Trong kho tàng nghệ thuật tạo hình cổ truyền, điêu khắc tượng đã tạo thành truyền thống trong mỹ thuật, phát triển ở mọi nơi và mọi thời. Tượng thường được làm bằng các chất liệu sau: tượng gỗ, tượng đá, tượng đồng, tượng đất. Trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp viện: “Nghiên cứu phương pháp làm tượng đất cổ truyền” với mục tiêu nghiên cứu các phương pháp làm tượng đất sơn thếp cổ truyền làm cơ sở khoa học phục vụ công tác tu bổ phục chế tượng trong di tích đồng thời xây dựng quy trình ứng dụng phương pháp cổ truyền để tu bổ và phục chế các pho tượng có giá trị lịch sử nghệ thuật. Trước kia việc tạc tượng của ông cha ta không có sự đúc kết thành sách vở mà là truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy việc lưu giữ những quy trình tạc tượng chính là lưu giữ di sản phi vật thể quý báu. Đề tài nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, sưu tầm các kinh nghiệm làm tượng đất cổ truyền tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tây) và tổng hợp được quy trình làm tượng đất sơn thếp cổ truyền. * Công đoạn 1: Chuẩn bị nguyên liệu: - Đất sét: Đất sét xanh để khô có màu trắng, là loại đất không pha cát, độ cứng, độ dẻo và độ mịn cao. - Giấy bản: là loại giấy thường được dùng để viết chữ Hán, có kích thước 20 x 30cm, màu nâu nhạt, mềm và rất dai. Việc sử dụng giấy bản trộn lẫn với đất sét có tác dụng làm cho tượng hạn chế được sự nứt nẻ, tăng độ dẻo mềm, giữ độ ẩm tối đa trong quá trình thoát hơi nước của đất. - Cột tre: Cột tre dùng làm cốt tượng, đóng dấu làm tâm điểm. - Sơn ta: Là loại nhựa lấy trực tiếp từ cây sơn. Sơn ta khô trong hơi ẩm, không khô ngoài nắng. Quá trình khô của sơn là quá trình khâu mạch cacbon tạo thành các polyme – cao phân tử đồng thời các phân tử oxy trong không khí tấn công vào nối đôi tạo liên kết peoxit dẫn đến sơn có những đặc tính là độ bám dính cao, độ bóng cao, không bị hòa tan trong nước, tạo liên kết rắn chắc giữa các phân tử trong đất sét. - Vỏ trấu: Là phần ngoài của hạt thóc, đặc điểm là nhẹ và khô, có tác dụng làm tăng độ khô cứng và dễ thi công của đất. - Dầu trẩu: Chiết suất từ hạt trẩu, thành phần chủ yếu trong dầu trẩu là các axit hữu cơ không no có số nguyên tử cacbon trong khoảng C¬15 – C17. Dầu trẩu được xếp vào nhóm dầu khô tức là khô trong điều kiện không khí ẩm. Đó là quá trình các phân tử oxy trong không khí tấn công vào nối đôi tạo điều kiện liên kết peoxit. Đồng thời nhóm cacboxyl (- COOH) trong dầu trẩu tác dụng với các muối tan trong đất tạo ra các muối không tan làm cho tính rắn chắc của đất tăng. Đặc điểm của dầu trẩu là mau khô, độ bóng cao, độ bám dính cao. - Chất tạo màu: Sử dụng các chất như bột đá trắng thành phần chính là CaCO3, MgCO3, nhọ nồi thành phần chính là Cacbon (C), bột đá đỏ thành phần chính là các oxit sắt III và các hidroxit sắt III, bột gạch non để trang trí phần ngoài của tượng. - Dầu hỏa: là các Hidrocacbon mạch dài, được điều chế từ phương pháp cracking, refocming phân loại thấp. - Mùn cưa: mùn gỗ lim được sấy khô ở 40 – 50C trong 1 đến 2 tiếng. - Chất phụ gia: Muối (NaCl), bồ hóng bếp (thành phần chính là C, ngoài ra còn chứa HCHO, HCOOH . . . ) là những chất phụ gia có tác dụng ngăn cản sự phát triển của rêu, nấm, mốc, đồng thời làm tăng độ bóng cho tượng. * Công đoạn 2: Phối trộn nguyên liệu tạo cốt tượng Đất sét về phơi khô có màu trắng, đập nhỏ (đập nhỏ để hút nước tốt) trộn với giấy bản cho vào cối giã đều sao cho nhuyễn, mịn rồi trộn với mùn cưa, vỏ trấu và một lượng nhỏ sơn ta và tiếp tục nhào trộn để tạo thành hỗn hợp đồng nhất. * Công đoạn 3: Tạo cốt tượng Công việc đầu tiên là dựa theo khối tượng định đắp ở tư thế đứng hay ngồi mà dựng tre già