẩn đề, xung quanh có nhiều tượng nhỏ theo bố cục là ở trên: Thượng giới, dưới là địa ngục.

    Động bên trái là đức Di Lặc, xung quanh có nhiều tượng nhỏ theo mô típ khuyến thiện trừ ác…

    +Ngoài cùng là tượng Ông Thiện và Ông Ác ở 2 bên thượng điện. Bát khuyến thiện có thờ đức Tuyết Sơn; bát trừ ác có tượng Quan Âm toạ sơn, Kim Đồng, Ngọc Nữ hầu 2 bên…
    [/TD]
    [TD="width: 275"]
    + Ban thờ Tứ phủ Thánh Cô và Thánh Cậu, gồm những người lúc sinh thời làm nhiều điều thiện nên được làm con của Mẫu hoá thân thành Cô hay Cậu để làm Thị giả bên các Mẫu, Chầu Bà hoặc Tôn ông.​
    +Ban thờ Bà Bán Thiên cùng Nhị vị Quỳnh Hoa, Quế Hoa (bên trái Thượng Điện. Bên phải có điện thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo và ban thờ Nhị vị Vương Bà hay Bà Chúa của địa phương (như Bà Chúa rừng roi).

    + Bàn thờ Hậu điện gồm các vị Hậu thần Khác.
    [/TD]
    [/TR]
    </tbody> [/TABLE]

    Tóm lại, những điều phân tích và lí giải ở trên phần nào cho chúng ta thấy quá trình dân gian hoá và phong tục hoá (dân tộc hoá) của đạo Phật và đạo Mẫu ở nước ta. Đồng thời trong suốt quá trình ấy đạo Phật và đạo Mẫu đã có mối quan hệ gắn bó tương giao và dung hoà, nương tựa hay bổ sung cho nhau, để cùng nhau tồn tại và phát triển; trở thành phổ biến rộng khắp trong đời sống tâm linh của người dân đất Việt. Từ ngàn xưa đến nay Trời – Phật – Mẫu được coi là những biểu tượng linh thiêng trong tâm tưởng của con người có sức mạnh siêu nhiên của đấng thần linh tối thượng sáng tạo ra thế giới vạn vật muôn loài và điều khiển vòng quay của Vũ trụ. Vì vậy người ta tôn thờ, tin tưởng vào các đấng thần linh tối thượng đó để cầu mong sự phù hộ độ trì hoặc chở che cho kiếp sống con người ở cõi trần gian. Cũng nhờ có đức tin cao cả đó cho con người ta luôn hướng đến những giá trị đích thực của cuộc sống là cái Chân, cái Thiện và cái Mỹ và làm cho con người ta luôn luôn chú tâm vào việc tu nhân tích đức, khuyến thiện trừ ác, hoà thuận, thương yêu và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Trong suốt tiến trình hình thành và phát triển của mình, đạo Phật và đạo Mẫu là hai loại hình tín ngưỡng tôn giáo dân gian (dân tộc) đã tích tụ, bảo lưu và hàm chứa nhiều giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hoá truyền thống, góp phần giữ gìn, lưu truyền và phát huy những tinh hoa văn hoá thuộc về bản sắc dân tộc độc đáo của Việt Nam.

    [h=4]TS. Nguyễn Quang Lê[/h]

    [HR][/HR]
    (1). – X.A. Tôcarev. Những hình thái tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. Mátxcơva, 1964 (tiếng Nga).​
    - A.F. Aniximov. Các giai đoạn phát triển của tôn giáo nguyên thuỷ. Mátxcơva, 1967 (tiếng Nga).

    - R.A. Nicôlixkia. Nguồn gốc tôn giáo và những hình thức sơ khai của nó. Mátxcơva, 1968 (tiếng Nga).

    - E. Mile Durkheim. Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo (Tài liệu dịch ở Thư viện – Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian Les Former eicmentaires de la vie religieuse).

    - Toan Ánh. Tín ngưỡng Việt Nam (Quyển thượng), Sài Gòn, 1966.

    - Phan Kế Bính. Việt Nam phong tục, Nxb Phong trào Văn hoá, Sài Gòn, 1974.

    - Nguyễn Văn Huyên. Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam (T.1 và T.2), Hà Văn Tấn chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, H, 1995.

