ĐỪNG XÂY THÁP CHO THẦY < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Dân gian Việt Nam Phật Giáo

ĐỪNG XÂY THÁP CHO THẦY

“ĐỪNG XÂY THÁP CHO THẦY”
– Thiền Sư Nhất Hạnh –
“Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!
Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có thầy!
Không được nhốt thầy, bỏ thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư thầy Đàm Nguyện đã xây cho thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều thầy căn dặn các thầy, các sư cô ở chùa Đình Quán – Hà Nội và ở Tổ Đình.
Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho thầy. Đó không phải là điều thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy…”.
– Amelia M.Anlac –

Bài viết liên quan

Sự khác nhau giữa Phật Thích Ca và Phật A Di Đà trong Phật giáo

Cuối Mùa Rơm

CỬU PHẨM LIÊN HOA (Chín Phẩm Hoa Sen)

admin

Vì sao không được dùng miệng để thổi tắt hương, nến?

Cuối Mùa Rơm

Bình luận

Để lại Bình luận