Đình Mai (Thôn Mai Xá – Hiệp Lực- Ninh Giang – Hải Dương)

Thảo luận trong 'Di tích và Danh thắng' bắt đầu bởi Hành Thiện, 1/2/13.

Lượt xem: 4,486

  1. Hành Thiện

    Hành Thiện Moderator

    NGÔI ĐÌNH Ở THẾ ĐẤT "RỒNG CHẦU"

    Cùng với “cây đa, giếng nước” thì “mái đình” đã gợi ra những hình ảnh gần gũi, thân thương, và quen thuộc tạo thành một nét biểu trưng của miền quê Việt từ bao đời. Từ khi ra đời, đình làng luôn gắn với vai trò là một thiết chế văn hóa – tín ngưỡng tổng hợp. Ngôi đình Việt trong khuôn viên cái làng của người việt luôn là bộ mặt của làng. Trải qua những năm tháng đầy biến cố, với sự hủy hoại của thời gian, một số lượng lớn ngôi đình vẫn được bảo lưu và tồn tại, trong số đó có đình làng Mai (Thôn Mai Xá – Hiệp Lực- Ninh Giang – Hải Dương).

    Đình Mai nằm ngay sát trên tuyến đường liên huyện nối hai huyện Ninh Giang và Thanh Miện của tỉnh Hải Dương. Căn cứ vào tấm bia “Lê triều vạn vạn tuế, trịnh chúa vạn vạn niên, lưu truyền vạn vạn đại, lập miếu đình bi ký” hiện còn lưu giữ tại di tích thì đình được dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) tại xã Lực Đáp, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Đồng, trấn Hải Dương. Và được trùng tu lớn nhất vào năm Thành Thái – Quý Mão (1903).

    [​IMG]
    Đình Mai (Thôn Mai Xá - Hiệp Lực - Ninh Giang - Hải Dương)​

    Đình Mai nổi tiếng là to và đẹp trong vùng; ở Xã Hiệp lực có 5 làng, xưa kia mỗi làng đều có một mái đình trong đó đình Mai là ngôi đình to và đẹp nhất, chính vì thế mà đình Mai vẫn hay được người đời gọi là Đình Cả. Cụ Đào Thị Thùy 73 tuổi, người có nhiều kỷ niệm với ngôi đình kể lại : “Ngày ấy đình làng là nơi họp bàn của cả làng, đồng thời cũng là nơi vui chơi giải trí của cả làng, mấy đứa con gái tụi tôi hay tụ tập nhau ở sàn đình (nay sàn đình đã bị dỡ bỏ) để chơi đánh chuyền.

    Đình được xây dựng theo lối chữ Đinh truyền thống gồm có năm gian Đại Bái và ba gian Hậu Cung với quy mô khá lớn, xung quanh có nhiều ao hồ, phía trước là giếng bán nguyệt. Từ ngoài nhìn vào tòa đại bái gồm 5 gian lợp ngói mũi kiểu “vỏ sò” (loại vật liệu phổ biến vào đầu thời Nguyễn – Thế Kỷ XIX). Bờ nóc soi khép chạy suốt, hai đầu hồi đắp kìm nóc được cách điệu gối thân trên đấu vuông rêu phong cổ kính. Hệ thống đao mái uốn cong được đắp hình tượng tứ linh “Long, Ly, Quy, Phượng” xen kẽ góc chối của bờ mái còn được các nghệ nhân thể hiện hình tượng nghệ thuật múa chầu khá đẹp mắt. Tuy nhiên do năm tháng và chiến tranh tàn phá, các chi tiết điêu khắc nghệ thuật đã bị rụng rời một phần. Trong khi đôi nghê tại góc chối mái trước còn nguyên vẹn thì đôi nghê tại góc chối mái sau đã bị biến dạng hoàn toàn.

