ÁO NHẬT BÌNH – VẺ ĐẸP CUNG CÁCH HUẾ < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Dân gian Việt Nam Văn hóa Dân gian

ÁO NHẬT BÌNH – VẺ ĐẸP CUNG CÁCH HUẾ

Triều Nguyễn có những quy định khác biệt về trang phục cho các giai tầng trong xã hội, dựa trên các tiêu chí: chất liệu vải, màu sắc, cách may, họa tiết trang trí, thậm chí cả số lượng y phục dành cho từng hạng người cũng có những quy định rất chặt chẽ.

Theo “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ” thì áo Nhật Bình được quy định là thường phục cho Hậu Phi, Công chúa triều Nguyễn dùng trong các nghi lễ trang trọng quy mô không quá lớn. Còn đối với các Phi tần, Nữ quan và Mệnh phụ thì đây là triều phục cao quý nhất.

Áo Nhật Bình có nguồn gốc từ áo Đối Khâm Phi Phong đời Minh là dạng áo Đối Khâm (cũng có thể gọi là trực lĩnh), được cài lại ở trước ngực bởi một nút thắt, đính thêm một miếng trang trí hình ngọc. Do hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực người mặc, nên áo này gọi là áo Nhật Bình.

Khắp thân áo trang trí theo thể thức hoa văn chính là dạng hình tròn khép kín, rải rác khắp áo đan xen với các hình phượng múa, hoa lá đính thêm các hạt tuyến lấp lánh. Ở tay áo đặc biệt có dải màu ngũ hành: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ. Tuy nhiên quy chế tay dãy màu này lại không áp dụng trên loại áo Nhật Bình của bậc Hậu.

Màu áo của bậc Hậu đều là màu vàng chính sắc, đôi khi là màu cam; còn bậc Công chúa đều là màu đỏ chính sắc, bậc Phi tần nhị giai là màu xích đào, bậc Tam giai là màu tím chính sắc và bậc Tứ giai là màu tím nhạt, bậc phi tần thấp hơn không có quy định trang phục này. Màu sắc áo của các mệnh phụ quy định dựa vào phẩm cấp của chồng. Bậc Nữ quan có trang phục đơn giản hơn hẳn, gần với áo Phi Phong nguyên mẫu nhất.

Vào thời Gia Long và Minh Mạng, quy chế còn đủ đầy, áo Nhật Bình thường phối với một bộ Xiêm y màu tuyết bạch, đội mũ Phượng tùy thứ bậc. Tuy nhiên về sau, nhất là từ thời Đồng Khánh trở đi, trang phục này thường phối với quần ống trắng và vấn khăn vành to bảng, cho thấy quy chế thời kì cuối nhìn chung ở cung đình đã tối giản hơn hẳn.

Sau khi thời Nguyễn kết thúc, bộ áo này trở thành bộ áo trang trọng của giới quý tộc được mặc vào một số dịp lễ và nhất là ngày cưới.

Trong thời đại hội nhập, phong cách thời trang của giới trẻ dần “sính ngoại”. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng là những năm gần đây họ bắt đầu háo hức trở lại với cổ phục, tìm lại những nét văn hóa truyền thống Việt Nam thời xưa. Áo Nhật Bình trở thành cơn sốt cố phục Việt “sang chảnh” của giới trẻ. Bởi áo Nhật Bình làm toát lên vẻ đẹp đài các, quý phái và mang cung cách như các bậc mẫu nghi thời phong kiến.

Nhiều nhà thiết kế Việt cũng bắt đầu đưa áo Nhật Bình vào điện ảnh hay ra các sàn diễn Quốc Tế và cũng đạt nhiều thành công đáng kể. Có thể nhắc đến các bộ phim như Kì Án Cung Diên Thọ, Phượng Khấu, hay các thiết kế trên trường thời trang như Quốc sắc Mẫu Nghi (Miss Universe 2019) của NTK Nguyễn Văn Toàn và mẫu áo Nhật Bình nhung gấm vàng son đại diện Việt Nam tham gia phần thi Best National Costume tại Miss Universe 2020. Với tài năng của mình, các NTK đã kết hợp hài hòa giữa những yếu tố hiện đại với yếu tố truyền thống nhưng vẫn đảm bảo không làm mất đi bản sắc Việt của loại trang phục cao quý này, mà hơn thế còn làm tôn thêm vẻ đẹp cho loại cổ phục này.

· Nguồn bài: Nam văn hội quán

· Tài trợ bởi: X8 GROUP

Bài viết liên quan

Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Cuối Mùa Rơm

7 ĐIỀU DI HUẤN CỦA MỘT THIỀN SƯ

Cuối Mùa Rơm

Tìm lại hương vị bánh khảo cổ truyền xưa

Cuối Mùa Rơm

Bình luận

Để lại Bình luận