Đền Tiên Nga - Nơi thờ Chúa Bà Năm Phương ( Hải Phòng )

Thảo luận trong 'Di tích và Danh thắng' bắt đầu bởi mantico, 31/10/17.

Lượt xem: 6,014

  1. mantico

    mantico Quản Trị Website

    18782109.jpg

    ( Cổng Đền Tiên Nga )

    Ban quản lý đền Tiên Nga và người dân phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) đang tất bật chuẩn bị cho khánh tiệc Chúa bà Vũ quận Quyến Hoa công chúa diễn ra vào 31-7 (tức 16-6 âm lịch). Ngôi đền Tiên Nga được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa từ năm 2007.

    94258804.jpg

    Tọa lạc ở mặt đường phố Lê Lợi, phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền), từ con phố sầm uất, ồn ã, bước qua cổng tam quan vào trong sân đền, tâm hồn du khách bỗng trở nên nhẹ nhàng, thư thái. Ngay trước cửa đền, một cây sanh cổ thụ gốc cuộn chằng chịt, tôn thêm vẻ linh thiêng, tỏa bóng mát cả khoảng sân rộng rãi. Cây sanh có tuổi đời hơn 150 tuổi này vừa được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Theo các cụ cao tuổi, trước đây khu vực đền có nhiều cây cổ thụ, song do chiến tranh tàn phá cùng việc xây dựng nhà cửa, nhiều cây bị đốn hạ, giờ chỉ còn duy nhất cây ở trong khuôn viên của đền.

    Bên trong đền, các đồ thờ tự, tế khí được bài trí khang trang lộng lẫy, đang được thành viên ban quản lý di tích và người dân lau chùi, sửa sang, chuẩn bị cho ngày khánh tiệc Chúa bà Vũ quận Quyến Hoa công chúa. Theo sử sách, đức Vũ Quận Quyến Hoa công chúa sinh ra tại làng cổ Gia Viên (hay còn gọi là làng Cấm) thuộc tổng Gia Viên, huyện An Dương (tỉnh Hải Dương) trước đây. Bà là người có dung nhan tươi tốt, mọi bề đảm đang, được trọng dụng làm tướng chuyên lo việc quân lương, góp công lớn giúp đức Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra kỷ nguyên độc lập của nước ta sau hơn nghìn năm Bắc thuộc. Sau khi đức Ngô Quyền lên ngôi Vương, phong tước hiệu cho bà là Ngô Vương Vũ quận chúa. Sau này, với những cống hiến và công lao to lớn của Đức vương Ngô Quyền đối với đất nước, người dân tự phong Ngài là Ngô Vương Thiên Tử, theo đó Vũ quận chúa được dân phong là Quyến Hoa Công chúa. Năm 1924, vua Khải Định (triều Nguyễn) chính thức sắc phong tặng Bà là “Vũ quận Quyến Hoa công chúa Tôn Thần” và chuẩn cho làng Gia Viên được phụng thờ.

    Tuy nhiên, không chỉ ở làng Gia Viên, sau này, cứ ở đâu thờ Đức vương Ngô Quyền thì đều phối hưởng thờ Bà chúa Vũ quận. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, ngôi đền thờ Bà Vũ quận Quyến Hoa công chúa trở thành chốn linh thiêng với nhiều điều linh ứng. Bà được người dân tôn là Bà Chúa Nam Phương. Tương truyền, sau khi bà mất, hiển thánh ngao du khắp mọi miền, thường hay về ngự ở các ngọn đa cổ thụ. Tại nhiều gốc đa cổ thụ, người dân lập miếu thờ Bà Chúa Nam Phương. Trong đó, 2 cây đa ở khu vực đầu đường Lê Đại Hành (quận Hồng Bàng) và Công ty giày Thống Nhất ở đường 208, xã An Đồng (huyện An Dương) ngày nay được cho là linh thiêng hơn cả vì tương truyền là nơi ngài hiển thánh về ngự, đánh rơi chiếc hài ở gốc cây.

    Trong đền Tiên Nga, người dân còn phối thờ đức mẫu Liễu Hạnh công chúa, đức thánh Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và một số vị bản xã phúc thần theo tín ngưỡng dân gian. Đồng thời, ban quản lý đền còn đặt bàn thờ các vị tiên hiền, liệt sĩ có công với đất nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Hữu Tuệ… tại vị trí trang trọng. Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng), thời kỳ phong trào Đông Du (1905-1909) trong 1 lần vượt biển ra nước ngoài, cụ Phan Bội Châu được cụ Nguyễn Hữu Tuệ, là người xuất thân từ gia đình nhà nho ở làng khoa bảng Gia Viên, làm công nhân tại bến Sáu Kho (nay là cảng Hải Phòng), sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong các phong trào yêu nước, bí mật nuôi giấu tại đền Tiên Nga và sau đó giúp đỡ xuống tàu xuất dương. Không chỉ cụ Phan Bội Châu, nhiều nhà yêu nước khác cũng tìm đến Nguyễn Hữu Tuệ để được giúp đỡ xuất dương tìm đường cách mạng. Với những giá trị lịch sử văn hóa to lớn đó, đền Tiên Nga được UBND thành phố xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa từ năm 2007.

    Trải qua thăng trầm của lịch sử nhất là những biến động lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, việc quản lý bị lơi lỏng khiến đền Tiên Nga bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2009, UBND quận Ngô Quyền quyết định giao đền Tiên Nga cho UBND phường Máy Tơ quản lý. Từ đó đến nay dưới sự chỉ đạo của cấp trên, trực tiếp là UBND phường Máy Tơ, ban quản lý đền Tiên Nga chủ động vận động nhân dân địa phương và quý khách thập phương từng bước trùng tu tôn tạo các cung thờ, sân, nghi môn đền… đưa nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử quan trọng của người dân thành phố.

    Bảo Nam
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này