Không khó để nhận ra vai trò của tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của nhân dân. Từ xa xưa, tín ngưỡng đã được coi là “niềm tin tối thượng” của rất nhiều người. Nhưng ngày nay, niềm tin ấy mặc dù có vẻ còn lan rộng hơn, nhưng lại tồn tại nhiều vấn đề khiến các cấp quản lý, các nhà nghiên cứu và những ai đang thực hành tín ngưỡng đúng nghĩa ngày một lo lắng hơn. Tín ngưỡng... như “bạn” Nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm tín ngưỡng Việt Nam mất một lúc lâu trước khi trả lời câu hỏi về việc, vì sao hiện nay, những thanh đồng trẻ, không “căn số”, không phải là “con nhà Thánh” lại cứ đua nhau ra làm đồng, hầu đồng. “Người ta tìm đến tín ngưỡng, giờ không chỉ đơn thuần như các cụ nhà ta ngày xưa có ‘căn đồng số lính’ nữa mà đôi khi là tìm nơi… nương tựa.”, ông Thịnh trả lời. Đặt ra câu hỏi về thắc mắc này, ông Thịnh chậm rãi hơn: “Áp lực, trầm cảm, sự cô đơn khiến con người muốn tìm ra một nơi trú ngụ an toàn, một nơi khiến người ta cảm thấy thoải mái hơn, ít bị phán xét hơn và quan trọng là nơi này tồn tại quá nhiều câu hỏi cần giải đáp để giúp họ cũng trở nên bí ẩn, một số người thích sự bí ẩn, thích người khác tìm hiểu về mình nên tìm tới tín ngưỡng. Điều này giờ bạn có thể nhận thấy ở lớp trẻ là nhiều…” Tìm hiểu, trò chuyện với nhiều thanh đồng mới chỉ mười tám, hăm mươi, có những “đồng” chỉ sinh năm 1998, thậm chí là 2000 tâm sự: Họ bươn chải với đời rất sớm, 15 tuổi đã lên Hà Nội tìm công việc và mưu sinh. Lắm lúc thấy mình lạc lõng quá, khi ấy lại có niềm tin tuyệt đối vào thần thánh, các thế lực siêu nhiên nên tới đền, tới phủ, tới chùa để tìm niềm tin. Không hiểu từ lúc nào mà “vướng duyên Thánh”, làm “con nhà Thánh”…. Có thanh đồng thì kể: “Em đồng tính, em thích được sống với đúng giới tính của mình, được sắm vai nữ hay thích sự đồng bóng nên ra xin cửa Thánh hầu đồng.” Sự thật là có rất nhiều “tâm hồn lạc lõng” muốn cầu cạnh “cửa Thánh” để được che giấu đi điều gì đó, hay được vùng vẫy với nhu cầu của mình, cũng là sống đúng với giới tính trong thế giới tâm linh bí ẩn. Thậm chí, khi phải mất cả tháng trời tiếp cận với nhân vật là một “đồng cậu” có niềm tin mãnh liệt với tín ngưỡng, người này mới chịu tiết lộ: “Mình trước làm công chức nhà nước, của ăn của để cũng nhiều, nhưng thành thật là để có nhiều thế cũng phải nhận từ “cửa trước cửa sau”, cũng lầm lỗi với vị trí… Giờ mình ra hầu Thánh mong được xá tội, được lấy tiền của phục vụ cho Thánh…” Qua thực tế này, thấy rằng tín ngưỡng ngoài giá trị tâm linh, văn hóa nó còn phản ánh cả mặt trái xã hội, tồn dư của những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc. Nhiều người tìm đến tín ngưỡng, như tìm đến một “người bạn” để an tâm với sự kín đáo, bí ẩn của tín ngưỡng, có người lại vì mê tín dị đoan mà “bất đắc dĩ” làm bạn với tín ngưỡng, có người lại vì tham ô, nhũng nhiễu mà lấy “cửa Thánh” ra làm nơi “rửa tiền”, lại cũng có người muốn sống đúng giới tính thì