    [​IMG]
    Một con nghê còn tương đối nguyên vẹn bên góc chồi (khúc nguỷnh) phía trước​

    Kết cấu ngôi đình gồm toàn bộ hệ thống cột, xà hoành, rui gỗ lim. Liên kết ngang gồm bốn bộ vì chính theo kiểu “giá chiêng”, lòng mái mở theo thức: “Thượng Tư, Hạ Ngũ” trên cơ sở “Con chồng, đấu sen”, được chạm khắc tinh xảo. Liên kết dọc gồm hệ thống xà, hoành được bào soi “vỏ măng” nối liền các bộ vì thông qua các “mộng mang cá”. Hai gian dĩ được hạ khoảng bằng bộ “xà đùi” gối đỡ “trụ trốn”, tại đây kết cấu kiến trúc cũng được thể hiện theo lối “con chồng, đấu sen” truyền thống. Trang trí nghệ thuật của công trình được thể hiện tại hai bức cốn gian giữa, bốn đôi đầu dư và sáu đầu bẩy phía trước. Đề tài nghệ thuật chính là các hính tượng “tứ linh”, “tứ quý” với nhiều bố cục khác nhau.

    [​IMG]
    Một trong hai bức cốn, trạm khắc hình rồng tinh xảo.

    [​IMG]
    Đầu dư trạm khắc hình rồng tinh xảo​

    Hậu cung đã bị dỡ bỏ từ năm 1965, theo như một số tài liệu ghi chép và điều tra hồi cố thì: "Năm 1965, thực hiện chủ trương “bài trừ mê tín dị đoan” của huyện đình đã bị xã cho giải hạ Hậu cung lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi trong xã, còn đại bái trở thành nơi họp bàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của xã, rồi nhà kho của hợp tác xã cho đến mãi những năm gần đây đình mới được trả lại cho nhân dân thờ cúng theo đúng mục đích xây dựng..." Hiện nay hậu cung đã được dân làng phục dựng lại, tuy nhiên bị "bê tông hóa" gần như là hoàn toàn (từ cột, kèo, hoa văn đều được làm theo kiểu bê tông giả gỗ) vì vậy kiến trúc khá khô cứng, mất vẻ thanh thoát và không ăn nhập với tòa Đại Bái.

    [​IMG]
    Hậu cung mới được phục dựng​

    Trước mặt đình là một ao bán nguyệt, theo lời cụ Đào Thị Thùy kể lại thì "xưa kia ao đình rông lắm, kéo dài ra mãi tận chân đê" (đê bao chống lũ trong hệ thống sông Luộc hay còn có tên khác là sông Phú Nông). Trong ao có hai mô đất nhô lên ở hai bên tả, hữu rất đều nhau dân làng hay gọi là hai mắt rồng; chính vì thế dân làng còn gọi ao đình là “ao rồng” vì nó giống con rồng chầu về phía cửa đình. Cô Đào Thị Hương người có nhiều kỉ niệm với ao đình kể lại: "ngày xưa lúc cô còn bé hai mắt rồng có nhiều chuối mọc lắm, khi đến ngày chuối chín, mấy đứa tụi cô tuy đói lắm, nhưng chẳng đứa nào dám hái chuối chín trong đấy ăn cả vì đứa nào cũng sợ rắn rết và đặc biệt là ...sự huyền bí ở trong đó". Tuy nhiên theo thời gian ao đình đã bị người dân lấn chiếm rồi lấp đi gần hết. Hai bên mắt rồng vốn được cho là linh thiêng và huyền bí kia cũng đã bị tàn phá gần như là toàn bộ, một bên mắt rồng đã bị san bằng, mất dấu tích, mặc dù đã từng được người dân đắp lại nhưng vô ích, cứ đắp được vài ngày là lại bị lở và mất dấu (cụ Đào Thị Thùy cho hay). Một bên mắt còn lại cũng chỉ còn là một phế tích hiện nằm dưới gốc 1 cây vải, và bị che phủ xung quang bởi các nhà cao tầng.

