BÀI PHÁT BIỂU CỦA TIẾN SỸ BÙI THANH HÀ PHÓ TRƯỞNG BAN BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ Tại Hội thảo về thờ Mẫu, những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với thờ Mẫu (Đền An Thọ, 12 đường Thanh Niên, Quận Tây Hồ, Hà Nội, ngày 04/5/2011) Kính thưa quý vị đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các trung tâm, viện nghiên cứu, các nhà quản lý và nhà nghiên cứu, Thưa các quý vị đại diện các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương, đồng đền, thủ nhang các tỉnh, thành phố, Thưa toàn thể các quý vị đại biểu về dự Hội thảo! Tín ngưỡng, tôn giáo là một bộ phận, nhân tố quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt, là một nền tảng tinh thần trong đời sống văn hóa ứng xử và quan hệ cộng đồng. Trong các nhân tố đó, thờ Mẫu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, một nhu cầu gần gũi với đời sống hàng ngày của một bộ phận quần chúng, nhân dân. Tại hội thảo hôm nay, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và quý vị đại biểu có điều kiện tìm hiểu thêm về thờ Mẫu. Do vậy, tôi tin tưởng rằng hội thảo này sẽ có nhiều ý kiến góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu làm rõ thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tục thờ Mẫu để chúng ta có cơ sở khoa học và thực tế trong việc đề xuất chủ trương, công tác đối với thờ Mẫu trong thời gian tới. Chúc toàn thể quý vị về dự hội thảo sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt! Thưa các quý vị đại biểu! Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ, hướng dẫn thi thành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực. Các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã nhận được hồ sơ của các tổ chức xin đăng ký hoạt động và công nhận là tổ chức tôn giáo. Trong đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nhận được Công văn của Văn phòng Chính phủ chuyển hồ sơ của ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ đền An Thọ, 12 đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm “Câu Lạc bộ bảo tồn Văn hóa đạo Mẫu Việt Nam” đại diện các Đồng đền xin thành lập tổ chức đối với “Đạo Mẫu”. Thực hiện ý kiến của Văn Phòng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với một số bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương liên quan tổ chức nghiên cứu, điều tra thực trạng tình hình công tác quản lý nhà nước đối với thờ Mẫu để có cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất chủ trương, công tác đối với thờ mẫu trong thời gian tới, đây cũng là những công việc quan trọng trong việc giúp các bộ, ban ngành TW và địa phương liên quan, sớmhoàn thiện hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận Hầu đồng và Chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và trình cấp có thẩm quyền xem xét mô hình quản lý thờ Mẫu như thế nào để vừa phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam vừa phù hợp với pháp luật hiện hành. Trong quá trình nghiên cứu và điều tra khảo sát, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các đồng đền, đặc biệt là Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã tổ chức một số cuộc Hội thảo về thờ Mẫu với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại một số tỉnh, thành phố có nhiều Đền, Phủ thờ Mẫu. Ý kiến tại các cuộc hội thảo cơ bản thống nhất: thờ Mẫu là một hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo phổ biến trong cộng đồng các dân tộc người Việt - Nam nói riêng và cư dân sản xuất nông nghiệp lúa nước ở khu vực Đông Nam Á nói chung, thờ Mẫu đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản, của người Mẹ, lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự che chở trong cuộc sống, thể hiện giá trị nhân sinh quan hết sức nhân bản của văn hóa Việt về đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và trong cộng đồng, thờ Mẫu có những nét văn hóa đặc trưng, là một trong những hoạt động mang tính chất bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân gian, có sức lôi cuốn đối với một bộ phận quần chúng nhân dân, cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy những yếu tố tích cực, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong việc thực hiện nghi lễ thờ Mẫu. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng: việc thực hành nghi lễ trong thờ Mẫu chủ yếu được lưu truyền dân gian, truyền miệng từ người này sang người khác hoặc từ các “con nhang”, “đệ tử” chạy theo phong trào mà chưa hiểu hết các bước nghi lễ, thủ tục nên có phần đã làm biến dạng, pha tạp đến giá trị văn hóa ban đầu của thờ Mẫu. Mặt khác một số nghi lễ trong thờ Mẫu còn bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động mê tín, hoặc trục lợi kinh tế bất chính làm ảnh hưởng đến nét văn hóa và sự đánh giá, nhìn nhận của xã hội đối với thờ Mẫu. Thời gian qua các hoạt động thờ Mẫu đang diễn ra khá sôi động, nhưng công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này tại một số địa phương chưa được quan tâm thỏa đáng, để các Đền, Phủ…hoạt động mang tính tự do, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, các cơ quan chức năng chủ yếu quản lý về phần hội, chưa nghiên cứu sâu, xem xét về mặt lễ nghi, nên mới chỉ dừng lại ở mức quản lý chung chung, theo kinh nghiệm hoặc cấm đoán nên chưa giải quyết được vấn đề đặt ra. Do vậy, cần thống nhất mô hình để quản lý đối với thờ Mẫu, nhằm hướng dẫn, định hướng một bộ phân quần chúng nhân dân thực hiện các nghi lễ thờ Mẫu là cần thiết, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong thờ Mẫu để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đích thực của thờ Mẫu trong thời gian tới. Do đó tại hội thảo lần này, chúng ta cần thống nhất nhìn nhận, đánh giá về thờ Mẫu và công tác đối với thờ Mẫu trên cả phương diện văn hóa, nhu cầu thực tế, giá trị tiêu biểu và công tác quản lý nhà nước hiện nay, giải quyết theo hướng vừa phù hợp các quy định của pháp luật, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận quần chúng nhân dân cũng như phát huy các giá trị văn hóa của thờ Mẫu trong đời sống cộng đồng. Đồng thời xem xét kỹ những yếu tố pha tạp, tiêu cực, lợi dụng không phù hợp với các giá trị cốt lỗi, cơ bản trong thờ Mẫu, qua đó để có cách ứng xử phù hợp đối với nhu cầu và hoạt động của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo nói chung. Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo ban Ban Tôn giáo Chính phủ, tôi xin chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc! Chúc Hội thảo thành công! Xin trân trọng cám ơn các quý vị đại biểu! Nguồn : Đạo mẫu Việt Nam