BÀI VĂN CHẦU ĐỨC THÁNH MẪU THẦN CHỦ
Đạo thờ mẫu ở nước ta có lịch sử lâu đời, đặc biệt là tục thờ mẫu Liễu Hạnh, phổ biến ở nhiều nơi. Trong các kỳ lễ hội, dân gian thường sáng tác ra các bài văn chầu để tán thán công đức của Mẫu Liễu. Các nhà nghiên cứu văn hóa đã sưu tập được hàng chục bài văn chầu, chủ yếu là viết bằng thể lục bát hoặc song thất lục bát. Nội dung các bài văn chầu này dài ngắn khác nhau, có bài dài đến hàng trăm câu, có bài chỉ có 12 câu. Gần đây chúng tôi tìm thấy trong sách Tiên phả dịch lục ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB.289, có một bài văn hầu Mẫu Liễu. Tác giả sách là Giá Sơn Kiều Oánh Mậu(1), đỗ Phó bảng triều Nguyễn. Bài văn chầu viết bằng chữ Nôm theo thể song thất lục bát gồm 72 câu.
Văn chầu tóm tắt lịch sử ra đời cứu nhân độ thế của Mẫu Liễu, lời văn chau chuốt. Nhận thấy đây là bài văn chầu có giá trị, do vậy chúng tôi phiên âm giới thiệu toàn văn như sau:
Toàn văn là
Mùi hương quế nước nhà thơm nức,
Dấu xe loan mừng đức chầu về.
Đàn ta, ta đọc người nghe,
Một nhà trăng tĩnh, bốn bề gió thanh.
5. Hoa thiên nữ trong mành rải rác,
Bóng hồng y ngoài sắc phất phơ.
Kể từ Thiên Hựu(2) Lê sơ,
Ba trăm năm lẻ đến giờ chưa xa.
Dấu tiên giáng về nhà Trần thị.
Cõi Sơn Nam tú khí đốc sinh(3)
Đôi vai nặng gánh hữu tình,
Hóa hình rồi lại hiện hình như xưa.
Uy hách hách bấy giờ đã hiển,
Tiếng linh thiêng bia miệng đến rày.
15.Lửa hương khuya sớm Phủ Giày,
Sòng Sơn, Phố Cát xưa nay hiển thần(4).
Trên Thượng Khuyết(5) mấy lần sắc tặng,
Mã Hoàng rồi Chế Thắng đại vương.
Dưới hạ giới bốn phương cảm đức,
Miếu chung rồi riêng đất dài lâu(6).
Nào người cầu tự chiêu tài(7),
Nào người cầu phúc nhương tai(8) mọi điều.
Nào người khu quái trừ yêu(9),
Nào người chúc thệ cầu siêu(10) đủ đường.
25. Người khoa cử nén hương tiến yết(11),
Báo mộng cho biết chuyện cơ huyền(12).
Người công lợi đường lên thiếu thốn,
Âm dương cho đủ biết vừa đi.
Kìa người thành kính không nghi,
30. Ắt là âm vượng phù trì chẳng sai.
Kìa người ngạo mạn chê bai,
Ắt là hiển thị(13) họa tai cho chừa.
Cũng có lúc sớm trưa hỏi chữ,
Thơ một thiên nho tự(14) xem ra.
35. Cũng có lúc thiết tha nhân sự,
Ca một bài quốc ngữ bảo cùng,
Tuyết Sơn hơn thước tượng đồng.
Lửa binh mấy độ bên trong vững vàng.
Sòng Sơn xe hỏa ngoài đường,
40. Trần ai mấy ngả khói hương chẳng hề.
Thần ngự thủ xuống xe Phố Cát,
Ai miếng ngon, dao thớt không nên.
Tiền cầm cảnh nội đền Ba Dọi(15),
Ai lòng tham sớm tối không yên.
45. Hình biến hóa thần thiêng nào đó,
Thuyền trên không trông thấy cũng thường.
Ấy ai mắt tục khôn lường,
Vị Giang kia dấu kiệu tàn(16) lối qua.