    [​IMG]
    Ao rồng chầu về hướng cửa đình

    [​IMG]
    Phế tích của 1 bên mắt rồng​

    Đình Mai Xá là nơi thờ tứ vị tôn thần gồm: Ông Thinh, Ông Linh, Phúc Chính, và Đào Từ Nhân. Trong đó, ông Thinh, ông Linh là Thiên Thần, Phúc Chính và Đào Từ Nhân là nhân thần được thờ theo tín ngưỡng dân gian từ lâu đời của nhân dân địa phương. Ngoài ra, trong đình còn thờ tượng một cô tiên, thân hình cân đối, đẹp mắt, hai tay gắn gắn liền với hai cánh chim dang rộng trong tư thế bay từ trên cao hạ xuống, tên là “Tiên Sa”. Sự tích về nàng “Tiên Sa” được dân làng truyền tụng: “Mai Xá xưa có nhiều phụ nữ xinh đẹp, không ít quan lại trong triều đình đã về làng chọn vợ. Vào một đêm có anh thư sinh người làng Mai Xá mơ thấy có một nàng tiên Sa xuống cánh đồng làng mình. Tỉnh giấc, không kìm được cảm xúc và khát khao, anh thư sinh đã tự vẽ hình cô tiên và thuê thợ giỏi khắc thành tượng, sơn son thếp vàng. Sau thấy tượng cô Tiên xinh đẹp dân làng đã rước vào đình để thờ”.

    [​IMG]
    Tượng cô tiên trên vì kèo đình.​

    Cũng như thân phận của mái đình, tượng cô tiên cũng đã từng phải chịu cảnh "long đong" nay đây mai đó, với thời gian tượng của cô bị rước đi hết từ nơi này đến nơi khác, mãi đến tận năm 2002 thì tượng cô mới được đưa ở thờ đúng vị trí cũ là gian đầu tiên tòa đại bái đình làng.

    Xưa kia lễ hội đình làng Mai được tổ chức từ ngày 10 – 15/11 âm lịch hằng năm. Lịch trình tổ chức lễ hội được quy định khá chặt chẽ, ngay từ đêm 9/11 âm lịch làng đã tổ chức “lễ vũ dội” (Bao sái đồ thờ). Tham gia sửa lễ gồm những “Ông Nhất” (tuổi từ 53 trở lên) và những chức dịch trong làng. Công việc được tiến hành cẩn trọng và trang nghiêm, sau khi dâng lễ xong mới được thực hiện. Thời gian diễn ra khoảng 1 giờ là hoàn tất. Sáng ngày 10/11, dân làng tập trung tại đình. Hội đồng kỳ mục tổ chức cắt cử người tiến hành tế lễ. Đội tế thường có từ 12 -14 người, chủ tế do phó lý tham gia. Lễ vật gồm: “Hương, hoa, oản, rượu" được bày đặt chu đáo trên điểm lễ. Thời gian lễ diễn ra từ 2 – 3 giờ. Đến tối làng tổ chức hát chèo tại sân đình, thu hút đông đảo nam phụ, lão ấu tham dự. Thực hiện hát chèo do những đào kép là người địa phương. Vào những năm “Phong đăng, đào cốc” làng mới cho mời đào kép của làng bên tham gia. Từ ngày 12 – 14/11 làng cho mở cửa đình để mọi người dân đến lễ bái mà không tổ chức tế. Đến ngày 15/11 nhân dân ra lễ tạ thành hoàng và kết thúc lễ hội. Để tránh tên Hém/Húy (tên chính của thành hoàng) nhân dân địa phương có lệ nói hoặc viết: ông “Thình” thành ông “Thuông”, ông “Linh” thành ông “Lanh”. Sau cách mạng tháng 8/1945, do nhiều nguyên nhân mà lễ hội truyền thống của xưa không được tổ chức, một số tập tục liên quan “hèm/húy” cũng được loại bỏ.

    [​IMG]
    Kiệu rước cổ hiện còn lưu giữ tại đình​

    Ngày nay, lễ hội đình làng Mai Xá đã được phục hồi nhưng tiếp thu nhiều yếu tố mới, phù hợp với đời sống nhân dân hiện nay.

    Huế mùa xuân năm 2012

    Vương Nguyễn

    Nguồn
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này