Không rộng lớn và đồ sộ nhưng các ngôi chùa Bà Đanh, Bà Nành, Bà Đá và Bà Ngô lại thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng. Chỉ trong vòng bán kính khoảng 5 km, 4 ngôi chùa "Bà" ở Hà Nội sẽ mang đến cho bạn một chuyến du xuân hấp dẫn. Chùa Bà đanh Chùa Bà Đanh cách mặt đường Thụy Khuê khoảng 50 m. Nằm sâu trong ngõ 199 Thụy Khuê, chùa Châu Lâm ngày nay còn được biết đến với tên gọi Bà Đanh. Chùa được đặt theo tên một người phụ nữ có công xây dựng chùa. Đến nay, tấm bia Bà Đanh tự vẫn còn được lưu giữ tại đây. Là một trong những ngôi chùa có tiếng từ lâu của Hà Nội nhưng khi đến chùa Bà Đanh, bạn sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp khung cảnh vắng vẻ. Không chỉ vào những ngày thường mà cả hôm rằm, mùng một, lượng người đến đây hương khói ít hơn hẳn so với nhiều chùa tại Hà Nội, gợi nhắc đến câu ví "vắng như chùa bà Đanh". Một số người cho rằng, câu ví đó ra đời do trước đây chùa được xây dựng để phục vụ nhu cầu hành đạo của người Chăm, nên sau khi họ đến nhiều khu vực khác sinh sống và không lui tới lễ bái nữa, ngôi chùa trở nên hoang vắng. Tuy nhiên, ngày nay chính không gian tĩnh mịch của chùa Bà Đanh lại mang đến sự thư thái cho khách vãn cảnh và dâng hương hành lễ. Chùa Bà NgôKhách đến viếng tại chùa bà Ngô. Cách chùa Bà Đanh chưa đến 5 km là chùa Ngọc Hồ được biết đến với tên gọi Bà Ngô. Tọa lạc tại đường Nguyễn Khuyến, ít ai biết rằng ngôi chùa cổ nép mình trong phố phường này đã trải qua gần 900 năm lịch sử. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng một kiến trúc tôn giáo đẹp và độc đáo. Ấn tượng đầu tiên là cổng tam quan với gác chuông 2 tầng, 8 mái là 8 góc đao cong vút. Trên gác hai đặt một quả chuông đồng treo ở giữa tam quan có dòng chữ "Ngọc Hồ tự chung". Bước qua cổng, du khách sẽ đặt chân đến khuôn viên chùa với cây xanh khắp chốn. Ẩn sau đó là Phật điện gồm tiền đường và hậu cung được xây dựng theo kiểu "chữ đinh". Không chỉ có kiến trúc đẹp, chùa Bà Ngô còn lưu giữ được nhiều văn bia, câu đối và một khối lượng di vật rất lớn ở nhiều thể loại như long ngai, bài vị, các tế khí. Được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1993, chùa Bà Ngô là một điểm du lịch tâm linh ở Hà Thành. Chùa Bà Nành [T]Bàn thờ Bà Nành tại chùa.[/TD] Vẫn trên trục đường Nguyễn Khuyến, du khách thả bộ khoảng trăm mét sẽ đến với chùa Bà Nành có tên chữ là Tiên Phúc tự. Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh nguồn gốc tên gọi của chùa. Nhưng câu chuyện về một bà lão không rõ tên bán nước chè, đậu nành cho các học trò trường Quốc Tử Giám là được lưu truyền nhiều hơn cả. Với số tiền tích cóp được bà xây nên một ngôi chùa và sau khi mất, chùa được đặt tên là Bà Nành. Cũng như chùa Bà Đanh và Bà Ngô, chùa Bà Nành có diện tích khá khiêm tốn nhưng vẫn giữ được cấu trúc quen thuộc của các ngôi chùa cổ phía Bắc. Ở ngoài là cổng tam quan, bên trong có bàn thờ Bà Nành đặt cạnh bàn thờ Phật. Đáng chú ý nhất trong chùa chính là pho tượng Bà Nành với khuôn mặt phúc hậu. Bàn thờ của bà được đặt trên một phiến đá hình chữ nhật màu xanh đen, trên có chạm chìm các vân mây tinh xảo. Chùa Bà Đá Các pho tượng quý trong chùa Bà Đá Được dựng trên nền tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa, chùa Bà Đá ngày nay là nơi đặt trụ sở của Thành hội Phật Giáo Hà Nội. Nằm giữa khu phố phồn hoa bậc nhất Hà Thành, chùa Bà Đá tên chữ là Linh Quang tự lọt thỏm trong ngỏ hẻm thông ra phố Nhà thờ. Tuy nhiên, du khách trong và ngoài nước khi đến đây đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của chùa. Tiền đường xây theo kiểu chữ nhất, trung đường xây theo kiểu chữ đinh, được nối liền với nhau, tạo nên một khối kiến trúc vuông vắn với không gian thoáng đẹp. Bên trong chùa có đặt rất nhiều pho tượng cổ rất đẹp và quý. Kiến trúc độc đáo nhất của ngôi chùa này chính là mái hiên thấp được đỡ bằng bốn chiếc cột đá có kích thước khiêm nhường, tương xứng. Trên cột có các họa tiết chạm khắc rất tinh xảo và mềm mại, miêu tả cảnh bốn mùa và tứ quý. Bài và ảnh: Vy A