ngâm chẻ thành từng thanh buộc bằng rễ si hoặc sợi dứa cho thành hình bộ xương. Sau đó dùng hỗn hợp đất sét đã luyện đắp vào bộ xương cho khô rồi lại tiếp tục đắp những khối lớn, khối phụ và những chi tiết. Xong rồi ủ cho khô dần dần để tránh sự co ngót đột ngột dễ gẫy rạn nứt. Khi tượng cơ bản đã hoàn thành thì gọt, tỉa các chi tiết, đánh bóng các mảng khối. Xong phần tạo cốt rồi, về mặt điêu khắc tác phẩm đó hoàn thành. Sau khi tượng đắp xong phần cốt, để tượng nơi râm mát tránh sự khô quá nhanh. Nếu tượng bị nứt (nứt chân chim hay nứt dặm) xử lý bằng cách lấy một ít đất sét dẻo, mùn cưa và sơn ta trộn lẫn đắp vào chỗ nứt nẻ, sau 5 -7 ngày (tùy theo thời tiết) khi phần cốt khô dùng giấy ráp đánh nhẵn bề mặt phần cốt. * Công đoạn 4: Tạo lớp phủ Phải tuân theo quy trình lớp phủ một cách chặt chẽ như sau: - Lớp bó: là lớp đầu tiên gồm sơn ta và đất sét, sau 2-3 ngày dùng giấy ráp đánh bóng lớp bó. - Lớp hom: Lớp hom gồm sơn ta và đất sét tạo độ nhẵn và mịn cho tượng, 2 -3 ngày dùng giấy ráp đánh bóng lớp sơn hom. - Lớp lót: Sau lớp hom quét tiếp lớp lót chỉ gồm sơn ta hòa loãng bằng dầu hỏa mục đích là tạo sự liên kết rắn chắc, lớp này được quét 2 – 3 lần để đảm bảo độ dày cho tượng. - Lớp thí: Dùng sơn ta trộn với dầu trẩu đánh thật kỹ đạt “độ ngậy” của sơn gọi là sơn cầm, thí một nước sơn cầm có độ bóng cao cho tượng mập lên. - Lớp cầm: Sau khi đã hoàn thành lớp thí, quét một lớp gồm sơn ta và dầu trẩu, chất phụ gia, khi độ khô vừa phải thì dán bạc vào. - Lớp Phủ : sau khi đã thếp bạc , lau nhẹ thật sạch bằng chổi , bút , thép . để khoảng để khoảng 2 ngày để lớp sơn cầm bên trong khô kiệt rồi tiến hành pha sơn phủ Hoàn Kim để làm màu giả vàng . hoặc màu đồng , tùy theo ý của người thợ .
Tượng đất có thể là đất nguyên chất, hoặc phối hợp gỗ và đất. Theo Phan Cẩm Thượng trong cuốn Văn minh vật chất người Việt, khi làm tượng đất người ta đan một cái cốt tre trong đút đầy rơm , rồi trộn đất với giấy, rơm, vôi, mật tùy theo và đắp dần từng lớp. Đến khi đất ngừng co tức là đã ổn định thì rút lõi rơm ra ngoài. Công việc sửa nét, đắp chi tiết đòi hỏi kỹ năng khéo léo, sau đó hom bó bằng vải và sơn sống khiến bề mặt pho tượng giống như một lớp nền làm tranh sơn mài, trên đó có thể sơn son thếp vàng tùy theo. Kiểu tượng phối hợp gỗ và đất (trong gỗ ngoài đất phủ sơn) nghĩa là tạc một pho tượng gỗ dạng thô rồi đắp đất trộn sơn lên, sau đó sửa các nét bề mặt. Có thể gặp kiểu chất liệu này ở bộ tượng Kim Cương ở chùa Mía (Sơn Tây, Hà Nội) được làm từ thế kỷ XVIII. Chất liệu làm tượng thường là tùy theo quan niệm địa phương và khả năng kinh tế. Phần lớn những địa phương nghèo đều phải làm tượng bằng đất. Còn những nơi giàu có hơn thì phần lớn các tượng đều làm bằng gỗ hoặc các chất liệu bền vững khác. Tuy nhiên, với những pho tượng quá lớn, nhiều chi tiết rời khỏi thân như tượng Hộ Pháp, Kim Cương thì làm bằng đất sẽ tiện hơn. Ở Sơn Tây có nhiều phường thợ rất giỏi về tượng đất. Xét về tính bền vững thì tuy tượng đất có tuổi thọ cao (như tượng chùa Mía được làm cách nay mấy trăm năm) nhưng khó có thể bằng tượng gỗ, tượng đá hay tượng đồng. Vả lại, ở miền Bắc rất nhiều nơi hay bị ngập lụt, lở sông, phải di chuyển chùa nên tượng đất sẽ gặp khó khăn trong những trường hợp đó. Tôi chưa đi thăm nhiều chùa ở miền Trung, miền Nam nhưng hình như tượng đất hầu như chỉ ở miền Bắc mới có. Có một thực trạng cần báo động là hiện giờ, một số sư từ miền Trung, miền Nam ra trụ trì, hoằng pháp ở miền Bắc, nếu không có vốn kiến thức văn hóa thì rất dễ "tống hết" tượng đất, tượng gỗ mít đi, vì những tượng này thường nhỏ, để thay thế bằng những bức tượng "hoành tráng" hơn. Có nhiều chùa đã xảy ra tình trạng này.