Thể huyền diệu(17) tiên gia đâu đó,
50. Tàu đáy khơi truyền rõ chớ khoe.
Ấy ai tai họ(18) thử nghe,
Hương Sơn kia dấu đi về tụng kinh.
Tiếng Thần mẫu uy linh xiết hãi,
Xe Lê Hoàng giăng lại bên đường.
55. Huống chi những lũ tầm thường,
Gọng giương ngựa ký(19) lỡ dường há oan.
Bởi vì dưới ngu ngoan(20) khôn xiết,
Vua chúa trên chưa biết được danh.
Một phen giả lập uy hình,
60. Cũng lòng tế độ chúng sinh không cùng.
Phép Tiên Nữ thần thông đâu ví,
Dưới Trần triều linh bí(21) kìa ai.
Huống chi phương sĩ(22) nước ngoài,
Bùn đưa thấy lại họa tai càng nhiều.
Bởi vì nỗi quấy trêu nên sự,
Tiền quan ngài phải thử trước đi.
Một phen rộng biết quy y,
Lại lòng hỉ xả từ bi đến giờ.
Xem tiên phả(23) kiếp xưa mới tỏ,
70. Tra nội tràng hậu quả càng tròn.
Còn trời còn nước còn non,
Quốc ân còn vựng(24) tiên hồn còn thiêng.
(Trích từ Viện nghiên cứu Hán Nôm -Lương Thị Thu)
Chú thích:
Kiều Oánh Mậu (1853 – 1912), còn có tên là Kiều Cung, hiệu là Giá Sơn, người làng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội. Ông dự khoa thi năm Canh Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880), đỗ Phó bảng, được bổ làm Tri phủ. Ông rất quan tâm đến nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, từng khảo cứu, chú giải đề tựa, xuất bản nhiều tác phẩm như: Truyện Kiều, Bản triều bạn nghịch liệt tuyện, Tỳ bà quốc âm tân truyện, Hương Sơn Quán thế âm chân kinh tân dịch…
Thiên Hựu: niên hiệu vua Lê Anh Tông, đặt năm Đinh Tị (1557). Các sách chép về sự tích công chúa Liễu Hạnh ghi nhận bà thác sinh vào dòng họ Trần ở Vụ Bản, Nam Định.
Đốc sinh: sinh ra
Hiển thần: hiện ra làm thần. Ở đây nói việc Công chúa Liễu Hạnh hiện ra làm thần ở Sòng Sơn và Phố Cát.
Thượng khuyết: cung điện của Thượng giới.
Ý cả câu nói đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh có khi của cả chung làng xã, có khi là của riêng gia đình.
Cầu tự chiêu tài: cầu xin sinh được con trai nối dõi và nhiều tiền của.
Nhương tai: trừ bỏ tai họa.
Khu quái trừ yêu: diệt trừ yêu quái.
Chúc thệ cầu siêu: xin được siêu thoát.
Tiến yết: xin được yết kiến.
Cơ huyền: cơ trời huyền bí.
Hiển thị: hiện ra bảo cho biết.
Nho tự: chữ Nho.
Ba Dọi: tức đèo Tam Điệp, nay thuộc thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình.
Kiệu tàn: kiệu rước và tàn tán một dạng khác của ô lọng dùng để che và rước lễ.
Thể huyền diệu: dáng vẻ kỳ diệu.
Tai họ: lấy ý từ câu sáng tai họ điếc tai làng, ý chỉ người chỉ tư lợi lo việc riêng, không để ý đến việc chung.
Ngu ngoan: ngu dốt, ngang ngạnh.
Gọng giương ngựa ký: nói việc con bọ ngựa giơ gọng lên chống lại con ngựa khỏe. Ý nói không chống lại được.
Linh bí: huyền bí linh dị.
Phương sĩ: thuật sĩ địa phương.
Tiên phả: sách ghi chép sự tích chư tiên.
Quốc ân còn vựng: ơn nước còn thấy ghi chép lại./.
Page: CHẦU VĂN VIỆT NAM