Hoạt động tín ngưỡng dân gian hầu đồng: Ra ngoài không gian tâm linh?

Thảo luận trong 'Tin tức Đạo Mẫu' bắt đầu bởi mantico, 1/1/17.

Lượt xem: 1,240

  1. mantico

    mantico Quản Trị Website

    Giữa không gian ồn ã, nồng nặc mùi rượu mạnh, thuốc lá, ánh đèn ở góc quầy bar đỏ tím, thanh đồng tung khăn gấm, đốt đuốc sáng, múa mồi theo từng nhịp phách, nhịp đàn…

    [​IMG]

    Ảnh minh họa: Đức Bùi

    Các hoạt động tín ngưỡng dân gian nằm trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam như hầu đồng, hát chầu văn là các hoạt động đã có từ lâu đời, gắn bó với đời sống nhân dân và thường được diễn ra trong không gian tâm linh đền, phủ có tính chất linh thiêng.

    Tuy nhiên, thời gian gần đây, hầu đồng, hát chầu văn đã được đưa ra ngoài không gian tâm linh như đền, phủ để đến gần với rộng rãi nhân dân. Hầu đồng ở quán café, hầu đồng ở vỉa hè, thậm chí hầu đồng ở vũ trường... Nhiều ý kiến tranh cãi đưa ra, rằng một nét đẹp về văn hóa truyền thống của dân tộc mà lại được đem ra ngoài không gian tâm linh như thế liệu có còn là nét đẹp văn hóa, có còn giữ được cốt cách truyền thống hay không?

    Muốn được công nhận thì không bó hẹp

    Lý giải về vấn đề này, GS. Ngô Đức Thịnh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: “Bản chất của hầu đồng là mang tính chất tâm linh, tưởng nhớ và ca ngợi công lao của các vị anh hùng dân tộc, các Mẫu và Mẹ thiên nhiên được diễn ra tại không gian có tính linh thiêng như đền, phủ. Tuy nhiên, hầu đồng cũng mang tính nghệ thuật, nó là một hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian. Vì vậy, việc đưa hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh là việc không có gì sai trái.”

    Việc đưa hầu đồng ra ngoài không gian sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh như đền, phủ có thể nói là bước ngoặt trong việc đưa nét văn hóa truyền thống của dân tộc tới rộng rãi nhân dân. Sở dĩ nhiều ý kiến có cái nhìn về việc đưa hầu đồng diễn xướng tại các địa điểm, không gian ngoài đền, phủ là sai trái, không nên vì họ đã quá quen với việc hầu đồng tồn tại trong không gian văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra, trong bối cảnh của xã hội hiện đại và việc Việt Nam đệ trình lên UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu tam tứ phủ của Việt Nam, trong đó có hầu đồng là di sản phi vật thể nhân loại thì việc đưa hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh là việc nên làm.

    Mặt khác, với nhu cầu rất cao về thưởng thức nghệ thuật của công chúng thì việc phổ biến rộng rãi hầu đồng tới người dân bằng cách đưa hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh là một cách tuyên truyền và giúp người dân hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu và các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu. Bàn luận thêm về vấn đề này, GS. Ngô Đức Thịnh nói: “Nếu đưa hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh thì nó sẽ mang tính nghệ thuật cao hơn và nhất định phải để tính nghệ thuật cao hơn. Vì nhân dân tôn trọng tâm linh, nhưng nhân dân cũng đang thưởng thức nghệ thuật, vì vậy, phải làm cho hầu đồng ‘mềm hơn’ trong mắt công chúng, cũng như việc trong nghệ thuật có múa, có hát, thì phải làm cho cái hát, múa ấy mềm dẻo hơn, theo tôi, đấy là cách hiệu quả để nét đẹp văn hóa của dân tộc đến gần hơn với nhân dân.

    Hiện nay, khi được hỏi về hầu đồng hoặc nghi lễ hầu đồng thì ít ai biết và hiểu hết giá trị văn hóa truyền thống và nghi thức của hoạt động tín ngưỡng này, nhất là thế hệ trẻ. Như lời phát biểu của GS.Ngô Đức Thịnh: “Muốn UNESCO công nhận thì dân mình phải công nhận đã.” Chính vì vậy, để giúp người dân hiểu hơn về hoạt động tín ngưỡng hầu đồng cùng giá trị, nghi thức của hầu đồng thì việc để hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh là việc nên làm.

    [​IMG]

    GS. Ngô Đức Thịnh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam,
    Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam


    Lấy dân làm gốc

    Bản chất của hầu đồng là mang tính chất cộng đồng, vì vậy, việc đưa hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh và tăng thêm tính nghệ thuật cho hoạt động tín ngưỡng dân gian này nhằm phục vụ việc phổ biến rộng rãi tới công chúng là một trong những bước manh nha đầu tiên mà các cấp quản lí và các nhà nghiên cứu văn hóa đang thực hiện.

    Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: “Muốn hầu đồng được bảo tồn thì cần lấy dân làm gốc. Vì đem hầu đồng ra khỏi không gian tâm linh là muốn được phổ biến rộng rãi cho nhân dân, để nhân dân công nhận và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Thế nên, dân mới là cốt lõi việc bảo tồn di sản cho nhân loại”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

    Hiện nay, việc để hầu đồng đến gần hơn với công chúng nhân dân là cách hiệu quả để giữ gìn và bảo tồn di sản cho dân tộc. Vì vậy, hoạt động tín ngưỡng dân gian hầu đồng đã được diễn ra tại nhiều địa điểm, nhiều không gian.

    “Trong một chuyến công tác và giới thiệu văn hóa tới nước ngoài, chúng tôi đã có buổi hầu đồng tại chính vỉa hè và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân các nước. Hay trong một lần diễn xướng hầu đồng tại nước ngoài, hệ thống âm thanh của chúng tôi bị trục trặc kĩ thuật, vì vậy giá hầu không có nhạc, mà hầu đồng nếu không có âm nhạc truyền thống là hát văn thì không thể thực hiện được. Ngay lúc ấy, tất cả khán giả trong hội trường đã đứng dậy vỗ tay theo nhịp để giá hầu có thể tiếp tục. Hình thức vỗ tay cũng chính là biểu trưng cho sự đoàn kết, tán thưởng của nhân dân đối với hầu đồng. Vì vậy mà hầu đồng muốn được công nhận phải được nhân dân hưởng ứng, đón nhận một cách tự nguyện, rộng rãi.” – ông Thịnh kể.

    Hầu đồng không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng dân gian mà còn tồn tại tính nghệ thuật, mà là nghệ thuật vị nhân sinh. Vì vậy, việc đề cao tính nhân dân, lấy bản gốc là nhân dân để phổ rộng hoạt động tín ngưỡng hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh là vấn đề cốt lõi.

    Ra ngoài không gian tâm linh thì phải thế nào?

    Phát biểu tại buổi Tọa đàm về quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền, phủ Hà Nội, hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2014, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Đã liên quan đến phương diện tâm linh, chúng ta cần giữ cho nghiêm những lề thói, quy chuẩn của cha ông.”

    Cùng quan điểm với GS Tô Ngọc Thanh, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Việc đưa hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh đền phủ phải có kế hoạch và giữ được hồn cốt truyền thống. Ở những không gian không phải đền, phủ, hầu đồng mang tính nghệ thuật cao, tuy nhiên vẫn phải giữ được cách thức và nghi lễ truyền thống, có chừng mực và đảm bảo hồn cốt của hầu đồng. Như thế mới có sức ảnh hưởng tới nhân dân, được người dân đón nhận và giữ được nét nguyên bản.”

    Hiện nay, việc quản lý các hoạt động tín ngưỡng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam tứ Phủ của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề quản lý làm sao để hầu đồng dù có ra ngoài không gian đền phủ hay trong không gian đền phủ phải giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống và tâm linh là vấn đề cấp thiết mà các cấp quản lý đang thực hiện. Tuy nhiên, việc có nhiều cá nhân, tổ chức, lợi dụng vào hầu đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu để làm việc xấu, làm biến tướng đi nét đẹp văn hóa truyền thống cũng làm cho hầu đồng bị hiểu sai lệch bản chất thành mê tín dị đoan. Ngoài ra, việc không nhất quán trong cách thức và nghi thức hầu đồng, từ trang phục, cách bày trí vật phẩm hay sự hoang phí khi đốt mã,..v.v cũng là những vấn đề cần được xem xét và khắc phục.

    “Chúng ta cần đưa những người hoạt động tâm linh trong sinh hoạt tín ngưỡng hầu đồng vào quỹ đạo, tức là đi theo hành lang đúng đắn để họ hiểu và biết về giá trị của hầu đồng. Thực tế, hơn 70% các thanh đồng không có hiểu biết về hầu đồng và Đạo Mẫu, chính điều này đã dẫn đến sự biến tướng, sai lệch về hầu đồng. Chúng ta phải làm việc, trao đổi với những thủ nhang, đồng đền, vì họ là người quản lý các khu tâm linh đền phủ, để họ đặt ra quy định về tiết kiệm vàng mã, không sử dụng vàng mã tràn lan, đua đòi mà chỉ dùng để tỏ lòng thành kính, lấy cái tâm làm gốc. Tác động phải tác động từ chủ thể hoạt động trong tín ngưỡng văn hóa, tác động từ nhân dân, lấy dân là mục đích để bảo tồn di sản, vì suy cho cùng, di sản là của dân, không của riêng ai.” GS. Ngô Đức Thịnh bày tỏ quan điểm.

    Việt Nam đã đệ trình lên UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ, trong đó có hoạt động tín ngưỡng hầu đồng là di sản phi vật thể của nhân loại. Vì vậy, việc tuyên truyền nét đẹp văn hóa này cần phải phổ biến đến đông đảo người dân, đưa hầu đồng ra ngoài không gian tâm linh nhưng vẫn giữ nguyên tắc chuẩn mực và hồn cốt bản thể của hoạt động tín ngưỡng dân gian này là vấn đề cấp thiết mà các cấp quản lý và nhiều cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động tín ngưỡng phải nghiêm túc thực hiện.

    Công Nghĩa
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này