tới với tín ngưỡng… Nghĩ “bạn cũng như mình” Còn nhớ vào tiết Vu Lan báo hiếu năm nay, dịp lễ mang nhiều tầng ý nghĩa cả về tâm linh và nhân văn tốt đẹp, ở chùa Quán sứ, cảnh tượng dẫm đạp, xô đẩy nhau để mong xin một ít “lộc Thánh” dấy lên những tranh cãi. Mặc dù chuyện lễ hội, chuyện cướp, chuyện xin, chuyện phong tục rần rần từ rất lâu rồi nhưng chính vì chúng ta phải luôn cần tín ngưỡng trong đời sống, muốn làm “bạn với tín ngưỡng” mà càng ngày tự ý làm “bóp nghẹt” giá trị thực của tín ngưỡng, nghĩ “bạn cũng như mình”. GS Ngô Đức Thịnh, kể: “Ngày còn bé, tôi được đi theo bà, theo mẹ tới đền phủ xem hầu đồng, thời bấy giờ người ta chỉ có mỗi chiếc khăn đỏ trùm đầu về trang phục, còn lộc thì chỉ dăm ba quả táo ta bằng đầu ngón tay. Giờ thì khác, quần áo hầu đồng lộng lẫy, đắt đỏ, đồ lễ thì sa hoa, vàng mã lên tới chục triệu, thậm chí là trăm triệu. Nghi lễ, cách thức hiểu về hầu đồng cũng biến tướng, xê dịch cái chân – thiện – mỹ”. Nói thêm về thực trạng này, GS Thịnh nhấn mạnh việc cướp lộc, xin lộc Thánh là khó tránh khỏi, đây là quan niệm của khá nhiều người về thứ lộc được lấy tại chùa, đền, phủ hay ở các lễ hội dân gian truyền thống ở mỗi địa phương. Đây là việc hiện đang là tâm điểm lớn nhất ở các hoạt động tín ngưỡng, nhất là hầu đồng, lễ hội,… Phải chăng, vì tâm lý này mà rất nhiều nghi lễ, phong tục bị lên án!? Có những người đi dự lễ hầu đồng thì ngất xỉu, ngạt cả thở để tranh lộc Thánh, có người thì vì lộc Thánh mà đánh nhau đến chảy máu, mất mạng… ở lễ hội. Có kẻ mê tín thì cúng tràn lan lễ vật, lấy tiền của đánh đồng với lòng thành, có kẻ lại lợi dụng vào tín ngưỡng để gây chia rẽ,… Rõ ràng, ngoài là tín ngưỡng, những phong tục, tập quán, nghi lễ còn giống như phản chiếu xã hội, phản ánh tính đấu tranh cả ở những nơi mà con người nhất tâm nhất nguyện là linh thiêng, là cao cả nhất!?. Tính đấu tranh, hơn thiệt, nhiều ít là bản tính của cá nhân, dù có đứng ở nơi mang tính tập thể, chỉ cần vài suy nghĩ giống nhau thì ắt cả một tập thể giống nhau. Cái đông cũng là bản thể của xã hội, là một khía cạnh nhỏ để tín ngưỡng tồn tại. Ngược lại, tín ngưỡng cũng có thể làm bùng nổ số đông. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa cho rằng tại không gian nghi lễ, lễ hội, con người ta vừa được tỏ lòng thành kính với đối tượng được cử lễ, vừa được vui chơi và ăn uống những thứ mà ngày thường không có… Vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là “ăn những thứ ngày thường không có”, hiểu theo cách khác từ câu nói của nhà nghiên cứu Nguyễn Hòa, thì thực tế, hiện nay rất nhiều người đang nghĩ về cái gọi là “một miếng lộc thánh bằng cả một gánh lộc trần”, từ những thứ ngày thường vẫn hay ăn, hay sử dụng mà qua cửa đền phủ, chùa lại được “phức tạp hóa” lên nhiều lần để từ đó nảy sinh ra “cướp lộc” diễn ra thường niên ở hàng ngàn lễ hội của đất nước. Bên cạnh đó, suy nghĩ “trần sao âm vậy” ám ảnh nhiều người thích “khoa trương, màu mè”, trong thời