    (2) . Nguyễn Quang Lê. Một số suy nghĩ về nguồn gốc và bản chất của lễ hội cổ truyền dân tộc// Văn hoá dân gian, H, 1992, số 1, tr. 5.

    (3) . – Việt sử lược, Nxb Văn Sử Địa, H, 1960.

    - Lịch sử Phật giáo, Nguyễn Tài Thư chủ biên và nhiều tác giả, Nxb Khoa học xã hội, H, 1992.

    - Trần Quốc Vượng, Phật giáo và văn hoá dân gian// Phật giáo và văn hoá dân tộc, H, Thư viện Phật học xb, 1990.

    - Cổ Châu Pháp Vân bản hạnh/ Bản chữ Nôm, soạn năm Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 (1752).

    - Lê Thị Nhâm Tuyết. Nghiên cứu về hội làng cổ truyền người Việt// Văn hoá dân gian, H, 1984, số 1.

    - Đinh Gia Khánh. Văn hoá dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995

    (4) . Nguyễn Quang Lê. Tìm hiểu mối quan hệ giữa lễ hội cổ truyền với Phật giáo, qua tín ngưỡng dân gian// Văn hoá dân gian, H, 1992, số 4, tr. 71.

    (5) . Đại Việt sử kí toàn thư, Cao Huy Du dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Khoa học xã hội, H, 1971.

    - Phan Kế Bính. Nam Hải Dị Nhân, H, 1920 và Nxb Trẻ Tp. Hồ Chí Minh. 1998.

    - Vũ Quỳnh, Kiều Phú. Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San dịch, Nxb Văn học, H, 1990.

    - Lão Tử và đạo đức Kinh, H, 1963

    - Tư Mã Thiên: Sử kí, Nhữ Thành dịch “Sử kí Tư Mã Thiên”, Nxb Văn học, H, 1988.

    - Lý Tế Xuyên. Việt điện U linh, Trần Đình Dư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính và bổ sung, Nxb Văn học, H, 1972.

    - Đỗ Thị Hảo, Mai Thị Ngọc Chúc. Các nữ thần Việt Nam, Nxb Phụ nữ, H, 1984.

    - Đạo Mẫu ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh chủ biên và nhiều tác giả, Nxb Văn hoá – Thông tin, H, 1996, T.1.

    - Bùi Hạnh Cẩn – Lê Trân. Chợ Viềng và Hội Phủ, Nxb Giáo dục, H, 1993.

    - Vũ Ngọc Khánh, Ngô Đức Thịnh. Tứ bất tử, Nxb Văn hoá dân tộc, H, 1990.

    - Vương Khả. Lược sử Đạo giáo Việt Nam, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Xuân Diện dịch từ bản chữ Trung Quốc của tác giả// Văn hoá dân gian, H, 1999, số 2, tr. 76 – 88.

    (6) . Nguyễn Quang Lê. Thử tìm hiểu mối quan hệ giữa lễ hội với các tín ngưỡng dân gian// Văn hoá dân gian, H, 1994, số 1, tr. 52.

    (7) . Bùi Hạnh Cẩn – Lê Trân. Chợ Viềng và Hội Phủ. Sđd, tr. 18.

    (8) . Vũ Ngọc Khánh, Ngô Đức Thịnh. Tứ Bất tử, Sđd, tr. 106.

    (9) . Bùi Hạnh Cẩn-Lê Trân. Phả ghi đền Tiên// Chợ Viềng và Hội Phủ, Sđd, tr. 81

    (10) . Nguyễn Quang Lê. Tìm hiểu mối quan hệ giữa lễ hội cổ truyền với Phật giáo… Bđd.

    (11) . Trần Lâm Biền. Chùa Việt, Nxb Văn hoá – Thông tin, H, 1996, tr. 198.

    (*) . Hàng 1: Ở vị trí thâm nghiêm cao nhất trong cung điện thờ.

    (*) . Từ hàng thứ nhất (1) đến hàng thứ 5 của điện thờ Phật và điện thờ Mẫu về cơ bản như nêu trên; tuy nhiên cũng có đền, chùa trật tự bị thay đổi đi ít nhiều; chủ yếu phụ thuộc vào số lượng tượng hiện còn ở chùa và quy mô kiến trúc của chùa đó. Vì thế có chùa chỉ xếp đặt gọn lại còn 2 hoặc 3 hàng và giữ nguyên thứ tự.








