Đức Vua Bà là tên thần hiệu sùng kính mà dân gian vùng Yên Phụ thường tôn xưng. Còn tên thật và sự tích của Vua Bà không mấy người rõ. Duy chỉ thấy sắc phong, mỹ từ được chép trong Hương ước của Tứ Yên: (Yên Phụ, Yên Hậu, Yên Tân, Yên Vĩ) như sau: "Phương Dung trinh liệt, Nhân hiếu từ thuận đoan trang, Trinh tiết u nhàn, Khoan hoà ý đức, Thuận tắc thận hạnh, Khắc cẩn ôn hoà, Gia huệ cẩn tiết, Hậu đức chí nhân, Phổ tế trinh thục, Tuy lộc diên tường, Thuần nhất huy nhu, Diên phúc long khánh, Túc nghi gia phạm, Hồng từ thục chất, Trinh thuận hiển linh, Huy gia trinh nhất - Ngọc chất nương Hậu phi Phu nhân Đại vương". Tên thật của thần là Ma Nương (bà họ Ma hay Ma Thị ), hiệu là Cao Sơn thần nữ được Thiên đế giao cho cai quản miền núi rừng Tây Bắc nước Việt, một dải núi rừng sông suối là đất đai của Tổ tiên dòng Ma thị để lại cho bà. Nên bà có hiệu là Ma Vương, hễ ai tới đây kiếm củi đốn gỗ đều phải nộp thuế cho bà. Ba anh em nhà họ Nguyễn: Nguyễn Tùng, Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng khi còn khốn khó, cha mẹ (Nguyễn Cao Khang, Nguyễn Cao Hàng, Đinh Thị Điên Phạm Hương Nương) qua đời, ba anh em phải sống cuộc sống côi cút khó khăn. Ngày ngày lên Linh Sơn đốn củi, nhưng lại không có tiền nộp cho bà Ma Vương. Họ bị la mắng, Tùng công bèn kể lể khúc nhôi gia cảnh với bà. Ma Vương nghe kể động lòng yêu mến. Ma Vương bèn nhận họ làm con nuôi. Ma Vương giao cho người em trai của bà là Lôi Công nuôi dưỡng Hiển công và Sùng công, còn mình nuôi Tùng công. Về sau ba anh em Nguyễn rất hiếu thảo với bà Ma Vương. Nhất là sau khi Tùng công được Thái Bạch Tử Vi thiên tướng ban cho gậy thần và lời chú cùng với sách ước đem từ Thuỷ cung trở về, làm được nhiều việc thiện cứu giúp nhân gian, được họ suy tôn là Thần sư. Lại nói, sau bao ngày tháng chu du thiên hạ cứu giúp nhân gian, Thần sư trở về quê nhà ở động Lăng Sương, ngài đem Sách ước ra niệm thần chú bỗng thấy có hàng dẫy lâu đài điện sảnh hiện ra san sát, lại thêm vạn vật kim ngân, chầu ngọc cũng liền hiện ra. Thần sư thưa với Lão bà Ma Vương: "Trong những ngày tháng ấy con được mẹ yêu thương nuôi dưỡng, công đức của mẹ cao rộng như trời biển, đời này kiếp này, con không biết lấy gì báo đáp, con xin thỉnh cầu mẹ về Lăng Sương để con phụng dưỡng". Lão bà thấy con nuôi dốc lòng nhân nghĩa, hiếu thảo thì mừng thầm. Thế rồi bà lấy tất cả của cải ở sơn lâm giao phó cho Thần sư để lo việc thờ cúng hương đăng muôn thuở về sau. Nhân đó làm một bản di chúc để lưu giữ muôn vạn đời tại miếu đường ở Linh Sơn. Sau đó Thần sư ký tên vào chúc thư, bái tạ rồi đưa Lão bà về nhà cùng ở đã được hơn một năm, bà Ma Thị lâm bệnh, bèn gọi Thần sư lại dặn dò: "Sau khi Lão bà chết thì vương (Thần sư) xây Thọ đường lưu để làm miếu đường thờ phụng bà". Thần sư lấy đạo hiếu cúi đầu vái lậy nhận di mệnh. Ngày ấy bà Ma Thị qua đời, Thần sư đều lấy lễ để an táng bà, dựng thần từ đặt Thọ đường ở phía bên trái, bốn mùa hương khói phụng thờ đúng lễ nghi, đến nay vẫn còn. Người đời sau có lời tán rằng: Cơ đồ gây dựng lớn, Đế nghiệp mãi trường tồn. Dằng dặc mười tám hệ, Trải dài mấy ngàn năm. Trùng điệp Tản Viên thánh, Trước mẹ Ma Thị nuôi. Lão bà lâm bệnh chết Để cho chúc thư liền. Lập miếu trên đỉnh núi Đặt Thọ đường kề bên. Đạo lý giữ toàn vẹn Anh hùng vạn đời khen Giang san nguyên một mối Diệu kỳ nhà một hiên Mẹ con đáng yêu lắm Muôn kiếp vẫn thần tiên. Đọc qua đoạn văn chúc thư, ta hiểu rằng Ma Vương thị có mối quan hệ đặc biệt như thế nào với anh em nhà Sơn thần họ Nguyễn. Bởi vậy Ma Vương thị được nhân dân ở nhiều địa phương thờ làm thần làng cùng Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh. Bà Ma Vương không chỉ có nuôi ba anh em nhà họ Nguyễn, mà bà còn là "Bình Nguyên Quân" của rất nhiều nhân vật truyền thuyết khác nữa. Ví như ở làng Thượng Nông, huyện Hưng Hoá, Phú Thọ cũng thờ bà và 5 vị thần khác là con nuôi của bà. Từ đó mà ta biết nguyên do nhân dân Yên Phụ thờ đức Vua Bà Ma Vương là như thế nào rồi.