buổi hiện đại, thần thánh còn được cúng ô tô máy bay, được đút lót, thì giá trị nhân văn, cái gọi là nhất tâm nhất nguyện nhất ứng ít nhiều bị lãng quên. Chưa luận bàn đến những phong tục từng vùng miền, hiện nay, việc “thị trường hóa, kinh doanh hóa” tín ngưỡng, đa số người dân hay cả các cấp quản lý địa phương nghĩ tín ngưỡng là nơi kiếm tiền, lấy suy nghĩ thời thị áp chế vào một giá trị cổ, khiến cho phong tục đôi khi bị bóp nghẹt, lệch lạc, chết yểu trong chính cái bản thể đã cất giữ ngàn năm. Điều này đáng ra nên là luận điểm được chú trọng nhất với các nhà quản lý văn hóa, chứ không chỉ chăm chăm nghĩ đến việc “làm chủ” lễ hội hay tín lễ của các địa phương. Tín ngưỡng từ dân, thử hỏi, sao có thể lấy một thứ của chung về làm của riêng!? Thiết nghĩ, xã hội càng hiện đại thì càng không thể lấy thời thế để bù đắp lệch lạc cho giá trị tín ngưỡng chỉ mang màu sắc nhân văn, văn hóa. Tín ngưỡng là của chung, mang bản chất tập thể, được xây dựng từ chính cộng đồng, nhưng không vì thế mà chúng ta nên “đánh đồng” tín ngưỡng như mình, để tín ngưỡng mất đi giá trị cốt lõi là: mang tới niềm tin vào cuộc sống, phát huy bản sắc riêng của từng vùng miền chứ không thể là bạo lực, tranh cướp “thái quá”, là “đút lót” hay “xa hoa thần thánh” theo cách của xã hội hiện đại. Nương tựa đúng mực, thực hành đúng cách Sự cầu cạnh vào một giá trị không thực, siêu nhiên để thấy tâm thần ổn định, thoải mái hơn là quyền lợi, là tự do tín ngưỡng đã được quy định trong hiến pháp nhưng hiểu thế nào cho đúng dẫn đến thực hành tốt hơn mới là vấn đề cốt lõi. Trong một lần ngồi trò chuyện với Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, đề cập đến vấn đề “bạo lực, chém giết” trong tín ngưỡng, ông Nguyễn Lân Dũng khẳng định ngay: “Quan trọng là sự hài hòa, người hiểu biết đúng cách nên tuyên truyền, làm cho người chưa hiểu biết rõ, hay cần có cách nhìn “gần gũi”, “dân gian” từ chính nhà quản lý các cấp, điều này tôi nghĩ còn nhiều gian nan nhưng làm được sẽ rất khả quan”. Như vậy, vấn đề làm sao để tín ngưỡng trong tâm trí của nhiều người là nét đẹp, là giá trị truyền thống, nên tin tưởng để làm mình tốt lên, xã hội tốt lên chứ không thể là sự “nương tựa” mù quáng, ích kỷ cá nhân là điều cần phải làm luôn và ngay, cần sự chung tay của các cấp quản lý, của cả người dân. Các cấp quản lý phát huy vai trò là người đồng hành chứ không còn là người “nắm giữ”, người dân với trai trò là người thực hành nhưng cũng cần đứng ở vai trò là người gìn giữ, phát triển sự trong sáng, hài hòa. Còn như hiện nay, sự gắn kết này dường như còn tách bạch, rời rạc, chạy theo quan điểm cá nhân. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hòa từng phát biểu với báo Đại Đoàn Kết: “Hầu như các tôn giáo có giáo lý được xây dựng hệ thống đều coi đạo đức là một yếu tố quan trọng. Nếu chuẩn mực, tiêu chí đạo đức này có khả năng thích nghi với sự vận hành của xã hội hiện đại thì vẫn có giá trị nhất định.” Công Nghĩa