     
    Last edited by a moderator: 28/10/17
  3. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    Chú thích

    xóa cho nó đẹp mặt xóa cho nó đẹp mặt xóa cho nó đẹp mặt
     
    Last edited by a moderator: 13/12/11
  4. Triều Viên

    Triều Viên New Member

    Một bài viết nhạt, nhất là đoạn mở đầu còn vòng vo chưa xứng tầm. Nội dung đã có quá nhiều bài viết tương tự... Chưa thấy cái mới mang tính chính kiến!
     
  5. Trí Minh

    Trí Minh Active Member

    Mình cũng có một bài viết tương tự thế này nhưng ngắn hơn. Không biết mình ăn cắp ý tưởng của vị tiến sỹ này, hay ông ta ăn cắp ý tưởng của mình ý nhỉ.
     
  6. Triều Viên

    Triều Viên New Member

    Em là em nghi ngờ anh Béo lắm. Tính hay "chôm chỉa" hí hí... Nói thật anh mà viết kiểu như thế này thì chẳng khác gì những thứ phổ thông mà một đứa nông cạn như em cũng giác ngỗ được rồi. Cái cần là "cái đột phá, cái mới":>.
     
  7. Trí Minh

    Trí Minh Active Member

    Thực ra lý luận trong bài viết này không có nhiều, phần nhiều dẫn luận đều được luộc lại của một số học giả viết trước đó, mối nơi một tý nó thành ra cái này. Và thực ra sự hiểu biểu về Phật giáo trong này còn kém, đồng thời nhận thức về giá trị Phật giáo trong tứ phủ còn ít. Anh chỉ hay mổ đồ cổ thôi, chứ tuyệt nhiên không đi mổ ý tưởng mới bao giờ, đồ mới của anh còn hay hơn. anh chỉ thích đồ cổ, nhà ai có đồ cổ đừng mời anh đến chơi không bị mất ráng chịu.
     
  8. nam sơn đạo nhân

    nam sơn đạo nhân Active Member

    thực ra những bài luận kiểu này cũng ko nên chê bai là luộc hay ko luộc
    tư liệu cũng chỉ có vậy thôi mà
     
  9. Trí Minh

    Trí Minh Active Member

    Vâng mình cũng nhất trí với Tuấn, vì thực ra luận văn tốt nghiệp mình đi luộc cũng có bị trừ điểm đâu. Cái mới thì khó tìm,mà không phải ai cũng tìm tòi được cái mới cái đột phá, tuy nhiên cũng nên khuyến khích và mong mỏi nhiều bài viết mang tính súc tích, ngắn gọn mà mới mẻ có nhiều giá trị nghiên cứu.
     
  10. nam sơn đạo nhân

    nam sơn đạo nhân Active Member

    đồng ý với anh.nhưng tài liệu thì mỗi nơi khác
    sự thống nhất trong dân gian là chuyện ko tưởng vậy nên chỉ đọc và hiểu thêm thế thôi
    chứ chấp nhặt câu chữ thì cũng khó nói chuyện lắm
     
  11. Trí Minh

    Trí Minh Active Member

    Ôi anh chưa có chấp nhặt câu chữ bao giờ, cái anh nói đó là cái nhìn tổng thể của bài luận này thôi. Chứ câu chữ ở một bài dài thế này trích dẫn để chấp nhặt làm sao nổi. Dân gian thì dân gian dưới góc nhìn của một ông tiến sỹ nó phải là thứ dân gian biện chứng em à. Nếu anh hoặc em viết bài này y hệt này thì sự đánh giá của người đọc sẽ khác.
     
  12. cá bống

    cá bống New Member

    bị xóa rùi ạ
     
  13. tâm thanh tịnh

    tâm thanh tịnh New Member

    Hầu như tất cả các Đạo nội sinh tại Việt Nam đều chịu ảnh hưởng, nương vào ánh sáng của Phật pháp.như Cao Đài, Đạo Mẫu, Bửu Hương,Quang Minh Tu Đức,...
    Đơn giản, Phật pháp là con đường đỉnh cao và thật nhất đưa con người tới bến bờ giác ngộ. dẫu có theo Đạo nào đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng vẫn là giác ngộ, thấy được bản lai diện mục của mình.
     
  14. thegioivere

    thegioivere New Member

    a di da phat
     

Chia sẻ trang này